Năm 2020, doanh thu của ngành công nghiệp game toàn cầu là 114 tỷ đô, trong đó doanh thu của PC game và mobile game lần lượt là 37 tỷ và 77 tỷ. Nếu coi ngành công nghiệp này là một quốc gia, GDP hàng năm của “vương quốc game” ắt phải góp mặt đều đặn trong BXH 100 quốc gia có GDP cao nhất thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game chính là lực đẩy cho sự ra đời và bùng nổ của một ngành, một nghề, một công việc mới - làm streamer. Vào thời điểm 10 năm trước “streamer” còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Xã hội nhìn streamers như những “con nghiện” “chỉ biết cắm mặt vào chơi, chẳng được tích sự gì”, hay “chơi game suốt ngày, thế thì cạp đất mà ăn”.
Nhưng ngày nay, những “cây đại thụ” trong làng streamer như PewPew, ViruSs, Độ Mixi, Xemesis; hay những “búp măng non” như Misthy, Linh Ngọc Đàm đã vụt sáng trở thành thần tượng của đông đảo giới trẻ. Người ta dần thu lại ánh mắt xét nét với nghề này sau khi chứng kiến cuộc sống xa hoa và mức thu nhập khủng mà streamers tạo ra nhờ chính công việc của mình. Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Thu nhập tiền tỷ của streamers đến từ đâu? Làm streamers giàu nhanh, giàu dễ đến vậy?
Quay ngược lại dòng lịch sử, có thể nói tiền thân của nghề streamer hiện nay là caster - nghề BLV truyền thống. Ngày ấy, bản thân nhiều streamers cũng tự đăng các clip chơi game và bình luận game lên Internet. Nhưng phải đến khi nền tảng livestream game Twitch xuất hiện, các game thủ mới chính thức có một nghề đúng nghĩa - nghề streamer.
Streamer có thể được coi là một nhánh của Content Creator (sáng tạo nội dung). Họ là những người thích chơi game, mong muốn được tạo ra các nội dung sáng tạo, thú vị về game để thỏa mãn đam mê và kết nối với người xem. Những nội dung chia sẻ của các streamers rất đa dạng, từ chơi game, bình luận game, cho tới chia sẻ tips chơi game, kéo rank, thăng hạng… Ngay cả những buổi livestream “trải chiếu tâm sự”, chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của các streamers cũng rất được người xem yêu thích. Một buổi trò chuyện tâm tình trên sóng livestream của Độ Mixi từng cán mốc con số kỷ lục - 140.000 người xem cùng lúc.
Đã qua rồi cái thời xã hội nhìn streamers như những kẻ chỉ biết “ăn không ngồi rồi”. Việc streamers kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng, hàng tỷ đồng mỗi năm đã không còn là giấc mơ xa vời không thể nào chạm tới. Thu nhập “khủng” của streamers có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua 3 hình thức chính: tiền donate từ fan, hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng và hợp đồng live trên các nền tảng live trực tuyến.
Tiền donate được xem như “trái ngọt” cho nỗ lực kết nối với fan, trau dồi kỹ năng “hành nghề” và liên tục sáng tạo những nội dung chất lượng, đầu tư của các streamers. Donate hoàn toàn không phải hình thức trả phí để được theo dõi những trận livestream trên các nền tảng. Donate là khoản tiền mà người xem tự nguyện bỏ ra để ủng hộ cho những streamers hoặc nội dung livestreaming mà họ cảm thấy yêu thích, hứng thú. Người xem có thể Donate Stream bằng thẻ điện thoại hoặc chuyển khoản ngân hàng. Riêng với nền tảng Facebook Gaming, người xem sẽ Donate bằng cách mua sao.
Để thu về một nguồn Donate dồi dào, streamers buộc phải tạo được điểm nhấn trong các buổi livestream của họ để thu hút fan mới và giữ chân fan cũ. Khi đã xây dựng được một fanbase lớn mạnh và trung thành, các streamers dễ dàng kiếm được “mỏ vàng” từ chính cộng đồng những người hâm mộ sẵn lòng chi ra một khoản tiền “khủng” để tặng quà, quyên góp ủng hộ thần tượng. Tộc trưởng Độ Mixi - một tên tuổi lớn của giới streamer - từng nhận được khoản tiền donate khủng lên tới hơn 60 triệu đồng chỉ trong 1 buổi livestream. Một streamer nức tiếng khác - ViruSs - cũng tiết lộ anh đã từng được fan Donate tới 450.000 sao qua 1 buổi livestream trên Facebook Gaming, tương đương với 100 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc tỏa sáng trong cộng đồng game thủ, nhiều streamers đã phát triển sự nghiệp của mình thành các ngôi sao giải trí đại chúng. Họ chăm chỉ góp mặt trong các show truyền hình, đa dạng hóa các tuyến nội dung trên kênh để tiếp cận với đối tượng công chúng rộng hơn. ViruSs nổi lên với một loạt video reaction; Misthy và Linh Ngọc Đàm thành công với những content về lifestyle, cập nhật hot trend của giới trẻ… Điều này không chỉ đưa hình ảnh của streamers đến gần hơn với đại chúng - đặc biệt là giới trẻ - mà còn khiến mức độ quan tâm đến các streamer nhanh chóng tăng vọt. Nhiều streamers “có tiếng” đã liên tục giữ vững chiếc ghế của mình trong top 100 kênh có lượt Youtube subscribers cao nhất tại Việt Nam.
Giới streamers cũng chính là những “ông hoàng, bà hoàng” thống trị hình thức livestreaming tại Việt Nam. Ngay cả những những celeb hạng A, các hotgirl, hotboy làm chao đảo cộng đồng mạng cũng khó mà cạnh tranh được với số lượng người xem trực tiếp khổng lồ mỗi lần một streamer nổi tiếng “lên sóng”. Những livestream của Độ Mixi có thể đạt đến con số cả trăm nghìn người xem cùng lúc, thậm chí đã cán mốc kỷ lục - 242.000 người xem ở thời điểm đông nhất.
Với sức hút mạnh mẽ này, không có lý do gì để các nhãn hàng từ chối bắt tay với những streamers “làm mưa làm gió”. Các hợp đồng quảng cáo tới tấp bay về hòm mail của streamers với các scope of work (nội dung công việc) đa dạng - từ review sản phẩm, cover challenge Tiktok, cho tới livestream giới thiệu về chiến dịch của nhãn hàng hay tham dự event.
Mới đây, chiến dịch “Đấu trường mùa đông 2020” của Clear Men & Garena kết hợp với booking agency The A List đã hợp tác với một loạt streamers “trẻ nhưng không hề non” như K.A, Lai Bâng, Turtle, Kéo Rank TV, Công Kiên... với một loạt các scope of work đa dạng - photo post, video hướng dẫn, và livestream chơi game kết hợp cùng review sản phẩm. Misthy, Linh Ngọc Đàm hay Ngân Sát Thủ cũng là những nữ streamer quen mặt trong các chiến dịch truyền thông sử dụng người ảnh hưởng, chẳng hạn như chiến dịch launching Kotex MiniMeow, hay màn kết hợp của Misthy cùng Pepsi.
Ngân Sát Thủ kết hợp cùng Kotex trong campaign lauching dòng sản phẩm Kotex MiniMeow
PewPew tham dự sự kiện khai trương Samsung Showcase vào tháng 3/2019
MisThy livestream giải đáp thắc mắc về Huawei Y9 Prime 2019
Các streamers còn kiếm thêm thu nhập từ việc ký các hợp đồng live cố định trên các nền tảng như Nimo, Nono Live; cộng thêm số tiền tạo ra nhờ số lượng subscribers trên các nền tảng livestream mà các streamers sử dụng, chẳng hạn như Youtube. Đối với các streamers nước ngoài, 3 nền tảng stream game được ưa chuộng nhất là Twitch của Amazon, Youtube của Google và Mixer của Microsoft. Trong đó, Twitch vẫn là nền tảng chiếm ưu thế hơn cả về số giờ xem lẫn số giờ stream.
Khoan bàn đến những streamer “lão làng” như Linh Ngọc Đàm, Xemesis hay Độ Mixi… các streamer trẻ hơn về tuổi nghề, “chìm” hơn về danh tiếng cũng có thể kiếm được mức thu nhập tương đối dễ chịu khi “hành nghề trong giới”. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng dẫu streamer giờ đây đã được coi là một nghề hái ra bạc tỷ, người ta đôi khi vẫn sững sờ trước mức thu nhập quá khủng mà những streamer hàng đầu ở trong và ngoài nước “hút trọn” vào túi nhờ chính đam mê của mình.
Forbes công bố Ninja (Tyler Blevins) là streamer có thu nhập cao nhất năm 2019, với tổng số tiền kiếm được là 17 triệu đô. Ninja đã góp mặt trong hàng loạt quảng cáo ở mọi ngành hàng - có mặt trên lon Red Bull, xuất hiện trên ga giường tại Walmart, đóng vai chính trong quảng cáo của NFL, bắt tay với Adidas, ký hợp đồng độc quyền với Microsoft.
PewDiePie - “người chơi hệ streamer” với hơn 100 triệu lượt subs trên Youtube có mức thu nhập vào khoảng 15 triệu đô la (theo số liệu Forbes đưa ra năm 2019)
Dù vẫn giữ kín con số cụ thể, Linh Ngọc Đàm tiết lộ thu nhập cả năm của mình lên tới 9 số 0. Ngoài ra, nữ streamer sinh năm 95 cũng sở hữu một căn hộ hiện đại, tiện nghi trị giá 7 tỷ đồng tại Sài Gòn. Trước đó, Linh Ngọc Đàm từng tặng bố mẹ một căn hộ tại KĐT Times City.
Chớ vội bị lóa mắt bởi dãy số 0 dài không hồi kết trong tổng thu nhập của những streamers nức tiếng giới game! Đồng ý rằng nghề streamer có khả năng khiến ví bạn dày lên trông thấy, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đây là một công việc dễ dàng.
Hãy tưởng tượng một ngày làm việc bình thường của các streamers. Họ cũng phải làm liên tục từ 6 tới 8 tiếng mỗi ngày như một công nhân viên chức bình thường; hoặc thậm chí nhiều hơn nếu họ có lịch stream dày hay bận rộn với các hoạt động quay phim, quảng cáo. Thời gian làm việc của streamers tương đối linh hoạt; nghĩa là, thời gian mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí cũng chính là lúc streamers phải lao động cật lực nhất. Vô hình chung, thời gian biểu của họ ảnh hưởng không ít tới tình trạng sức khỏe cũng như cuộc sống cá nhân của họ.
Công việc của một streamer cũng không chỉ gói gọn trong 2 tiếng đơn giản - chơi game. Ngược lại, họ phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập, trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ để mỗi buổi stream thêm phần trọn vẹn, “đã mắt”. Họ cũng kiêm luôn nhiệm vụ lên ý tưởng cho mỗi video, đa dạng hóa các nội dung chia sẻ để giữ chân người theo dõi. Để thành công và thu hoạch cả mỏ vàng, streamer bắt buộc phải tạo được những nội dung có sức hút, thể hiện được bản sắc riêng của mình và không ngừng sáng tạo.
Chưa kể, sự nổi tiếng vẫn luôn song hành cùng những lời chỉ trích. Streamer chính là một nghề “làm dâu trăm họ” như thế. Trong mỗi buổi stream, họ vừa phải thực hiện thao tác, tập trung để chiến thắng, vừa phải tương tác, trò chuyện để kết nối với người xem. Nhưng rõ ràng, việc đòi hỏi họ phải làm hài lòng cả chục nghìn, trăm nghìn người trong tất cả các buổi lên sóng là một mong muốn quá sức xa xỉ. Chỉ cần streamer sai một ly, những lời chê bai tục tĩu có thể sẽ kéo dài đến cả một dặm.