#SecretSauce: Trò chuyện cùng Ngoa - “Ngoài trực thăng, cái gì Ngoa cũng từng bán rồi”

Ngoa tự nhiên và sôi nổi, hài hước mà không cần làm lố. Ngoa tự do và tùy hứng, thích thì làm, hứng lên là thực hiện. Ở Ngoa dường như không tồn tại khái niệm “kế hoạch” và “quy định”, nhưng Ngoa vẫn luôn kiên trì với những quy tắc, đạo đức làm nghề.
Mai Chi
19/07/2021
#SecretSauce: Trò chuyện cùng Ngoa - “Ngoài trực thăng, cái gì Ngoa cũng từng bán rồi”

Ngay khi vừa xuất hiện trên mạng xã hội vào 6 - 7 năm trước, ngay lập tức Ngoa đã trở nên nổi tiếng với những nội dung “thô mà thật” trúng tim giới trẻ. Không kế hoạch, không dự định, không tính toán, thậm chí còn “kinh qua” những cơn “khủng hoảng” mất page, Ngoa vẫn ở đây, rũ bùn đứng dậy sáng lòa, tiếp tục khai sinh ra những đứa con nổi tiếng khác để tiếp nối cuộc hành trình chinh phục chuỗi haha của giới trẻ. 

Chia sẻ về dự định lập thêm “group kín”, một admin của Ngoa chia sẻ: “Mình tự làm trước, làm xong rồi thông báo với mọi người sau. Mình muốn ai tham gia dự án thì mình add người đó vào. Chứ để mà ngồi họp bàn với nhau, A thấy thế này B thấy thế kia, những đứa con ấy sẽ không bao giờ được ra đời”. 

Còn bây giờ, mời bạn cùng The Influencer tìm hiểu về những câu chuyện “trên lề, bên lề” của Ngoa - một đứa con đã may mắn chào đời và phát triển tới tuổi cắp sách đến trường - qua lời kể của một trong những bậc phụ mẫu thân sinh ra Ngoa.


Quill Cloud

Vì sao lại là Ngoa? 

Hồi đấy chúng mình chỉ muốn chọn một cái tên ngắn, có số chữ cái chẵn để… làm logo cho đẹp. Đấy, nói vậy chứ làm page cũng 6 năm rồi mà logo đâu thì chẳng thấy! 

Với lại tên Ngoa chỉ có một âm tiết, khi nhắc đến Ngoa, mọi người chỉ cần đọc, cần viết là Ngoa thôi. Nếu đặt tên dài quá, khi người ta muốn nhắc đến mình hay kể về mình thì họ phải viết tắt. Thế là những người không biết mình là ai lại phải đi hỏi xem chữ viết tắt đó nghĩa là gì, rất phiền. Hồi đó tất cả mọi người trong team Ngoa đều có một điểm chung là lười và phiên phiến, nên chúng mình nhanh chóng “chốt” cái tên Ngoa. 

Mà có đúng như lời thiên hạ đồn thổi: Càng những người ngoa trên mạng, ngoài đời lại hiền khô như ngói? 

Ngoa trên mạng và Ngoa ngoài xã hội giống nhau ở hai điểm: hài hước và hay làm trò. Khi ở trong những nhóm mà chúng mình thực sự thân thiết và cảm thấy an toàn, chúng mình luôn là những người giữ bầu không khí “luôn vui tươi” trong nhóm, là ngọn cờ đầu, chúa hề (cười).  

Tính cách và ngôn ngữ của Ngoa từ đâu mà có? Làm thế nào để đảm bảo Ngoa có một tone and voice xuyên suốt dưới ngòi bút của cả một dàn admin? 

Mỗi bạn admin sẽ có cá tính riêng và chuyên môn riêng. Có bạn chuyên về các lĩnh vực 18+ , có bạn chuyên về những câu chuyện yêu đương, có bạn lại “thầu” mảng meme, K-Pop… Nhưng đúng là mọi người vẫn luôn cảm nhận được một tone and voice xuyên suốt rất đậm chất Ngoa. Đó là bởi tất cả mọi người trong team Ngoa đều có khả năng diễn đạt rất tốt, dùng phép thậm xưng (lối nói so sánh và phóng đại hài hước) một cách rất nhuần nhuyễn, nên chất Ngoa được bật ra từ đó. 

Trong cuộc sống mọi người cũng đã sẵn có thói quen liên tưởng, liên kết và so sánh các hiện tượng với nhau, đặc biệt là việc sử dụng nhiều phép ví von liên quan đến danh từ riêng. Khi Ngoa kể một câu chuyện thực tế hoặc một câu chuyện thời sự, thậm chí là nhận xét về một bài hát, mọi thứ đều được phóng đại lên một cách hài hước. Đó là điều khiến mọi người cảm thấy thích thú, phải ồ à, vừa đọc vừa nghĩ “sao bọn này nó ngoa dã man, tại sao mình lại không nghĩ đến câu chuyện này, hay mối liên kết này nhỉ?” 

Quill Cloud

Dường như Ngoa là một tập thể đầy ngẫu hứng. Có lẽ mọi người cũng không đăng bài theo một kế hoạch nội dung cụ thể? 

Hoạt động 6 -7 năm nay, Ngoa tự tin tuyên bố chưa bao giờ có một khái niệm tên là “kế hoạch nội dung” tồn tại trong hội nhóm của chúng mình. Điều duy nhất khiến Ngoa ra dáng một doanh nghiệp là việc sắp xếp lịch đăng bài quảng cáo. Ngoài ra, Ngoa không có bất kỳ kế hoạch gì, cũng không đặt ra quy định về kỷ luật, lao động nào hết. Ai làm sai thì người đó nhận phạt, vậy thôi. Mất page thì làm lại. Nói thế chứ Ngoa cũng mất page một lần rồi đấy chứ, mà bạn nhìn xem, Ngoa vẫn làm lại được, rũ bùn đứng dậy sáng lòa (cười). 

Nói vui là vậy, nhưng thật lòng mình nghĩ làm nghề này thì mindset của mình nên thế. Dù mình có lên kế hoạch chi li chi tiết đến đâu, những gạch đầu dòng mình viết ra lúc đầu hoàn toàn có thể thay đổi ngẫu hứng và liên tục. Làm sáng tạo nội dung, có những ngày vét mãi không nổi một ý tưởng, nhưng cũng có những ngày vơ bừa được một nắm, làm không hết. Vậy nên mình mới nói, nếu cứ bó buộc mình trong một kế hoạch thì sức sáng tạo của mình sẽ bị giảm xuống. 

Quill Cloud


Quill Cloud

Không có quy tắc nội bộ đã đành, nhưng khi hợp tác với nhãn hàng, Ngoa ắt phải đưa ra một số quy định đúng không? 

Bạn làm ngành này nên bạn cũng hiểu, thực ra góc nhìn của những người làm nội dung như chúng mình và góc nhìn của khách hàng rất khác nhau. Đôi khi mình và khách hàng không thể nhìn chung một hướng, mình có suy nghĩ là họ quá bảo thủ, quá khắt khe, đó là việc hoàn toàn bình thường. Nhưng mình luôn dặn đi dặn lại các em trong team Ngoa rằng nếu bức xúc hay tức giận, hãy chỉ thể hiện những cảm xúc ấy trong nhóm chat riêng nội bộ. Khách hàng tìm đến mình bởi họ cần mình, mà có như thế mình mới có việc để làm. Nên chúng mình vẫn tự nhắc nhau hạn chế việc đôi co ít nhất có thể. 

Mình vẫn bảo các em, nếu em cảm thấy ý tưởng mình đề xuất thực sự hay và hiệu quả, bài đăng lên sẽ nhận được rất nhiều tương tác tốt cho cả hai bên, ok, em cãi nhau đến sáng cũng được. Nhưng nếu em muốn “bật lại” khách hàng chỉ vì cái tôi cá nhân của em bị tổn thương, đó là điều không nên. 

Quill Cloud

Khó khăn thường trực nhất khi làm việc với khách hàng là gì? 

Mình nghĩ đó là khó khăn chung của ngành sáng tạo: Khâu giải thích. Khi mình nghĩ ra một ý tưởng sáng tạo, mình phải giải thích cho họ hiểu vì sao ý tưởng đó lại hay. Nhiều cái mình thấy đẹp nhưng chưa chắc họ cũng vậy. Nhiều cái mình thấy thú vị, trend nọ trend kia, mình đọc mà cười cả đêm cũng được. Nhưng họ thì khác, họ cũng đi làm, rồi về nhà có chồng có con có gia đình, không phải lúc nào cũng online 24/7 để cập nhật đủ mọi trào lưu như mình được. 

Ngoài ra, khi trao đổi với khách hàng, mình sẽ áp dụng “văn hóa giao tiếp đồng cấp”. Mình thấy cách làm này hợp lý đấy chứ, vì khi giao tiếp với những người tầm tuổi mình, khách hàng sẽ có một phong thái khác hẳn, sóng não gần với nhau hơn thì mâu thuẫn cũng được trung hòa, và lợi ích cuối cùng sẽ được đẩy lên. Chứ bây giờ nếu giao một bạn khách hàng sinh năm 1995 cho một bạn 2001 trao đổi thì ôi thôi, có mà cãi nhau đến hết tuần (cười). 

Còn thực ra vấn đề tiền bạc không phải vấn đề cốt yếu. Không làm nữa thì thôi, cũng không ai nghèo đi nếu bỏ một job ảnh hưởng quá tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, làm xô lệch các lịch trình khác của mình. Nhưng điều tối kỵ là không để họ có ấn tượng không hay về mình. Ngành này quanh đi quẩn lại mọi người biết nhau hết, tiếng dữ đồn gần, việc họ không hài lòng về mình có thể tạo thành một sự lan tỏa không hay. Mình không sợ nhãn hàng quay lưng không book Ngoa, hay không có agency nào dám mang job về Ngoa. Mình chỉ sợ các em trong team Ngoa khi ra ngoài đi làm với tư cách cá nhân, sự nghiệp của các em sẽ bị ảnh hưởng vì mang theo cái tiếng từng làm việc ở một nơi đã xảy ra drama to như thế. Mình sợ liên lụy đến tương lai sau này của các em. 

Quill Cloud

Thông thường, khách hàng có chi phối nhiều về nội dung quảng cáo trên page Ngoa hay không? 

Có bên có, có bên không. Nếu họ can thiệp quá nhiều, mình vẫn có cách để an ủi bản thân, xoa dịu sự tổn thương này. Thứ nhất là charge thêm tiền. Thứ hai là yêu cầu họ chịu trách nhiệm về nội dung. Ngày xưa, mình cũng như bao người sáng tạo mới vào nghề, lúc nào cũng bừng bừng một khí thế "Phải bảo vệ đứa con tinh thần của mình! Phải quyết tâm! Mình phải đấu tranh!" Nhưng giờ mình lớn hơn, làm nhiều hơn, mình cảm thấy khách hàng cũng có cái lý riêng của họ. Ở góc nhìn của nhãn hàng, họ muốn trên ảnh bài đăng phải thể hiện được nhiều thông tin nhất có thể, từ chương trình khuyến mại, điều kiện khuyến mại, phần thưởng, thời gian, vân vân... , tất cả phải xuất hiện trên cùng một khung hình. Còn mình, với góc nhìn của một creator và một người tiêu dùng, mình cảm thấy phần hình ảnh không cần phải nhiều chữ đến thế. 

Trao đổi qua lại một hồi không ra kết quả, mình sẽ để cho họ - “người cầm tiền” - quyết định. Còn nếu họ muốn số tiền mà họ bỏ ra phát huy giá trị, họ phải tự chạy quảng cáo. Đó là cách cuối cùng của chúng mình, nếu khách hàng muốn tự làm theo ý họ thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Còn nếu chúng mình quyết tâm bảo vệ ý tưởng vì cảm thấy bài đăng ấy thực sự hay, nếu không được đăng lên sẽ rất phí, chúng mình sẽ cam kết KPI. 

Quill Cloud


Quill Cloud

Mình đến công ty đi một vòng, gặp ai cũng hỏi: Em sắp phỏng vấn admin Ngoa nè, mọi người muốn hỏi gì không? Rồi ai cũng nói: “Hỏi bạn lấy idea ở đâu mà content đỉnh dữ vậy!”

Ý tưởng của chúng mình đến từ ba nguồn chính: các tình huống cuộc sống, meme trên mạng, và trải nghiệm thực tế khi sử dụng sản phẩm. Ngoa chưa từng đầu hàng trước bất kỳ đề bài nào quá khó cả. Ngoa có thể “xử lý” được tivi, tủ lạnh, đủ thứ trên đời. Nói chính xác ra thì ngoài trực thăng, cái gì Ngoa cũng từng bán rồi. 

Đã có tai nạn nghề nghiệp nào xảy ra với Ngoa chưa? 

Tai nạn lớn nhất là quên không đăng bài, ngoài ra không còn tai nạn nào khác. Dù sao nếu giả sử có chuyện xảy ra, việc xử lý khủng hoảng truyền thông vẫn là câu chuyện của nhãn hàng. Có một điều mình phải chia sẻ thẳng thắn: Chúng mình không đủ trình độ để xác minh business model của một doanh nghiệp thực sự là gì, mà chúng mình chỉ chịu trách nhiệm cho sản phẩm cuối cùng mà họ gửi để Ngoa đăng bài mà thôi. Bởi vậy, khi có những lùm xùm xảy ra xoay quanh việc doanh nghiệp làm ăn bất chính, phi pháp, chúng mình sẽ không thể nào chịu trách nhiệm được. Bởi vậy, sản phẩm hay thương hiệu nào mà chúng mình cảm thấy chúng mình không research kỹ được, Ngoa sẽ từ chối luôn. 

Làm nghề này, mình kiếm tiền nhờ hình ảnh mà, nên rủi ro về hình ảnh là một trong những rủi ro lớn nhất của influencer. Lúc nào mình cũng phải đề cao cảnh giác, phải giữ gìn hình ảnh, phải tính sẵn các phương án xử lý trong đầu. Nên mình thấy càng ngày càng có nhiều influencer tham gia vào các multi-network channel, hoặc tìm kiếm những công ty quản lý chuyên nghiệp. Các công ty có tính chuyên môn hóa cao, bởi vậy các bạn sẽ có người đứng ra giải quyết các vấn đề về truyền thông hay xử lý khủng hoảng cho mình. 

Quill Cloud

Trong số các page và group thuộc hệ sinh thái của Ngoa, “đứa con” nào đang đi đúng hướng nhất? 

Đài tiếng nói GenZHội người lười Việt Nam. 

Quill Cloud

Nguồn: Hội người lười Việt Nam

Quill Cloud

Nguồn: Đài tiếng nói GenZ.

Ngoa trước giờ vẫn luôn trung thành với đề tài yêu đương, tâm sự, nhưng chúng mình đã hoàn toàn từ bỏ chuyện showbiz và các vấn đề xã hội. Đó là những đề tài để mình dễ dàng thể hiện được cái chất hơi “toxic”, nhưng chúng mình đã đóng cánh cửa đấy lại. Mặc dù nếu đăng bài về những vấn đề đó thì tương tác “khủng” thật đấy, nhưng định hướng ấy không còn phù hợp với  Ngoa. Mình có nhiều con đường để đi, không nhất chuyện gì mình cũng phải mang về để nói. 

Đó cũng là một cách để Ngoa tránh được những chính sách ngày càng “robot” của Facebook. Thực sự con robot không đọc được nhiều vậy đâu. Nó thấy cái gì vui thì nó bỏ qua, cái gì không vui thì nó đánh dấu lại, đến khi đủ dấu nó sẽ thổi. Vậy nên, điều quan trọng là phải lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.

Định nghĩa của Ngoa về sự bình yên trong cuộc sống? 

Nói thật, làm nghề này không hề bình yên các bạn ạ. Tất cả mọi người đều bị “rối loạn lo âu”, sợ “ủa”, sợ “em ơi”, sợ “alo”. Mình còn sợ hôm nào mình ngủ sớm là sáng hôm sau dậy thành “người tối cổ” nếu giả sử đêm trước đó có xảy ra một sự kiện đặc biệt “động trời”. Vậy nên chúng mình già đi rất nhanh, tóc bạc rất nhiều, đau lưng nữa. Đúng là làm nghề gì cũng có cái giá của nó. 

Làm cái nghề viết lách này, mình cũng chỉ ước được như bao quý cô “elegant” khác, mỗi lần đi ra đường sẽ mặc một chiếc váy thật là xinh, xách một chiếc túi thật là bé. Nhưng mà nào có thể. Lúc nào mình cũng xách theo một túi bự chảng, hết điện thoại đến laptop, rồi lại sạc, nhìn mình rất… khổ ấy các bạn. Bố mẹ mình cũng thắc mắc không hiểu sao con cái không bao giờ ngồi ăn được một bữa cơm tử tế với bố mẹ, nhìn nó lúc nào cũng run bần bật lên, ăn nhanh ăn chóng rồi lại sà vào cái laptop.  

Mà đấy là mình còn chưa làm nghề lấy tin, canh tin hot, lúc nào cũng phải chầu trực để săn tin. Cứ đến 1, 2 giờ sáng là cô ca sĩ nọ bỏ chồng, cô diễn viên kia bóc phốt tiểu tam... mệt mỏi lắm. Tại sao người ta không bóc phốt vào 9 giờ hay 10 giờ sáng đi nhỉ? 

Đấy, nói tái nói hồi, túm lại định nghĩa bình yên của mình là một ngày mở mắt dậy và thấy mình có rất nhiều bài 1K share, mà page vẫn còn đấy (cười). 

Quill Cloud

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa