Chúng tôi đã từng cùng MC/ Biên tập viên Vũ Thu Hoài nói rất nhiều về cuộc sống, công việc, tình yêu và hạnh phúc vào thời điểm hai năm trước - khi chị đang mang thai Tiger - cậu con trai đầu lòng. Trong suốt quãng thời gian hai năm ấy, chúng tôi vẫn hàng ngày theo dõi cuộc sống của chị qua các nền tảng mạng xã hội, nhìn ngắm hành trình làm mẹ đẹp đẽ và những khoảnh khắc gia đình ấm áp chị đăng tải.
“Hạnh phúc không hẳn là một điểm đến, hạnh phúc là sự lựa chọn” - câu nói của chị trong bài phỏng vấn năm ấy ấn tượng đậm trong tôi. Nhân dịp Ngày của Mẹ năm nay, chúng tôi lại có dịp trò chuyện cùng chị, khám phá những trải nghiệm cùng con của mẹ Thu Hoài. Chị có thay đổi, có khác biệt nhưng tôi biết, chị vẫn đang trọn vẹn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
Đã hai năm kể từ lần đầu phỏng vấn cùng The Influencer, còn nhớ khi ấy Tiger còn là một em bé đang lớn lên trong bụng cùng với trọn vẹn sự háo hức, hồi hộp của mẹ Hoài. “Chiếu mới Thu Hoài” ngày ấy và mẹ Thu Hoài hiện tại đã có những khác biệt thế nào?
Ngày ấy tôi là người mẹ lý thuyết còn hiện tại tôi là người mẹ thực chiến rồi (cười). Còn nhớ khi ấy, tôi trang bị rất nhiều kiến thức, háo hức với hành trình làm mẹ sắp tới. Tôi đọc nhiều, xem nhiều để học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ “tiền bối”. Thế nhưng phải cho tới lúc thực sự trải qua, tôi mới thấm thía sự thật rằng giữa lý thuyết và thực hành luôn tồn tại một khoảng cách. Bởi đúng là không có em bé nào giống em bé nào trên đời nên không thể áp dụng toàn bộ công thức, khuôn mẫu vào việc chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vậy nên tôi nghĩ, từ mẹ bầu lý thuyết đến mẹ bỉm thực chiến còn cách nhau sự hiện diện của một em bé, phải ẵm trên tay rồi mới biết nên “áp dụng công thức” nào.
Khoảnh khắc chị Hoài cảm thấy hạnh phúc nhất sau khi trải qua gần hai năm đầu đời của con?
Tôi cảm thấy hạnh phúc rõ ràng và sâu sắc nhất khi con tiếp nhận thức ăn từ bầu sữa mẹ. Đó là thứ cảm xúc đặc biệt nhất, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự lớn lao, thiêng liêng và vĩ đại của câu nói: “I love you to the moon and back” (Tạm dịch: Tôi yêu bạn nhiều như quãng đường đến mặt trăng và quay ngược lại - câu nói chỉ tình yêu mãnh liệt, không thể cân đo đong đếm được vì nó xa vô tận giống như khoảng cách đến cung trăng). Ở khoảnh khắc ấy, tôi biết mình có thể vì con mà đi tới mặt trăng hay bất cứ nơi nào, vì con mà làm tất cả.
Điều gì đã song hành cùng chị trong hai năm làm mẹ đầu tiên, khiến chị thấy rõ ràng làm mẹ là một trải nghiệm thiêng liêng đáng trân trọng?
Thời điểm có Tiger cũng là giai đoạn cả gia đình tôi chuyển nhà. Tôi chưa kịp thích nghi với quá nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, từ việc chuyển ra ở riêng đến việc nhà đông người hơn, có thêm một thành viên mới khiến lịch trình sinh hoạt của tôi gần như thay đổi hoàn toàn. Việc có em bé cũng làm tâm sinh lý tôi thay đổi, có khoảng thời gian tôi cảm thấy áp lực vì chưa thể quen được. Nhưng may mắn tôi có chồng đồng hành, có bố mẹ chồng hỗ trợ, thậm chí mẹ đẻ của tôi cũng từ quê xuống động viên, chăm sóc.
Thời điểm tôi vừa mới sinh Tiger trong bệnh viện, chồng tôi túc trực bên cạnh 24/24. Tôi sinh Tiger bằng phương pháp mổ, cơ thể cần nhiều thời gian để hồi phục nên chồng tôi đảm nhiệm việc chăm sóc con, từ những việc nhỏ nhất: thay bỉm, ăn sữa,... Sau khi được về nhà tới hết thời gian ở cữ, trong nhà lúc nào cũng có người hỗ trợ mọi việc nên tôi cũng thấy đỡ áp lực hơn. Chính sự song hành của người thân trong gia đình đã giúp tôi tập trung chăm sóc con, có thể dành tất cả những điều tốt nhất cho con.
Gần đây, chị Hoài bắt đầu trở lại với rất nhiều vai trò trong công việc bên cạnh sứ mệnh làm mẹ của một em bé 2 tuổi. Có khi nào những vai trò ấy xung đột với nhau?
Sau khi sinh Tiger, tôi đã dành nguyên một năm ở nhà làm mẹ bỉm full-time. Trong thời gian đó, tôi vẫn vận hành công việc kinh doanh một cách trôi chảy nhờ các bạn quản lý, nhân sự trong nhóm - những người đã đi cùng sự nghiệp kinh doanh của tôi suốt 10 năm qua. Sau cả một năm dành trọn vẹn thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc con, đầu năm 2024, khi con đã cứng cáp hơn, không còn quá phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ và sắp tới sẽ đi học mẫu giáo, tôi quyết định lên kế hoạch cụ thể để quay trở lại với công việc MC, diễn viên và đẩy mạnh mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, như đã chia sẻ, tôi có sự hậu thuẫn rất lớn từ người thân, gia đình nên khi quay trở lại với công việc, tôi hoàn toàn yên tâm con mình ở nhà vẫn có ông bà chăm sóc và yêu thương đủ đầy. Đó cũng là một trong những nguồn động lực lớn để tôi sớm trở lại với công việc sau khi sinh em bé.
Sau một năm tạm rời công việc, khi trở lại chị Hoài có cảm thấy bản thân có chút “cũ” so với đồng nghiệp?
Sau khi quay trở lại công việc sau một năm nghỉ sinh, thú thật cảm giác đầu tiên trong tôi là… thấy chưa đủ, chưa đã. Tôi cảm thấy chỉ như vừa mới nghỉ ngày hôm qua. Trong ngành của tôi, bạn bè đồng nghiệp đều có kế hoạch và mục tiêu riêng. Và quan trọng nhất là bản thân tôi khi ở nhà cũng luôn cố gắng duy trì khối lượng công việc phù hợp nên bạn thấy đấy, tôi vẫn cập nhật hình ảnh trên mạng và làm việc với các nhãn hàng đều đều! Chỉ có điều không ra ngoài nhiều, luôn làm việc ở nhà nên đôi khi tôi cũng rơi vào một khoảng trống… khó hiểu, có thể điều này bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tâm sinh lý sau sinh. Tuy nhiên khi đã xác định tâm thế quay trở lại với công việc, mình đã lên dây cót tinh thần sẵn sàng vào việc hiệu quả và năng suất.
Không phải người mẹ nào cũng dễ dàng có được sự cân bằng giữa yêu thương và tách rời với những đứa con của mình. Họ thường chăm chút cho các con, nhưng đôi khi quên chăm sóc chính bản thân mình. Chị Hoài nghĩ việc người mẹ dành tình yêu thương và dành thời gian cho chính mình quan trọng như thế nào?
Khoảng thời gian đầu tiên sau sinh, quá nhiều mối bận tâm về con khiến tôi không có cả thời gian soi gương hàng ngày. Từ việc con có ngủ đúng giờ không, sữa có về đủ không, hút sữa đều đặn hàng giờ,... tất cả như một cuộc chạy đua vũ trang. Lúc đó nguồn dinh dưỡng của con tới từ sữa mẹ hoàn toàn nên tôi áp lực hơn rất nhiều. Trong thời kỳ đầu ấy, nơi tôi muốn đến nhất chính là… giường ngủ và quả thật, cứ đặt lưng xuống là tôi ngủ luôn, không còn sức lực để đứng trước gương và chăm sóc da. Tôi quên luôn việc ấy.
Cho tới một buổi sáng thức giấc, tôi chợt nhìn thấy bản thân khi lướt qua gương và tôi phải thốt lên: “Ôi da mình xấu quá!”. Và thế là tôi tự động làm đẹp lại, bắt đầu từ việc mua thật nhiều mặt nạ, tranh thủ chăm sóc da lúc con ngủ. Dần dần làn da cùng năng lượng yêu thương bản thân của tôi phục hồi, lan toả trong từng tế bào cơ thể. Điều này nhắc nhớ tôi rằng, hy sinh cho con cái là một điều cần thiết và thiêng liêng nhưng không thể vì thế mà quên đi trách nhiệm chăm sóc bản thân.
Chị Hoài vừa nhắc tới hai từ “hy sinh”. Phụ nữ Việt Nam thường được ca tụng bởi đức này. Với chị, khi nào sự hy sinh của phụ nữ là lành mạnh, khi nào là một cái bẫy?
Tôi nghĩ “hy sinh” là một bản năng sẵn có của mọi người vợ, người mẹ trong gia đình. So với đàn ông, người phụ nữ vất vả hơn trong quá trình mang thai, sinh con và cả sự ảnh hưởng về sức khoẻ sau này. Và dù vị thế, trí tuệ và khả năng của người phụ nữ ngoài xã hội đã được khẳng định nhưng họ vẫn thường được định danh bởi vị trí “giữ lửa” trong nhà. Cho nên tôi nghĩ phụ nữ nên biết san sẻ công việc trong gia đình với người chồng, để chồng có thể đỡ đần mình từ những việc nhỏ nhất, đồng thời để mình có người cùng đồng hành trong mọi việc, khi ấy mình sẽ bớt cảm thấy áp lực. Ví dụ, gần đây tôi livestream trên TikTok ở cửa hàng, chồng tôi cũng là người ghi sản phẩm, đóng hàng và đồng hành xuyên suốt các buổi livestream của tôi. Chính vì thế, anh hiểu công việc, hiểu sự vất vả suốt 3-4 tiếng đứng nói của tôi nên luôn sẵn sàng chia sẻ việc nhà để tôi được nghỉ ngơi.
Đương nhiên, tôi rất yêu chồng thương con, tôi muốn vun đắp cho gia đình nhưng tôi không đặt nặng hai chữ “hy sinh” lên mình, chính xác là tôi đang làm tròn trách nhiệm với gia đình và với chính bản thân tôi.
Trên hành trình làm mẹ này, bài học lớn nhất mà chị rút ra là gì?
Đó là bài học về sự kiên trì, nhẫn nại. Dù tính cách của tôi từ trước đến giờ không phải người dễ bỏ cuộc nhưng việc chăm sóc và hướng dẫn một bạn nhỏ từ những điều nhỏ bé nhất đã giúp tôi mở rộng tầm mắt (cười). Con là một tờ giấy trắng và còn quá nhỏ để nói 1-2 lần là biết, là hiểu, là nhớ. Sắp tới trước khi con vào mẫu giáo và sau này là tiểu học, trung học, hai vợ chồng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cùng đồng hành với con.
Người ta thường nói, sinh con rồi mới hiểu lòng cha mẹ. Sau khi sinh Tiger, chị có thấy… càng yêu mẹ hơn?
Tất nhiên rồi. Trước đó, tôi luôn thắc mắc rằng tại sao mình lớn rồi mà mẹ vẫn hay lo lắng cho mình những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nhưng đúng là phải đến khi có con, có những khoảnh khắc tôi nằm ôm con và suy nghĩ, nếu sau này con mình lớn hơn, ra ngoài xã hội, đi xa khỏi vòng tay mình thì liệu lúc ấy tôi có cảm thấy yên tâm không, có lo lắng không hay vẫn cảm thấy con còn bé bỏng trong mắt mình.
Khi tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi ấy, tôi mới hiểu được nỗi lo, sự chăm sóc, chở che của bố mẹ dành cho mình từ khi còn nhỏ tới tận bây giờ, tôi đã 34 tuổi và đã có con.
Có rất nhiều chiến dịch truyền thông trong những ngày lễ đặc biệt về gia đình đã chọn “cách thể hiện cảm xúc với cha mẹ” làm chủ đề chiến dịch. Chuyện bày tỏ cảm xúc trong gia đình chị thế nào?
Hai vợ chồng tôi rất ngại nói lời yêu, lời cảm ơn với bố mẹ. Chúng tôi thể hiện tình cảm với bố mẹ bằng cách mua thuốc bổ, mua quà biếu tặng ông bà. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ việc chúng tôi lớn lên trong môi trường mọi người thể hiện tình yêu qua hành động. Thế nhưng trong gia đình nhỏ, chúng tôi luôn bày tỏ cảm xúc với nhau hàng ngày, đồng thời dạy Tiger biết nói lời yêu thương để sau này con biết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi, biết ơn những thứ tốt đẹp xung quanh cuộc sống của con. Đúng là mỗi thế hệ lại có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau nhưng tôi tin rằng, ở cả gia đình nhỏ và gia đình lớn, chúng tôi đều được yêu thương và trân trọng.
Một khoảnh khắc xúc động cùng mẹ lập tức hiện ra trong đầu chị lúc này?
Nhiều năm về trước, lúc tôi lần đầu chân ướt chân ráo xuống Hà Nội học Đại học. Hà Nội năm đó có trận mưa rất lớn, nước ngập vào hết trong nhà. Dãy nhà trọ của tôi cũng bị ngập như vậy. Tôi nhớ như in hôm ấy, 4h sáng mẹ đã bắt xe từ Tuyên Quang (quê tôi) xuống Hà Nội để dọn đồ cho tôi chuyển sang phòng trọ mới. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ mặc cái áo mưa giấy màu xanh, chuyển xong hết đồ mẹ ra cổng về ngay buổi trưa hôm ấy, ngõ đi ra vẫn ngập đầy nước mưa. Mẹ quay lại chào tôi, bảo tôi vào nấu cơm đi, mẹ về đây. Tôi cứ đứng nhìn mãi cho đến khi bóng lưng áo mưa giấy lội nước ấy đi ra khỏi con ngõ nhỏ…
Cho đến tận bây giờ, hình ảnh ấy vẫn còn rất sâu đậm trong tôi. Điều này càng làm tôi thêm nhắc nhớ một điều, con có lớn vẫn là con của mẹ. Đến tận bây giờ, khi đã có gia đình riêng, có con nhưng bà ngoại vẫn xuống tận nơi để chăm sóc cho gia đình nhỏ của tôi.
“Hạnh phúc không hẳn là một điểm đến, hạnh phúc là sự lựa chọn”. Chị vẫn hạnh phúc với những sự lựa chọn của mình chứ?
Bạn biết không, mỗi sáng thức dậy, tôi lại càng thêm tin vào sự lựa chọn của mình bởi nằm cạnh tôi là hai người đàn ông, một bên là chồng, một bên là con trai. Khoảnh khắc hai người họ vẫn đang say giấc, ôm chặt tôi khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên vô cùng. Tôi chỉ muốn cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như vậy thôi. Mọi mục tiêu cá nhân của tôi hiện tại đều hướng đích đến lớn - gia đình.
“Tính cách quyết định sự lựa chọn, sự lựa chọn quyết định số phận và cuộc đời. Hiện tại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn sự lựa chọn của mình.
Một điều chị muốn nhắn nhủ đến Mẹ của mình nhân ngày 12/5 - Ngày của Mẹ?
Lần đầu trong cuộc đời: “Con yêu mẹ!”
Cảm ơn chị Hoài vì một buổi phỏng vấn trong dịp đặc biệt này. Mong rằng chị sẽ có thêm nhiều lần tỏ tình với mẹ mà không còn ngại ngần!