5 năm trước, hễ nhắc đến Ninh Tito là công chúng nhớ ra ngay một anh chàng food blogger với nụ cười tươi tắn và năng lượng tích cực chuyên “lê la quán xá". Một người bạn ẩm thực của mọi nhà. Gọi Ninh Tito là food blogger đời đầu tại Việt Nam cũng chẳng sai! Có những thời điểm, Ninh Tito xuất hiện liên tục trên mạng xã hội, có mặt ở mọi nhà hàng “hot” nhất, và trở thành gương mặt vô cùng được yêu thích bởi các nhãn hàng.
Bẵng đi một thời gian, khán giả thấy Ninh Tito bắt đầu chuyển hướng. Không muốn đóng khung mình trong hình ảnh food blogger/ food influencer, Ninh Tito tích cực sản xuất nội dung hơi hướng lifestyle, thậm chí còn khởi nghiệp với dự án food creative agency của riêng mình. Trước làn sóng short form, bản thân Ninh cũng có cảm giác mình bị tụt lại phía sau. “Ninh đã buộc phải nhìn vào thực tế diễn ra: Có lẽ với Gen Z bây giờ, Ninh Tito không còn là cái tên được biết đến quá nhiều.”
Ở thời điểm cuộc trò chuyện này diễn ra, đáng tiếc là những dự án Ninh thực hiện trong 3 năm “hậu đỉnh cao" không đem đến nhiều “trái ngọt" cho Ninh; nhưng đáng mừng, đó lại là cơ hội để Ninh biết gì muốn gì, cần gì, và khởi động mạnh mẽ trở lại.
Có một thời điểm, em cảm thấy anh khá loay hoay trong sự nghiệp influencer, khi anh muốn phát triển rộng hơn danh xưng “food influencer". Anh nghĩ mình đã thoát ra khỏi trạng thái chênh vênh đó chưa? Hay mình đang đi từ cái chênh vênh này, tới một cái chênh vênh khác?
Trào lưu mạng xã hội là thứ thay đổi liên tục và không ai có thể dự đoán, nên chúng ta sẽ luôn ở trong trạng thái mông lung theo thị trường. Nhưng cá nhân anh nghĩ rằng: Khi mình thật sự tìm ra điều bản thân muốn làm, đủ trải để biết cái gì hợp mình, cái gì không, thì dù chênh vênh hay mông lung tới đâu, mình vẫn giữ được sự tự tin vào bản thân mình. Có tự tin, là có thể thích nghi với mọi môi trường.
Phải thú thực rằng có một thời điểm, anh đã rất chạnh lòng vì nhiều bạn KOC kiếm tiền nhanh quá, nhiều cơ hội quá, trong khi ngày xưa mình trầy trật mãi mới đạt 100K sub. Nhưng nghĩ lại, dù gì anh cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực này, nên anh vẫn có một vị trí nhất định đối với khán giả.
Anh không bao giờ nghĩ mình là một food reviewer chỉ chuyên đi review các món ăn, nhà hàng. Anh không muốn đóng khung mình, và đúng như em nói, anh rất muốn khẳng định bản thân ở danh xưng khác. Anh tự đặt cho mình một “chức danh" chưa hề có tại Việt Nam - Food Mate - một người đồng hành cùng khán giả trong đời sống ẩm thực - từ việc giới thiệu các quán ăn ngon, chia sẻ thông tin, kiến thức về ẩm thực, cho đến làm workshop, ra sách về ẩm thực. Anh và team đang tính toán chiến lược một cách kỹ càng, để làm sao mình có thể xuất hiện trước khán giả như một Food Mate thực thụ, thay vì một Food Reviewer.
Khi anh nói về sự “chấp niệm" với nội dung dài, em nhớ về một người khác: Anh Vũ Dino. Một Youtuber chuyên nội dung dài, với những video lên tới 45 phút - 1 tiếng. Một TikToker “mới nổi" vẫn giữ được chất lượng thẩm mỹ và nội dung có chiều sâu…
Khi ngồi xuống cùng những influencer thế hệ đầu, tụi anh vẫn có chung một quan điểm: Không thích làm short form; hoặc nếu có, thì cũng không phải là những nội dung short form dưới 1 phút. Anh không muốn các bạn xem vui vui vài ba giây, rồi… quên luôn video nói về điều gì. Anh đồng ý short form là công cụ để viral thông tin, nhưng làm thế nào để đưa khán giả tới nền tảng long form mới là điều quan trọng hơn cả. Một bạn làm short form biết xây dựng một hệ sinh thái nền tảng long form đằng sau sẽ phát triển rất bền. Còn nếu chỉ phụ thuộc vào short form, thì khi short form không còn là xu hướng, bạn sẽ rất dễ thất bại.
Em nghĩ F&B là một ngách nội dung “muôn đời hot", vì ăn ngon mặc đẹp vốn là nhu cầu cơ bản của con người. Tức là, nếu bạn muốn trở thành influencer về F&B, bạn sẽ luôn luôn có thứ để làm. Nhưng liệu bạn có thể trở thành top 1, top 2 hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Vậy làm thế nào để trở nên nổi bật trong một cộng đồng F&B influencer vốn rất cạnh tranh?
Với câu hỏi này, anh muốn chia sẻ ba thứ.
Thứ nhất, F&B luôn luôn tồn tại. Mà xu hướng ẩm thực thì luôn xoay vòng. 5 năm trước trà sữa rất hot, rồi đến trend rau má, trend trà bí đao, rồi lại quay về trà sữa. Hãy thức thời trước xu hướng hiện tại, cũng như xu hướng đang đến trong tương lai gần.
Thứ hai, phải chọn lọc xem đâu là nội dung phù hợp nhất với mình. Các bạn được quyền thử, nhưng phải thử nhanh, thử quyết liệt để nhanh chóng đưa ra định hướng.
Thứ ba, bạn phải chăm chỉ. Có rất nhiều cơ hội để bạn bắt đầu, nhưng quan trọng nhất là phải biết thế mạnh của mình là gì. Anh từng kinh doanh, để rồi nhận ra đó không phải thế mạnh của mình và quay trở lại với công việc content creator. Anh không coi đó là thất bại, và các bạn - nếu có cùng trải nghiệm với anh - cũng không nên coi đó là thất bại. Hãy nhìn nhận nó như một bài học. Mất nhiều tiền cũng… không sao, ấy là học phí mình bỏ ra cho “trường đời". Anh nghĩ chiến lược quan trọng, thời điểm quan trọng, con người quan trọng, và sự chăm chỉ là cực kỳ quan trọng để một content creator có thể thành công.
Có một điều em không thấy anh nhắc đến: Cái tôi…
Thời gian đầu khi phỏng vấn báo chí, anh luôn nói: “Bạn cần phải khác biệt". Nhưng giờ anh nhận ra, cái tôi là thứ giúp ta bước đầu xây dựng hình ảnh, nhưng về đường dài, cái tôi không còn là yếu tố tiên quyết. Với cá nhân anh là vậy; các bạn khác có thể nghĩ khác.
Vì sao anh lại nói thế? Vì để phát triển lâu dài, bạn cần cân bằng giữa bản thân và thị trường. Bản thân bạn trở thành một “sản phẩm" hấp dẫn nhưng không xa rời con người nội tại. Bạn biết rõ đâu là thế mạnh để cân bằng với xu thế - và cái tôi chính là một phần nằm trong thế mạnh đó.
Còn đương nhiên với một content creator chuyên “mắng", chuyên “chê", thì cái tôi rõ ràng thật đấy! Nhưng xã hội liệu có chấp nhận cái tôi ấy lâu dài không? Nhãn hàng có muốn hợp tác với bạn không? Nếu không có nhãn hàng, liệu bạn có sống được không?
Câu trả lời của anh khiến em nghĩ đến hình ảnh dòng nước. Với một nghề được mệnh danh là “làm dâu trăm họ" như content creator, sự linh hoạt là sức mạnh để duy trì sức hút. Bạn biết điểm đến của mình là gì, biết mạch nước chính chảy đến cái đích đó. Nhưng lách qua chướng ngại thế nào, chảy theo cung đường ra sao…, ta không phủ nhận đó là những lựa chọn mang tính thời điểm.
Và có một điều anh muốn chia sẻ thêm: Cái tôi là thứ có thể bắt chước được. Bạn nào có style tốt, là ngay lập tức một tháng sau bạn sẽ thấy một loạt hình và nội dung từa tựa mình trên feed liền. Vậy nên, điều tiên quyết là bạn biết rõ thế mạnh của mình và biết cách phát triển nó trong tương lai. Đồng thời, bạn cũng phải vững tâm vì bây giờ bắt chước là chuyện diễn ra như… cơm bữa.
Thử thách đấy! Nên thay vì đặt cái tôi của mình quá cao, hãy điều tiết cái tôi để ngay cả khi có nhiều người bắt chước bạn, thì khán giả và nhãn hàng vẫn cần bạn và tìm đến bạn.
Trả lời thật lòng: Anh có đồng ý với quan điểm của cộng đồng mạng rằng Ninh Tito từng chạy theo booking quá nhiều?
Anh nghĩ mình sẵn sàng đón nhận tất cả những bình luận ấy, vì… mình từng như vậy thật. Mình cần vượt qua nó thì mới có được ngày hôm nay. Khi một người thành công quá nhanh mà chưa có sự chuẩn bị, người ta sẽ bị cuốn theo đến mức không nhận ra mình.
Anh vẫn nhớ có một lần, anh hỏi một người bạn rất thân: “Em thấy anh dạo này như thế nào?” Bạn nói, “dạo này Ninh khác quá, khả năng lắng nghe của Ninh không còn như xưa.” Có lẽ chính sự nổi tiếng quá nhanh đã khiến mình tự cho bản thân cái quyền coi lời nói của mình có giá trị hơn người khác.
Mọi người thường nói, ta tự hào nhất về bản thân khi đạt được thành công. Nhưng với anh, anh tự hào nhất khi chứng kiến con người anh thay đổi. Đó là khi anh thấy cần phải đặt câu hỏi cho phiên bản của mình vào giai đoạn “chạm đỉnh” ấy. Ngày xưa, mình phải dùng sản phẩm cả tháng trời trước khi nhận job. Bây giờ chỉ cần dùng 2-3 ngày, thấy ổn ổn là… nhận luôn, nhận sớm còn có tiền. Thậm chí mình còn có một suy nghĩ rất trẻ con: Ai cũng có một thời đỉnh cao kiếm tiền, thế thì phải kiếm càng nhiều càng tốt, lỡ sau này… hết thời không có tiền. Đó, chạy theo đồng tiền là dở rồi! Nhưng anh không nhận ra điều đó cho đến khi có một người nói thẳng với anh.
Anh nghĩ rằng đó là thời kỳ “quá độ” mà mỗi content creator phải tự trải qua để cân bằng lại mình. Anh không xấu hổ vì ngày xưa mình “công nghiệp", mà sẽ xấu hổ nếu không chịu nhìn thẳng vào vấn đề này.
Anh đang ấp ủ những dự định lớn nào cho tương lai?
Đầu tiên là làm thế nào để định hình một danh xưng mới, thể hiện qua từng bước mình đi. Anh cũng không nghĩ một mình anh có thể làm được điều đó. Anh cần rất nhiều nỗ lực, cũng biết rằng mình phải “tham" một chút, phải xuất hiện trên tất cả các nền tảng với những chiến lược riêng biệt. Nói thật là anh cũng thấy hơi… quá sức (cười).
Ngoài ra, đến thời điểm này anh nghĩ network của mình đã đủ mạnh để làm những thứ lớn lao hơn. Anh sẵn lòng đặt vấn đề với Sở và Cục Du lịch để thực hiện những dự án tầm vóc hơn, sâu sắc hơn, giá trị hơn - đó là mục tiêu anh nhắm tới.
Nhiều người hỏi sao anh không kinh doanh cafe hay mở quán ăn? Với anh, đó là những thứ xoay quanh anh; mà anh thì muốn hướng đến những giá trị lớn lao hơn bản thân mình. Tiền anh có đến từ mọi người. Niềm vui và động lực hàng ngày của anh cũng do khán giả dành cho. Đến thời điểm này, anh nghĩ mình đã có một chút gì đó để chia sẻ tới mọi người, và mong muốn được tạo nên một cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội - điều mà bấy lâu nay chúng ta cho rằng vốn chỉ thuộc về Sài Gòn năng động. Nói anh chấp niệm với Hà Nội cũng được. Nhưng anh luôn đau đáu một câu hỏi: Làm thế nào để mỗi khi ai đó nhắc đến Hà Nội, ta nghĩ ngay đến một thành phố cũng sáng tạo đấy, cũng màu mỡ cho những người làm nội dung đấy?
Nhìn chung, anh nghĩ anh có rất nhiều con đường để đi trong tương lai. Nhưng sẽ rất vất vả đấy. Nếu ai đọc được bài phỏng vấn này và có cùng mong muốn như Ninh, thì Ninh thực sự rất mong có thể kết nối với bạn để chúng ta cùng nhau hiện thực hóa những điều lớn lao hơn chính bản thân mình.
Những năm gần đây, Việt Nam và rất nhiều quốc gia châu Á cũng chú trọng câu chuyện phát triển du lịch và văn hóa vùng miền thông qua các hình thức nghệ thuật và giải trí. Đó cũng là một hướng đi tiềm năng cho những content creator đời đầu muốn làm lớn, làm sâu, làm giá trị giống như anh?
Anh cho rằng đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng bắt tay vào mới thấy có rất nhiều vấn đề, không phải ai cũng làm được đâu. Tự anh cũng đánh giá đây là một dự án cực kỳ khó khăn. Mình phải tìm được đúng người đồng hành, đến được đúng nơi giúp được mình.
Vậy nên trong hai năm trở lại đây, anh dần thay đổi định hướng nhận booking; tuy là điều đó chưa mang lại hiệu quả quá rõ rệt. Em biết đấy, thay đổi mindset của cả một ngành là rất khó và rất mất thời gian. Nhưng anh vẫn chủ động làm điều mình muốn: Anh mang nội dung của mình đi chào nhãn, chào Sở; ai phù hợp thì mình sẽ đồng hành. Dần dần, một số đối tác đã nhận ra nếu chỉ chạy theo những chiến dịch ngắn hạn, thì họ khó lòng tạo nên giá trị lâu dài trong tiềm thức của người tiêu dùng. Vậy nên một số nhãn hàng đã cho thấy sự hưởng ứng tích cực, và anh cũng đang trong giai đoạn thuyết phục họ đồng hành với mình.
Thời gian này có lẽ mọi người thấy anh ít xuất hiện hơn. Với anh bây giờ, việc nổi rần rần trên một nền tảng cũng không phải điều gì quá quan trọng nữa.
Theo anh, influencer có còn là một nghề tiềm năng để phát triển lâu dài? Hay influencer cũng đang rơi vào thời kỳ thoái trào và mất dần sức hút?
Có lẽ anh vẫn dùng từ “quá độ" để trả lời câu hỏi này. Anh tin rằng thời nào cũng cần marketing và người định hướng nội dung. Vậy nên, nếu biết rõ thế mạnh của mình, bạn sẽ thích nghi được mọi nhu cầu của thị trường và giữ vững vị trí của mình. Bạn muốn ảnh hưởng đến mọi người theo cách nào? Bạn muốn giá trị của mình là gì? Trong 5 năm, 10 năm nữa. bạn thấy mình là ai? Hình ảnh dòng nước em nhắc đến rất hay; bởi nước chỉ bay hơi chứ sẽ không bao giờ thôi chảy.