emagazine image

“Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” là tựa đề cuốn sách mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang. Cuốn sách mời gọi độc giả khám phá thiên nhiên từ góc nhìn mới, trân trọng những vẻ đẹp bình dị thường bị bỏ qua, và phát triển khả năng rung động với mọi hình thái của thiên nhiên. Cuốn sách được xây dựng dưới dạng những cuộc hội thoại dài giữa hai nhân vật hư cấu: Tò Mò – đại diện cho sự tò mò, ham học hỏi, đặt ra những câu hỏi mở lối cho hành trình khám phá, và Suy Ngẫm – đại diện cho kiến thức, sự đúc kết và chiêm nghiệm sâu sắc sau hành trình dài nghiên cứu và khám phá thiên nhiên.

Trong cuộc trò chuyện cùng The Influencer, tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ đôi điều về quá trình thực hiện cuốn sách, làm rõ những phương pháp để nâng cao năng lực cảm thụ thiên nhiên, cùng lời mời bạn đọc cùng tự mình cảm nhận những khoảnh khắc kỳ diệu từ tự nhiên – những vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời nhưng đẹp hơn bất kỳ tấm selfie nào mà bạn từng có.

Bạn cũng có thể xem toàn bộ cuộc trò chuyện tại video:

emagazine image
emagazine image

Có thể nói, “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” khá khác biệt với những cuốn sách trước đó của tôi. Trong khi những câu chuyện thật trong “Điểm đến của cuộc đời”, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, hay “Đại dương đen” dễ chạm đến cảm xúc độc giả, thì cuốn sách này lại chứa nhiều thông tin về triết học, mỹ học, xã hội học, lịch sử và văn hoá. Nó không mang lại sự đồng cảm từ những câu chuyện cá nhân, nhưng vẫn tìm đến được bạn đọc theo cách khác.

Hiện tại, tôi nhận được hai nhóm phản hồi chính. Nhóm đầu tiên thì có sự giật mình khi nhận ra cách thưởng thức thiên nhiên của họ trước đây có phần nông cạn. Họ quá tập trung vào thị giác, coi thiên nhiên như phông nền cho chính mình, hoặc đi vào lối mòn mà các influencer trên mạng xã hội (MXH) tạo ra. Họ có sự bừng tỉnh rằng, đằng sau cái đẹp có thể tồn tại nhiều sự độc hại mà ta cần cảnh giác.

Nhóm thứ hai là các bạn vốn đã trân trọng thiên nhiên, sống chậm và thường chú tâm thưởng thức những chi tiết nhỏ như bóng nắng, sương mù, trời mưa, hay một bông hoa ở chân tường,... Họ vốn thường bị coi là lập dị, không thực tế, quá mơ mộng, và sẽ khó bươn chải trong cuộc đời. Cuốn sách mang đến cho họ cảm giác đồng cảm, khiến các bạn bớt cảm thấy lẻ loi. Các bạn được an ủi rằng đó là một cách thưởng thức thiên nhiên giàu có, phong phú, làm cho đời sống tinh thần của bản thân tốt đẹp hơn.

Nhóm Facebook Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường được lập ra để kết nối những người yêu thiên nhiên bình dị và đã thu hút hơn 3000 thành viên chỉ sau chưa đầy ba tháng. Tôi thường xuyên theo dõi các bài chia sẻ trong nhóm. Mỗi sáng mở điện thoại, nhìn thấy hình ảnh giọt sương, mạng nhện hay bông hoa dại, tôi bắt đầu ngày mới với cảm giác dễ chịu. Điều này khác hẳn với trước đây!

emagazine image
emagazine image

Hành trình của Tò Mò trong sách chính là hành trình của cá nhân tôi – từ một người thiếu kiến thức, chỉ có sự tò mò ban đầu, đến một người biết rung động sâu sắc hơn với thiên nhiên. Gần hai năm đó, tôi vừa nghiên cứu tài liệu, vừa đi vào các khu vực tự nhiên khác nhau như vườn quốc gia, đầm lầy,... Tôi trò chuyện với những chuyên gia, người ngắm chim, chụp ảnh chim, chuyên gia về côn trùng, hướng dẫn viên... Những trải nghiệm này đã thay đổi đáng kể cách tôi tương tác và quan sát thiên nhiên.

Ví dụ, trước đây khi ra vườn nhà, sự kiện quan trọng với tôi có lẽ là phát hiện một bông hoa mới nở – màu sắc rực rỡ của hoa ngay lập tức thu hút sự chú ý, còn những thứ khác xung quanh tôi không để ý đến. Nhưng bây giờ, chỉ cần nằm trên giường, mở mắt ra và nghe tiếng chim hót hay tiếng lá xào xạc, tôi đã cảm nhận được cái đẹp có sẵn quanh mình. Có bông hoa nở thì cũng hay, nhưng giờ tôi có khả năng để chạm đến nhiều cái đẹp khác nữa. Tôi có thể dành cả 5 phút để quan sát một con thằn lằn – nhìn ngắm cách nó chuyển động, nghiêng đầu, cảm nhận sự sống trong những chi tiết nhỏ. Đó là những điều tuyệt vời mà trước kia mình không nhìn thấy, dù cái đẹp đó ở ngay trước mắt. 

emagazine image

Bởi tôi bắt đầu bằng việc đọc những tài liệu triết học khá khô khan, nên tôi nghĩ rằng nếu tạo ra hai nhân vật giả tưởng, trong đó một người đặt câu hỏi – chính là những câu hỏi tôi đã tự đặt ra cho mình khi thực hiện cuốn sách – thì có thể giúp người đọc hiểu rõ hơn cách tôi tiếp cận vấn đề. Những câu hỏi như: văn hóa phương Tây nhìn nhận núi non thế nào, văn hóa phương Đông nhìn ra sao, người xưa cảm nhận vẻ đẹp của cảnh sắc thế nào, hay có khi nào cái đẹp lại không tốt?... cũng là những câu hỏi tôi tự đặt ra cho chính mình. 

Việc tạo ra hai nhân vật, với một nhân vật quan tâm, thích thú, sáng dạ nhưng thiếu hiểu biết và tò mò đặt ra những câu hỏi, có thể giúp người đọc hình dung được cách thức tôi vận hành và làm việc trong cuốn sách. Tôi chính là Tò Mò – phiên bản khi bắt đầu hành trình, đầy tò mò nhưng chưa có câu trả lời. Tôi cũng là Suy Ngẫm – phiên bản của tôi ở cuối hành trình, khi đã làm việc và tìm ra những câu trả lời cho chính mình lúc khởi đầu. Đó là sự tương tác giữa tôi ở đầu hành trình và tôi ở cuối hành trình.

emagazine image
emagazine image

Tôi đến bất cứ nơi nào có thể, nhưng điều quan trọng là phải có một người hiểu biết đồng hành, họ sẽ dẫn mình nhập môn vào thế giới đó. Nếu chỉ khơi khơi bước vào một khu rừng hay một khu vực tự nhiên nào đấy, tìm đến cái cây to nhất để chụp ảnh như cách làm trước kia, thì đó là cách thưởng thức khá hời hợt. Để cảm nhận sâu sắc vùng đất đó, chúng ta cần một người “sành” thiên nhiên, người có thể đưa mình vào thế giới phong phú ấy và giúp mình nhìn thấy những vẻ đẹp mà trước đây chưa từng nhận ra.

emagazine image

Tôi gặp được nhiều cá nhân mà thực sự để lại ấn tượng sâu sắc. Họ không có bằng cấp, họ là những hướng dẫn viên bình thường, nhưng họ có vài sự khác biệt.

Điều đầu tiên là cách họ chú tâm đến từng chi tiết nhỏ, không chỉ dừng lại ở việc ngắm những khung cảnh bao quát như chúng ta thường làm – kiểu săn view triệu đô, săn mây, hay chụp ảnh phong cảnh rộng lớn để mang về. Họ có cái nhìn kỹ, sâu và chi tiết. Họ có thể nhìn thấy một con bọ que ở dưới đất đang lẫn vào trong lá, một con côn trùng nhỏ xíu, một con kỳ nhông ở tít trên cao,... Cái nhìn của họ từ bao quát đến chi tiết, tầng tầng lớp lớp, điều mà những người ở thành phố như chúng ta ít khi có được.

Điều thứ hai là kiến thức và đam mê. Họ có thể gọi tên từng loài chim, cách sinh sản của chúng, trống mái khác biệt thế nào, khi nào thì thay lông, di cư từ đâu đến,... Sự hiểu biết sâu sắc làm cho khu rừng bừng sáng, sống động với những hoạt động phong phú của các loài sinh vật bên trong. Ví dụ, một người dẫn đường ở Nam Cát Tiên từng chỉ cho tôi những vết cứa nhỏ li ti trên thân cây - điều trước đây mình không bao giờ để ý, và giải thích đó là dấu chân của sóc hoặc chồn khi chúng bò lên cây. Những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt ấy mở ra hình dung về một khu rừng phong phú và giàu có.

Điểm thứ ba là sự trong sáng và cái nhìn mới mẻ như trẻ nhỏ của họ. Tôi nhớ một chị ở Đồng Tháp, người đã dẫn hàng ngàn du khách đi xem chim, nhưng lần nào nhìn thấy một con chim, chị ấy cũng reo lên: “Ô, gà lôi Ấn Độ!” hoặc “Ô, cồng cộc!” Sự hào hứng ấy như một đứa trẻ nhìn thấy điều kỳ diệu lần đầu, như khi ta gặp lại một người quen.

Đó là một sự khác biệt, bởi chúng ta – những người sống ở thành phố – có tâm trí bị bào mòn, trở nên mờ nhạt và thiếu sức sống. Chúng ta lang thang qua những ngày tháng bận rộn, chìm đắm trong MXH, và dần mất đi khả năng cảm nhận sự sống động hay vẻ đẹp đặc biệt của thế giới xung quanh. Rất ít khi chúng ta bị “đánh bật” ra khỏi sự trì trệ, khỏi đám sương mù trong tâm trí. Những cá nhân mà tôi gặp lại dễ dàng chạm vào sự kỳ diệu quanh họ – đó là một ân huệ, một khả năng tuyệt vời. Khả năng này cần được rèn luyện để giúp chúng ta thoát khỏi trạng thái uể oải, từ đó cảm nhận lại sự sống động và tuyệt diệu của cuộc sống, như cách một đàn kiến có thể mở ra cả một thế giới mới nếu chúng ta biết quan sát.

emagazine image
emagazine image
emagazine image

Cách tiếp cận đầu tiên là mở rộng kiến thức. Kiến thức giúp chúng ta làm mới cách nhìn nhận và tập trung vào những điều thực sự quan trọng. Ví dụ trước đây, ta thường đánh giá một cái cây to là quý hơn một cái cây nhỏ. Nhưng với kiến thức, ta hiểu rằng một cái cây nhỏ sống trên độ cao 2800m, trong điều kiện khô cằn nắng cháy như trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử chẳng hạn, là một kỳ tích. Cái cây nhỏ bé trở thành một kiệt tác khi ta chú tâm vào sức sống bền bỉ của nó, thay vì chỉ nhìn vào kích thước.

Kiến thức cũng khiến chúng ta biết tò mò và đặt câu hỏi. Chẳng hạn, do tre là một giống cỏ, nên hoa của nó không có màu sắc hay hương vị nổi bật. Nếu dùng hệ quy chiếu của màu sắc hoặc hương vị để đánh giá, ta có thể cho rằng hoa tre rất tầm thường. Nhưng với kiến thức, ta biết rằng có những bụi tre mất hàng trăm năm mới ra hoa một lần. Thậm chí, nếu tách bụi tre ấy ra làm hai, một nửa ở Việt Nam và một nửa ở Mỹ, cả hai vẫn ra hoa cùng lúc. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao những thân tre, có cái mới mọc, có cái đã tồn tại hàng chục năm, lại ra hoa đồng thời? Loài tre có một cơ chế sinh học nào để đếm được 120 mùa xuân trước khi ra hoa? Tại sao chúng lại chọn chiến lược như vậy để sinh tồn? Những điều này khiến hoa tre trở thành một hiện tượng đặc biệt, không phải vì hình dáng hay mùi hương, mà vì sự kỳ diệu ẩn chứa trong vòng đời của nó. Những câu hỏi mang tính kiến thức đó biến việc nhìn thấy hoa tre thành một sự kiện hiếm hoi, có lẽ phải 3-4 thế hệ mới gặp lại.

Kiến thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt giữa cái đẹp thực sự và cái đẹp mang tính phá hủy. Ví dụ, khi nhìn thấy sân golf cỏ mượt xanh mướt, ta có thể thấy nó đẹp về mặt thị giác. Nhưng nếu hiểu rằng sân golf tiêu tốn vô số hóa chất, nước sạch – trong khi người dân xung quanh thiếu nước – và không tồn tại bất kỳ hệ sinh thái côn trùng nào, thì ta sẽ nhận ra đó là một vẻ đẹp ma quái, thậm chí độc hại.

Hoặc, người ta thấy chú chó mặt bẹt dễ thương, giống em bé, liền muốn sở hữu một chú. Nhưng họ không biết rằng giống chó đó đã được lai tạo đến mức đường hô hấp ngắn, khiến chúng khó thở. Sống trong thế giới hiện tại, chúng ta cần kiến thức để đảm bảo rằng hành vi của mình không gây đau khổ cho người khác hay tổn hại đến thiên nhiên. Ta cần vượt qua nhận thức từ giác quan bên ngoài và sử dụng cả trí tuệ để phân định.

emagazine image
emagazine image

Cách thức thứ hai là thông qua đa giác quan. Trước đây, cha ông ta vẫn thường nhắc đến việc “hòa mình với thiên nhiên”, nghĩa là đắm chìm vào đó, cảm nhận bằng mắt, tai, mũi và qua làn da. Tuy nhiên, chúng ta dường như đã quên mất điều này. Thay vì thực sự hòa mình, chúng ta thường chỉ đứng trên đỉnh cao để tìm view đẹp, hoặc ngồi trong khoang cáp treo để chụp hình.

Việc thực hành lại cách hòa mình với thiên nhiên mang đến những trải nghiệm thú vị và đặc biệt. Khi chú ý đến âm cảnh xung quanh, từ tiếng côn trùng, tiếng lá xào xạc, tiếng gió thổi, đến âm thanh của một chiếc lá kéo rê trên mặt đất hay tiếng chim hót, tất cả tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời mà nhiều khi ta không để ý. Tương tự, mùi hương cũng là một trải nghiệm giác quan sâu sắc và đi cùng chúng ta qua nhiều năm tháng. Nhiều khi, ký ức tuổi thơ ùa về mạnh mẽ chỉ nhờ một mùi vị nào đó.

Phương pháp thứ ba là chiêm nghiệm. Khi nhìn một chiếc lá vàng, ta không chỉ thấy màu sắc đẹp của nó mà còn hiểu rằng vòng đời của chiếc lá đã kết thúc, và nó đang chuẩn bị bắt đầu một chu kỳ mới. Điều đó có thể khiến ta liên tưởng đến chính cuộc đời mình.

Chúng ta có thể bắt đầu với kiến thức, sau đó đi qua giác quan và cuối cùng là chiêm nghiệm. Tiếp đó, kiến thức lại dẫn dắt chúng ta đến những cảm nhận giác quan mới, tạo thành một vòng tuần hoàn. Nhờ vậy, với cùng một cảnh sắc, ta có thể giữ được sự thưởng thức và thích thú lâu hơn, đồng thời khám phá được nhiều tầng lớp ý nghĩa hơn so với trước đây.

emagazine image
emagazine image

Việc có điều kiện để đến những nơi xa, ngắm những cảnh đẹp là rất tốt. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhiều chuyến đi hiện nay được thiết kế xoay quanh mục tiêu chinh phục và chụp hình – leo lên đỉnh núi, nhận huy chương, chụp ảnh selfie dưới biển mây, hay ngồi trên một chiếc xích đu đặt ở đỉnh núi cao hơn 2000 mét. Họ coi đó là những chiến lợi phẩm, là những điều cần đạt được để khẳng định chuyến đi thành công. Điều này thật đáng tiếc, vì mục tiêu như vậy khiến chúng ta bỏ lỡ vô vàn vẻ đẹp khác.

Có thể chúng ta nên đặt những mục tiêu khác cho những chuyến đi. Ví dụ như một chuyến đi để tìm hiểu về hệ sinh thái của Hoàng Liên Sơn, ta sẽ thấy hệ sinh thái dưới lòng suối ẩm thấp khác hẳn với trên độ cao 2000 hoặc 2800 mét. Khung cảnh buổi sáng, buổi trưa, và buổi chiều cũng rất khác nhau, âm cảnh xung quanh vào từng thời điểm trong ngày cũng thay đổi. Đó là cả một thế giới vô cùng bí hiểm và giàu có. Nếu có ai đó có hiểu biết và lưu ý về mặt đa giác quan để dẫn chúng ta đi, chuyến đi sẽ có nhiều trải nghiệm đẹp đẽ khác. Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể leo lên đỉnh núi, nhưng mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc chinh phục, mà còn để khám phá và cảm nhận nhiều tầng lớp khác của thiên nhiên.

Những chuyến đi hiện nay – với trào lưu chinh phục, săn mây, team building,... dù cũng tốt, nhưng thiếu đi những khoảnh khắc tĩnh lặng để ta nhìn sâu vào một mớ rêu, vào một bông hoa bé li ti trên đỉnh núi 2800 mét - thứ mà ta không thể có được ở Hà Nội. Thậm chí, vì bị xâm chiếm trong đầu bởi việc săn mây và chinh phục đỉnh núi, ta giẫm đạp lên một bông hoa như thế mà không để ý đến vẻ đẹp của nó.

emagazine image
emagazine image

Tại sao lại không? Những điều này không hề tốn kém, thậm chí còn dễ thực hiện hơn rất nhiều. Việc chú tâm vào một bông hoa nhỏ trên mặt đất, hay tìm đến một nơi ít ánh sáng để ngắm sao, đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải đi đến vùng núi xa xôi ở Tây Tạng hay một bãi biển nổi tiếng ở Bali.

Đúng là con người hiện đại thường thiếu hoặc kém phát triển khả năng chú tâm hay tĩnh lặng cùng thiên nhiên, nhưng đó không phải là vấn đề tài chính hay kiến thức. Đây là vấn đề của thói quen, sinh hoạt, và giáo dục. Những người hướng dẫn viên mà tôi đã gặp trong các chuyến đi gần đây – họ chỉ là những người lao động bình thường, đam mê làm vườn và thích thú với thiên nhiên. Họ không có nhiều tiền bạc hay thời gian hơn người khác, nhưng lại có khả năng tiếp cận và trân trọng vẻ đẹp quanh mình. Vì vậy, những đề xuất này dành cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, vẫn có những người không thể tiếp cận vì thói quen bận rộn đã ăn sâu vào đời sống. Họ chạy từ MXH này sang MXH khác, liên tục nhắn tin, gọi điện. Điều này dẫn đến hai hệ lụy lớn. Ở cấp độ cá nhân, đời sống tinh thần và sức khỏe tâm lý bị ảnh hưởng, chúng ta đánh mất bản thân, mê man trong những tương tác vô nghĩa. Thứ hai, quan trọng hơn, là sự thờ ơ với thiên nhiên. Khi không nhận thức được giá trị của nó, chúng ta dễ dàng phớt lờ hoặc thậm chí chủ động phá hủy thiên nhiên.

emagazine image
emagazine image
emagazine image

Cùng với nhiều khám phá mới mẻ, có một nỗi buồn đi kèm khi thực hiện cuốn sách này. Càng phát hiện ra những vẻ đẹp rực rỡ và tuyệt vời của thiên nhiên, tôi càng đau xót vì những vẻ đẹp đó đang bị chà đạp và phá huỷ. Những đầm lầy – thiên đường của chim di cư, đang bị người ta coi là vô giá trị, bị biến thành đất nông nghiệp, nuôi tôm hay đất đô thị. Người ta thơ vơ với việc hàng trăm ngàn con chim di cư chuẩn bị mất đi nơi cư ngụ.

Mỗi năm, chim di cư từ phương Bắc về Việt Nam với số lượng lớn, và rất nhiều trong số đó bị giăng lưới, bắt giữ, khâu mắt, trói mỏ, rồi bị giết chết tàn nhẫn chỉ vì thú vui ăn uống của con người. Điều này khiến tôi tự hỏi: Tại sao đến bây giờ, người ta vẫn tìm đến những con chim di cư ấy để ăn? Có lẽ vì họ không xem chúng là quý giá. Những loài chim hót hay, như sáo hay vẹt sặc sỡ, biết bắt chước tiếng người, thì được đánh giá cao. Trong khi đó, những loài chim nước – không rực rỡ, không hót hay – lại bị xem thường, bị coi là nguồn protein rẻ tiền để nhậu nhẹt. Điều này thật đau xót!

Tương tự, rừng bị phá hủy với lập luận “phá chỗ này để trồng chỗ khác”, nhưng người ta không hiểu rằng cả một hệ sinh thái phong phú và bền vững hàng trăm năm đã bị mất vĩnh viễn. Những cây mới trồng không thể thay thế được sự đa dạng sinh thái ấy trong vòng 100 năm tiếp theo, hoặc thậm chí lâu hơn. 

Khi có thể nhìn thấy và trân trọng những vẻ đẹp xung quanh mình, tôi cũng khá đau đớn khi thấy chúng bị chà đạp và phá hủy. Đây chính là điều khiến tôi trăn trở suốt quá trình viết cuốn sách này.

emagazine image
emagazine image

Những dự án như cuốn sách này không chỉ giúp tôi ý thức hơn về các vấn đề trong xã hội, mà còn mở ra những cách thức mới để tiếp cận và trân trọng vẻ đẹp của đời sống. Hai điều này quan trọng như nhau. Một mặt, cuộc sống của tôi giàu có hơn vì có cách tiếp cận thiên nhiên khác đi. Mặt khác, tôi nhận biết rõ hơn về những tác hại mà con người đang tạo ra. Điều này không tách rời và tôi phải sống với những nhận thức mới đó. 

Giống như việc, chúng ta ý thức được thế giới đang có chiến tranh và bạo lực, nhưng cùng lúc ta cũng gặp rất nhiều con người trắc ẩn và yêu thương. Những trải nghiệm tích cực đó đem lại cho ta năng lượng và niềm hy vọng để tiếp tục có những đóng góp – dù nhỏ bé, để thay đổi người khác, thay đổi cộng đồng.

Cuộc sống thường nhật không bao giờ chỉ có những điều tốt đẹp, nó luôn đan xen cả những điều xấu xí và những vấn đề nhức nhối. Chiến lược của tôi là ghi nhận và đối diện với những điều tiêu cực, nhưng không quên rằng xung quanh vẫn tồn tại rất nhiều điều đẹp đẽ. Điều quan trọng là trong lúc mình trăn trở về những điều xấu xí, mình không quên kết nối với vẻ đẹp quanh mình, với thiên nhiên rực rỡ, với con người tốt bụng, với cảnh sắc giàu có. Nếu không, ta sẽ nhanh chóng cạn kiệt năng lượng hoặc trở nên bi quan.

emagazine image
emagazine image

Tôi có thể tóm tắt thế này: cách chúng ta thưởng thức và cảm thụ thiên nhiên không phải là một sở thích cá nhân, giống như tôi thích ăn phở, bạn thích ăn bánh mì, hay tôi thích mặc áo màu sáng, bạn thích áo hoa. Nó không đơn giản như vậy. Cách chúng ta cảm nhận thiên nhiên mang hệ lụy quan trọng, ảnh hưởng đến việc chúng ta kiến tạo thế giới: điều gì cần được bảo vệ, điều gì chúng ta thờ ơ, điều gì chúng ta hiểu là độc hại, và điều gì chúng ta chọn để lưu giữ,...

Chính vì sự quan trọng đó, việc cảm thụ thiên nhiên cần được đưa vào giáo dục. Hiện nay, giáo dục về thiên nhiên gần như bị bỏ ngỏ. Chúng ta dạy nghệ thuật – học vẽ, học nghe nhạc. Chúng ta dạy sinh học – tìm hiểu cấu tạo của động thực vật. Nhưng cách tiếp cận này thường khô khan, thiếu sự kết nối thực tế giữa học sinh và thiên nhiên. Chúng ta không được trải nghiệm việc vục tay xuống đất để cảm nhận, không được ôm hay sờ một cái cây, không được nuôi một cái cây nhỏ hoặc quan sát một con giun. Sự thiếu kết nối này là một lỗ hổng lớn trong quá trình trưởng thành. Nó khiến chúng ta dễ dàng thờ ơ, hoặc thậm chí vô thức phá hủy những điều đẹp đẽ quanh mình.

Đối với các bạn trẻ, nếu như cuốn sách gợi bên trong bạn mong muốn kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên, bạn có thể bắt đầu với việc tìm đến những người có kiến thức hơn mình, những người có niềm say mê với nhiên nhiên để được truyền lửa, truyền cảm hứng. Bạn cũng có thể tìm và tham gia những hội nhóm khác nhau trên MXH như những nhóm chuyên về côn trùng, nhóm đi xem rắn trong rừng, xem chim,... Xem phim, đọc tài liệu, thảo luận trong các hội nhóm đều là những cách hiệu quả để bắt đầu. Điều quan trọng là dành thời gian và tìm được đồng đội, để biến việc khám phá thiên nhiên thành một sở thích mới.

Hãy tự mình nhận ra thiên nhiên xung quanh tuyệt vời đến mức nào. Những khoảnh khắc kỳ diệu mà bạn trải nghiệm được từ thiên nhiên thường rất khó diễn tả, nhưng chúng đẹp đẽ hơn bất kỳ bức ảnh selfie nào và tuyệt vời hơn mọi lượt like bạn có thể nhận được trên mạng xã hội. Tôi hiểu rằng có thể nhiều người không tin điều này, nhưng tôi hy vọng các bạn sẽ thử tìm đến những trải nghiệm đó. Niềm vui tự thân – niềm vui không phụ thuộc vào việc người khác tung hô hay công nhận – là một dạng niềm vui vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào sự công nhận của người khác để cảm thấy hạnh phúc, đó sẽ là một điều rất nguy hiểm.

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa