Tạ Quốc Kỳ Nam được giới sáng tạo biết đến nhiều nhất trong vai trò thiết kế bìa sách cho Nhã Nam. Trong hơn 10 năm làm công việc này, anh là tác giả của hơn 700 bìa sách nhiều thể loại. Hiện tại, anh cùng lúc thực hiện nhiều công việc khác nhau như diễn viên, production design, giám đốc sáng tạo cho một công ty sản xuất nội dung đa nền tảng, content creator/ influencer với nhiều status viral khắp MXH…
Tò mò với hành trình anh phát triển với ngành sáng tạo, The Influencer đã có một cuộc trò chuyện đầy tiếng cười và thật nhiều khám phá mới mẻ cùng Kỳ Nam.
Có hai điểm chung trong mọi việc mà tôi đã và đang làm. Thứ nhất, đây đều là những công việc phục vụ công chúng, phục vụ một nhóm khán giả nào đó. Thứ hai, những công việc này đều tận dụng được những kỹ năng thế mạnh của tôi cả về phần hình và phần chữ.
11 năm trước, tôi bắt đầu với ngành xuất bản trong vai trò thiết kế bìa sách, sau đó phát triển thêm mảng content khi MXH bắt đầu phát triển. Khi lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, tôi vừa có cơ hội đứng trước ống kính làm diễn viên, vừa lui về đằng sau ống kính để làm công việc của người thiết kế bối cảnh. Tôi cũng làm poster phim, truyền thông quảng cáo cho phim. Hiện tại, tôi bắt đầu sản xuất và dẫn một chương trình podcast.
Theo thời gian, tôi được trải nghiệm ở nhiều vai trò hơn, phạm vi ảnh hưởng của công việc cũng bắt đầu lớn hơn. Điều thú vị rằng tất cả công việc này đều bổ sung hỗ trợ cho nhau, đem đến cho tôi nhiều góc nhìn khác biệt về cùng một dạng công việc.
Thích nhất là không làm gì… (Cười)
Thật ra, tôi luôn rất yêu ngành xuất bản. Trước khi làm người thiết kế bìa sách, tôi vốn là người thích đọc, và thật vui khi được là một phần trong quá trình sáng tạo một cuốn sách. Công việc này không đem lại nhiều tiền bạc, nhưng đó là sợi chỉ đỏ trong hành trình tôi gắn bó với ngành sáng tạo, là công việc đầu tiên giúp Nam khẳng định vị trí trong ngành này. Trong nhiều năm qua, thiết kế bìa sách vẫn luôn là công việc tôi dành nhiều tâm huyết, và may mắn khi tôi cũng có nhiều sản phẩm được độc giả đón nhận.
Đối với các công việc khác, tôi yêu thích những dự án mà tôi tạo ra được giá trị và để lại nhiều dấu ấn riêng biệt. Có những công việc không mang lại nhiều tiền bạc, thậm chí hoàn toàn phi lợi nhuận, nhưng tôi vẫn rất yêu thích vì cảm nhận được những tác động tích cực mà dự án đó đem đến cộng đồng. Ví dụ, tôi từng thực hiện chiến dịch “Ngưng Vô Duyên” (#ngungvoduyen), nhằm kêu gọi quyền lợi của những người đồng tính. Tôi bắt đầu chỉ với một mục đích duy nhất là thể hiện quan điểm của bản thân, nhưng cuối cùng lại được cộng đồng đón nhận rất tích cực. Có nhiều thứ tôi làm chỉ vì mình thích, nhưng không ngờ lại được cộng đồng ủng hộ, và sau đó lại mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội thú vị.
Sau khi được trải nghiệm đa dạng nhiều vị trí, góc nhìn của tôi về mỗi dự án đủ đầy và trọn vẹn hơn rất nhiều. Ví dụ, trong vai trò một influencer nhận booking từ khách, tôi hiểu được lý do nhãn hàng và agency đưa ra đề bài như vậy, từ đó có cách giải quyết hiệu quả nhất. Tôi biết được rằng với đặc thù dự án này, tôi có thể đưa bao nhiêu phần trăm cái tôi cá nhân để đảm bảo rằng vừa giúp khách hàng giải quyết vấn đề, vừa giữ được đúng màu sắc riêng biệt. Quá trình trao đổi thông tin dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu của nhau, vậy nên tránh được những tranh cãi không cần thiết. Khi có vấn đề phát sinh, tôi cũng có đa dạng góc nhìn để cùng nhau tìm giải pháp, thay vì đổ lỗi và tạo gánh nặng cho nhau.
Hoặc ở vị trí Giám đốc Sáng tạo, tôi nhận ra rằng mình cần tin tưởng đồng đội, cần lắng nghe chuyên môn của họ. Tôi hiểu được rằng dù mình từng đi qua rất nhiều công việc, từ những vị trí nhỏ nhất đến những vị trí tương đối quan trọng, nhưng mình không thể là chuyên gia trong mọi việc. Khi gặp một vấn đề, tôi sẽ luôn đặt câu hỏi và lắng nghe kỹ lưỡng để hiểu bản chất câu chuyện, rồi sau đó cùng nhau tìm giải pháp, thay vì chất vấn nhau rồi dẫn đến những cuộc cãi vã không cần thiết. Ôn hòa nhưng chất lượng, đó là phong cách làm việc mà tôi hướng tới.
Tôi vẫn luôn tin rằng mình có khả năng viết lách, nhưng trước đây không nghĩ đó là một điểm mạnh. Tôi chỉ nghĩ rằng mình viết ra điều mình suy nghĩ, chỉ cần có vài người đọc là đã vui lắm rồi. Sau này, một vài status tôi viết rất vu vơ mà cuối cùng viral cả nước, rồi thành câu cửa miệng của mọi người, tôi bắt đầu nhận ra mình có khả năng viết lách tốt và chủ động hơn trong chuyện sản xuất nội dung. Chuyện thấy những nội dung của mình viral khắp nơi cũng rất vui. Hơn nữa, tôi cũng nhận ra rằng mình có thế mạnh trong việc sáng tạo nội dung khi vừa biết viết, vừa có tư duy sản xuất hình ảnh.
Thứ nhất, yếu tố quan trọng đầu tiên là sự “relatable”. Với bản thân người sáng tạo nội dung, trước tiên nội dung đó phải là thứ họ quan tâm, yêu thích và có kiến thức cụ thể. Nếu mình nói những thứ chính mình không quan tâm, nội dung chắc chắn sẽ nhạt nhẽo và không có chiều sâu. Với người đọc, họ sẽ yêu thích và tương tác với những nội dung mà họ cảm thấy có liên quan đến họ, có sự gắn kết với cuộc sống, cảm xúc, tư duy, thói quen của họ.
Thứ hai, một nội dung viral thường thể hiện được cá tính riêng của người làm sáng tạo. Người đọc thường thấy tò mò khi thấy nội dung Nam sản xuất có cái gì đó “là lạ”: vừa hài hước, vừa nghiêm túc, vừa “nhảm nhí”, lại vẫn có hàm lượng kiến thức nào đó. Cá tính của từng người sẽ làm nên cách tiếp cận khác biệt với cùng chủ đề, từ đó tạo nên hứng thú với người xem.
Thứ ba, góc nhìn mới và sự hài hước cũng là những điểm mạnh mà tôi thường xuyên đưa vào những nội dung của mình. Bộ ảnh viral Ăn hết Thái Lan mà tôi thực hiện năm 2018 là một ví dụ. Những nội dung review đồ ăn, review các địa điểm du lịch không phải là một dạng nội dung mới, nhưng vẫn có cách để làm khác đi. Trong khi người khác chỉ làm một danh sách những món ăn nên thử, những hàng quán nên ghé qua, tôi làm content review chia sẻ những trải nghiệm thật, những tình huống khó đỡ khi đi du lịch. Mỗi bức ảnh sẽ đính kèm một caption mô tả thực tế những chuyện ra diễn ra, ví dụ: đang ăn thì gặp ngay một anh đẹp trai, xếp hàng quá lâu nên không ăn nữa, gọi nhầm món dở,..
Sự viral của bộ ảnh này đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là nó rất vui, những tình huống khó đỡ được chuyển thành nội dung hài hước vui vẻ. Thứ hai là nó có sự liên quan (relatable) đến người đọc bởi những tình huống này không hề hiếm gặp trong các chuyến đi.
Việc làm một nội dung viral không phải chuyện của một người. Sự viral phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có một yếu tố vô cùng quan trọng mà mình không kiểm soát được: đó là cách khán giả đón nhận sản phẩm. Vì vậy, tôi không đặt ra mục tiêu là làm nội dung phải viral, điều tôi quan tâm là bản thân mình phải thấy vui và hạnh phúc khi sản xuất nội dung đó.
Rất nhiều sản phẩm tôi làm hoàn toàn tự nhiên, nhưng lại viral rất mạnh mẽ. Bộ truyện “Hoy đi nha”, hay chiến dịch “Ngưng Vô Duyên” là ví dụ cho điều này. Khi thực hiện những nội dung này, tôi không nghĩ đến chuyện nó cần viral, điều quan trọng là trong đầu tôi đang có một ý tưởng và tôi muốn thể hiện nó ra theo cách hay nhất, sáng tạo nhất. Tôi nghĩ rằng sự chân thành và tâm huyết của người làm nội dung mới là điều quan trọng. Khi mình dành cho nó thật nhiều tâm tư tình cảm, mình chịu khó khai thác sâu về kiến thức đằng sau nó, mình coi nó là một đứa con tinh thần mình đang ấp ủ, nội dung đó sẽ có khả năng được đón nhận cao hơn.
Bên cạnh đó, khả năng quan sát và kỹ năng biểu đạt của người làm nội dung cũng rất quan trọng. Sau một thời gian, người làm nội dung sẽ phát hiện ra những nội dung nào được độc giả đón nhận, những nội dung nào họ không quá hào hứng. Từ những insight này, tôi có thể chủ đích cài cắm một số yếu tố để tăng tỷ lệ thành công cho nội dung.
Mỗi influencer đều có một tệp follower riêng biệt và chính influencer là người hiểu rõ nhất điều gì làm nên thành công và thất bại cho những nội dung được đăng tải trên trang cá nhân của họ: từ cách viết, giọng văn, cách xây dựng hình ảnh… Khi sản xuất nội dung cho nhãn hàng, tôi sẽ cố gắng đưa vào nhiều nhất những yếu tố thường làm nên thành công. Về thông điệp, tôi luôn đặt câu hỏi rằng làm sao để thông điệp đó được truyền tải đến độc giả một cách hài hước, thông minh, dễ tiếp cận, và không “sặc mùi” quảng cáo. Là người từng làm trong agency, tôi hoàn toàn hiểu được tại sao nhãn hàng mong muốn đưa thật nhiều yếu tố sản phẩm vào bài viết của influencer, và đôi khi điều đó mình buộc phải đáp ứng. Nhưng, tôi sẽ luôn truyền tải thông điệp bằng tiếng nói riêng của mình, bằng thông điệp được cụ thể hoá cho riêng follower của mình.
Chuyện thuyết phục được khách hàng nghe theo phương án mình đề xuất là một trong những điều khó khăn nhất, đặc biệt là khi những nội dung tôi sản xuất thường khá “lạ lùng”, không đi theo khuôn mẫu nào cả. Vì vậy, cùng với sáng tạo, influencer cũng cần xây dựng sự uy tín cao để dễ dàng có được lòng tin từ khách hàng. Sự tin tưởng đến từ chất lượng các công việc, dự án mình đã làm trước đó. Bản thân tôi đã có uy tín cao từ công việc thiết kế bìa sách, từ việc dành nhiều thời gian đọc sách để có hệ thống kiến thức phong phú. Khi đã có kiến thức, mình bắt đầu khẳng định dấu ấn qua từng sản phẩm có sự sáng tạo hài hước nhưng không vô duyên phản cảm, không gây tổn thương cho bất cứ cộng đồng nào. Nhờ có sự uy tín, tôi được nhiều đối tượng nhãn hàng tin tưởng. Có những sản phẩm nhỏ xíu như lọ nước rửa tay, có cả những sản phẩm giá trị cao hơn nhiều lần như máy tính hay các sản phẩm công nghệ phục vụ việc sáng tạo. Có những dự án mà nội dung chỉ toàn cười, cười không nghỉ mồm từ ảnh đầu đến ảnh cuối, nhưng cũng những nội dung mà tôi xuất hiện nghiêm túc trong vai trò người làm sáng tạo nhiều năm. Tôi tin rằng, khi mình luôn dùng sự văn minh lịch sự để đối diện với vấn đề, những gì mình làm ra sẽ có khả năng cao được tin tưởng và đón nhận.
Tôi nghĩ rằng bẩm sinh đóng góp 1 phần, còn 9 phần còn lại là do các yếu tố khác. Năng khiếu bẩm sinh là điều rất quan trọng, nhưng đó là yếu tố chúng ta không thể kiểm soát. Những yếu tố khác như sự chú tâm, sự chăm chỉ lao động, việc chịu khó quan sát,... là điều bạn có thể phát triển. Chẳng bạn, bạn muốn thiết kế tốt hơn thì bạn cần quan sát nhiều hơn, cần phân tích các thiết kế bạn cảm thấy ấn tượng, cần thường xuyên thực hành để có tư duy hình ảnh tốt. Bạn muốn nâng cao khả năng viết lách thì bạn cũng sẽ cần thực hàng hàng ngày, đọc sách thường xuyên để khi cần, những từ ngữ phù hợp nhất sẽ lập tức xuất hiện.
Sẽ rất may mắn nếu như bạn đam mê với việc phát triển bản thân và tận hưởng hành trình đó. Chẳng ai ép mình đọc sách, chẳng ai ép mình xem phim, chẳng ai ép mình phải lên tiếng về một vấn đề nào đó, chẳng ai ép mình phải làm những chiến dịch vì cộng đồng mà không đem lại tiền bạc,.. Nhưng bản thân tôi lại vô cùng hạnh phúc, có khi chìm đắm trong những công việc đó mà quên cả thời gian.
Đương nhiên là có, mình cũng là con người mà, chắc chắn sẽ có những lúc bị bào sức. Về cơ bản, tôi không khuyên ai nên vắt kiệt sức lực vào công việc, chuyện đó có tác động rất tiêu cực đến sức khoẻ và cơ thể. Khi tôi lựa chọn làm nhiều việc cùng lúc, đôi khi tôi phải chấp nhận hy sinh một chút thời gian cá nhân, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng phân bổ thời gian hợp lý để mình có thể nghỉ ngơi, nạp năng lượng, duy trì sức sáng tạo.
Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng, sự mệt mỏi sẽ không còn quá nhiều khi chúng ta lựa chọn làm những việc mình thích, khi ta tìm được niềm vui trong công việc. Với tôi, tôi thường chỉ thấy mệt mỏi nhất khi không tìm ra được giải pháp tốt nhất cho những việc mình đang làm.
Sẽ không có một câu trả lời chính xác cho tất cả mọi người. Tôi sẽ chọn những thứ tôi thấy hứng thú và muốn đào sâu. Tôi nhận ra rằng cả đời này, mình sẽ không bao giờ có thể xem được hết phim, đọc được hết sách, dự được hết các buổi triển lãm,... Chúng ta không bao giờ có đủ thời gian cho việc đó. Vì vậy, tôi chỉ xem và chọn lọc những thứ mình thực sự quan tâm và có động lực khám phá.
Sau khi đã trải qua nhiều việc, tôi đặt ra cho mình một nguyên tắc là không bao giờ chê một sản phẩm nào mà không có lý do cụ thể. Nếu mình chỉ biết chê, mình sẽ không bao giờ học được điều gì, nhưng khi mình chậm lại để đặt câu hỏi: Tại sao cuốn sách này lại hay? Tại sao bộ phim đó lại dở? Điều gì khiến thiết kế này thu hút đến thế? Họ đã làm thế nào để cảnh quay này khiến người xem cảm động?... Khi nhìn mọi thứ dưới góc độ phân tích và khám phá, chúng ta sẽ học được rất nhiều, và không còn quá dễ dãi trong việc khen chê một điều gì đó. Đó cũng là cách tôi trau dồi thêm khả năng cảm thụ, kỹ năng nhìn nhận sự việc cho bản thân mình.
Tôi không nghĩ mình là người luôn lạc quan và tích cực đâu, chuyện đó cũng không tốt cho sức khỏe. Ai cũng phải đi qua những giai đoạn thăng trầm lên xuống. Thật ra, có rất nhiều sản phẩm tốt của tôi được sinh ra từ những giai đoạn không mấy tốt đẹp trong cuộc sống. Để sáng tạo, mình phải có tư liệu để đồng cảm với những người có những trải nghiệm tương tự mình. Khi có nhiều sự cảm thông, sản phẩm mình tạo ra sẽ có nhiều tầng lớp ý nghĩa tốt đẹp. Nếu mình lúc vào cũng hạnh phúc vui vẻ, cuộc đời chỉ toàn màu hồng, mình sẽ khó để hiểu và sử dụng những tone màu khác. Nhưng khi chính bản thân mình đã có những trải nghiệm “mood down” đến tận đáy, nội dung mình sản xuất sẽ có sự chân thành và thấu hiểu. Trân trọng từng trải nghiệm, hiểu được rằng hồng hay xám cũng đều là những mảng màu khác nhau nhất định sẽ cần trải qua trong cuộc sống, đó mới là điều quan trọng.