1. Ét Ô Ét (SOS) là gì?
Khác với nhiều lầm tưởng về một cụm từ viết tắt, Ét Ô Ét (SOS) theo cách hiểu chính thức là một chuỗi mã Morse được sử dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực hàng hải. Chuỗi mã Morse này nhằm mục đích thông báo những sự cố khẩn cấp xảy ra trên giao thông hàng hải. Để giúp cho SOS trở nên phổ biến hơn, cụm từ này thường được nhiều người hiểu với các nghĩa khác nhau như "Save Our Souls" (Cứu lấy linh hồn chúng tôi) hay "Save Our Ship" (Cứu lấy con tàu của chúng tôi). Dần dần, SOS được lan truyền rộng rãi và được sử dụng phổ biến trong mọi trường hợp cầu cứu khẩn cấp hay những báo động về khủng hoảng. Bên cạnh đó, SOS cũng được công nhận là một tín hiệu cầu cứu tiêu chuẩn có thể được sử dụng với bất kì phương pháp báo hiệu nào như cảnh báo nguy hiểm bằng trực quan, bằng tia sáng, bằng ký hiệu, ngôn ngữ cơ thể hay chữ viết (có thể đọc từ trái hay phải sang cũng như lộn ngược đều được - một lợi thế để nhận dạng trực quan).
Dạo gần đây, cộng đồng mạng truyền tai nhau những thông điệp như “Ét Ô Ét”, “Ra tín hiệu SOS đi nếu bạn cần sự giúp đỡ”, “Hãy ra tín hiệu SOS nếu bạn bị ép làm cái này”,... để nói đến những sản phẩm sáng tạo mang tính “gượng ép”, đáng nghi hay hành động của người trong bài đăng khiến khán giả cảm thấy lo lắng. Mặc dù vậy, những thông điệp trên chỉ mang tính pha trò, khiến cho sản phẩm nhận được nhiều chú ý hơn và được sự đồng thuận đến từ cả người sáng tạo và khán giả. Ít ai cho rằng “Ét Ô Ét” trên mạng xã hội là thực sự nghiêm túc hay có một ai đó thực sự cần được giải cứu.
Tuy nhiên, xuất phát điểm của SOS trên mạng xã hội lại là những câu chuyện có phần khá “rùng rợn” và cho đến nay vẫn chưa thể lý giải được, điều này chứng tỏ tín hiệu khẩn cấp này hoàn toàn có cơ sở.
Một ví dụ điển hình nhất về SOS trong quá khứ có thể kể đến câu chuyện của Youtuber Kate Yup - một nữ Youtuber chuyên về Mukbang đồ ăn (quay lại video quá trình ăn uống). Trong một video được phát hành vào năm 2019, Kate Yup đã khiến khán giả hoài nghi và có phần “khiếp sợ” khi cô nàng liên tục đưa ra những ám hiệu kì lạ bằng ngôn ngữ cơ thể khi ăn. Hàng loạt những bài phân tích hành động của Kate Yup đã được đăng tải, thu hút hàng triệu lượt theo dõi trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam thời điểm đó cũng có rất nhiều các Blogger, Youtuber đưa ra ý kiến về câu chuyện này. Tất cả đều quy về những hành động của Kate Yup rất giống với việc đang cầu cứu và bị ép buộc phải quay video. Mọi thứ đi đến đỉnh điểm khi từ lúc những nghi vấn được đưa ra, cô nàng hoàn toàn biến mất khỏi mạng xã hội và không hề chia sẻ thêm một video nào nữa. Ngay lập tức, câu chuyện về tín hiệu SOS của Kate Yup cũng như các “công thức” cầu cứu trên mạng xã hội đã được chia sẻ một cách “chóng mặt”.
Tại thời điểm này, sẽ rất khó để khẳng định rằng trào lưu SOS này có “đáng lên án” hay không, nhưng chắc chắn người dùng mạng xã hội và các nhà sáng tạo nội dung cần cực kỳ cẩn trọng khi sử dụng cụm từ này. Câu chuyện của Kate Yup sau 3 năm hiện nay vẫn là một ẩn số chưa được giải đáp, và cũng đã có rất nhiều sự cố thương tâm diễn ra khi tín hiệu cầu cứu được gửi đi chậm trễ. Với một đất nước có an ninh thắt chặt và đảm bảo an toàn, an sinh xã hội như Việt Nam, những tín hiệu cầu cứu thường không phải sử dụng đến nhiều trong sinh hoạt. Đó cũng là lý do khiến tín hiệu SOS vô tình trở thành một trò đùa “vô thưởng vô phạt”, sớm nở chóng tàn như nhiều trào lưu “mì ăn liền” khác. Các TikToker cũng đã nhanh chóng “chớp” lấy thời cơ này để chia sẻ những nội dung hài hước về SOS, thu về tương tác khủng.
Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu SOS trở thành câu cửa miệng, diễn ra trong thời gian dài. Điều này sẽ vô tình khiến những tín hiệu khẩn cấp, báo động bị xem thường. Các bạn trẻ sẽ vô tình biến mình thành những cô/cậu bé trong câu chuyện “cậu bé chăn cừu” và mất cảnh giác với những nguy hiểm xung quanh.
Với một trào lưu mang tính thời điểm như Ét Ô Ét, các nhãn hàng có thể áp dụng chúng vào những ấn phẩm truyền thông với mục đích kêu gọi người dùng chú ý vào sản phẩm của thương hiệu. Bên cạnh đó, Ét Ô Ét cũng có thể được áp dụng cho những notification của nhãn hàng như mục đích “báo động” người dùng hãy tham gia vào những chương trình ưu đãi giờ vàng của thương hiệu. Nhưng đã nói ở trên, Ét Ô Ét sẽ chỉ nên tồn tại trong một thời gian ngắn để tránh những sự cố đáng tiếc khi thông điệp này vô tình bị xem nhẹ. Do đó, các nhãn hàng cần thận trọng, tiết chế trong việc sử dụng trào lưu này một cách phù hợp, chừng mực, tránh việc để lại ấn tượng xấu trong mắt người dùng.
(Ảnh: Kenh14.vn)
Từ tháng 11/2021, The Influencer Vietnam hợp tác cùng YouNet Media, đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu mạng xã hội (social analytics) tại Việt Nam, để công bố danh sách từ khóa thịnh hành trên mạng xã hội, mang tên Social Trending Keywords.Danh sách sẽ được cập nhật chính thức trên website của The Influencer vào 9h sáng mỗi thứ 3 hàng tuần, cùng với các bài phân tích chuyên sâu về các từ khóa nổi bật nhất.
Với Social Trending Keywords, The Influencer mong muốn mang đến một công cụ tiềm năng và hữu hiệu để theo dõi về những chuyển động trên mạng xã hội, những xu hướng đang được người dùng quan tâm, từ đó giúp thương hiệu đưa ra những hoạt động truyền thông phù hợp nhất để tiếp cận chính xác đối tượng tiềm năng và khuyến khích họ tương tác với bài đăng của thương hiệu.