emagazine image
emagazine image
emagazine image

Ngay từ lần đầu tiên xem một video hài độc thoại (stand-up comedy) trên Facebook, tôi đã cảm nhận được rất rõ sự khác biệt của bộ môn nghệ thuật này so với các thể loại hài kịch khác. Bạn có thể ôm bụng cười chảy nước mắt, nhưng đằng sau tiếng cười ấy luôn có một quan điểm sống, một tri thức, một góc nhìn đáng để chúng ta suy ngẫm. Dù là hài độc thoại, nhưng nó khơi gợi những cuộc hội thoại của một thế hệ người trẻ tuổi đang sống trong một xã hội nhiều biến động.


Bắt đầu được cộng đồng chú ý vào đầu năm 2020, SaiGon Tếu là một nhóm nghệ sĩ trẻ yêu thích hài độc thoại. Trong giai đoạn bắt đầu, mỗi tuần vào tối thứ 4, Saigon Tếu lại gặp gỡ khán giả tại quán cafe 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM. Số lượng người quan tâm ngày một nhiều, từ khi chỉ có 20 người xem tại một quán cafe nhỏ, đến những show diễn hơn 200 người. Cùng với đó, những video ghi lại các mẩu chuyện hài độc thoại cũng được lan tỏa rộng rãi trên MXH. Đúng giai đoạn cách ly xã hội lần thứ nhất, khi con người ta khao khát sự kết nối xã hội chân thật và những hình thức giải trí mới, Saigon Tếu nổi lên như một sự cứu cánh cho sức khỏe tinh thần của nhiều người.


Gặp Uy Lê - trưởng nhóm Saigon Tếu, The Influencer đã có một cuộc trò chuyện đủ tiếng cười, đủ suy tư, đủ trăn trở và rất nhiều đam mê.

emagazine image

Quill Cloud

Hài độc thoại đơn giản là hình thức một người đứng trên sân khấu, cầm một micro và kể chuyện hài. Bản chất của nó chỉ có như vậy mà thôi. Điều khác biệt lớn nhất khi mọi người diễn hài độc thoại là họ đang đóng vai chính mình, chứ không phải bất kỳ ai khác. Trong các thể loại hài kịch khác, nghệ sĩ sẽ hóa thân thành một nhân vật nào đó, trong một cốt truyện nào đó, và thể hiện diễn biến cảm xúc theo mạch câu chuyện. Còn với hài độc thoại thì không. Nghệ sĩ hài độc thoại đứng trên sân khấu chỉ có một mình và luôn là chính mình. Vì vậy, họ sẽ có áp lực là mọi thứ mình nói trên sân khấu đều bị đánh giá, và điều khán giả đang đánh giá lại là chính con người mình, chứ không phải một nhân vật hư cấu nào đó mà mình đang hoá thân thành. Mọi thứ đều là thật, gần như không có kịch bản nào hết, đó vừa là một thứ áp lực, vừa là sự thú vị làm nên sự khác biệt của hài độc thoại.

emagazine image

Quill Cloud

Mình bắt đầu hình thức nghệ thuật này cũng chỉ xuất phát từ niềm vui. Trước khi thành lập nhóm, mình đã từng diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh từ 5 năm trước, cũng tham gia các show diễn và cuộc thi trong khu vực châu Á. Sau một thời gian diễn đều đặn, mình bắt đầu nhận ra Saigon Tếu đã đang có một sức ảnh hưởng nhất định, dù không quá lớn. Lúc đó, tụi mình bắt đầu có suy nghĩ phải nghiêm túc hơn với việc mình làm, bởi có nhiều người ngoài kia đang nghe mình nói, đang xem những thứ mình tạo ra.


Khi bắt đầu nghiêm túc chuyển sang diễn tiếng Việt và thành lập Saigon Tếu, mình đã nghĩ điều khó khăn nhất là sự khác biệt về văn hoá. Khi diễn bằng tiếng Anh ở nước ngoài, có những chủ đề mà văn hoá phương Tây họ thoải mái chia sẻ bàn luận hơn như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị văn hoá…Những chủ đề này, phần nào đó vẫn còn khá khép kín tại Việt Nam.

Nhưng sau khi tư duy lại, mình lại nghĩ khác biệt văn hoá không thực sự là một khó khăn, mà nên được nhìn nhận như một thách thức với người làm sáng tạo. Không phải là văn hoá Việt Nam không chấp nhận những chủ đề nhạy cảm này, mà là mình chưa tìm ra đúng cách để khơi gợi những cuộc đối thoại văn minh về nó. Giống như chương trình Táo Quân mỗi dịp Tết, họ cũng đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội, nhưng họ vẫn tìm ra hình thức giải quyết thông minh, vừa phơi bày được hiện tượng, vừa đem lại tiếng cười cho người xem.


Vì vậy, nếu mình nói khó khăn không làm được thì nó là cái cớ, người khác làm được tại sao mình lại không làm được. Vậy là mình bắt đầu tìm cách đưa quan điểm về những vấn đề như kỳ thị, giới tính, con người…lên sân khấu. Mình thể hiện đúng quan điểm của mình, nhưng bằng những ngôn ngữ mà khán giả có thể hiểu được. Mình tìm cách để họ đồng cảm và hiểu được những điều mình nói, nhưng họ không nhất thiết phải hoàn toàn đồng ý. Đến thời điểm này, mình bắt đầu có fan và anti-fan, có người thích và có người ghét. Tụi mình cũng nhận được rất nhiều phản hồi gây tranh cãi, không ít người không đồng ý với quan điểm mà tụi mình đưa ra.


Rốt cuộc thì đó mới là mục đích sau cùng của nghệ thuật - đưa ra một cuộc hội thoại về một vấn đề nào đó để mọi người cùng thảo luận, và không nhất thiết phải thuyết phục tất cả mọi người nghĩ theo cách của mình. Việc này khiến cho mình cảm thấy công việc có ý nghĩa và mục đích hơn. Trước đây đi diễn, mình nói rất nhiều câu đùa chữ nghĩa, đủ để khiến mọi người cười, đủ để kéo dài thời lượng, đủ để mình tham gia đôi ba cuộc thi, nhưng mọi thứ cứ trôi tuột đi. Chẳng ai nhớ ra mình là ai sau những câu đùa đó. Còn giờ đây, khi mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình, mình lại cảm thấy được kết nối với khán giả nhiều hơn, thấy được giá trị mà mình đang lan toả, dù là nhỏ.

emagazine image

Quill Cloud

Khán giả đón nhận với tốc độ nhanh hơn tụi mình hình dung. Mình nghĩ hài độc thoại xuất hiện đúng lúc đúng chỗ, đúng giai đoạn dịch tới, khi mọi người rất cần những điều tích cực. Tốc độ phát triển nhanh hết hồn. Từ lúc mỗi show chỉ có 10 người, mà còn phải năn nỉ mọi người đến xem, rồi có một video viral trên mạng xã hội, tuần sau có đến 50 người đến, tuần sau nữa có 80 người, sau đó mình phải “đuổi” bớt người về vì không có chỗ ngồi. Lúc đó, team mới nghĩ đến chuyện bán vé, làm show lớn, làm chương trình, làm truyền thông, làm sao để khách đến phải có chỗ ngồi.


Sự đón nhận của khán giả thay đổi từng ngày, chứ không phải thay đổi theo tháng, theo năm nữa. Đến một thời điểm mình phát hiện ra là, các bạn trong team diễn vui thật nhưng đôi khi nói tục nhiều quá, có một số phụ huynh nghĩ hình thức nghệ thuật này là không lành mạnh dựa trên một vài clip, liệu mình có nên khai thác những chủ đề mới hay không…Những sự mở rộng trong nội dung, những câu chuyện mà tụi mình khai thác đều phần nào phản ánh sự tiếp nhận của khán giả.


Đến bây giờ, khi tìm hiểu về hài độc thoại, mọi người sẽ thấy những từ khóa về sức khỏe tâm lý, về phong trào mới của các bạn trẻ, về những câu chuyện chân thật và việc mọi người tìm thấy cách để đối diện với những vấn đề cá nhân qua hình thức nghệ thuật này. Trước Saigon Tếu một thời gian, hài độc thoại cũng đã manh mún xuất hiện ở Việt Nam, nhưng để lại ấn tượng tiêu cực về hình thức hài tục tĩu, hài bậy bạ, hài gây sốc. Ở nước ngoài, những yếu tố này là có, nhưng không phải là tất cả. Saigon Tếu không cần quá nhiều người biết đến hài độc thoại, nhưng nên hiểu đúng về những việc mà tụi mình đang làm.

emagazine image

Quill Cloud

Với một nhóm người làm nghệ thuật, tài sản lớn nhất là con người. Khó khăn lớn nhất cũng là quản lý con người. Trong suốt cả quá trình vận hành, sẽ có lúc người này có vấn đề, người kia có vấn đề, có những rào cản tâm lý và nỗi sợ nhất định. Điều quan trọng nhất là tụi mình cần luôn luôn ở đó để giúp nhau, để cùng nhau đi qua những cột mốc quan trọng nào đó. Có thể là khi một video bỗng nhiên có nhiều view, khi có nhiều khán giả “chửi”, khi có bạn cảm thấy mình đang thụt lùi, khi có bạn bị mặc cảm về một vấn đề nào đó. Mọi người thấy tụi mình vui vẻ trên sân khấu, nhưng để làm được điều đó, mình phải cùng nhau học cách đối diện với những điều khiến bản thân yếu đuối và mặc cảm. Bộ phim mà nhân vật chính hùng mạnh băng băng vượt qua mọi thử thách thì không phải phim hài. Một bộ phim mà nhân vật chính rất dở, nhưng vẫn tiếp tục làm, lì lợm không bao giờ bỏ cuộc, đó mới là phim hài.


Khi nhóm càng lớn, thử thách lại càng nhiều, sự chắc chắn về mặt tinh thần của mọi người lại càng dễ bị thách thức. Mình sẽ không thể làm cho người khác vui nếu mình không vui. Mọi người trong team phải vui vẻ hạnh phúc, phải cảm nhận được mục đích công việc mình làm, nhóm mới có thể đi xa. Vì vậy, ở Saigon Tếu, tụi mình xây dựng văn hoá là tất cả mọi người có thể làm coach (khai vấn) của nhau, có thể hướng dẫn, chia sẻ để cùng nhau đi qua những chênh vênh tinh thần trên từng chặng đường.


Ở vai trò của một người trưởng nhóm, đây là một thứ áp lực lớn vì tất cả mọi người đều khác nhau. Nếu mình quá cực đoan, mình sẽ không thể là tiếng nói chung của tất cả mọi người. Mình phải có một thế giới quan đủ rộng để hiểu được lý do họ hành xử như vậy, để không phán xét quá nhanh. Mình phải làm sao để cả nhóm vẫn đi theo một định hướng chung, mà từng người vẫn thể hiện được thế mạnh của mình. Mọi chuyện giống như một trò chơi xếp hình rất lớn, mỗi người đều là một mảnh ghép khăng khít trong một bức tranh chung.

emagazine image

Quill Cloud

Mình hiểu tại sao nhiều người nghĩ như vậy. Với mình, công việc sáng tạo là một công việc rủi ro nhất trên đời. Làm nghề sáng tạo, chúng ta phải luôn luôn tạo ra những thứ mới - những thứ chúng ta không hề biết trước, không hề có quy luật hay công thức chung, không thể hình dung kết quả sẽ được mọi người đón nhận như thế nào. Đối với một người nghệ sĩ, họ phải học cách chấp nhận. Chấp nhận rằng họ sẽ luôn luôn phải thử, chấp nhận tất cả những mảng yếu đuối, chấp nhận những tổn thương khi cái tôi bị tấn công, chấp nhận sẽ có không ít lần thất bại. Khi mình nói ra được những điều này, khi mình chân thật với những sự nhạy cảm bên trong, mình mới có thể kết nối được với người khác.


Trong các show diễn của Saigon Tếu, mọi người kết nối với nhau nhiều nhất khi có bạn quên lời, khi bạn đang run và bạn nói với mọi người là bạn đang run. Sự yếu đuối nhắc chúng ta rằng chúng ta đều là con người, chúng ta đang kết nối với nhau. Sự nhạy cảm đó vừa là điểm yếu của một người nghệ sĩ, vừa là quyền năng vô hạn của họ. Một ca sĩ sẽ dễ ra ca khúc mới khi mới chia tay, bởi đó là lúc họ yếu đuối nhất. Thay vì đưa sự yếu đuối đó vào những nguồn năng lượng tiêu cực, họ tạo ra một thứ gì đó để thể hiện tâm sự và kết nối với mọi người.


Mình nghĩ ai cũng nên học nghệ thuật. Mọi người có thể đi nhảy, đi hát, có thể làm bất cứ điều gì, miễn là cho bản thân một nguồn nào đó để giải tỏa. Khi nhảy chúng ta tạo ra một động tác, khi hát ta tạo ra âm thanh, khi rap thì tạo ra những câu chuyện…Mình cảm thấy nghệ thuật có thể cứu được cả thế giới, dù ở bất cứ hình thức nào. Nếu không, những nhạy cảm tổn thương sẽ hóa thành những năng lực tiêu cực cứ tích tụ mãi bên trong.

emagazine image

Quill Cloud

Thật ra lâu dần thì cũng quen. Nhưng điều quan trọng nhất là tụi mình tự giúp nhau và đặt ra những kỳ vọng hợp lý cho bản thân mình thôi. Trong team, Phương Nam là một bạn cực kỳ tích cực, nói chuyện với Nam là cười hoài, cái gì cũng có thể giỡn được, nhưng ngay cả Nam cũng có những lúc buồn. Hay như câu chuyện của Trọng, là trai thẳng nhưng cứ bị mọi người bảo là nữ tính… Mỗi người có một câu chuyện để chia sẻ, mỗi người tiếp nhận nó theo một cách khác nhau. Mình không nên kỳ vọng câu chuyện mình kể hôm nay sẽ có thể thay đổi tất cả mọi người. Chỉ cần một vài người cảm thấy đồng điệu, cảm thấy có thể hiểu được…thì đã là thành công.


Không nên tham vọng quá nhiều, cái gì cũng nên biết điểm dừng. Mình phải luôn quay về chăm sóc bản thân mình trước tiên. Khi học tâm lý, mình sẽ thấy là kỹ năng chăm sóc bản thân là cực kỳ quan trọng. Trong team, sẽ có những buổi coaching, những buổi workshop với nhau, có khi là về diễn xuất, có khi là về sức khỏe tinh thần, có khi chỉ là những buổi chia sẻ chân thành với nhau.

emagazine image

Quill Cloud

Về mặt tài chính, áp lực thì không, nhưng nó vẫn là thứ đáng để suy nghĩ. Mình nói không có áp lực không phải vì Saigon Tếu giàu, mà là vì hầu hết mọi người đều đang có một công việc khác, mọi người coi hài độc thoại như một sở thích và làm một cách nghiêm túc. Còn thực ra doanh thu của Saigon Tếu chưa nhiều, chưa đủ để sống được bằng nghề này.


Nói đến khía cạnh này, chuyện làm kinh doanh và chuyện làm nghệ thuật đôi khi sẽ mâu thuẫn với nhau, bởi mỗi thứ lại có những quy luật riêng, phục vụ những nhu cầu riêng. Saigon Tếu đã từng từ chối rất nhiều dự án mà tụi mình cảm thấy không phù hợp, thường là khi định hướng của sản phẩm dịch vụ đó không cổ vũ cho một tinh thần là mình muốn làm người đại diện.

Quill Cloud

Tiêu chí quan trọng nhất là họ tin cùng thứ mình tin. Mình sẽ không thể quảng cáo cho sản phẩm mà mình chưa từng sử dụng, hoặc mình không tin là nó tốt. Mình cũng không thể quảng cáo cho một chiến dịch mà mình không tìm thấy sự đồng điệu trong thông điệp chiến dịch đó.


Hơn nữa, ngay cả khi đã nhận quảng cáo, tụi mình cũng phải trực tiếp là người làm nội dung, không muốn bị can thiệp nhiều vào kịch bản. Chỉ mình mới biết được content mình tạo ra có phù hợp với cộng đồng fan hay không. Chỉ mình mới biết mình có thể tạo thêm giá trị cho thương hiệu đối tác bằng cách nào. Mình vốn là người làm trong ngành truyền thông quảng cáo nên mình rất kỹ tính mấy chuyện này.

emagazine image

Quill Cloud

Thật ra mình cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề cân bằng giữa yếu tố kinh doanh và nghệ thuật. Những show diễn hàng tuần dù mọi người có diễn hay thế nào đi nữa thì doanh thu cũng chỉ được đến mức đó, không thể nhiều hơn. Tài năng của các thành viên cũng có giai đoạn phát triển rất nhanh, nhưng cũng đến thời điểm chững lại. Bởi quá trình phát triển đó cũng là hành trình đi tìm cái tôi, đi tìm tính nghệ sĩ trong mình. Mình không thể thúc ép theo kiểu “vắt bò sữa” được.


Còn để có dòng doanh thu bền vững, Saigon Tếu phải làm tốt việc giáo dục thị trường. Khi hiểu về hình thức nghệ thuật này, mọi người sẽ hiểu công sức thời gian một người nghệ sĩ phải đầu tư để cho ra đời một sản phẩm, từ đó mới sẵn sàng trả giá xứng đáng. Nếu mình không thực sự tìm hiểu, mình sẽ không bao giờ biết các diễn viên tốn bao nhiêu thời gian để xây dựng được một bộ phim; một ca sĩ phải tập luyện bao lâu để có thể đứng trên sân khấu hát live… Khi thị trường đã có những nhận thức đúng đắn hơn, các dự án đến với team cũng có sự phù hợp và chọn lọc hơn.


Saigon Tếu cũng mang sứ mệnh đưa bộ môn hài độc thoại này thành một bộ môn nghệ thuật chính thống. Đến bây giờ, hình thức này vẫn nằm ngoài độ phủ sóng của nhiều người, thậm chí nhiều người nghĩ tụi mình là một đám con nít diễn ở quán cafe. Là những người đi cùng cả team từ những ngày đầu tiên, mình hiểu công sức, thời gian, sự nghiêm túc mọi người bỏ vào dự án này nhiều đến mức nào. Đó là thứ mà những người khác cũng nên biết. Khi nói đến những nghề như ca sĩ, diễn viên, ít nhiều mọi người đều có sự trân trọng nhất định, mình muốn danh xưng nghệ sĩ hài độc thoại cũng sẽ được công nhận như vậy. Tụi mình mong đến một thời điểm, mọi người nghe hài độc thoại nhiều hơn, hài độc thoại sẽ xuất hiện được trên cả những phương tiện truyền thông chính thống hơn như TV phim ảnh….


Còn hiện tại thì mọi người vẫn tiếp tục chăm chỉ cố gắng. Bây giờ, đến cả các ca sĩ lớn, có khi đến 70% thu nhập của họ không đến từ các dự án làm nhạc. Đến một thời điểm nào đó, việc làm nghệ thuật của một người nghệ sĩ sẽ được hướng xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Đó là một tương lai lý tưởng mà mình muốn nghĩ tới.

emagazine image

Quill Cloud

Một năm làm Sài Gòn Tếu, mình học được nhiều hơn cả 5 năm diễn hài độc thoại ở nước ngoài trước đó. Có quá nhiều thứ để học, để thử, cứ mỗi một tuần mới lại có những vấn đề mới phát sinh mà nhiều lúc mình cũng chẳng biết phải xử lý như thế nào. Mình hài lòng và hạnh phúc khi có một team mà mọi người đều mang đến những giá trị khác nhau, nhưng vẫn cùng tin vào một hướng.


Trước đây khi tiếp cận lý thuyết Ikigai, cái mà mọi người vẫn hay nói là lý do để thức dậy mỗi sáng, mình có thể hiểu được 3 khía cạnh: việc mà mình giỏi; việc mà mình thích và việc mà mình có thể kiếm được tiền. Nhưng đọc đến cái vòng tròn thứ 4 là “Thế giới cần gì ở bạn”, mình luôn thấy nó thật đao to búa lớn. Nhưng đến khi làm Saigon Tếu, từ những video nhận được nhiều comment, từ những lời cảm ơn của các bạn đến show và đến workshop mà tụi mình tổ chức, mình bỗng cảm nhận được ý nghĩa công việc mình đang làm, cảm nhận được sự ảnh hưởng mình đang tạo ra cho mọi người, cho cộng đồng, cho xã hội. Đó là cái “Why”, là lý do mình đang làm công việc này và sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa. Sự hạnh phúc này hoàn toàn khác với việc đi làm nhận lương, đi thi nhận giải. Trước đây mình nghĩ điều này nó cũng chẳng cần thiết, nhưng bây giờ đã hiểu được cái “Why” của mình rồi, mình không muốn sống thiếu nó.


Trước đây mình hay xem opera, có một cô ca sĩ đã từng nói một câu rằng: Điều đối lập với chiến tranh không phải là hoà bình, điều đối lập với chiến tranh là sự sáng tạo. Chiến tranh là đang phá huỷ một điều gì đó, còn khi sáng tạo, chúng ta đang xây dựng nên một điều gì đó. Khi chúng ta sáng tạo, dù đó là vật thể hay phi vật thể, cảm giác đó mới là hoà bình. Mình nghe câu đó 3 năm trước, nhưng mình không hiểu được. Đến bây giờ làm Saigon Tếu, mình mới cảm nhận được sự hoà bình, sự bình an ấy trong công việc mình làm. Với mình, đó là thành quả lớn nhất.

Cảm ơn anh Uy Lê vì một cuộc nói chuyện ý nghĩa.

Chúc anh và Saigon Tếu sẽ đi thật xa cùng hài độc thoại.

Quill Cloud

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa