Sự trỗi dậy của UGC và đường đua FnB Việt đầy thú vị trên TikTok

UGC (User-Generated Content) - Nội dung do người dùng tạo đang trở thành xu hướng được rất nhiều thương hiệu ưa chuộng. Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của chính mình, gia tăng kết nối với người dùng là những gì UCG mang lại.
Pham Uyen
18/07/2024
Sự trỗi dậy của UGC và đường đua FnB Việt đầy thú vị trên TikTok

Kỷ nguyên của UGC quay trở lại

Trong những năm gần đây, ngành sáng tạo nội dung đã chứng kiến ​​​​nhiều sự thay đổi, trong đó bao gồm sự ra đời của Nội dung do người dùng tạo (UGC). UGC được xem là một dạng Marketing truyền miệng (Word-of-mouth), xuất hiện ở khắp mọi nơi với đa dạng hình thức. Đó có thể là video, ảnh, một bài post review hay thậm chí là những dòng bình luận trên mạng xã hội. Các nền tảng truyền thông đang trở thành trung tâm sáng tạo, cho phép các cá nhân tạo và chia sẻ nội dung của riêng họ theo cách khác nhau. Những nhà sáng tạo UGC đã lật ngược kịch bản đối với Influencer truyền thống và chứng minh rằng họ có thể tạo ra sự nghiệp sáng tạo nội dung riêng - có lợi nhuận mà không cần số lượng người theo dõi lớn.

Dựa trên bài báo cáo của Influencer Marketing Hub về UCG được khảo sát với hơn 1000 người được thực hiện vào cuối năm 2023, ta có thể thấy rõ tiềm năng của tuyến nội dung này thông qua những con số.

  • 96% người sáng tạo được khảo sát là nữ, trong khi 4% là nam, cho thấy phụ nữ chiếm ưu thế như thế nào trong UGC
  • Độ tuổi từ 25-34 chiếm gần 51% số người sáng tạo. Nhóm tuổi phổ biến thứ hai là 18-24, chiếm 37%. Chỉ có chưa đến 11% số người được hỏi ở độ tuổi trên 35, cho thấy hiện tại UGC được ưa chuộng bởi người trẻ
  • TikTok là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất dành cho những người sáng tạo UGC, với 54% người sáng tạo sử dụng. Ngay sau đó là Instagram với hơn 42% số người được hỏi
  • Tổng số tiền của những người sáng tạo khảo sát trong bài đã kiếm được ước tính khoảng 5,7 triệu USD từ UGC

Ngoài những con số riêng lẻ thể hiện độ hứng thú của các nhà sáng tạo nội dung cũng như tiềm năng sử dụng trên các nền tảng, cuộc khảo sát này còn cho thấy mối quan tâm của thương hiệu dành cho UCG. Cụ thể, khi hỏi những người sáng tạo tại sao họ cho rằng các thương hiệu sử dụng UGC thay vì những người có ảnh hưởng hoặc các chiến lược tiếp thị truyền thống khác - 66% người sáng tạo cho rằng họ được chọn nhằm tăng tính xác thực cho thương hiệu; 13% số người được hỏi tin rằng UGC được chọn do chi phí thấp hơn và tỷ lệ chuyển đổi mà UGC mang lại cao hơn, trong khi 4% cho biết UGC có thể tiếp cận đối tượng trẻ hơn. Chính việc lựa chọn những người bình thường thay vì các Influencer có ảnh hưởng lớn đã mang lại tính chân thực cho UCG.

Đọc thêm: Creator Marketing: Khi những nhà sáng tạo nội dung tạo ra làn sóng của riêng mình

Sẽ thế nào nếu các thương hiệu FnB Việt tự kể chuyện trên TikTok?

“Bãi Tôm lột xác” hay “Tôi đã chi 500 triệu để cai xiên bẩn - Ngày 1: Mở nhà hàng” chắc hẳn là 2 đoạn intro gây thu hút các tín đồ ẩm thực Hà Nội nhất thời gian gần đây. Điều này đã giúp cho đường đua FnB trở nên thú vị và đáng mong đợi hơn bao giờ hết, nhất là khi các thương hiệu lựa chọn tự kể câu chuyện của chính mình mà không thông qua một Influencer danh tiếng nào. Và nếu để ý, người dẫn chuyện cho cả Bãi Tôm và Mala Gang đều là phái nữ, cùng lựa chọn TikTok để kết nối với khách hàng của mình - có đôi phần giống với bài khảo sát đã đề cập ở trên. 

Câu chuyện của Bãi Tôm rất đơn giản nhưng đủ trực diện để đánh thẳng vào tệp khách hàng mà họ mong muốn, điều này được thể hiện rất rõ qua câu mở đầu mỗi video của Bãi Tôm. Chỉ với câu intro “Bãi Tôm lột xác phần…”, thương hiệu này vừa giới thiệu được tên gọi - “Bãi Tôm”; giới thiệu được sản phẩm - hải sản; đồng thời là câu chuyện mở nhà hàng trong vòng 50 ngày - “lột xác”. Chưa nói đến nội dung thu hút của mỗi video, việc theo dõi từng phần và nhìn sự thay đổi của một thương hiệu đang dần thành hình mỗi ngày cũng đủ để người xem ghi nhớ và mong muốn theo dõi nhiều hơn.

Hiểu được điều đó, Bãi Tôm quyết định đến gần hơn với khán giả của mình thông qua những màn tương tác lắng nghe đầy thuyết phục. Họ đặt ra vấn đề, chỉ ra những khó khăn mà quán gặp phải trong lúc xây dựng, chia sẻ những điểm thú vị mà họ cho rằng họ sẽ khác với những thương hiệu khác, từ đó nhận được đánh giá trực tiếp của những vị khách tương lai, biết được phản ứng chân thực của họ trước khi ra mắt sản phẩm. Chính màn tương tác trực tiếp này càng làm tăng thêm tính xác thực cho thương hiệu, khi khách hàng cảm nhận được ý kiến của mình được lắng nghe và cải thiện. Song song với câu chuyện xây dựng, vận hành và khai trương cửa hàng cùng concept quán ăn mới lạ, Bãi Tôm còn kể câu chuyện của mình khi tạo series mới mang tên “Nghỉ làm sếp, thử làm nhân viên”, qua đó tiếp tục nhận về lượt tương tác và chuyển đổi khách hàng đầy thành công cho một thương hiệu mới.

Tiếp đến câu chuyện của Mala Gang với màn mở đầu gây sốc bằng con số 500 triệu: “Tôi đã chi 500 triệu để cai xiên bẩn - Ngày 1: Mở nhà hàng”. Đủ gây sốc, đủ thu hút và đủ nội dung, mở ra một định nghĩa khác về món ăn vặt đường phố quen thuộc với các bạn học sinh, sinh viên, Mala Gang đã có màn ra mắt đầy ấn tượng những ngày gần đây. Tận dụng sức hút một thời của lẩu băng chuyền, Mala Gang khơi dậy sự tò mò của người xem ngay từ những giây phút đầu tiên: “Xiên bẩn mà lại trong nhà hàng thì sẽ như thế nào?”. Đồng thời, màn chào sân cùng chuỗi 15 ngày giới thiệu về quán, cách vận hành, phong cách cùng ý nghĩa của thương hiệu đã phần nào thu hút khách hàng trải nghiệm, song song với món ăn “xiên bẩn” quen thuộc kia.

Là một trong những quán ăn đi đầu trong cách làm nội dung này, khi chính thương hiệu tự xây dựng và sản xuất ra những câu chuyện của riêng mình mà không qua bất kỳ nhân vật nào nổi tiếng, Bãi Tôm đã thu về hơn 56 nghìn lượt theo dõi trên TikTok, cùng với hơn 1,5 triệu lượt xem trên nền tảng này. Với Mala Gang, hiện tài khoản này thu về hơn 3.000 lượt theo dõi, hơn 67 nghìn lượt xem và vẫn tiếp tục tăng tương tác ở những video gần đây.

Hãy tạo ra câu chuyện của riêng mình!

Đúng vậy! Theo Advertising Vietnam, Có đến 73% Gen Z, 68% thế hệ millennials và 57% dân số nói chung tham khảo các nội dung của creators trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Nhờ sự tin tưởng mà creators đã tạo dựng được, các thương hiệu đã khảo sát được rằng, hiện tại khách hàng tin tưởng vào creators hơn là Influencers. Khi nói đến quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, 95% các thương hiệu CPG (Consumer Packaged Goods - nhóm hàng tiêu dùng nhanh) ưa chuộng sử dụng nội dung của creators hơn. Những con số này đã chứng minh được rằng, cho dù bạn là bất kỳ ai, làm bất kỳ ngành nghề nào, từ giáo viên, nhiếp ảnh gia hay thậm chí là chính nhân viên của các thương hiệu giống như Bãi Tôm và Mala Gang - bạn vẫn có thể kết nối và xây dựng những nội dung đủ thu hút và lên xu hướng tới khách hàng của mình. 

Malang Gang nhận rất nhiều lời khen nhờ concept độc đáo, câu chuyện thương hiệu trẻ trung, nắm được insight giới trẻ

Cùng với đó, các thương hiệu cũng có thể tham khảo UCG và lựa chọn cho mình những gương mặt phù hợp - dù không sở hữu những con số khủng nhưng lại mang về tương tác và chuyển dịch ấn tượng. Sự lựa chọn này phần nào mang lại độ chân thực cao, giảm chi phí cho thương hiệu, đồng thời giúp các nhà sáng tạo có thêm nguồn doanh thu cùng cơ hội tiếp cận với nhiều khán giả hơn bao giờ hết!

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa