emagazine image

“Ai cũng nói được là thiền tốt lắm, bạn phải tập yoga đi. Nhưng chị Mia chia sẻ được những trải nghiệm thực tế khi chị tập yoga, và sự thay đổi của chị về thân - tâm - trí sau khi thiền. Nói đạo lý không sai, nhưng bạn chỉ nên nói những đạo lý mình đã thực sự trải nghiệm và kiểm chứng là đúng đắn.”


Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chị Thiên Hương/ Mia (@somethingwithmia) bắt đầu hành trình của mình tại AnyMind Group - đối tác của Google tại thị trường Việt Nam - trong vòng 3 năm. Khi đang giữ vị trí manager của bộ phận vận hành sản phẩm quảng cáo tại AnyMind Group, chị Mia quyết định “nhảy việc” để trở thành full-time influencer. Cuộc sống văn phòng không còn phù hợp với định hướng của chị; thay vào đó, chị mong muốn tự chủ ở mọi khía cạnh cuộc sống, từ công việc, thời gian tới thu nhập, đồng thời tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng từ hoạt động sáng tạo nội dung của mình.


“Chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có thể làm influencer. Ngày đấy, chị cho rằng để làm influencer bạn phải xinh đẹp, phải hát hay, nhảy giỏi, phải có một tài năng đặc biệt, hoặc phải có một cảm thụ nghệ thuật độc đáo. Tất cả những điều đó, chị không có.” Nhưng rồi, Something with Mia nhanh chóng trở thành kênh TikTok, Instagram và Youtube mà nhiều bạn trẻ tìm đến mỗi ngày để được truyền cảm hứng, truyền động lực. Cảm hứng và chân thành, thẳng thắn và văn minh, tích cực mà không giáo điều hay phô diễn. Đó là những gam màu rất “somethingwithmia” mà The Influencer tin rằng bạn có thể cảm nhận được ngay khi ghé thăm kênh của chị, và cả khi lắng nghe những tâm tư chị trải lòng trong bài viết này.

emagazine image

Chị đến với TikTok chỉ đơn thuần vì sở thích cá nhân: Chị đam mê đồ công nghệ và muốn chia sẻ mối quan tâm đó tới cộng đồng. Thế rồi một ngày TikTok đẩy video của chị lên xu hướng, rất nhiều người vào xem video của chị và biết đến chị. Các bạn đặt rất nhiều câu hỏi, “nhắn nhủ” chị review rất nhiều món, vậy là chị càng có nhiều nội dung để làm. Chị càng làm, cộng đồng càng thấy @somethingwithmia có nhiều nội dung chất lượng, lên đều đặn, tương tác tốt, thế là họ follow và ở lại với chị.


Thời gian đầu, những nội dung chia sẻ của chị hoàn toàn xoay quanh những sở thích rất cá nhân. Dần dần, mọi người bắt đầu hỏi nhiều hơn về bản thân chị, về phong cách sống (lifestyle), về những mối quan tâm khác của chị trong cuộc sống, chẳng hạn như đọc sách, tập thiền, tập yoga… Đó là nguồn tư liệu “đầu vào” dồi dào để chị định hình được hình ảnh mà bản thân muốn hướng tới. somethingwithmia không dừng lại ở một kênh chia sẻ về lifestyle hay đồ công nghệ; đây là nơi mọi người tìm được động lực và phương pháp để thay đổi tư duy tích cực - sống có kế hoạch hơn, quản lý thời gian tốt hơn, hành động có mục tiêu hơn.


Khi quyết định xây dựng kênh một cách chuyên nghiệp, bài bản thay vì chỉ làm vì đam mê như ban đầu, chị thay đổi tư duy và cách làm nội dung của mình. Chị đặt ra mục tiêu, lên chiến lược và kế hoạch rõ ràng để phân bổ nội dung, thống nhất thông điệp trên tất cả các kênh và đảm bảo tần suất đăng bài. Từ đây, sáng tạo nội dung không còn là một cuộc dạo chơi với chị, chị coi đó là một sự nghiệp nghiêm túc mà mình đang theo đuổi.


Vậy “định vị thương hiệu” của somethingwithmia là gì? Chị muốn xây dựng hình ảnh của mình trên mạng xã hội là một người truyền cảm hứng cho phái nữ thông qua việc chia sẻ những công cụ, bí quyết, kiến thức mà chị đã áp dụng trong quá trình phát triển bản thân của chị. Trước đây, chị cảm thấy chủ đề “phát triển bản thân” có vẻ hơi… nam tính. Với somethingwithmia, chị muốn nhấn mạnh rằng các bạn nữ cũng nên quan tâm và trau dồi khía cạnh này trong cuộc sống của mình.

Quill Cloud

emagazine image

Từ thời Đại học, chị đã tham gia nhiều cuộc thi lớn về Marketing, cũng từng làm việc tại các agency quảng cáo lớn như Admicro hay AnyMind Group. Tất cả những trải nghiệm ấy là nguồn “hậu thuẫn” rất lớn cho chị trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội; nhưng chừng ấy vẫn không đủ. Khi bắt đầu xây kênh nghiêm túc, chị phải học thêm rất nhiều khóa về social media, về influencer marketing, personal branding (xây dựng thương hiệu cá nhân). Nếu kiến thức đúc kết từ những năm tháng đi làm văn phòng cho chị cái nhìn tổng quan về thị trường influencer nói chung, cũng như xu hướng hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai của ngách này, thì quá trình tự học giúp chị tự tin trở thành một influencer và lan tỏa sức ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội.


Đơn cử, trước khi có ý định làm nội dung trên nền tảng nào, mình phải tìm hiểu về thuật toán của nền tảng đó để xây kênh “lên” nhanh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng grow audience (tăng followers) và grow community (phát triển cộng đồng) là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau trên mạng xã hội. Khi hiểu thuật toán, số lượng người theo dõi của mình có thể được thổi lên với một tốc độ kinh khủng. Nhưng để thực sự kết nối với followers, tạo ra một cộng đồng fan trung thành, bạn cần những chiến lược liên quan đến giá trị (value), đến nội dung nhiều hơn là thuật toán.


Chẳng hạn, nếu muốn grow audience, bạn có thể “bắt trend”, nhảy theo những bài nhạc remix đang thịnh hành… Những video như vậy rất dễ lên xu hướng, bởi tỷ lệ người xem hết video và số lượng tương tác, bình luận, lưu video thuộc nhóm những tiêu chí ưu tiên hàng đầu của TikTok. Tuy nhiên, chị không chọn hướng đi này, vì mục tiêu của chị là muốn xây dựng một cộng đồng có tương tác, kết nối và thực sự đem lại giá trị cho cộng đồng trên mạng xã hội. Cá nhân chị lựa chọn Instagram làm kênh chính để phát triển cộng đồng bởi đây là nền tảng có lợi cho tương tác hai chiều, đặc biệt là thông qua Instagram Stories. Thực tế cho thấy các bạn followers rất thoải mái kết nối với chị qua Instagram, các bạn đặt câu hỏi, chia sẻ vấn đề cá nhân, phản hồi lại những quan điểm chị đưa ra trên kênh Instagram của chị.

emagazine image

Sau khoảng 8 tháng làm somethingwithmia, chị rút ra 3 bài học lớn. Thứ nhất, hãy đa dạng hóa các định dạng nội dung sáng tạo để truyền tải thông điệp đến người xem. Hàng tháng chị đều tự “tổng kết” lại những tuyến nội dung và định dạng mình đã sử dụng, từ đó đánh giá hiệu quả và đưa ra các chiến lược tiếp theo. Chẳng hạn, kênh TikTok somethingwithmia có những video daily vlog, daily lifestyle; có những video mà chị tập trung chèn text để thể hiện câu chuyện; có những video chị lồng audio của influencer nước ngoài rồi dịch tiếng Việt ở phần text… Chị luôn luôn thử nghiệm để tìm ra định dạng tốt nhất cho từng mục đích, từng nhóm đối tượng.


Thứ hai, hãy “tái sử dụng” nội dung. Làm full-time influencer rất vất vả, bởi vậy, nếu không có chiến lược duy trì sức sáng tạo trên tất cả các kênh, bạn rất dễ bị “burn out”. Chẳng hạn, với chủ đề “những ứng dụng giúp mình làm việc tập trung”, chị sẽ trích một đoạn script trên Youtube để làm short video trên TikTok, đồng thời dùng một câu quote truyền cảm hứng để đăng bài trên Instagram. Như vậy, mình vừa tận dụng được những chủ đề hay, chất lượng, vừa tiết kiệm thời gian nghĩ ý tưởng và triển khai nội dung chi tiết.


Thứ ba, hãy làm nội dung với tư duy “education-base”. Chị áp dụng tư duy này trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân và cả công việc kinh doanh online của mình. Đừng chỉ nói khơi khơi, thích gì nói nấy; hãy coi bản thân như một chuyên gia đang đem lại hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm tới độc giả trong một lĩnh vực cụ thể. Chị Mia đâu phải hot girl xinh đẹp, càng không hát hay, nhảy giỏi. Nhưng các bạn nhìn chị như một chuyên gia, chị dạy các bạn một điều gì đó ý nghĩa, cần thiết, vậy là các bạn nhấn nút theo dõi và ở lại với kênh của chị Mia.

emagazine image

Chị từng đọc một nghiên cứu do Think with Google công bố, ở đó nói rằng: 80% Gen Z lên Youtube để học, và 68% Gen Z coi Youtube là nơi để cải thiện hoặc bổ sung kỹ năng cần thiết cho tương lai. Chị cực kỳ bất ngờ, vì với thế hệ của chị ngày xưa, Youtube là “điểm đến” để nghe nhạc, để xem Big Bang, SNSD… Nghiên cứu của Google khiến chị nhận ra sự thay đổi lớn về mối quan tâm của 2 thế hệ. Millennials coi mạng xã hội là nguồn giải trí, trong khi Gen Z còn xem đây là môi trường học tập. Không chỉ học về phát triển bản thân (Personal Growth), các bạn còn học về tài chính, chứng khoán, kiếm tiền, học về tâm lý, tư duy, mối quan hệ… Gen Z chăm học, thích tiếp cận việc học theo nhiều cách khác nhau. Vậy là chị nghĩ: Nếu các bạn thích học, mình sẽ dạy các bạn những kiến thức mình đang có, từ phát triển bản thân đến năng suất, thói quen, quản lý thời gian…


Khi chị chọn ngách chủ đề này, lợi thế lớn nhất là những kiến thức ấy từ chính chị mà ra. Từ 10 năm trước chị đã quan tâm đến personal growth, từ cấp 3 chị đã bắt đầu đọc nhiều sách về tư duy và phát triển bản thân. Trong quá trình làm nội dung, chị ít khi phải tìm nội dung ở bất cứ nơi nào khác, bởi bản thân những quan điểm, trải nghiệm, góc nhìn từ cuộc sống của chị đã là “nguồn cung” quá dồi dào.


Nhưng bất cập thì không phải là không có. Điều chị nói sau đây là góc nhìn chủ quan của chị, chị không biết có bạn nào cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự hay không. Khi nhắc đến từ khóa “phát triển bản thân”, người ta dễ liên tưởng đến giới đa cấp biến tướng, “lùa gà”. Họ thường xuyên sử dụng những hình ảnh, câu nói truyền cảm hứng như “tôi làm được, bạn cũng thế”. Thông điệp họ nói không sai; cái sai là họ sử dụng chúng làm công cụ cho những mục đích xấu. Vậy nên trong quá trình sản xuất nội dung, chị cố gắng đưa ra những thông tin thiết thực nhất, thực tế nhất, và mang dấu ấn cá nhân của chị nhất. Chị không vẽ ra viễn cảnh hão huyền hay chỉ hô hào truyền động lực; chị muốn rằng sau khi xem xong nội dung của chị, các bạn có thể thực hành được luôn với những công cụ và phương pháp chị chia sẻ.

Quill Cloud

Ngoài ra, nếu các bạn để ý, influencer rất dễ bị đóng khung trong một “định kiến” từ công chúng: Những chia sẻ của họ, một phần nào đó, bị gọi là “đạo lý”. Quan điểm của chị là: Những lời nói mà người ta đang đánh đồng là “đạo lý” ấy, chúng không sai. Nhưng nếu người nói không tự mình trải nghiệm, không thực sự kiểm chứng, họ sẽ bị xem là người chỉ biết nói đạo lý. Những tranh cãi xung quanh một ngôi sao chuyển giới tại Việt Nam chính là một trường hợp kinh điển. Vì sao công chúng lại ghét và phản ứng dữ dội đến thế khi chị ấy chia sẻ quan điểm về phụ nữ, hôn nhân, gia đình? Chính là bởi thật tâm công chúng không tin ngôi sao ấy đã trải nghiệm tất cả những điều chị ấy nói. Họ khó lòng tin lời khuyên “bỏ chồng, sống tự lập” của một người có tuổi đời còn quá trẻ. Theo chị, đây mới là nguyên nhân cốt lõi cho những nghi ngờ và đàm tiếu của mọi người.


Chị Mia thì khác; chị Mia chỉ nói về những gì chị đã tự mình trải nghiệm và chứng thực. Ngoài kia ai cũng nói được là “tập thiền đi, tập yoga tốt lắm, đọc sách hay lắm”. Nhưng chị Mia chia sẻ được cách chị Mia đọc sách, ngồi thiền, hay, những thay đổi trong cuộc sống của chị sau khi tập yoga. Và cộng đồng của chị Mia thấy được dấu ấn cá nhân của chị trong những nội dung chị chia sẻ. Đấy không phải đạo lý; đấy là trải nghiệm, bài học, kinh nghiệm của chị Mia.


emagazine image

Sau khi trở thành influencer, chị nhận được nhiều phản hồi tích cực, mà phản hồi tiêu cực cũng không thiếu. Ban đầu chị rất tức giận, chị là influencer “tay ngang”, chị chưa được “đào tạo” để xử lý những sự tiêu cực trên mạng. Nhưng sau này gặp nhiều, chị đâm quen. Chị cảm thấy mình cần bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân, thay vì đôi co, tranh cãi hay phản ánh thái quá với các bình luận tiêu cực. Chị chấp nhận việc có những ý kiến khác mình, và chị tôn trọng điều đó. Với chị, mạng xã hội không phải là nơi để mình phản bác hay thể hiện cái tôi; chị chỉ muốn lên đây để chia sẻ giá trị tích cực đến cộng đồng.

Quill Cloud

Đổi lại, chị nhận được rất nhiều phản hồi dễ thương. Có bạn bảo chị, bạn follow chị từ những ngày đầu, mỗi lần mất động lực bạn lại vào kênh của chị để xem. Có bạn lại nói, từ khi follow chị bạn đã xây dựng được một nếp sống khỏe mạnh và tích cực hơn, và bạn thấy hạnh phúc vì điều đó. Các bạn thấy bản thân đang thay đổi để tốt hơn mỗi ngày, và cho chị được cùng chứng kiến hành trình ấy. Đó là những phản hồi đáng trân trọng, là niềm hạnh phúc rất riêng tư của chị.


Và không chỉ cộng đồng mới nhận được giá trị từ influencer somethingwithmia; bản thân chị Mia cũng gặt hái được nhiều điều trên hành trình ấy. Càng làm, chị càng vững tin rằng đây chính là đam mê của mình. Thời còn đi làm văn phòng, dù chị tự chủ, có năng lực, chị hỗ trợ tốt cho khách hàng, nhưng chị vẫn luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Chị cho rằng giá trị chị tạo ra chưa đủ lớn so với năng lực của chị; chị hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Và khi chị chính thức giã từ công việc văn phòng, bước chân ra khỏi vùng an toàn để trở thành một influencer, chị mới thực sự cảm thấy đây là vùng trời để mình thoải mái khai thác toàn bộ khả năng mình có. Và khi chị khiến một người tốt lên, người đó cũng đồng thời khiến cho những người khác tốt lên, như hiệu ứng cánh bướm ấy. Điều đó đúng với đam mê và sứ mệnh của chị. Có một câu nói truyền cảm hứng mà chị luôn ghi nhớ để tự nhắc nhở bản thân: Keep going, because you didn’t come this far to only come this far. Cứ đi thôi, mình không đi đến đây chỉ để đi đến đây. Mình không trở thành influencer chỉ để thành influencer, mà để hiện thực hóa những sứ mệnh lớn hơn của bản thân. Đó là châm ngôn của cuộc đời chị.

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa