Nếu được quay ngược thời gian và gặp lại Phan Thế Anh thuở mới làm content creator, anh sẽ muốn khuyên phiên bản đó làm gì, và đừng làm gì?
Tôi bắt đầu tìm hiểu về Youtube từ năm 2010, nhưng phải đến năm 2019 tôi mới chính thức lập kênh Youtube và đăng tải những video đầu tiên. Hồi năm 2015, tôi hỗ trợ bạn thân tôi là travel blogger Mike Nhân Phan quay phim cho kênh Youtube của Nhân, và cũng chính Nhân là người liên tục thúc giục tôi phải làm Youtube. Thời điểm đó Nhân đã làm Youtube rất chăm chỉ, và trên kênh cũng có những video được cả triệu lượt xem - một thành tích “không phải dạng vừa". Nhưng mãi đến khi dịch Covid bùng lên và tôi không thể về Việt Nam, tôi mới chính thức bước chân vào con đường làm Youtube để sử dụng hết “kho" tài nguyên du lịch mình đã quay chụp được. May mắn là những video về cuộc sống của tôi ở Hàn Quốc đã được khán giả đón nhận tích cực.
Nếu có cơ hội quay về quá khứ, thật sự tôi rất muốn khuyên bản thân mình có đủ quyết tâm để bắt đầu sớm hơn. Tôi đã chần chừ quá lâu và vì thế đánh mất rất nhiều cơ hội. Tôi bỏ lỡ giai đoạn Youtube lên ngôi và thế hệ Youtuber đời đầu được chào đón mạnh mẽ; mà lại bắt đầu vào lúc thị trường bão hòa, mức độ cạnh tranh cao và nội dung khó tiếp cận được lượng khán giả đông đảo như trước. Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng một người content creator phải biết nắm bắt cơ hội, chủ động bước ra khỏi vùng an toàn và dám hành động ngay lập tức.
Em cũng đồng tình rằng có lẽ đây là giai đoạn mà nghề content creator đang phát triển đến mức đỉnh cao. Rất nhiều gương mặt mới hăm hở bước vào nghề, và cũng nhiều người làm nghề “gạo cội" tích cực chia sẻ những hiểu biết, kiến thức về nghề. Điều đó khiến cho những bạn “newbie content creator” hiện nay gia nhập nghề với một lợi thế, ấy là hiểu biết cơ bản về cách thị trường này đang vận hành. Trong bối cảnh đó, đâu là động lực lớn nhất để anh quyết tâm xuất bản một cuốn sách - một cuốn “cẩm nang làm nghề”?
Có những câu hỏi bản thân tôi tưởng là đơn giản, nhưng lại có rất nhiều bạn mơ hồ chưa biết. Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tay, tôi cũng nhận được rất nhiều thắc mắc của các bạn về nghề content creator. Thậm chí, có những bạn chia sẻ với tôi rằng có những điều bạn rất muốn biết nhưng không biết phải hỏi ai; và bạn cũng ngại hỏi vì sợ câu hỏi của mình không thông minh, sợ người khác đánh giá mình. Đó là lý do tôi nảy ra ý tưởng viết một cuốn sách dưới dạng Q&A, tổng hợp những thắc mắc từ đơn giản tới phức tạp về nghề content creator, để giúp bạn đọc có được cái nhìn khái quát nền tảng về công việc này.
Anh đã chuẩn bị cuốn sách này trong khoảng thời gian bao lâu?
Khi nảy ra ý tưởng, tôi tưởng rằng mình có thể viết xong trong vòng… 1 tháng, nhưng thực tế tôi đã mất tới 6 tháng để hoàn thành bản thảo. So với cuốn sách đầu tay, quá trình viết cuốn sách này lâu hơn khá nhiều, vì tôi phải dành thời gian đọc lại từng tin nhắn các bạn từng hỏi tôi, sau đó tổng hợp, chắt lọc, phân loại thành từng phần chính. Nếu đặt hai cuốn sách cạnh nhau, bạn sẽ thấy “101 điều content creator không kể bạn nghe" dày hơn rất nhiều, bởi lẽ tôi muốn đưa vào nhiều thông tin nhất có thể cho bạn đọc.
Khi mới bắt đầu hình dung về cuốn sách, tôi nghĩ có lẽ mình phải viết đến bốn, năm trăm điều. Nhưng sau đó tôi phải lược bớt những ý tưởng gần giống nhau, tạm thời “để dành" những nội dung quá cao siêu, phức tạp cho một dịp khác thích hợp hơn, chẳng hạn như những lớp học mà tôi từng tham gia giảng dạy cùng The Talent. Đây là cuốn sách được viết ra để phục vụ số đông, nên tôi muốn tóm lược những vấn đề có thể thỏa mãn thị hiếu của tất cả mọi người.
Và trong khoảng thời gian viết sách, bản thân anh cũng học được nhiều điều?
Đúng, tôi luôn cảm thấy một sự thúc giục phải liên tục tìm kiếm thông tin. Quá trình viết sách là quá trình tôi liên tục tìm đọc, học hỏi. Tôi muốn biết liệu những gì mình đang nói có đủ khách quan và đúng với thị trường hiện tại hay không, rồi từ đó mới đưa vào những câu chuyện, trải nghiệm và góc nhìn của riêng mình để tạo điểm nhấn.
Em nghĩ rằng với những người làm content creator đã lâu năm như anh, những hiểu biết, cách thức làm nghề gần như đã trở thành một thứ bản năng. Và quá trình ngồi xuống viết sách là lúc mình một lần nữa cô đọng, chắt lọc, gọi tên những thứ bản năng đó thành công thức, khái niệm cụ thể.
Tôi đồng ý với điều đó. Khi dạy môn Digital Marketing trên trường, tôi phát hiện các bạn sinh viên nắm rất tốt các khái niệm, nhưng sẽ loay hoay nếu tôi yêu cầu đưa ra ví dụ cụ thể. Khi đó, cuốn sách “101 điều content creator chưa kể bạn nghe" chính là bộ sưu tập những case study điển hình mà các bạn đang cần. Ngược lại, với những bạn đã có kinh nghiệm làm nghề, thì cuốn sách này lại trở thành một cuốn “cẩm nang từ vựng" để bạn đúc kết những bài học và trải nghiệm của mình.
Vì sao anh chọn viết cuốn sách dưới dạng đúc kết 101 bài học, mà không chia sẻ dưới một phương thức khác - ví dụ như một cuốn “nhật ký làm nghề"?
Tôi muốn khi đọc cuốn sách này, các bạn có cảm giác như đang hỏi - đáp trực tiếp cùng tôi - một cách rất nhẹ nhàng và thân thiện, thay vì cảm giác như đọc một cuốn sách giáo khoa trừu tượng. Ngoài ra, bố cục 101 bài học cũng giúp độc giả dễ tìm thấy đúng thông tin mà bạn tò mò và muốn ưu tiên nghiền ngẫm kỹ trong từng thời điểm cụ thể.
Một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của các content creator là thấy “đứa con tinh thần" của mình được đông đảo khán giả đón nhận. Anh có kỳ vọng điều gì ngay từ khi bắt đầu đặt bút viết những trang sách đầu tiên?
Để một cuốn sách được ra đời, tác giả nào hẳn cũng phải dành ra rất nhiều tâm huyết và mong nó thật thành công. Như vậy là để nói, tôi cũng rất kỳ vọng mọi người sẽ biết đến và chào đón cuốn sách này. Mặc dù đây là cuốn sách tôi được NXB tài trợ xuất bản, và cũng không mang lại lợi nhuận cho tôi, nhưng thực sự tôi vẫn rất nỗ lực quảng bá vì muốn thật nhiều độc giả hiểu được hành trình làm nghề mà tôi đã đi qua, đồng cảm với những sự thật mà tôi bộc bạch trong những trang sách. Tôi không muốn viết về nghề content creator như một thứ gì đó hào nhoáng, bóng bẩy mà sáo rỗng. Thông qua cuốn sách này, tôi muốn tiếp cận tới thêm nhiều độc giả, để họ hiểu về mình, hiểu về một chủ đề mà mình đã dốc lòng chia sẻ một cách rất chân thành.
Ngoài ra, tôi cũng xem mỗi cuốn sách như cột mốc đánh dấu một chặng đường trên hành trình của mình. Cuốn sách đầu tiên được viết khi tôi mới về Việt Nam, còn cuốn sách thứ 2 này ra đời khi tôi đã tích góp tương đối nhiều trải nghiệm làm việc với nhãn hàng, và cá nhân tôi cảm thấy mình đã làm tròn trách nhiệm của mình với cương vị một blogger, một giảng viên đại học. Nhưng đến cuốn thứ 3, thứ 4, tôi lại muốn viết về một chủ đề “mới mà cũ" là du lịch - thứ vẫn luôn là nguồn cảm hứng lớn trong tôi, và cũng là “xương sống" cho hình ảnh travel blogger mà tôi vẫn đang theo đuổi.
Nếu phải chọn một bài học anh tâm đắc nhất trong cuốn sách, anh sẽ chọn bài học nào?
Có một bài học mà tự tôi đã đúc kết và luôn thúc giục mọi người: Hãy làm nội dung ngay khi có thể. Thị trường này thay đổi rất nhanh và không chờ đợi bất kỳ ai.
Khoảnh khắc chính thức khép lại bản thảo của cuốn sách này, anh có cảm thấy nuối tiếc vì bất kỳ điều gì không? Có một câu chuyện nào đó mà anh rất tâm đắc, nhưng lại không thể đưa vào cuốn sách này?
Có những câu chuyện tôi thật lòng rất muốn chia sẻ, nhưng lại không phù hợp với định hướng chung của bản thảo lần này. Tôi hy vọng sẽ có một cuốn sách trong tương lai sẽ giúp tôi bù đắp được tất thảy những tiếc nuối ấy.
Anh sẽ mô tả khoảng thời gian 6 tháng viết sách bằng những từ khóa nào?
Tôi hào hứng, nhưng cũng băn khoăn và căng thẳng. Như bạn nói, có những ý tưởng tôi đã phải nâng lên đặt xuống rất lâu, đau đầu tìm một vị trí thích hợp cho chúng.
Nhưng em tin là khi viết xong, hẳn là anh cảm thấy rất thỏa mãn, rất đã.
Tôi như được giải tỏa vậy đó (cười). Tính tôi muốn làm gì là phải làm cho xong, làm dứt điểm, còn nếu kéo dài dang dở hàng mấy tháng trời thì kiểu gì tôi cũng bức bối. Khi ý tưởng mới bén rễ trong đầu, ai cũng cảm thấy rất hăng hái, rất “sung"; nhưng phải đến khi bắt tay vào viết thì cơ man là vấn đề nảy sinh, mà đôi khi sức mình không thể giải quyết ngay và luôn được.
Câu hỏi cuối cùng: Anh gợi ý mọi người nên đọc cuốn sách này như thế nào?
Bạn không nhất thiết phải đọc một mạch cả cuốn sách, mà mỗi ngày bạn có thể chọn ra một bài học để nghiền ngẫm. Tôi tin rằng đây là một cuốn sách dễ tiếp cận và tiếp thu về nghề content creator mà bạn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.
“Để thành công, một content creator cần có sức sáng tạo, thông minh, nắm rõ được xu thế hiện nay để sáng tạo nội dung có sức hút, không ngừng bắt kịp xu hướng cho riêng mình.” 101 điều content creator không kể bạn nghe sẽ lần lượt giải đáp những thắc mắc từ góc nhìn của một content creator chính hiệu với nhiều năm hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội.
Cuốn sách được chia làm 3 phần:
Phần 1: Những điều bạn cần biết về thế giới của Content Creator
Phần 2: Những tuyệt chiêu để làm nội dung
Phần 3: Bí kíp làm việc với nhãn hàng
… với rất nhiều bài học thú vị đang chờ bạn khám phá TẠI ĐÂY!