Thịnh Suy có đánh giá cao khả năng tự học của mình?
Mình nghĩ là mình thích tự học, nhưng mình học theo kiểu “người lười”. Thay vì đến lớp nghe giảng và ghi chép bài, mình chọn nghe podcast để tiếp thu kiến thức mới.
Mình sẽ luôn tìm ra một cái gì đó để học. Có những thứ mình học hoài mà vẫn thấy bản thân… không biết gì.
Hiện tại, đó là những thứ gì?
Có 2 thứ mình đang rất hào hứng muốn học. Một là tiếp tục học thêm kỹ năng chơi với band nhạc. Hai là học về chánh niệm, học thiền, học cách chăm sóc tinh thần.
Mình đang học cả hai song song, không có thứ tự ưu tiên hơn kém. Với mình, kỹ năng bên ngoài sức khỏe tinh thần bên trong là hai khía cạnh không thể tách rời.
Thịnh có phải là một người bị cảm xúc cá nhân chi phối, ảnh hưởng rất nhiều?
Yes, mình nghĩ trước nay mình vẫn luôn như vậy. Đó cũng lý do mà tự mình thấy bản thân cần được học về chánh niệm, về cách cân bằng cảm xúc bên trong, nhất là với một người làm nghề thiên về cảm xúc như mình.
Một người từng nói với tôi: Sự nhạy cảm vừa là một món quà, vừa là một lời nguyền. Là món quà, bởi bạn dễ thấu hiểu và đồng cảm với câu chuyện của người khác, cho dù bạn chưa từng có trải nghiệm tương tự. Là lời nguyền, bởi bạn dễ vơ hết những cảm xúc nặng nề, đè nén vào mình…
Mình khá đồng tình với điều bạn vừa nói. Bởi thật ra, món quà hay lời nguyền thì cũng chỉ là 2 cách gọi của cùng một thứ mà thôi. Dần dà, mình sẽ phải dần học cách tiếp nhận và quan sát những câu chuyện dưới lăng kính của một món quà.
Với khán giả đại chúng, hành trình nghệ thuật của Thịnh Suy bắt đầu bằng Một Đêm Say. Nhưng với riêng bạn, đâu là điểm bắt đầu của hành trình ấy?
Hành trình nghệ thuật của mình bắt đầu từ năm lớp 10, khi mình có cây guitar đầu tiên trong đời. Trước đó mình chưa từng chạm vào âm nhạc, cũng chẳng hát mấy. Mình chỉ dừng lại ở việc nghe và thưởng thức những bài nhạc mà thôi.
Tới lúc có guitar, mình mới học đánh đệm, mà đã đánh đệm rồi thì chẳng lẽ lại không… hát theo? (cười). Thử rồi mới biết mình cũng thích hát đấy chứ, thế là mình hát cho tới bây giờ.
Mình cũng không theo học bất kỳ lớp học nào về âm nhạc. Người thầy duy nhất của mình khi ấy là “thầy" Youtube.
Thực tế mà nói, bạn bước chân vào thế giới âm nhạc ở tuổi đời còn trẻ, một cách rất bất ngờ. Đã bao giờ Thịnh Suy trải qua cảm giác mông lung, chông chênh, và rất cần một người cố vấn dẫn dắt bên mình?
Yes, sure. Nhiều lúc mình tự nghi hoặc về thứ giá trị mà âm nhạc của mình mang lại. Những khoảng thời gian như thế đã thuyết phục mình rằng mình cần một cố vấn, và mình phải tìm được một ai đó có kinh nghiệm. Đó là lý do khi cơ duyên với công ty quản lý của mình “ập tới", mình đã quyết định ký hợp đồng.
Ồ, cơ duyên ấy đã đến như thế nào?
À đúng rồi, là nhờ “người thầy" Youtube của mình đấy! Thông qua Youtube, mình biết tới MINH, một nghệ sĩ Việt Nam hát nhạc tiếng Anh rất hay. Mình đã ghé thăm kênh của bạn và để lại bình luận, kiểu “nhạc bạn hay quá". MINH rep lại mình, “khi nào rảnh thì cùng ngồi cafe”. Thế là thành một buổi hẹn. Khi đó MINH đã là nghệ sĩ thuộc InQ International - công ty của mình bây giờ. Tụi mình cùng nhau làm một project về nhạc Trịnh. Đó cũng là một lần thử nghiệm để mình tìm hiểu về cách hoạt động, cũng như quan điểm làm nhạc của đội ngũ InQ.
Sau khoảng 1 năm làm cá nhân, bản thân mình không thể tự cáng đáng toàn bộ đầu việc được nữa. Mình đã chủ động đề xuất offer với InQ, và chính thức trở thành nghệ sĩ trực thuộc InQ.
Tại InQ, Thịnh đã học được những gì?
Khi vào InQ, thứ đầu tiên mình nhận được là quan điểm về nghề nghệ sĩ. Mục tiêu hàng đầu của mình là làm nhạc, còn những thứ khác sẽ theo sau. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng trong nhiều mô hình quản lý khác mình từng biết, mọi người không có sự thống nhất rõ ràng từ đầu, dẫn đến việc âm nhạc không được ưu tiên một cách tập trung, mà mỗi người lại theo đuổi một thứ khác nhau. Tại InQ, mình chỉ cần làm nhạc, học nhạc, dành một khoảng thời gian cố định trong tuần để luyện tập với ban nhạc - một cách chăm chỉ và tập trung.
Nếu phải gọi tên một người thầy mà Thịnh rất muốn theo học, cả về kỹ năng thanh nhạc và tư duy làm nghề, thì Thịnh sẽ nghĩ đến ai?
Nếu được, mình muốn đi học anh Thắng (Ngọt) hoặc là anh Tùng.
Vì sao?
Vì đó là 2 người làm nhạc rất hay, và phong cách âm nhạc họ theo đuổi cũng rất gần với mình. Mình thích nhạc của anh Thắng và anh Tùng, nên nếu được 2 anh chỉ dạy thì… tuyệt quá.
Mình nghĩ khi tìm một người dẫn đường, sự phù hợp là cực kỳ quan trọng. Thay vì một người thầy nổi tiếng, mình nghĩ mình sẽ muốn học từ một người hiểu được thứ âm nhạc mình thích, có con đường gần với mình hơn.
Giả sử nếu mình đứng giữa 2 sự lựa chọn, một là cô Mỹ Linh, hai là anh Thắng và anh Tùng, và chỉ được chọn một trong hai, chắc mình sẽ… nghiêng về 2 anh đấy.
Thịnh có bao giờ nghĩ mình sẽ tìm đến những giảng viên thanh nhạc để cải thiện giọng hát, khả năng sáng tác - như cách mà rất nhiều ca sĩ hàng top hiện nay đã và đang làm?
Mình biết hiện nay, nhiều ca sĩ đã chọn theo học giảng viên thanh nhạc, và với mình, điều đó thể hiện một thái độ làm nghề rất cầu thị, rất văn minh. Tuy nhiên, thật lòng là mỗi lần được hỏi, mình vẫn cảm thấy đây chưa phải ưu tiên lớn nhất của mình. Có lẽ trong chuyện làm nhạc, mình đặt sức nặng vào câu chuyện và nội dung, hơn là yếu tố kỹ thuật, thanh nhạc.
Thịnh nhắc rất nhiều đến “câu chuyện", và có lẽ đúng như Thịnh nói, “âm nhạc là ngôn ngữ để kể lại cuộc đời". Dường như với Thịnh, những trải nghiệm và câu chuyện trong cuộc sống cũng là “người thầy" cần mẫn, bền bỉ và truyền cảm hứng đấy chứ! Tuy nhiên tôi sẽ hơi tò mò: Không biết Thịnh là người giỏi kể chuyện, hay giỏi lắng nghe hơn?
Mình đang tính nói là mình… dở cả hai (cười), nhưng có vẻ mình giỏi lắng nghe hơn một chút. Nếu là người kể chuyện, mình sẽ chọn một câu chuyện đủ sức nặng để mọi người phải chú ý tới nó trong một khoảng thời gian cụ thể, để tạo ra sự đồng điệu, thấu cảm giữa người nói và người nghe.
Khi viết nhạc, mình không có áp lực phải viết một câu chuyện thật nhiều ý nghĩa, lớp lang. Với mình, những cái lớp lang ấy vốn đã có sẵn rồi, việc của mình chỉ là lắp ghép chúng vào vị trí mà thôi. Đôi khi, nhờ sự nhạy cảm, mình may mắn chạm đến một ý nghĩa lớp lang rất đẹp.
Trên hành trình tự học, tự làm nhạc của Thịnh, đâu là bài học “khó nuốt", khó học nhất?
Bản chất mình là kiểu người dễ ngại, nhất là khi gặp người lạ. Nếu phải tới nơi đông người, hay được mọi người nhận ra ngoài đường, mình sẽ khá dè dặt và đôi khi là… không thoải mái. Thậm chí có một khoảng thời gian, nếu ai đó bắt gặp mình và hỏi “Anh có phải Thịnh Suy không?”, thì mình sẽ trả lời là không phải. Nhưng rồi tự mình cảm thấy phản ứng như vậy cũng không được, nên mình học cách làm quen và chấp nhận thay vì trốn chạy. Đó là bài học mà tới nay, mình vẫn học miệt mài.
Sau khi được mọi người biết đến, mình mất khoảng 3-4 tháng để bắt đầu nhận phỏng vấn với báo chí, truyền thông. Trước đó, đa phần mình đều từ chối vì bản thân không quá thoải mái với việc đó. Gần đây mình mới tích cực hơn với những cuộc phỏng vấn, phần vì mình đang có kế hoạch release sản phẩm, phần vì mình muốn chia sẻ với khán giả những tâm tư, suy nghĩ mình đã không thể nói ra trong suốt gần 1 năm không trả lời phỏng vấn.
“1 phút dành cho quảng cáo", vào ngày 11/11 mình sẽ có liveshow đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn. Mình sẽ biểu diễn cùng 2 người bạn trong công ty mình, là Vũ Thanh Vân và MINH. Mới đây mình cũng phát hành một bài hát mới với tên gọi “Chết trong em". Mình đã viết bài này trong lúc đang xem Money Heist, khi nhân vật mình thích chứng kiến cảnh người mình yêu bị bắn chết. Lúc đấy mình đã rất buồn, tới mức mình quyết định… dừng tại đó, viết xuống những cảm xúc, nghĩ suy đang chảy tràn để cô đặc lại thành bài hát này.
Viết xong rồi mình mới biết, hóa ra nhân vật kia bị bắn mà… chưa chết (cười).
Cách bạn học về âm nhạc ở thời điểm hiện tại có gì khác so với bạn của những ngày đầu tiên?
Ngày xưa, mình học với tâm thế coi âm nhạc là một thứ gì đó có thể đo đếm được; như cách mọi người hay nói là “đạt đến đỉnh cao". Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình đã không còn coi âm nhạc như một thứ mình có thể sở hữu. Mình chỉ đơn thuần là một người làm nhạc, là một sự tiếp nối của âm nhạc trên chặng đường của nó mà thôi.
Nếu bây giờ phải chọn một kỹ năng để tập trung phát triển, Thịnh sẽ chọn…?
Chắc chắn là kỹ năng chơi guitar! Mình đã thoáng nghĩ đến kỹ năng sáng tác, nhưng có lẽ mình sẽ… ngán sáng tác trước khi ngán đánh guitar đó (cười).
Rồi Thịnh sẽ làm gì tiếp theo với kỹ năng mà mình đã học miệt mài?
Thì… mình đánh guitar chứ còn làm gì nữa! (cười)
Nếu mình đánh guitar giỏi đến độ mà thượng thừa, mình sẽ có thể đánh mọi thứ trên đời. Có rất nhiều thứ hay ho mình có thể sáng tạo ra chỉ bằng việc ngồi nghe rồi đánh, đánh rồi nghe. Một cách rất… freestyle vậy đó. Và hẳn là sẽ nhẹ nhàng, thư thái hơn việc phải ngồi nghĩ ra rất nhiều câu chuyện để viết thành bài nhạc.
Lựa chọn của người lười mà (cười).