Quỷ Cốc Tử là một tên gọi khác của Ngô Trần Hải An - một nhà báo ảnh nhiều kinh nghiệm và một travel blogger với một “gia tài" đồ sộ là những chuyến đi. Anh là người đầu tiên khám phá hàng loạt cung đường phượt mới như mốc biên giới 79 và 42, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải… Anh cũng đặt chân đến nhiều miền đất hoang sơ ở New Zealand, Nam Phi, Italy, Anh, Bhutan, Pakistan hay Zambia.
Anh vẫn hay tự đùa rằng Quỷ Cốc Tử 7 phần làm travel blogger, 3 phần làm báo. Thế nhưng, khi đại dịch một lần nữa bùng lên dữ dội ở Việt Nam, khi mọi chuyến đi đều không thể thực hiện, anh dành toàn bộ cả 10 phần cho việc làm các phóng sự ảnh. Là một trong số ít nhà báo được tác nghiệp nơi thành trì sinh tử cuối cùng - chuyên khoa ICU Bệnh viện Ung Bướu Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh - nơi chuyên điều trị những bệnh nhân nặng, Quỷ Cốc Tử đã ghi lại toàn bộ quá trình tác nghiệp “khắc cốt ghi tâm" này với rất nhiều cảm xúc.
--------------------------------------------
Để thực hiện phóng sự này, Quỷ phải được xét duyệt của các cơ quan chức năng liên quan và sự giám sát đặc biệt chặt chẽ bởi chính bác sĩ Trần Thanh Linh - PGĐ bệnh viện kiêm phụ trách chuyên khoa ICU, còn được gọi là bác sĩ 91 khi chữa trị thành công cho bệnh nhân người Anh số 91. An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi bước vào phòng điều trị đặc biệt này. Bác sĩ Linh yêu cầu phải mặc đồ bảo hộ cấp 4 (chuẩn cao nhất), sát khuẩn tay chân và thiết bị. Cảm giác lúc này thật sự khó tả, vừa hồi hộp lo lắng, nhưng đầu óc lại chẳng nghĩ được gì.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những y bác sĩ
Khi cánh cửa phòng hồi sức tích cực mở ra, bên trong là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt. Đáng lẽ phải vội vàng tác nghiệp ngay, vì lần này chỉ có 40 phút, nhưng mình bỗng nhiên cứ chững người lại, trống rỗng, lặng người, không biết làm gì và bắt đầu từ đâu.
Trước mắt Quỷ là hàng chục y bác sĩ bịt kín trong trang phục bảo hộ trắng toát, bầu không khí hết sức khẩn trương, tiếng tít tít vang lên đều đặn khô khốc từ các thiết bị, có người thở dốc, có người nằm lặng im mê man, đặc biệt là những tràng ho liên tục cực kỳ ám ảnh từ một căn phòng vang lên, bệnh nhân như vùng vẫy cố hết sức để thở, để ho mà bị bóp nghẹt khàn đặc không thể thoát ra khỏi cổ họng. Sau những phút lặng người, Quỷ mới bình tâm để chụp, đi qua từng căn phòng đều có các y bác sĩ đang tập trung xử lý các ca bệnh, cố gắng đứng xa hoặc nép mình khuất nhất có thể vì sợ mình làm phiền họ chữa trị.
Các y bác sĩ tập trung cấp cứu một ca bệnh nặng
Khi đang chụp thì cửa phòng hồi sức bật mở, một ca nặng được chuyển viện đến, bác sĩ Linh và ekip lập tức cấp cứu ngay, không khí cực kỳ căng thẳng, gấp gáp nhưng chuẩn xác nhịp nhàng. Họ gần như không quan tâm gì đến thế giới ngoài kia, tất cả chỉ có đội ngũ bác sĩ và bệnh nhân đang trở nặng đó. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân đã ổn, bác sĩ Linh lại tiếp tục chuyển qua kiểm tra các ca nặng khác, hướng dẫn y bác sĩ lên phác đồ điều trị. Cũng trong lúc đó, cứ chừng vài phút anh lại nhận điện thoại từ các bệnh viện khác, hoặc là nhờ tư vấn xử lý ca bệnh hoặc là hỏi thu xếp chuyển bệnh đến, liên tục, liên tục. Áp lực thật sự khủng khiếp! Một bệnh nhân khi thấy anh Linh đến cứ thều thào: Bác sĩ ơi tôi không muốn chết! Bác sĩ cứu tôi! Câu nói cứ lập đi lập lại khiến không khí chùng xuống, anh điềm tĩnh vỗ về động viên cho bệnh nhân yên tâm
Trên đường về nhà, cảm giác sợ hãi lại xuất hiện, lo lắng ko biết mình có sai sót nào không, có khả năng lây nhiễm ko, suy nghĩ đó cứ xoay vòng trong đầu mà ko thể yên lòng được. Quỷ phải gọi điện thoại dặn cả nhà đi qua nhà ngoại hết, vô nhà là lao vào phòng tắm ngay lập tức, tắm thật sạch đồ bỏ vào máy giặt ngay. Vài ngày sau đi xét nghiệm thấy kết quả âm tính, Quỷ mới phần nào nhẹ nhõm.
Sau khi trở về nhà từ lần tác nghiệp thứ nhất, Quỷ xem lại ảnh và thấy rằng lần tác nghiệp này chưa được thành công lắm, những bức ảnh như chụp đại, thiếu đi những câu chuyện đằng sau đó. Sau một ngày đắn đo suy nghĩ, Quỷ xin phép quay lại chụp xuyên đêm. Ban đầu bệnh viện không đồng ý vì rủi ro sâu quá, sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng Quỷ cũng được quay lại lần hai.
Lần này, có khoảnh khắc Quỷ phải rơi nước mắt. Đó là khi 2 nhân viên y tế hoàn tất công đoạn cuối cùng để tiễn đưa một bệnh nhân vừa giã biệt cuộc đời, không gian lúc đó lạnh lẽo vô cùng, màn đêm tĩnh mịch, không một tiếng động nào ngoài tiếng xịt của vòi phun khử khuẩn. Đó là khoảnh khắc đời mình chưa bao giờ có thể hình dung. Bác sĩ Linh cũng kể là có những người mới buổi sáng còn gặp họ, vẫn có thể nói chuyện, mà tối khuya họ đã có thể trở nặng.
2 nhân viên y tế hoàn tất công đoạn cuối cùng để tiễn đưa một bệnh nhân vừa giã biệt cuộc đời
Thời khắc đó Quỷ thật sự rối bời với câu hỏi: Chụp hay không? Chụp thì đúng hay sai? Làm phóng viên ảnh, Quỷ hiểu được rằng có những quy định đạo đức nghề nghiệp quan trọng. Không được chia sẻ hình ảnh phản cảm, không chụp những bức ảnh mang tâm lý kích động hay tiêu cực cho người xem. Thế nhưng đôi khi, mọi quy chuẩn cần phải được xem xét lại. Thời khắc đó, Quỷ thật sự không thể trả lời được, nhưng mình đã chụp rất nhiều trong sự trống rỗng cảm xúc, bỗng thấy bức ảnh mờ đi trong ống kính, lúc đó mới biết mình đã khóc tự lúc nào.
Vết dây băng khẩu trang in hằn trên mặt bác sĩ Linh
Khoảnh khắc lặng người thứ hai là khi cùng bác sĩ Linh rời khỏi văn phòng. Khi anh gỡ khẩu trang ra, những vết dây băng quá chặt hằn đỏ tin sâu lên gương mặt anh. Quỷ không chụp trực diện, vì nó quá đau thương, mình cũng muốn tôn trọng quyền cá nhân của bác sĩ. Nhưng dù chỉ chụp từ góc chéo thôi, bức ảnh đó đã mang những cảm xúc rất dữ dội. Bác sĩ Linh đã vất vả suốt đợt dịch bùng ở Bắc Giang, rồi tới bây giờ, và không biết đến khi nào mới kết thúc. Đó là sự nỗ lực, là những nỗi đau tinh thần và thể xác triền miên, không biết bao giờ dứt.
Trước khi đăng những bức hình này, Quỷ cũng phải suy nghĩ rất nhiều, cũng hỏi ý kiến các ý bác sĩ, và cuối cùng Quỷ quyết định đăng. Có những thứ chỉ nghe thôi không đủ, khi tận mắt chứng kiến một bức ảnh như vậy, cảm xúc trong con người mình trỗi dậy mạnh mẽ và khiến mình phải thay đổi hành vi. Ai cũng sợ dịch, ai cũng lo lắng, nhưng đôi khi chúng ta vẫn có thể lơ là, nghĩ rằng dịch còn ở xa mình lắm. Thế nhưng khi nhìn những bức ảnh sự thật này, nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại. Họ sẽ phải quan tâm hơn đến người thân của mình, đến ông bà bố mẹ, những người có bệnh lý nền, những người chưa biết nhiều về công nghệ để tiếp xúc được với những nguồn thông tin chính xác. Đó là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, về cách bảo vệ bản thân và quan tâm đến những người xung quanh.
Đến hôm nay khi viết những dòng này, Quỷ nhẹ nhõm và tràn đầy hy vọng về ảnh hưởng tích cực của những bức ảnh đã chụp. Quỷ mong phóng sự ảnh này giúp mọi người thêm thấu hiểu và tỉnh thức. Thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, và tỉnh thức về sự nghiêm trọng của dịch bệnh mà gìn giữ bản thân và thêm trân trọng cuộc sống này.
Được chứng kiến những thời khắc sinh tử cuối cùng, Quỷ chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: xin đừng chỉ trích nhau, đừng chửi bới nhau, đừng dùng những góc nhìn cá nhân để phán xét hay tạo ra những sự chia rẽ. Đây là lúc mình nên gắn kết và giúp đỡ lẫn nhau, tự bảo vệ bản thân, trân trọng những khoảnh khắc mình được sống khoẻ mạnh. Thay vì dành thời gian và năng lượng cho những mâu thuẫn và tranh luận thiếu văn minh, Quỷ nghĩ rằng chúng ta hãy thật nhẹ nhàng điềm tĩnh, quan tâm và chia sẻ khó khăn cùng nhau. Chắc chắn dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng vết thương về những con người xâu xé lẫn nhau sẽ rất khó lành, mình nên cố gắng đừng để chuyện đó xảy ra nữa.
Quỷ tin rằng, mỗi một người sinh ra đều được đặt ở những vị trí nhất định. Có lẽ vị trí của mình là có mặt ở những thời khắc lịch sử và ghi nhận lại nó. Khi được sống trong những khoảnh khắc đó, bản thân mình sẽ có sự thay đổi. Mình sẽ đem được góc nhìn của mình, sự thật của lịch sử để truyền tải đến độc giả một cách đúng đắn và chân thật nhất. Quỷ cảm thấy rất tự hào với công việc của mình, cho dù có khó khăn và nguy hiểm. Dịch bệnh còn phức tạp, Quỷ mong rằng tất cả mọi người cùng nhau cẩn trọng giữ gìn sức khoẻ, chờ ngày dịch bệnh qua đi, chúng ta lại được sống trong bầu không khí tự do và hạnh phúc.
--------------------------------------
*Bài viết được biên tập lại theo lời kể của nhân vật. Hình ảnh do nhân vật - nhà báo/ travel blogger Ngô Trần Hải An cung cấp