Khi Squid Game ra mắt vào tháng 9 năm 2021, ít ai hình dung được rằng một series Hàn Quốc không ngôi sao quốc tế, không tiếng Anh và kinh phí sản xuất khiêm tốn lại trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu. Thế nhưng chỉ sau 28 ngày, bộ phim đã cán mốc 1,65 tỷ giờ xem, được 142 triệu tài khoản toàn cầu lựa chọn – đưa nó lên đỉnh bảng mọi bảng xếp hạng Netflix, từ đó mở đường cho một làn sóng nội dung châu Á bùng nổ mạnh mẽ chưa từng thấy. Theo các tài liệu nội bộ của Netflix được Bloomberg công bố, Squid Game mùa 1 chỉ tốn khoảng 21,4 triệu USD để sản xuất nhưng mang về giá trị ước tính lên tới 900 triệu USD, trở thành một trong những khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất trong lịch sử Netflix. Đó không chỉ là một thành công về mặt nội dung, mà còn là một bài học điển hình trong việc biến một series bản địa không tiếng Anh trở thành “franchise quốc tế” hàng đầu, có sức lan tỏa vượt ra ngoài lãnh thổ và rào cản ngôn ngữ.
Hơn thế, sức hút ấy không hề suy giảm theo thời gian. Khi mùa 2 ra mắt cuối năm 2024, Squid Game tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng với 68 triệu lượt xem chỉ trong tuần đầu, đứng đầu ở 93 quốc gia và đạt tổng cộng 126 triệu lượt xem trong 91 ngày – trở thành mùa phim được xem nhiều thứ hai trong lịch sử Netflix. Còn mùa 3 vừa phát hành vào tháng 6/2025, chỉ trong vòng 2 ngày công chiếu, phim đã nhanh chóng thống trị bảng xếp hạng Netflix tại 93 quốc gia - con số chưa từng có với bất kỳ bộ phim truyền hình Hàn nào trước đó - và khiến mạng xã hội bùng nổ bởi những cú twist bất ngờ cùng cái kết đầy tranh cãi.
Lee Jung Jae đảm nhận vai nam chính
Jung Ho Yeon tỏa sáng trong phần 1
Park Hae Soo nhận được nhiều chú ý hơn ở thị trường quốc tế
Đi cùng với những thành công đó chính là sự thăng hạng vượt bậc của dàn diễn viên khi tham gia Squid Game theo từng mùa. Lee Jung Jae - từ một diễn viên nội địa đã bước lên hàng ngũ quốc tế khi trở thành người Hàn đầu tiên thắng giải Emmy cho Nam chính xuất sắc, đồng thời đảm nhận vai diễn trong loạt phim Star Wars The Acolyte. Jung Ho Yeon – một người mẫu lần đầu đóng phim – sau mùa 1 đã trở thành gương mặt đại diện toàn cầu cho Louis Vuitton, xuất hiện trên bìa Vogue Mỹ và được giới thời trang ca ngợi như một IT girl mới của châu Á. Wi Ha Joon nhận được loạt lời mời đóng chính sau vai cảnh sát Jun Ho còn Park Hae Soo trở thành cái tên quen thuộc với khán giả quốc tế khi tham gia Money Heist: Korea. Ngay cả những ngôi sao đã thành danh như Lee Byung Hun cũng có bước tái định vị hình ảnh ấn tượng nhờ vai Front Man – nhân vật phản diện được khai thác ngày càng đa chiều, giàu bi kịch và mang tính biểu tượng.
Cùng với làn sóng phim ảnh, Squid Game còn định hình chiến lược đầu tư nội dung toàn cầu của Netflix. Sau mùa đầu tiên, Netflix công bố khoản đầu tư 2,5 tỷ USD vào ngành công nghiệp phim Hàn Quốc trong 4 năm – minh chứng cho sự tin tưởng mà nền tảng này đặt vào làn sóng Hallyu. Các trải nghiệm mở rộng như Squid Game: The Challenge, các pop-up tương tác ở New York, Sydney hay những lần kết hợp thương hiệu như Xbox, Duolingo, Domino’s Pizza đã biến loạt phim không chỉ có tác động mạnh mẽ về mặt nội dung mà còn mở ra một hệ sinh thái giải trí toàn diện.
Không chỉ dừng lại ở một loạt phim thành công, Squid Game là trường hợp hiếm hoi một sản phẩm giải trí vượt qua vai trò nội dung giải trí đơn thuần để trở thành một hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu. Dấu hiệu rõ ràng nhất chính là cách thế giới phản ứng và tiếp nhận bộ phim: từ các meme lan truyền chóng mặt, các thử thách sinh tồn được tái hiện ngoài đời thực cho đến sự len lỏi của âm nhạc trong những không gian không ai ngờ tới. Squid Game không chỉ kể chuyện sinh tồn, mà đã đặt một định nghĩa mới cho cách một tác phẩm có thể sống ngoài phạm vi màn ảnh.
Đơn cử như video “$456,000 Squid Game in Real Life” do YouTuber đình đám MrBeast thực hiện vào tháng 11/2021. Video tái hiện gần như nguyên vẹn trò chơi trong phim, mời 456 người tham gia thi đấu các vòng như Đèn xanh, đèn đỏ, kẹo Dalgona hay cầu kính tử thần, với giải thưởng đúng 456.000 USD. Đoạn video nhanh chóng cán mốc 100 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày và hiện đạt hơn 817 triệu lượt xem, trở thành một trong những video không thuộc lĩnh vực âm nhạc được xem nhiều nhất trên YouTube. Điều đặc biệt là, MrBeast không làm theo dạng parody mà lựa chọn đưa tinh thần của Squid Game vào một phiên bản giải trí thật, nơi người chơi trải nghiệm mọi điều thú vị mà họ thấy trong phim. Dấu ấn đó mạnh tới mức Amazon Prime đã chi tiền sản xuất Beast Games - chương trình thực tế lấy cảm hứng trực tiếp từ thành công này với giải thưởng kỷ lục 5 triệu USD. Sự tiếp nối này đã chứng minh Squid Game thành công trở thành chất liệu để thế giới thỏa sức sáng tạo.
Cùng với đó, âm nhạc của Squid Game cũng lặng lẽ xâm chiếm văn hóa đại chúng, đặc biệt là giai điệu thiếu nhi Hàn Quốc “Round and Round” được sử dụng trong trò chơi đầu tiên. Với tiết tấu thơ ngây đối nghịch sự tàn khốc của trò chơi, ca khúc này đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên TikTok, Instagram và thậm chí cả trong các bar ở châu Âu, châu Á. Nhiều bản remix, EDM cover được đăng tải, từ phiên bản nhạc cổ điển, dàn đồng ca cho tới phiên bản thổi sáo hiện đại và ấn tượng hơn. Một bản nhạc tưởng chừng thuần túy với xuất phát điểm là văn hóa địa phương lại lan tỏa toàn cầu, minh chứng cho việc Squid Game vượt qua cả rào cản ngôn ngữ và chạm đến khán giả.
Squid Game: The Challenge
Netflix cũng nhanh chóng biến cơn sốt thành một chương trình thực thụ Squid Game: The Challenge – gameshow thực tế được tổ chức tại Anh năm 2023, với 456 thí sinh và giải thưởng 4,56 triệu USD. Dù từng gây tranh cãi vì bị tố thử thách chân thật đến mức nguy hiểm, chương trình vẫn đứng đầu top 10 toàn cầu của Netflix, chứng minh sức hút chưa hề hạ nhiệt. Điều này cho thấy Netflix không đơn thuần xem Squid Game như một bộ phim giải trí đơn thuần mà là một IP văn hóa có thể nhân bản, mở rộng, thậm chí phát triển từ phim truyền hình sang thực tế, từ Hàn Quốc sang phương Tây – mà không đánh mất bản sắc.
Duolingo cũng không đứng đằng sau cơn sốt Squid Game
Điều tạo nên di sản của Squid Game không chỉ là kịch bản gây sốc, hình ảnh rùng rợn hay âm nhạc ám ảnh mà là khả năng tạo ra những biểu tượng, nơi các chi tiết trong phim trở thành tài sản nhận diện mang tính toàn cầu: bộ đồ màu xanh lá, mặt nạ tròn vuông tam giác, âm nhạc trẻ con vang lên trong không khí chết chóc… Không cần hiểu tiếng Hàn, không cần biết về xã hội Hàn Quốc, người xem từ mọi nơi trên thế giới vẫn tìm thấy điểm liên kết khi theo dõi hành trình phát triển của series này. Chính vì thế, Squid Game không chỉ là bộ phim Hàn Quốc thành công nhất mà đã trở thành một cú chuyển mình trong tiến trình toàn cầu hóa văn hóa đại chúng.
Squid Game mùa 3 khép lại không chỉ bằng những mất mát của dàn nhân vật chính mà còn mở ra một bước ngoặt chiến lược đầy tham vọng: sự xuất hiện chớp nhoáng của minh tinh Hollywood Cate Blanchett trong những phân đoạn cuối. Dù chỉ vài giây, phân cảnh ấy đủ khiến cả mạng xã hội bùng nổ và thể hiện rõ lời tuyên bố từ Netflix về hướng đi tiếp theo của thương hiệu này – không còn là series Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu, mà là một IP toàn cầu thật sự với những bàn cờ quyền lực trải dài xuyên quốc gia. Sau ba mùa, Squid Game không còn chỉ là hành trình sinh tồn – mà đã trở thành một thương hiệu chiến lược với tầm nhìn toàn cầu hóa. Từ biểu tượng phản ánh xã hội Hàn, bộ phim giờ đây đứng trước ngưỡng cửa mở rộng hệ sinh thái – một bước đi táo bạo nhưng hợp thời trong bối cảnh Netflix đang tìm kiếm những cú hích IP bền vững trên thị trường quốc tế.