Thu Cầm & chú Duy Mạnh: Bố - “thợ hát”, con - “đường khác”?

Đến với Podcast Nhạc Nhẽo, chúng ta tạm gác lại chuyện ‘con nhà tông’ và lắng nghe chia sẻ của hai ca sĩ ở hai thế hệ - Cầm và Duy Mạnh về sự khác biệt thời đại giữa “thợ hát” và “artist” và hiểu rõ hơn về con đường âm nhạc khác biệt bố mình của nữ ca sĩ.
Eloise
11/01/2024
 Thu Cầm & chú Duy Mạnh: Bố - “thợ hát”, con - “đường khác”?

Không những là ‘con nhà nòi’ mà cô còn có background học thức vững chắc về âm nhạc khi cô từng theo học khoa piano tại Nhạc viện TP.HCM, sau đó tiếp tục du học tại trường Cao đẳng Âm nhạc Saint Louis tại Rome, Ý. Khác với Duy Mạnh, trong khi bố cô là nhạc sĩ, ca sĩ với loạt hit đậm chất trữ tình, sâu lắng, phản ánh những tâm tư, tình cảm đậm chất nhạc Việt trong những năm 2000, thì Cầm tiếp nhận nhiều văn hóa phương Tây và gây dấu ấn bởi phong cách âm nhạc hiện đại, vui tươi. Trong podcast, Cầm và Duy Mạnh đã chia sẻ về việc mang văn hóa phương Tây vào cuộc đua thị trường nhạc Việt.

Vốn dĩ ngay từ đầu, Cầm đã có ý định sau khi hoàn thành chương trình học tại Ý, Cầm sẽ trở về Việt Nam luôn để có thể mang tất cả những kiến thức mình học được về Việt Nam. Thời điểm 2020 khi mà dịch Covid-19 nổ ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, cô bạn về Việt Nam sớm hơn dự định và tiếp tục học online, trau đồi kinh nghiệm âm nhạc mà mình được học. Khi ấy, Cầm cảm thấy mình cần phải làm nhiều hơn.

Trong khi đó, Duy Mạnh lại có những quan điểm rất khác về ‘du học’: "Lúc tôi cho Cầm sang Ý du học là Cầm học nhạc nhẹ, tôi cũng muốn con học xong sẽ về Việt Nam. Tôi muốn con đi du học phải đúng nghĩa là du-học. Học xong là phải mang những gì đã tiếp thu được ở nước bạn để về phục vụ cho quê hương đất nước của mình. Nếu học xong rồi cố ở lại thì đó không phải du học. Thứ hai là do ngành học của con là nhạc nhẹ, tất nhiên không thể thiếu kiến thức nhưng cũng đặt nặng vào việc học sách vở quá nhiều, hãy học văn hoá của người châu Âu để thay đổi tư duy. Ngoài thời gian học, con hãy đi bảo tàng, đi tất cả những nơi đại diện cho văn goá của họ và cập nhật trong não của con, sau này mình sẽ có tư duy, sẽ nghĩ về âm nhạc hay hơn, sẽ phát triển nhiều hơn."

Là ca sĩ phục vụ khán giả trên dưới 30 năm, Duy Mạnh đã có những góc nhìn khách quan giữa thế hệ xưa và nay về “chuyện làm nghề”, những cuộc cạnh tranh, chơi chiêu của người nghệ sĩ và đưa ra quan điểm rõ ràng về việc nghệ sĩ cống hiến cho khán giả và nghệ sĩ biến khán giả thành tín đồ: "Việc phát triển thương hiệu cá nhân trong ngành công nghiệp giải trí bây giờ rất quan trọng. Có những người hát rất hay, giọng rất nội lực, nhưng cả đời chỉ đi hát phòng trà thôi. Nhưng có những người hát rất bình thường, nhưng chỉ với 2 bài viral, người ta lan tỏa cả thế giới, mới chắc chắn người ta là nghệ sĩ. Bởi nghệ sĩ là gì? Nghệ sĩ cần sự lan toả đến nhiều người, để người ta biết, biết mình, thích mình hơn, thậm chí người ta thần tượng mình. Và thế hệ bây giờ khác thế hệ của chú rất nhiều. Họ biến khán giả trở thành những tín đồ của mình luôn. Vậy nên ca sĩ mà có giọng nội lực, hát hay, mà trở thành nổi tiếng thì chỉ là ngôi sao thôi. Còn một người hát rất bình thường, mà trở thành một người nổi tiếng, xuất sắc ấy, thì họ chính là một idol."

Đối với thế hệ genZ, thị trường nhạc Việt là ‘miền đất hứa’ để các bạn có thể thể hiện cái tôi mới mẻ của mình khi có thể tiếp nhận được những nền văn hóa phương Tây. Với tư cách là du học sinh về nước để debut, Cầm đưa ra cảm nhận về thị trường nhạc Việt sau một năm rất nhiều biến động: "Sau một năm, em thấy ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam rất nhanh. Em thấy các bạn của em rất tuyệt vời. Em và các bạn đều rất muốn thể hiện bản thân và mang nhiều sản phẩm của mình hơn tới khán giả. Em muốn khán giả hiểu rằng, ngày xưa mọi người thường đi hát để kiếm tiền là chủ yếu, nhưng bây giờ chúng em đề cao sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả hơn."

Sự khác biệt nào giữa danh xưng “thợ hát” so với “thần tượng”?

Luôn khiêm tốn tự nhận mình là “thợ hát”, danh xưng này còn thể hiện sự sỏi đời của 1 người trải qua nhiều thăng trầm với âm nhạc, không còn phải chạy đua hay cạnh tranh trên thị trường. “Thợ hát” và “thần tượng” mặc dù đều chỉ chung người nghệ sĩ cống hiến cho âm nhạc, nhưng đủ để chỉ rõ sự khác biệt về cách làm nghề giữa hai thế hệ.

"Nghệ sĩ ngày xưa thường nói: Tết chúng tôi chạy show, chúng tôi mệt mỏi, chúng tôi bận rộn, chúng tôi cống hiến. Nhưng thực ra, ca sĩ chạy show không phải là cống hiến. Đó là tranh thủ kiếm tiền. Bởi vì thực ra, âm nhạc nghệ thuật là phải có sự chuẩn bị. Các bạn trẻ bây giờ, một show thôi hay được một show hát hai bài thôi, nhưng các bạn phải có stylist, phải có tập nhóm nhảy múa, chuẩn bị cả tháng. Đó là sự khác biệt giữa hai thế hệ. Ngày trước chú cũng là người không biết trình diễn, không biết làm hình ảnh. Nhắc đến bài Kiếp đỏ đen thì mọi người biết chứ không phải ai cũng biết Duy Mạnh. Phải đến khi chú dùng Facebook, chú cãi nhau thì mọi người mới thần tượng chú. Showbiz ở thời của chú đôi khi có những sự cạnh tranh không lành mạnh từ các cá nhân rồi tới cả các doanh nghiệp quản lý nghệ sĩ. Nhưng các bạn trẻ bây giờ cạnh tranh nhau rất hay, rất chuyên nghiệp. Các bạn chơi cùng với nhau luôn để cùng học hỏi và cùng tốt lên, cùng phát triển. Cạnh tranh rất lành mạnh!"

Sự khác biệt rõ rệt giữa ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam xưa và nay đó chính là phương tiện truyền thông. Vậy các kênh truyền thông có thực sự là một ‘vũ khí tối thượng’ cho ca sĩ trẻ bây giờ hay nó thật sự là con dao hai lưỡi khi đặt lên bàn cân so sánh với những ‘chiêu thức’ của showbiz thời xưa?

Cầm: Con nhà tông, giống lông, không giống cánh?

Mặc dù được truyền thông dán nhãn là ‘con nhà nòi’, nhưng áp lực ‘con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh’ của Cầm dường như bằng không. Cô nàng đã có khoảng thời gian du học để tự lập, có cơ hội tiếp thu những kiến thức và nền văn hóa khác nhau và có trải nghiệm để tự định hướng bản sắc cá nhân trên con đường âm nhạc của chính mình:

"Khi ở một mình, em nhận ra bản thân mình bắt đầu thích nghe thể loại nhạc nào và em biết "gu" nhạc của mình sẽ thay đổi theo thời gian. Nhưng hát thì em thích từ khi còn bé rồi. Đó cũng là lý do em muốn debut một cách mãnh liệt như vậy. Em muốn mình thực sự truyền tải những điều tích cực đến tất cả khán giả. Kể cả trong tình yêu, dù có buồn, có đau khổ,... em vẫn muốn truyền tải một cái gì đó tích cực để mọi người thấy là cuộc sống này rất tốt đẹp. Mình nên sống và tận hưởng tất cả những điều đó."

Còn về phía Duy Mạnh, với tư cách như một người bố, một người thầy và một người tiền bối trong nghề, chú đã có những chia sẻ thẳng thắn và cởi mở đối với con đường sự nghiệp của con gái mình: "Lúc đầu, Cầm rất muốn sáng tác, muốn làm nghệ sĩ indie sáng tác. Nhưng chú đã khuyên Cầm không nên, vì con hơn cha là nhà có phúc. Nếu Cầm cũng sáng tác giống chú thì chắc chắn sẽ trở thành "bản sao lỗi" của chú. Bởi sáng tác nhạc cần phải có sự trải nghiệm rất nhiều. Có thể chú không phải người sáng tác giỏi nhất nhưng chú có đủ chất liệu và trải nghiệm xã hội. Nếu là Cầm, là con gái muốn trải nghiệm tất cả những điều đó sẽ khổ cực hơn rất nhiều, thậm chí phải biết tận hưởng nỗi buồn và sự cô độc."

Để chọn 2 tính từ để Cầm định vị mình trong thị trường nhạc Việt thì đó là: tích cực và đa dạng. Khán giả có thể nhìn thấy một hình ảnh Cầm tươi sáng, ngây thơ thể hiện qua sản phẩm âm nhạc, phong cách thời trang và cả lối nói chuyện qua các kênh truyền thông và báo chí. Màu sắc này có thật sự cần cho thị trường nhạc genZ ở Việt Nam hiện tại hay không? Cầm có định hướng nào bứt phá hay không?

Trả lời câu hỏi này, Cầm chia sẻ: "Bật mí một chút, năm sau em sẽ ra một single, một EP hoặc một album".

Khi Cầm & bố Duy Mạnh “quay lưng” lại với nhau trong âm nhạc?

Là một người ca sĩ thể hiện nhiều khía cạnh thẳng thắn trên mạng xã hội khiến cho khán giả không khỏi thắc mắc mối quan hệ giữa Duy Mạnh và con gái - Cầm - sẽ như thế nào. Podcast NOOMU là dịp hiếm hoi hai bố con được ngồi chung một cuộc trò chuyện và có cơ hội nhìn lại những thăng trầm trong mối quan hệ giữa Duy Mạnh và Cầm, có thể thấy không giống như những gì mọi người thường nhắc trên các nền tảng mạng xã hội rằng Cầm đang “chịu ảnh hưởng” từ con đường âm nhạc của bố, thay vào đó cả hai dường như đang hỗ trợ và tựa lưng vào nhau trên sân chơi âm nhạc, cùng học hỏi từ đối phương.

Cầm: "Bố em là một người rất thoải mái. Khi còn bé, em không có sự kết nối với bố nhiều vì bố thường xuyên đi làm xa nên em không hiểu bố. Đến khi em bắt đầu luyện thi vào nhạc viện, bố và em mới bắt đầu dành thời gian cho nhau. Mỗi ngày hai bố con dành 10 tới 12 tiếng chỉ để tập đàn piano. Nhưng lúc ấy em còn quá nhỏ, chưa hiểu được việc bố đầu tư thời gian và công sức để luyện tập cho mình, thậm chí còn tức giận và... bực bội. Phải cho đến khi debut xong, em mới thực sự nhận ra là bố luôn ủng hộ mình nhưng do cách thể hiện lạnh lùng khiến mình không hiểu được.

Cuộc đua âm nhạc của GenZ ngày càng cam go khi những cái tên nghệ sĩ trẻ quen thuộc đang thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc. Cũng là genZ cũng mang cho mình một màu sắc âm nhạc riêng biệt nhưng Cầm đến bao giờ mới có được cuộc cách mạng để tạo nên cú hit bùng nổ?

Cầm: "Debut được một năm, em nhận ra tầm quan trọng của việc vượt qua sự nhút nhát. Mỗi ngày em cần phải cải thiện bản thân, dù ít hay nhiều để đổi mới hình ảnh."

Xuất phát điểm của ca sĩ Duy Mạnh là khoa Piano Nhạc viện TP.HCM và chú đã ghi dấu ấn của mình trong suốt hàng thập kỷ qua. Có lẽ vì thế Cầm đã theo bố con đường này: khoa piano tại Nhạc viện TP.HCM, sau đó tiếp tục du học tại trường Cao đẳng Âm nhạc Saint Louis tại Rome, Ý. Từ góc nhìn của người ‘lành nghề’: có đủ kiến thức và trải nghiệm, chú Duy Mạnh chia sẻ thẳng thắn về vấn đề ‘tay ngang’ trong thị trường âm nhạc:

Duy Mạnh: "Thực ra bất cứ ngành nghề nào trong xã hội cũng như vậy. Có người không được đào tạo bài bản nên khi tiếp cận thị trường âm nhạc không khác nào bước chân vào một cuộc chơi, một lần đánh cược. Có người được đào tạo kiến thức bài bản nhưng không có kiến thức cho những yếu tố khác: marketing, quản lý,... Có những người tuy là "tay ngang" nhưng họ học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, tư duy thực tế từ xã hội. Họ biến khán giả trở thành những tín đồ của mình, lan toả hình ảnh rộng và mạnh mẽ thay vì chỉ dùng âm nhạc."

Về phía Cầm, mặc dù qua các trường lớp cả trong nước lẫn ngoài nước nhưng cô là ca sĩ trẻ và mới debut và không chỉ dừng lại ở việc hát, các công việc còn lại trên con đường xây dựng hình tượng ca sĩ chuyên nghiệp cần phải góp nhặt rất nhiều kiến thức ở từng hoạt động khác nhau. Để trau dồi và phát triển thêm thế mạnh của mình, Cầm chia sẻ: "Ngay từ khi debut, em đã thấy mình rất chỉn chu cả về hình ảnh và âm nhạc. Dù lúc ấy em chưa góp ý nhiều cho phần sản xuất nhưng em cũng đã lên ý tưởng MV và hoàn thiện sản phẩm. Trong tương lai, em muốn hướng đến hình ảnh một người nghệ sĩ toàn diện - cả về hình ảnh và âm nhạc."

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa