Điều gì làm nên dấu ấn cá nhân của một stylist trong ngành công nghiệp thời trang luôn có sự cạnh tranh khốc liệt? Qua phong cách cá nhân, qua sự thay đổi của khách hàng sau khi được định hình phong cách hay đơn giản hơn, qua tinh thần làm việc? Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ.
Trang Lê là một gương mặt không quá xa lạ trong “làng mốt" Việt Nam. Sau hơn 10 năm theo đuổi công việc stylist, Trang Lê đã tự khẳng định bản thân qua việc nắm giữ vai trò định hình phong cách, sản xuất hình ảnh cho rất nhiều thương hiệu thời trang lớn tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.
Hành trình để lại dấu ấn cá nhân trên thị trường thời trang của Trang Lê đã bắt đầu và phát triển như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi trong bài viết dưới đây.
Điều gì ở thời trang đã khiến Trang quyết định lựa chọn đây là một phần sự nghiệp của mình?
Quay về quá khứ, từ khi còn rất nhỏ, mình đã thích xem các show thời trang và tự vẽ các mẫu thiết kế vào sổ tay. Thấy mình đam mê như vậy nên gia đình cũng ủng hộ và định hướng cho mình theo học ngành Thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Từ góc độ tâm lý khách hàng, mình nhận ra khoảnh khắc khám phá ra hành trình tìm kiếm sự phù hợp của một bộ trang phục đối với một cá thể - như một chuyến phiêu lưu kỳ diệu. Trong hơn mười năm theo đuổi ngành thời trang, mỗi lần nghĩ tới khoảnh khắc này, mình càng thêm tin vào lựa chọn của bản thân.
Hành trình tìm ra “chuyến phiêu lưu kỳ diệu" ấy đã bắt đầu thế nào?
Năm 2012, VTV6 - Kênh truyền hình thanh thiếu niên tổng hợp của Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất một chương trình là “Xưởng thời trang”. Mình tham gia chương trình với vai trò là stylist cá nhân, nhận nhiệm vụ biến đổi phong cách thời trang cho các nhân vật tham gia chương trình để họ trở nên đẹp hơn. Đó là những bước chân đầu tiên của mình trong ngành thời trang.
Trải nghiệm ở công việc này khiến mình nhận ra, cảm giác khi nghiên cứu phong cách cá nhân của một người, giúp họ trở nên xinh đẹp và thu hút hơn qua những bộ trang phục - thật sự rất “đã". Mỗi khách hàng bước qua sự nghiệp của mình đều có một insight rất riêng, khiến mình rất tâm đắc và háo hức như một đứa trẻ tìm ra vấn đề, giúp họ đẹp lên từ chính sở thích, phong cách và nhu cầu của họ.
Yêu thích và đam mê vai trò stylist cá nhân như vậy nhưng đến hiện tại, người trong ngành chủ yếu thấy Trang Lê xuất hiện ở vai trò là quản lý sản xuất hình ảnh, stylist cho các thương hiệu?
Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình ứng tuyển vào các Tập đoàn - Công ty thời trang và bắt đầu công việc ở vị trí Commercial Stylist (stylist thương mại). Sau này, mình vẫn làm song song cả hai vai trò stylist cá nhân và stylist thương mại nhưng chủ yếu tập trung làm việc cùng các thương hiệu thời trang, sản xuất hình ảnh, lên ý tưởng cho các bộ hình/ video dựa trên yêu cầu, mong muốn của khách hàng, đối tác.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy làm stylist thương mại là mở rộng phần công việc của vị trí stylist cá nhân. Vẫn với cảm giác “phiêu lưu” đó nhưng ở vị trí stylist thương mại, mình có cơ hội tìm hiểu sâu về tệp khách hàng của các thương hiệu, nắm được insight của họ và lên kế hoạch giúp doanh nghiệp sản xuất hình ảnh để đạt được doanh số mục tiêu. Bên cạnh việc giúp hình ảnh, phong cách một người đẹp hơn, mình “đắm chìm" vào khoảng thời gian cùng các bạn founder, cùng team doanh nghiệp ngồi xuống, khai thác sâu về sở thích, hành vi của chân dung khách hàng, từ đó rút ra những điểm chạm trong kế hoạch xây dựng hình ảnh giúp thương hiệu đẹp hơn trong mắt khách hàng.
Tôi tò mò rằng, liệu có phải bệnh nghề nghiệp của một stylist là muốn mọi người xung quanh… mặc đẹp hơn?
Mình nghĩ là không, mình tôn trọng cách mặc đồ của mọi người. Có những người không phải không có khả năng mặc đẹp mà có thể ngày hôm đó họ muốn mặc thoải mái, tự nhiên, dễ chịu. Mình thường tập trung vào nhu cầu và quan sát, tìm hiểu phong cách cá nhân của một người qua thói quen và sở thích chứ không phải qua vẻ bề ngoài, đặc biệt là những lần đầu gặp. Bởi khi làm stylist rồi, bạn sẽ biết bề ngoài là thứ dễ thay đổi nhất!
Trang Lê đã bắt đầu với Ipic như thế nào? Từ khoá nào Trang lựa chọn để miêu tả màu sắc cá nhân trong những sản phẩm của bản thân và doanh nghiệp của mình?
Mình đã mở Ipic - một creative agency được hơn 1 năm. Ipic là một team gồm các bạn trẻ làm sáng tạo, theo đuổi nhiều style đa dạng, không giới hạn. Mình xây dựng Ipic với mục tiêu để các bạn trẻ tại Hà Nội yêu thích ngành thời trang sáng tạo có một môi trường chuyên nghiệp để thử và trải nghiệm. Đối với khách hàng, Ipic luôn tích cực, chỉn chu, sẵn sàng lắng nghe và thay đổi để cập nhật cùng thị trường mới, để cải thiện và phát triển từng ngày.
Hiện tại, ngoài hợp tác cùng những thương hiệu trong nước, Ipic bắt đầu kết hợp cùng rất nhiều đối tác trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan,... Họ đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ Ipic để lên ý tưởng sản xuất hình ảnh cho những bộ sưu tập, dự án đặc biệt.
Yếu tố niềm tin rất quan trọng trong công việc này, ngay cả khi làm việc với khách hàng cá nhân hay nhãn hàng lớn. Trang nghĩ điều gì ở mình có thể khơi gợi được niềm tin đó từ những đối tác?
Đúng là vấn đề niềm tin rất quan trọng, không chỉ trong công việc này mà đối với tất cả công việc hữu hình, vô hình trên đời. Khi khách hàng tìm đến mình, họ hẳn đã có một niềm tin nhất định vào gu thẩm mỹ và cách mình định hình phong cách hoặc sản xuất hình ảnh. Kim chỉ nam của mình và team trong công việc là phải luôn lắng nghe và thấu hiểu khách hàng, tìm ra tiếng nói chung giữa thẩm mỹ và nhu cầu của khách hàng để cả hai cùng phát triển, tiến tới đích đến chung.
Mình thường nhấn mạnh với team rằng, tuyệt đối không được bảo thủ, không được chấp niệm với điều mình nghĩ là đúng bởi vì bản thân khách hàng là người mặc đồ hoặc là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm - họ sẽ biết điều gì là phù hợp với mình và doanh nghiệp. Hai bên phải có một quá trình giao tiếp hiệu quả để đối phương hiểu rằng điều mình đang làm phục vụ mong muốn và mục tiêu chung nhằm đạt được kết quả đôi bên đề ra.
Dù ở vai trò nào, có vẻ Trang Lê cũng khá chiều theo ý của khách hàng. Tuy nhiên, có lẽ điều này vẫn chưa đủ để khẳng định team Trang Lê chưa từng gặp mâu thuẫn với đối tác?
Đúng. Mình tin là trong ngành này, agency không nên có mâu thuẫn với khách hàng. Vẫn là câu chuyện cần giao tiếp hiệu quả, bản thân agency phải biết trò chuyện và chia sẻ làm sao để thuyết phục khách hàng, lắng nghe những góp ý từ khách hàng để cân bằng giữa yếu tố thẩm mỹ và đáp ứng được bài toán doanh số cho doanh nghiệp.
Đi một hành trình dài tới vậy, không thể khẳng định mình và team chưa từng mắc lỗi trong quá trình làm việc với khách hàng dẫn tới mâu thuẫn. Tuy nhiên, lỗi sai đó chỉ được phép xuất hiện một lần và ngay lập tức phải có quy trình kiểm duyệt kỹ càng để không bao giờ được lặp lại để đảm bảo uy tín cho team và giữ được niềm tin nơi khách hàng.
Nhìn lại cả hành trình, điều gì đã đưa Trang Lê tới vị trí hiện tại?
Mình nghĩ là sự kỹ tính và cầu toàn của bản thân. Trong công việc, mình luôn đặt kết quả của khách hàng lên hàng đầu, cả về mặt hình ảnh và doanh số. Bởi hình ảnh có chạm tới insight của tệp đối tượng mục tiêu mới phát sinh doanh số. Khi mình làm tốt việc của mình một cách tối đa, chỉn chu và chất lượng nhất, kết quả doanh số được đo lường cụ thể sẽ trả lời.
Vừa là stylist, vừa quản lý doanh nghiệp riêng, vừa xuất hiện như một lifestyle influencer trên mạng xã hội, các vai trò của Trang bổ trợ đồng thời xung đột lẫn nhau thế nào?
Nói về lợi ích trước, việc đa dạng các vai trò giúp mình có cơ hội kết nối, gặp gỡ với đối tác ở nhiều lĩnh vực, từ đó gia tăng mối quan hệ và có thêm nhiều cơ hội làm việc rất tốt. Ví dụ, việc xây dựng nội dung trên mạng khiến mình và doanh nghiệp nhỏ Ipic được biết đến nhiều hơn với vai trò stylist và ngược lại, việc kết nối cùng các thương hiệu thời trang lớn giúp mình phát triển hình ảnh ở vai trò influencer.
Tuy nhiên, có lợi ắt có hại. Việc đảm nhiệm nhiều vai trò khiến bản thân mình trong nhiều giai đoạn bị quá tải, không thể quản lý tốt thời gian và năng lượng, các vai trò xung đột lẫn nhau khiến cuộc sống bị đảo lộn. Có lẽ bài học khó nhất trên hành trình đa vai trò này là dung hoà giữa lợi ích và xung đột để chúng được phát triển đồng đều theo chiều hướng tích cực.
Ở những giai đoạn mất cân bằng, Trang quan sát được điều gì ở bản thân?
Trước hết, Trang biết bản thân là kiểu người lựa chọn ưu tiên một công việc, một dự án trong một khoảng thời gian nhất định, ngược lại với việc đa nhiệm, có thể giữ nhịp độ làm việc ổn định song song nhiều vai trò một lúc. Vì vậy, ở những giai đoạn mất cân bằng, mình biết bản thân đang đi chệch hướng so với quỹ đạo ưu tiên, ngặt nỗi việc nào mình cũng yêu, cũng đam mê nên rất dễ bị cuốn vào nhiều công việc cùng một lúc. Khi ấy, mình biết bản thân cần chậm lại, hệ thống khối lượng công việc và quản lý quỹ thời gian để cân bằng tất cả mọi thứ mình muốn làm.
Trong tương lai, mình hy vọng có thể xử lý công việc trong giờ hành chính, sau 17 giờ chiều không phải trả lời tin nhắn khách hàng và lên layout, lên concept hình ảnh nữa để có đủ thời gian dành cho bản thân.
Vậy cân bằng giữa công việc và cuộc sống đối với Trang liệu có phải sau 17 giờ chiều không phải làm việc nữa? Trang đã từng thử những phương pháp để quản lý thời gian tốt hơn?
Mình nghĩ đây cũng là một cột mốc tiêu chuẩn mà “người trong ngành” như mình nên hướng đến. Về việc quản lý thời gian, mình biết bản thân nắm được các mốc thời gian tốt nhưng sự đầu tư, yêu thích công việc mới là yếu tố chủ yếu tác động lên cán cân thăng bằng trong câu chuyện quản lý quỹ thời gian của mình.
Mình có thể quản lý thời gian nhưng không thể dừng đam mê làm việc lại được (cười).
Là một lifestyle influencer, Trang muốn thương hiệu cá nhân của mình là gì trong mắt độc giả?
Mình luôn hướng đến hình ảnh của một cô gái có thể độc lập, mạnh mẽ và tự tin nhưng vẫn dồi dào tính nữ, nhẹ nhàng, có sở thích cá nhân, có gu thẩm mỹ, một cô gái luôn làm tốt nhiệm vụ của bản thân dù ở bất kỳ vai trò nào.
Khi thị trường Influencer Marketing đang trên đà phát triển mạnh mẽ, rất nhiều bạn model, stylist trẻ - những người có gu thẩm mỹ thời trang, có kiến thức và trải nghiệm trong ngành công nghiệp thời trang có xu hướng lấn sân sang vị trí Fashion Influencer. Phải chăng xu hướng này xuất phát từ việc tuổi thọ trong thị trường thời trang của các vị trí này quá… ngắn?
Đúng là thị trường thời trang, đặc biệt là mẫu ảnh và stylist thời trang đào thải rất nhanh nhưng cũng không thể phủ nhận, có những người đã làm trong ngành tới cả thập kỷ. Việc bị đào thải ngành nào cũng có, kể cả khi bạn có rẽ hướng sang làm Fashion Influencer mà không tập trung, không đầu tư thì cũng dễ dàng bị đào thải. Ngược lại, nếu bạn có thái độ cầu thị, có sự đầu tư về kiến thức và chăm chỉ làm việc để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, thị trường vẫn sẽ có chỗ đứng cho bạn.
Bản thân mình xuất phát điểm là một stylist cá nhân và mình chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành một Fashion Influencer. Bởi khi đã có trải nghiệm và am hiểu về nghề, mình biết hoàn toàn có thể nâng cao tuổi thọ của công việc này. Đồng thời, khi nhìn thấy thực trạng các đồng nghiệp, hậu bối không theo ngành lâu, nắm được nguyên nhân tại sao nên mình cũng ấp ủ mong muốn có thể khắc phục và hỗ trợ, định hướng mọi người đồng hành với đam mê lâu dài.
Kế hoạch cụ thể của Trang là gì?
Do ngành stylist ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo chính quy, những bạn newbie trong ngành không biết hoặc rất khó nắm được quy chuẩn trong ngành, bản thân mình cũng xuất phát từ việc học thiết kế thời trang chứ không phải được đào tạo bài bản để trở thành một stylist.
Chính vì vậy, mình muốn tạo ra một môi trường đào tạo chuyên nghiệp dành cho thế hệ stylist tiếp theo ở Việt Nam, dẫn dắt các bạn theo con đường tốt nhất để phát triển đúng hướng. Ngoài kiến thức chuyên môn về thời trang, mình cũng sẽ xây dựng giáo trình để đào tạo và đưa đến những bài học thực hành về quy trình làm việc với đối tác và đồng nghiệp.
Cảm ơn Trang Lê vì những chia sẻ chuyên sâu về công việc stylist. Chúc Trang và Ipic ngày càng thành công và phát triển!