#ThươngThân - Uy Lê: Tiếng cười mà ta có với nhau chính là sự thấu cảm

Người ta hay nói, “thương người như thể thương thân" - tức 2 vế đó nên được đặt ngang hàng. Nhưng mình lại thấy ta cứ mải nhắc nhau “thương người” mà quên mất “thương thân”.
Mai Chi
12/09/2022
#ThươngThân - Uy Lê: Tiếng cười mà ta có với nhau chính là sự thấu cảm

Công chúng biết tới Uy Lê khi anh đã đứng giữa ánh hào quang trên những sân khấu hài độc thoại. Và dù đã nghe Uy Lê trình diễn hay chưa, khi nhắc đến cái tên này, người ta vẫn gắn Uy Lê với những danh xưng và hình dung sáng chói. Nhưng ít ai biết Uy Lê ngày nhỏ là một cậu bé rụt rè, lầm lì và tự ti, đến mức muốn chạy trốn khỏi những lời khen, sẵn sàng… cười vào mặt những ai nói lời tỏ tình vì “có khùng mới thích mình”.

Những năm tháng trưởng thành của Uy Lê gắn liền với hành trình chấp nhận và tập yêu lấy bản thân, nhặt nhạnh lại từng mảnh giá trị nội tại mà nhiều năm liền anh gửi gắm ở người ngoài. Hành trình ấy đi cùng với những bài thực hành ghi nhận cảm xúc cá nhân và chăm sóc sức khỏe tinh thần; và may mắn thay, Uy Lê đã tìm ra một nơi chốn để anh an tâm và tự tin bày biện thế giới nội tâm riêng tư của mình ra thế giới, mong tạo ra và tìm thấy sự thấu cảm giữa người với người.

Nếu bạn đang cần sự hỗ trợ về tâm lý, có những suy nghĩ tiêu cực, đang trải qua vướng mắc trong các mối quan hệ, công việc và cuộc sống; hay bạn đang là bạn, là người chăm sóc người đang có khủng hoảng về tâm lý, hãy liên hệ với Đường dây nóng Ngày Mai qua hotline 096 306 1414 để được lắng nghe, chia sẻ và đồng hành. 

Quill CloudTrên hành trình trưởng thành, bài học “khó nuốt" nhất của Uy Lê là gì? 

Đó là bài học yêu bản thân. Đến bây giờ mình mới chỉ học được đâu đó tầm 70%. 

Trái với hình ảnh Uy Lê tự tin trên sân khấu hài độc thoại, mình vốn là đứa tự ti. Một biểu hiện dễ thấy là khi có ai đó khen mình, mình chỉ muốn ngay lập tức… trốn đi nơi khác. Mình thậm chí còn yêu cầu mọi người đừng khen nữa. Mình sẽ cười vô mặt những người tỏ tình với mình, bởi mình nghĩ có khùng mới thích mình. Khi lớn lên, mình thậm chí còn không thể nhận thành công về mình. Nếu được nhận vào công ty tốt, mình nghĩ “chắc người ta cưu mang". Khi nhận được giải thưởng hài độc thoại đầu tiên, mình chặc lưỡi, “chắc mấy người này tội nghiệp mình". 

Sau này mình thành lập Saigon Tếu, và chính những người bạn ở đó - như anh Tùng BT, anh Minh Ti, Phương Nam, Uy Nguyễn hay đạo diễn Hiền Nguyễn - đã tiếp thêm cho mình niềm tin vào chính bản thân. “Uy ơi, mày biết mày giỏi lắm không? Mày đang làm những chuyện không ai làm được đó.” Lúc đó mình mới vỡ ra, ủa khoan, mình cũng… được mà. Mình đâu có vô dụng như mình vốn nghĩ. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của mình, khi mình bắt đầu ghi nhận năng lực nội tại và học cách yêu lấy bản thân. 

Quill Cloud

Ai là người anh thường tìm đến để chia sẻ cảm xúc của mình? 

Thật ra mình thường là đối tượng để bạn bè tìm gặp và chia sẻ cảm xúc. Còn cảm xúc cá nhân, phần nhiều mình tự đối thoại để giải quyết. 

Mình nghĩ bản thân khá mâu thuẫn. Có lúc, mình cũng muốn được nói ra, nhưng cùng lúc, mình biết những điều sắp chia sẻ có phần nặng nề với mọi người. Mình không muốn cảm xúc, câu chuyện của mình khiến người ta nặng nề theo. Nên thường thì những gì mình chia sẻ cho bạn bè đã là phiên bản phiên bản rút gọn sau một quá trình tự làm việc với bản thân. 

Mình thuộc tuýp người sẽ cho bản thân thời gian để tự suy nghĩ, giải quyết cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra. Mình tin rằng khi cảm xúc trong mình đang quá mãnh liệt, dù cảm xúc ấy tích cực hay tiêu cực, mình không nên hành động liền. Bởi ấy sẽ là hành động sai, thường là vậy. 

Nếu một ai đó làm mình giận, mình sẽ không nhắn tin mắng chửi hay đánh nhau với họ ngay tắp lự. Mình sẽ cho bản thân một khoảng thời gian cụ thể để “tiêu hóa" trước. Sau đó, mình mới chia sẻ với người khác, mong tìm được giải pháp nơi họ. Hay nói cách khác, mình đi tìm một góc nhìn khác về sự việc đã xảy ra. Ta thường có xu hướng cá nhân hóa những chuyện xảy ra với ta. “Tại sao chuyện này lại ập lên đầu mình? Tại sao lại là mình chứ không phải ai khác?” Khi quan sát sự việc dưới góc nhìn của người ngoài, đôi khi ta sẽ nhận ra những chuyện không hay có thể xảy đến một cách rất vô tình. 

Quill Cloud

Quá trình tự đối thoại ấy có dễ dàng với anh? 

Nó đang dần dễ dàng hơn, bởi về bản chất, mình vẫn là một người sống thiên về cảm xúc. Nên dù viện lý do lý trí đến đâu, thì cuối cùng cảm xúc vẫn là thứ đóng vai trò quyết định, thậm chí còn chi phối và dẫn dắt hành động của mình. Về sau, mình đặt ra một thời hạn cho bản thân, chẳng hạn như phải nghĩ đủ 24 tiếng mới được quyết định hay hành động. Về sau, thời gian “tiêu hóa" được giảm xuống dần dần, đôi khi mình chỉ cần 12 tiếng, hoặc 8 tiếng. Đó là lúc mình để tất cả những thứ đang cuộn trào bên trong lắng xuống, để lý giải cảm xúc mình đang cảm thấy, và từ đó có những hành động thấu suốt hơn. 

Anh đã bao giờ gặp khó khăn trong việc ghi nhận cảm xúc của mình? 

Mình nghĩ là có. Đôi khi mình không biết mình đang cảm thấy thế nào. Đôi khi trong mình chồng chất quá nhiều cảm xúc khác nhau. Đôi khi mình bị mâu thuẫn và giằng xé giữa 2 niềm tin, 2 tiếng nói vang lên cùng lúc. Và việc ta không thể gọi tên cảm xúc thực sự không hề dễ chịu chút nào. 

Có vẻ như Uy Lê là kiểu người không chỉ nghe để đó, mà anh nghe để hiểu người. Có phải đó là lý do Uy Lê thường xuyên trở thành đối tượng để tâm sự? 

Mình nghĩ vậy, bởi lắng nghe cũng là việc mà mình thích làm. Đó vừa là điều tốt, vừa là một lời nguyền. Mình nhận ra mình có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện của người khác, ưu tiên cảm xúc của họ hơn cảm xúc của mình. Mình chào đón từng lượt người đến xả với mình, và rồi đến cuối ngày, mình cảm giác bản thân như là một cái… thùng rác vậy. 

Mình biết rất nhiều người trong ta coi việc chăm sóc cho bản thân là điều hiển nhiên, còn giúp đỡ người khác là việc quan trọng phải làm. Ta quên mất bản thân mình cũng cần được thấu cảm. Thậm chí, đôi khi điều đó dẫn đến một sự tự vấn có phần độc hại, rằng “tại sao tôi giúp bạn nhiều đến vậy, mà bạn chẳng hề quan tâm tới tôi?” Không, mình giúp người ta vì mình muốn; sao có thể đòi hỏi họ phải có trách nhiệm chăm sóc ngược lại mình. 

Quill Cloud

Có một câu chuyện, hay một biểu hiện cụ thể nào giúp anh nhận ra điều đó hay không? Chẳng hạn, tôi từng trải qua cảm giác bất an, dằn vặt đến mức bụng chộn rộn, đau đến quặn lên; và tôi nhận ra tinh thần mình không hề ổn, rằng có thể tôi đã chăm sóc bản thân sai cách. 

Thứ nhất, mình rất ghét từ “hy sinh". Bởi cảm giác phải “hy sinh” ấy không nên đến từ mình. Có một giai đoạn mình chìm sâu trong một câu hỏi tự vấn: “Tại sao mình hy sinh cho người này mà họ không coi điều đó ra gì?” Giá mà khi ấy mình chịu dừng lại, chỉ 1 phút thôi, để lắng nghe câu hỏi đó, có lẽ mình đã kịp nhận ra hy sinh vốn nghĩa là “cho và không mưu cầu nhận lại". Nhưng khi suy nghĩ kia xuất hiện, tức mình đã mưu cầu một sự đáp lại, trả lại mất rồi. 

Đó cũng là lúc mình nhận ra thời gian qua mình không chú tâm vào việc tự xây dựng giá trị bản thân, mà vô tình gán giá trị của mình vào người khác. Mình thấy bản thân có giá trị khi được người khác nhìn nhận là bạn tốt, là thầy… Nhưng rồi đến một thời điểm,  nếu những con người ấy bước ra khỏi cuộc đời, họ sẽ bỏ lại mình với một nỗi niềm tự vấn đau đáu hơn tất thảy: “Giá trị của mình là gì?” Khi ấy mình mới vỡ lẽ, mình phải tự xây dựng những giá trị tự thân, để dù bất kỳ ai chọn đi hay ở lại trong đời, thì mình vẫn sẽ là người có giá trị.  

Thứ hai, công việc đòi hỏi mình làm việc chủ yếu với con người. Mình đi chia sẻ, coaching, hỗ trợ diễn viên… Mình góp ý cách trình diễn, chăm chút áo quần, make up cho các bạn từng tí một, thế mà bản thân vẫn cứ dùng mãi chiếc balo cũ đến nỗi bạn bè phải hỏi: “Uy ơi, chừng nào mày mới định thay balo? Cái balo của mày rách bươm nát bét, đứt cả quai rồi!" Mình nhìn cái balo mà thấy nó như… mình vậy đó! Rất tội! (cười).  

Người ta hay nói, “thương người như thể thương thân" - tức 2 vế đó nên được đặt ngang hàng. Nhưng mình lại thấy ta cứ mải nhắc nhau “thương người” mà quên mất “thương thân”. Bây giờ, đứng trước một tình huống, mình luôn tự đặt câu hỏi: “Có ai xứng đáng chịu đựng điều này hay không?” Nếu câu trả lời là “không ai cả", thì tức là bản thân mình cũng không đáng phải chịu đựng bất kỳ cảm giác khó chịu nào. Mình cũng cần được chăm sóc mà. 

Quill Cloud

Uy Lê thường chăm sóc bản thân như thế nào? 

Mình không có một routine cụ thể, mình sẽ có cách chăm sóc riêng tùy theo nhu cầu tại từng thời điểm. Chẳng hạn, gần đây mình cảm thấy lâu chưa có món đồ gì mới, vậy là mình “tự thưởng" một bộ quần áo đẹp. Hoặc giả như lâu lâu không đầu tư nhiều vào bản thân, mình sẽ muốn dành thêm thời gian đọc sách, học một thứ mình hứng thú. Chúng là những nhu cầu rất đơn giản mà thường ngày ta vô ý “lờ đi". 

Mình cũng lập ra một checklist những việc cần làm để bản thân cảm thấy được chăm sóc, chẳng hạn như thay bàn chải, tham gia workshop, mua vài món đồ mới… Ngày xưa mình theo trường phái “đến đâu thì đến", cuối tuần không có việc gì làm mình mới bắt đầu nghĩ đến việc làm này làm kia. Nhưng giờ mình khác xưa rồi, mình có nhận thức rõ ràng hơn về nhu cầu cá nhân và chủ động hơn trong việc lên checklist. 

Khi nghe nói đến “chăm sóc sức khỏe tinh thần”, người ta thường vô thức nghĩ đến những thứ tương đối… trừu tượng, cao siêu, kiểu như phải thiền, phải đi du lịch retreat. Nhưng đôi khi chăm sóc bản thân bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như mua bàn chải mới, hay cuối ngày về nhà bật một playlist Spotify thật hợp mood để nghe. 

Mỗi người có một nhu cầu riêng, do đó, có cách chăm sóc sức khỏe tinh thần phù hợp với mình. Mình chỉ khuyên bạn không nên bắt đầu việc chăm sóc bản thân bằng việc gán hành trình riêng tư này vào ai khác, ngoài bạn. Ví dụ, bạn đừng nên nghĩ mình sẽ đi thiền giống anh A, đi retreat giống chị B, mặc đẹp để được em C chú ý… Bạn hãy đi du lịch chỉ vì bạn muốn thế, hãy mua chiếc áo đẹp để bạn thấy vui khi nhìn mình trong gương. Bạn không chăm sóc bản thân để phục vụ nhu cầu của người ngoài.

Quill Cloud

Tôi cũng từng trải qua một giai đoạn “khủng hoảng giá trị”, và đến một ngày tôi thấy từng mảnh của mình trôi nổi ở người này, người kia. Tôi không định nghĩa được mình, thậm chí, tôi cảm giác đã quên mất mình là ai. 

Đó là một bài học mình đã học một cách đầy đau đớn. Bởi thật ra mình vẫn không đừng được mà để tâm đến cái nhìn của người khác về mình. Mình đã rất nỗ lực để khắc phục, một cách từ từ, cái “tật" sống mà nhìn vào sự hài lòng của người khác. 

Ngày xưa, mỗi lần chụp hình là mình tự động làm mặt hài, mặt xấu. Mẹ mình càm ràm suốt, hỏi sao con không cười bình thường, sao cứ làm mặt kỳ hoài vậy con; thì mình chỉ trả lời qua loa: “vậy cho vui, mẹ.” Sau này mình mới nhận ra đó là cơ chế phòng vệ của bản thân. Mình sợ người ta chê mình xấu, sợ bị tổn thương, nên mình chủ động làm mặt xấu, để khi có ai đó bình phẩm về nhan sắc của mình, mình có thể cười và bảo họ, “thì đúng rồi, cố tình làm mặt xấu mà!” Nhưng bạn à, đó không phải sự tự tin mà là sự bất an. Nhận ra điều đó, mình ít làm mặt xấu lại, và bây giờ khi chụp ảnh mình sẽ cười bình thường. Còn nếu mình làm mặt xấu, thì đó là vì… mình muốn, mình thích, chứ không phải vì mình quan tâm mình trong mắt người ta như thế nào.

Quill Cloud

Uy Lê đã hiểu mình được bao nhiêu phần trăm rồi? 

Công bằng mà nói, mình nghĩ mình đã hiểu được 50%. 

Ít nhất mình đã có nhận thức cơ bản về việc mình trong mắt mình và trong mắt mọi người là ai. Nhưng cùng với đó, mình vẫn trăn trở với rất nhiều dòng suy nghĩ. Vẫn có những cảm xúc mình chưa thể gọi tên, có những nỗi sợ mình chưa thể lý giải, ngay cả trong việc mà người ta cứ nghĩ mình tự tin nhất - trình diễn hài độc thoại trên sân khấu. Chỉ có một cái khác: mình luôn chủ động đặt một nỗi sợ của mình vào từng set diễn. 

Trước đây mình từng đi hát, hát bè, hát nhóm đủ cả; nhưng lại đặc biệt sợ hát solo trước đám đông. Thế là trong một lần đi diễn hài độc thoại, mình quyết định trình diễn một tiết mục mà trong đó… mình hát. Lần thử ấy mang đến cho mình một suy nghĩ, “hình như nỗi sợ của mình không có thật". Được đà, trong những lần diễn sau mình đều thử làm một chút những điều mình vốn nghĩ mình sợ hãi.

Quill Cloud

Quill CloudUy Lê sẽ dùng 3 từ nào để nói về mình ở thời điểm hiện tại? 

Thay vì định nghĩa bản thân, mình sẽ nói về 3 giá trị nội tại mà mình tin vào và muốn phát triển theo đó. 

Giá trị đầu tiên là “thấu cảm", là cách ta hiểu và cảm được những gì người khác đang trải qua. Có một câu nói mình rất thích: “Shared laughter is empathy in action” - Tiếng cười mà ta có với nhau chính là sự thấu cảm. Công việc của mình hiện giờ gắn liền với tiếng cười - dù chủ động hay bị động, dù trực tiếp hay gián tiếp - thông qua vai trò người viết kịch bản hoặc người trình diễn. Trong những set diễn, nếu cả khán phòng cùng cười, mình biết tất cả đều đang cùng cảm thấy một điều gì đó giống nhau. 

Giá trị thứ hai là “kiến thức". Đến giờ mình vẫn coi bản thân là một người học sinh đi tìm sự học, tìm cái mới. Trên hành trình chấp nhận bản thân, chấp nhận cá tính và xu hướng tính dục của mình, kiến thức đã cứu giúp mình nhiều lần. 

Giá trị thứ ba là “sáng tạo". Mình thích một câu nói của Jonathan Larson: “The opposite of war isn't peace. It's creation” - bởi chiến tranh là phá hủy, còn sáng tạo là tạo ra một thứ hoàn toàn mới. Trước khi mình bắt đầu hành trình làm sáng tạo, trong mình có rất nhiều sự bí bách, khó chịu mà mình không thể nói ra với ai, cũng không tìm được những người có thể thấu cảm. Khi ấy, sáng tạo là nơi mình được cất lên tiếng nói của mình. 

Bạn thấy đấy, những người làm sáng tạo có một “kênh” để giải tỏa cảm xúc: họ viết rap, làm nhạc, vẽ tranh, sáng tác truyện ngắn, diễn hài… Thông qua sự sáng tạo, họ bày biện cảm xúc nội tâm trước thế giới bên ngoài, đồng thời tìm được sự thấu cảm ở mức độ cao hơn. Khi làm sáng tạo, mình nhận được một sự phản hồi, và thế là mình biết đây là nơi để những cảm xúc bên trong chảy tràn. 

Khi nãy bạn nói một ý rất hay, ấy là playlist nhạc. Đó cũng là sự sáng tạo đấy. Bản thân việc tạo playlist là phương tiện để chúng ta nói lên những cảm xúc trong mình. Đó giờ mỗi lần thất tình thì playlist của mình toàn… nhạc buồn, bạn để ý mà xem (cười). Việc cảm thụ âm nhạc có thể thỏa mãn và chữa lành cho chúng ta. Đôi khi, nhờ bài hát mà ai đó viết từ trải nghiệm của chính họ lại có thể khiến ta thấy như đang được lắng nghe, đồng cảm; dù bạn và người nghệ sĩ chưa từng gặp gỡ. Mình nghĩ đó là phép màu của sự sáng tạo. 

Quill CloudCó lẽ những set hài độc thoại chính là những trang nhật ký rất đặc biệt của Uy Lê. Có phải đó là nơi anh viết lại những câu chuyện rất riêng tư, và chia sẻ với những khán giả có thể có chung trải nghiệm? 

Có rất nhiều phản ứng trái chiều về những màn trình diễn của mình. Người hứng thú vì cảm thấy ở mình một thứ gì đó hay ho, mới lạ; người sẽ phàn nàn bây giờ mình không… vui, không hài như ngày xưa. Thực ra, bây giờ mình không còn chăm chăm vào việc làm khán giả cười như hồi mới bắt đầu trình diễn 6 năm trước. Mình tò mò về những tiếng cười khác nhau, và lý do khiến khán giả phát ra tiếng cười. Họ cười vì thấy dễ thương, hay thấy… ghê? Họ cười kinh ngạc vì “khó thế mà Uy Lê cũng nghĩ ra", hay cười vì mình đang kể một trải nghiệm họ cùng chia sẻ, đồng cảm? Mình tập trung khám phá điều đó trong các phần trình diễn. 

Thêm nữa, đến một thời điểm mình bỗng hoang mang không biết khán giả còn nhớ gì về mình sau khi những tràng cười qua đi? Trước đây mình diễn hài theo kiểu “học sinh giỏi", tức là mình có những bí quyết và công thức để khiến khán giả cười nhanh nhất, cười liên tục. Nhưng với tư cách một người nghệ sĩ, mình muốn để lại nhiều dấu ấn và giá trị hơn thế. Đó là lý do mình chọn những chủ đề tương đối “khó nhằn" như văn hóa, kỳ thị, để khán giả vừa được cười, vừa nhận được, nhớ được một thông điệp nào đó. 

Cá nhân mình cũng được chữa lành bởi những điều mình nói ra. Mình cũng sẽ rất vui nếu câu chuyện của mình đến được với đúng người, nếu một ai đó cảm thấy tốt hơn khi nghe mình kể về một trải nghiệm khó khăn, hoặc khó nói, mà họ đã đi qua. 

Điều quan trọng nhất với Uy Lê ở thời điểm hiện tại là gì? 

Mình muốn đi tìm sự chân thật. 

Với tư cách một người làm nghệ thuật, mình khao khát sự chân thật hơn là đặt cược toàn bộ vào kỹ thuật để trình diễn. Mình hãy cứ là, hãy viết, nói những điều càng gần với con người của mình càng tốt. Thêm nữa, mình cũng đang học cách kéo gần khoảng cách giữa hai phiên bản Uy Lê - Uy Lê khi một mình và Uy Lê khi với mọi người. Đó là một bài tập cần rất nhiều kiên nhẫn, nhưng mình biết nếu làm được, mình sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Quill Cloud

Mỗi người sẽ định nghĩa hạnh phúc theo một cách khác nhau. Với Uy Lê, hạnh phúc là gì? 

Hạnh phúc của mình là một buổi sáng thức dậy và muốn làm gì đó (dù hơi trễ). 

Hạnh phúc nên đơn giản như vậy thôi - một việc bạn có thể làm ngay lúc này, ngay hôm nay; và ngày mai mình tiếp tục có thêm một niềm hạnh phúc mới để trải nghiệm và tận hưởng. Mình rất sợ cảm giác một ngày mở mắt ra, mình chẳng muốn làm gì cả. Cái việc mình muốn làm ấy cũng không cần quá to tát; đôi khi, chỉ cần mình thức dậy và ngay lập tức muốn gặp một ai đó, viết một điều gì đó, đi đâu đó hay ăn một món nào đó cũng là một niềm hạnh phúc đong đầy.

Quill Cloud

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa