emagazine image

Don't be into trends. Don’t make fashion own you, but you decide what you are.


“Đừng chạy theo xu hướng. Đừng khiến bản thân lệ thuộc vào thời trang. Hãy để chính mình là người quyết định bản thân sẽ mặc gì và sống ra sao”.


Câu nói để đời của nhà mốt Gianni Versace là lời khẳng định đầy ấn tượng về định nghĩa thời trang. Châm ngôn này cũng chính là quan điểm mà Hiền Nhi Nguyễn - một Fashion TikToker sở hữu hơn 250K followers - theo đuổi. Trên kênh TikTok của mình, Nhi từng chia sẻ rằng bản thân đã trở nên thời trang hơn nhờ kiến thức thay vì ngoại hình.


Nhắc đến thời trang, đại chúng hiếm khi nào bỏ qua từ khóa “xu hướng”. Một mặt, xu hướng là động lực chính thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của thời trang nhanh (fast fashion). Mặt khác, thời trang nhanh cũng kéo theo những hệ lụy khôn lường, mà điển hình là vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo đó, sự xuất hiện của một định nghĩa mới - thời trang bền vững (sustainable fashion) trong những năm gần đây đang cho thấy một hướng đi khác biệt của nhiều người làm thời trang.



Giải đáp câu hỏi về cuộc chiến giữa #Thời trang nhanh và #Thời trang bền vững, The Influencer đã có một buổi trò chuyện cùng Nhi để bóc tách hai khái niệm này.

emagazine image

Trong suốt thời gian gắn bó với lĩnh vực thời trang, Nhi luôn luôn xem bản thân là một người quan sát, không bao giờ là người tham gia vào cuộc chơi. Thú thật, mình khá sợ mạng xã hội. Trước đây mình không sử dụng TikTok hay Instagram, không post bất kỳ nội dung nào lên mạng xã hội cho đến khoảng giữa năm 2021. Đây là thời điểm mình mới về Việt Nam, một người bạn rất thân của mình cũng là Influencer - anh Đích Lép đã đặt cho mình một câu hỏi: Là một người từng có trải nghiệm học ngành thời trang ở nước ngoài và kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia, được tiếp xúc với đa dạng thị trường thú vị, tại sao mình không làm gì đó để truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức cho giới trẻ. Biết đâu, đó lại là cơ hội để Nhi mở rộng cơ hội khi trở về Việt Nam sau những năm tháng quen “chinh chiến” tại nước ngoài?.


Ban đầu, Nhi khá ngại ngùng khi thể hiện hình ảnh của mình trên mạng xã hội. Lúc ấy, Nhi làm nội dung với tâm thế “đăng cho vui, chắc không có quá nhiều người quan tâm mình”. Nhưng sau đó các video mình thực hiện được cộng đồng đón nhận tích cực, nhiệt tình, viral hơn. Tuy nhiên, mình không định vị bản thân là một chuyên gia chia sẻ kiến thức hay một người làm thời trang quá chuyên nghiệp. Những chia sẻ của mình là những quan điểm và lập trường cá nhân, được xây dựng và bồi đắp từ chính trải nghiệm học và làm của mình.


Sau một thời gian làm nội dung trên TikTok, mình tự rút ra những quan sát và đánh giá riêng về tiềm năng của nền tảng này. Có thể thấy, TikTok đang từng bước “chiếm sóng” thị trường thời trang khi được nhiều nhà mốt lớn như Louis Vuitton, Prada hay Saint Laurent ưu ái “chọn mặt gửi vàng”. Theo Nhi, đây là một xu hướng thú vị và hiển nhiên, khi Gen Z là nhóm đối tượng chính sử dụng mạng xã hội này. Và những thương hiệu thời trang, dù lớn hay nhỏ, đều muốn khai thác nhóm khách hàng trẻ tuổi đầy tiềm năng, có gu thẩm mỹ và sức mua lớn. Dù vẫn đang trong độ tuổi đến trường, nhưng chỉ vào năm nữa thôi Gen Z sẽ trở thành lực lượng khách hàng chính của các thương hiệu thời thời trang. Bên cạnh đó, TikTok là nơi sản sinh nhiều nội dung viral, dễ dàng trở thành cầu nối giữa các thương hiệu xa xỉ và đại chúng.



Bên cạnh đó, người dùng TikTok hiện tại cũng rất ưa chuộng chuyên mục review quần áo của KOLs. Nhi cho rằng xu hướng này sẽ tồn tại và phát triển trong khoảng 4-5 năm tới, nhưng mình không chắc chắn về tiềm năng phát triển đường dài của ngách nội dung này. Dù vậy, TikTok vẫn là địa hạt đầy tiềm năng cho những bạn trẻ muốn thử nghiệm với lĩnh vực thời trang, có tham vọng tạo thu nhập từ chính công việc KOLs của mình. Nhi nghĩ các bạn hãy cứ làm, cứ sáng tạo nội dung, và đừng quên thể hiện cá tính cùng quan điểm riêng, lan tỏa những thông điệp đúng đắn, tích cực để tạo ra sự khác biệt trên thị trường.

emagazine image
emagazine image

Có quan điểm cho rằng sự bùng nổ của TikTok và ngách nội dung về thời trang trên đây đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thời trang nhanh. Tuy nhiên, Nhi cho rằng dù có TikTok hay không, bản thân thị trường thời trang nhanh đã đủ sức phát triển bùng nổ, bởi thị trường này về cơ bản đáp ứng được nhiều yếu tố hấp dẫn như giá rẻ, đa dạng mẫu mã, đẹp và trendy. Giống như việc mọi người lướt Shopee hay Lazada, có nhiều gian hàng nước ngoài không có review hay feedback nhưng vẫn thu hút được vô số lượt mua do sản phẩm hấp dẫn từ giá thành đến hình ảnh.


Về thời trang nhanh, đúng như cái tên của nó, các sản phẩm và mẫu mã được sản xuất với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển nhanh chóng khiến mọi người bị cuốn vào vòng xoáy của trào lưu. Tâm lý chung của khách hàng là muốn trở nên thời thượng, bắt kịp xu hướng. Trong khi đó, thời trang bền vững thì có nhiều khía cạnh hơn. Tuy nhiên, tựu chung lại, sự “bền vững” ở đây có thể được hiểu là thân thiện với môi trường. Thời trang bền vững sinh ra nhằm mục đích hạn chế sự tác động của quá trình sản xuất, mua sắm các mặt hàng thời trang đến môi trường sống. Mọi người có thể ăn mặc đẹp, có thể sắm sửa quần áo mới. Nhưng hãy đảm bảo rằng 50 năm tới trái đất vẫn xanh thay vì bị lấn chiếm bởi những bãi rác thời trang khổng lồ không thể phân huỷ được.

emagazine image

Khách quan mà nói, Nhi nhận thấy xu hướng thời trang bền vững đang nhen nhóm ở mọi quốc gia, thậm chí ở các nước đang phát triển như Việt Nam, hay các nước đặt nhà máy sản xuất cho các thương hiệu. Tuy nhiên các khu vực này chiếm một phần khá nhỏ. Đối với các quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và khu vực Nam Phi, thời trang nhanh chiếm ưu thế hơn hẳn so với thời trang bền vững. Đáng chú ý là Mỹ, mặc dù là một cường quốc có nền kinh tế mạnh nhưng Mỹ vẫn ưu tiên mục đích kinh tế hơn và chuộng thời trang nhanh. Ngược lại, phong trào thời trang bền vững mạnh nhất ở Bắc Âu như Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan và ở Đức (Trung Âu). Không chỉ là thời trang bền vững, phong cách sống xanh như ăn chay, thiền cũng rất phổ biến ở các quốc gia này.

emagazine image

Trung Quốc được xem một trong những quốc gia có lượng sản xuất & tiêu thụ thời trang nhanh bậc nhất. Thời điểm Nhi ở Trung Quốc là khoảng năm 2019-2020, khi đó nền công nghiệp thời trang của Trung Quốc đã hoạt động theo một hệ thống chuyên nghiệp và bài bản và phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, họ biết cách để che đậy đi những mặt trái của ngành công nghiệp này. Lấy một ví dụ khác là Bangladesh, Nhi đã có thời gian đến đây và chứng kiến những hình ảnh mà trên báo đài từng đăng tải về việc chất thải gây ô nhiễm từ các nhà máy, người lao động khổ cực vì bị trả lương thấp. Vì Bangladesh nghèo hơn Trung Quốc nhiều nên bộ máy sản xuất của họ trong ngành công nghiệp này vẫn còn thô sơ, khiến những hình ảnh tiêu cực biểu hiện một cách rõ ràng hơn.



Là người từng làm công việc thiết kế thời trang nhanh, thậm chí từng chia sẻ trên kênh rằng mình là “fan” của thị trường Trung Quốc bởi dây chuyền chuyên nghiệp và nhanh chóng, nhưng dường như sự công nghiệp hoá khiến cho mình không còn đất để thể hiện được cái tôi hay giá trị nghệ thuật trong thời trang. Cuộc sống và công việc của Nhi như bị bao trùm trong một mê cung, xung quanh có hàng loạt công ty và ứng dụng thời trang lớn. Đến một thời điểm, Nhi cảm thấy mệt mỏi, thậm chí không còn thích mua sắm vì không còn nhiều cảm xúc khi nhìn thấy một chiếc áo đẹp. Mình không còn bận tâm quá nhiều về việc ăn mặc nữa. Bây giờ, Nhi chú trọng hơn về những giá trị bên trong như sức khỏe, vóc dáng hay thần sắc của bản thân.

emagazine image

Mặc dù “thời trang bền vững” là một cụm từ hay nhưng thực sự “thời trang” và “bền vững” không đi liền với nhau. Bây giờ, mọi người vừa muốn thời thượng, vừa muốn sành điệu hơn nhưng không muốn sản xuất thêm nhiều thì đó sẽ là việc khó đi song song với nhau. Mặc dù thời trang bền vững theo đúng tiêu chí là tái sử dụng đồ cũ và tạo ra sản phẩm dễ phân huỷ thì dường như nó vẫn chỉ là xu hướng. Ví dụ như trào lưu mua đồ second-hand của giới trẻ, việc mọi người đi săn đồ si với số lượng lớn cũng gần như là hình thức gián tiếp của thời trang nhanh bởi những món đồ đó ban đầu cũng là first-hand vẫn là sản phẩm của thời trang nhanh. Nhi thấy thời trang bền vững có chỗ đứng, có điều kiện tốt để phát triển mạnh trong cộng đồng, đã có nhiều buổi workshop, webinar đã thảo luận về chủ đề này. Tuy nhiên, để mọi người thực sự hiểu về định nghĩa này thì nó không hề đơn giản. Để phát triển thời trang bền vững không chỉ đơn giản là mua đồ cũ, hay ủng hộ sản phẩm thân thiện với môi trường.



Tại thị trường Việt Nam, một số thương hiệu thời trang bền vững đã bắt đầu xuất hiện, điển hình là Kilomet 109 - sử dụng màu nhuộm chàm thiên nhiên hay thương hiệu Dòng Dòng - sản xuất túi xách, ví từ vải bạt. Tuy nhiên, nếu hỏi có thương hiệu nào khiến mình cực kì ấn tượng và yêu thích thì chưa. Nhi luôn tôn trọng và ngưỡng mộ các brand đi theo hướng thời trang bền vững, thế nhưng sản phẩm của các thương hiệu Việt Nam còn khá kén người mua. Chưa thực sự có cái tên nào mang tính đột phá để làm sao thời trang vừa thân thiện với môi trường vừa dễ sử dụng trên thị trường.


Cảm ơn chị Nhi đã chia sẻ với The Influencer những kiến thức và trải nghiệm thực tế thú vị về thời trang. Chúc chị nhiều sức khoẻ và thành công để có thể phát triển cũng như đưa tiếng nói, quan điểm thời trang của mình tới nhiều bạn trẻ trong tương lai!

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa