Những điều influencer nên làm để tránh rủi ro khi hợp tác với các nhãn hàng

Làm influencer là “làm dâu trăm họ”. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa influencers phải luôn thoả hiệp với mọi chiến dịch marketing. Người ảnh hưởng cần tỉnh táo, đảm bảo các yếu tố dưới đây nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi hợp tác với các nhãn hàng.
Huy Nguyễn
15/04/2021
Những điều influencer nên làm để tránh rủi ro khi hợp tác với các nhãn hàng

Vì sao influencer cần “cảnh giác"?

Đôi khi, trở thành một influencer là khi cuộc sống ngoài đời thực của bạn và cuộc sống trên mạng xã hội hoà làm một. Mọi phát ngôn, hành động của influencer đều được công chúng theo dõi. Mọi sản phẩm, dịch vụ influencer sử dụng là yếu tố khẳng định “đẳng cấp", “uy tín" của cá nhân đó và cộng đồng của họ. 

Đối với một người ảnh hưởng, tương tác cao là một lợi thế. Tuy nhiên, càng nhiều người quan tâm, rủi ro đối với influencer càng lớn. Chính vì vậy, influencer nên lưu ý những điều sau đây để đảm bảo sự an toàn của bản thân và hình ảnh cá nhân.


5 điều Influencer cần chú ý để tránh rủi ro khi làm việc với đối tác

1/ Hợp đồng rõ ràng, minh bạch

Hợp đồng là thỏa thuận giữa influencer và nhãn hàng, được trình bày dưới dạng văn bản để đôi bên có thể nắm bắt thông tin về quá trình hợp tác một cách đầy đủ, chính xác nhất. Hợp đồng cũng là bằng chứng để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Khi có sự can thiệp của pháp luật, điều khoản hợp đồng sẽ là nền tảng cho phương án giải quyết cuối cùng. 

Một số rủi ro tiềm tàng với influencer khi hợp đồng thiếu minh bạch:

  • Scope of work (SOW) - nội dung công việc không chi tiết, nên nhiều khi influencer phải thực hiện các ý tưởng phát sinh, vượt quá vai trò. 
  • Quy trình làm việc không bài bản, không thống nhất từ trước. Như vậy influencer có thể sẽ phải sửa bài viết quảng cáo nhiều lần, hoặc mất nhiều thời gian trao đổi đôi bên. 
  • Thời gian hợp tác không cụ thể, khiến influencer bị động.
  • Doanh thu của influencer không rõ ràng, chi tiết, dẫn đến việc influencer được nhận thù lao không xứng đáng. 

Cần lưu ý rằng doanh thu của Influencer có thể là tổng của rất nhiều loại, bao gồm: 

(1) CPP (Cost per Post) số tiền Influencer nhận được cho mỗi bài viết quảng cáo; 

(2) CPS (Cost per Sale) là chiết khấu từ lợi nhuận các đơn hàng của khách do influencer dẫn đến trang bán hàng trong một khoảng thời gian nhất định; 

(3) CPL (Cost per Lead) là tiền trả cho Influencer dựa trên số hành động của khách hàng từ kênh Influencer; 

(4) CPC (Cost Per Click) là doanh thu từ click chuột lên banner quảng cáo mà Influencer gắn lên trang của mình. 

Bên cạnh đó còn có các điều khoản về thuế Thu nhập cá nhân, hoặc thuế Giá trị gia tăng (nếu influencer là doanh nghiệp). 

Do vậy, hợp đồng cần minh bạch về cách tính từng loại doanh thu và cách tính tổng doanh thu, tránh trường hợp “influencer không công".

  • Đối soát và thanh toán: Trước khi nhà quảng cáo trả tiền cho influencer, họ sẽ dành thời gian đánh giá và xem xét hiệu quả để tổng kết doanh thu. Hợp đồng cần ghi rõ thời gian đối soát, hình thức và thời gian thanh toán, đề phòng nhà quảng cáo “chậm lương".  
  • Bản quyền và sở hữu trí tuệ: Influencer có quyền được yêu cầu nhà quảng cáo không sử dụng các thông tin cá nhân, hình ảnh thuộc chiến dịch cho các mục đích khác. 

Ngoài ra, nội dung hợp đồng không chặt chẽ về các quy định phạt cũng gây khó dễ cho influencer khi đôi bên mâu thuẫn. Do đó các influencer cần cố gắng lường trước các trường hợp xảy ra, tránh để hợp đồng có lỗ hổng, mang lại hậu quả bất lợi cho bản thân.

2/ Kiểm tra uy tín nhãn hàng (brand)

Độ ảnh hưởng của influencer ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, ngược lại, uy tín của thương hiệu cũng khẳng định tên tuổi của influencer. Trường hợp điển hình gần đây là một nam ca sĩ hàng đầu giới trẻ, là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng lớn, đã quảng cáo cho một sản phẩm làm đẹp mà cư dân mạng cho là mặt nạ “trộn". Việc này đã khiến cư dân mạng dậy sóng, chỉ trích ekip ca sĩ vì sao không tìm hiểu kỹ trước khi quảng bá sản phẩm. 

Mặc dù sau đó, nam ca sĩ đã lên tiếng và hãng mỹ phẩm cũng đã đăng văn bản khẳng định chỉ bán sản phẩm có uy tín, đã qua kiểm định. Tuy nhiên, văn bản này không đủ sức thuyết phục, thậm chí còn làm người tiêu dùng thêm nghi ngờ vì có nhiều lỗi trình bày, không có thông tin hỗ trợ khách hàng. 

Trước khi sự việc này xảy ra với nam ca sĩ, một nữ Youtuber cũng đã từng nhận "bão" chỉ trích khi quảng bá cho dòng mặt nạ từ thương hiệu này. Sau đó nữ Youtuber này đã phải công khai xin lỗi fan vì chưa kiểm chứng thông tin trước khi nhận hợp đồng quảng cáo.

Trường hợp này cũng đã xảy ra với nhiều sao Việt. Hậu quả là họ phải đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay, bị phạt tiền khi đứng ra quảng bá cho những sản phẩm kém chất lượng. Do đó influencer cần chú ý lựa chọn nhãn hàng chất lượng để review hoặc làm gương mặt đại diện, tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá nhân. 

Một số yếu tố của nhãn hàng mà các influencer nên kiểm tra trước khi hợp tác:

  • Mã số thuế: Đơn vị có mã số thuế là đơn vị được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Như vậy influencer có thể tin tưởng hơn vào các vấn đề liên quan đến tài chính đôi bên.

Đối với các đơn vị bán hàng online nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh thì influencer có thể xét đến các yếu tố dưới đây.

  • Nguồn hàng hoá/nguyên liệu và quy trình kiểm duyệt/sản xuất sản phẩm: Trong influencer marketing, khách hàng sẽ mua sản phẩm dựa vào đánh giá của influencer. Do đó, chất lượng sản phẩm tệ sẽ làm khách hàng mất niềm tin vào influencer. 

Chính vì vậy mà influencer cần đảm bảo rằng mọi sản phẩm xuất hiện trên trang cá nhân của mình đều là hàng chính hãng, hàng chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, để tránh bị cộng đồng mạng “tẩy chay" vì quảng cáo sản phẩm “đểu".

Ví dụ, đối với ngành hàng mỹ phẩm, influencer có thể “hỏi thăm" giấy phép quảng cáo của chủ doanh nghiệp. Thương hiệu có giấy phép này tức là đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy tờ như chứng nhận đăng ký kinh doanh, kiểm duyệt nguồn gốc, chất lượng và độ an toàn của mỹ phẩm. Đối với ngành ẩm thực, influencer nhất định không nên bỏ qua chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. 

  • Đánh giá của khách hàng cũ: Bên cạnh việc trực tiếp trải nghiệm sản phẩm để đưa ra đánh giá, influencer có thể kiểm tra uy tín sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu bằng cách tham khảo đánh giá của cộng đồng mạng. Như vậy vừa “double check" được uy tín, vừa mang lại cái nhìn khách quan cho việc review sau này.
  • Đánh giá của các đối tác cũ: Bạn có thể hỏi các influencers đã từng hợp tác với thương hiệu để kiểm tra chất lượng sản phẩm, phong cách làm việc, độ minh bạch tài chính…, từ đó đưa ra quyết định hợp tác hay không.
  • Chủ thương hiệu: Có thể nói thương hiệu là hình ảnh phản chiếu của chủ thương hiệu. Tìm hiểu qua về chủ thương hiệu có thể giúp influencer có thêm thông tin về uy tín thương hiệu. 
  • Thời gian hoạt động: Mặc dù đây không phải yếu tố quyết định, nhưng một doanh nghiệp hoạt động trong thời gian dài chính là khẳng định uy tín và tiềm lực của thương hiệu.

3/ Kiểm tra uy tín nhà quảng cáo (agency)

Đối với những campaign lớn với hàng chục, hàng trăm influencers, các nhãn hàng thường không booking trực tiếp với influencers mà sẽ làm việc thông qua agency. Trong trường hợp này, influencers cần để ý tới uy tín của agency trước khi nhận lời mời hợp tác. Kiểm tra uy tín của agency có thể qua những cách sau: 

  • Mã số thuế: Hãy kiểm tra xem agency đã đăng ký kinh doanh và có mã số thuế hay chưa.
  • Các kênh truyền thông của agency: Agency có kênh truyền thông chỉn chu, cập nhật, ví dụ như website, Facebook Fanpage, Instagram… có đầy đủ thông tin giới thiệu về agency, đăng tải các campaign đã thực hiện với các nhãn hàng, influencers… sẽ có độ uy tín cao hơn.
  • Các influencers khác đã từng hợp tác với agency: “Truyền miệng" bao giờ cũng là phương pháp đáng tin cậy nhất. Hãy hỏi influencers đồng nghiệp đã từng hợp tác với agency để được “review" chân thực về cách thức làm việc với đơn vị đó.

Influencer cần lựa chọn các sản phẩm phù hợp với hình ảnh của bản thân, cùng như phù hợp với insight cộng đồng của mình. Ví dụ các influencers fitness quảng cáo trang phục, dụng cụ thể thao, thực phẩm dinh dưỡng… sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực hơn là quảng cáo thiết bị công nghệ. 

4/ Lựa chọn thương hiệu phù hợp 

Lý do các influencers phải “lọc" đối tác là bởi, cho dù khán giả ngày nay đã cởi mở hơn với việc influencer quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng các nội dung quảng cáo quá “lệch pha" rất dễ gây khó chịu cho người đọc. Khán giả vô cùng nhạy cảm với các quảng cáo thiếu thực tế. Hậu quả là tương tác thấp, comment “ném đá"... Như vậy, quảng cáo chẳng những không mang lại doanh thu tốt mà còn làm influencer mất điểm. 

5/ Hãy nói thật

Quảng cáo “lệch pha" đã đủ khiến khán giả khó chịu, thì những quảng cáo sai sự thật đến từ một cá nhân - influencer sẽ dễ dàng khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Trường hợp đầu tiên là không dùng dịch vụ nhưng vẫn “review trải nghiệm". Có thể lấy ví dụ về một case study hot mom Việt, chồng check-in sinh con ở BV Phụ sản Hà Nội, nhưng sau đó lại chia sẻ kinh nghiệm vượt cạn ở Vinmec trên trang cá nhân với khoảng 600.000 người theo dõi. Pha PR này có lẽ đã trở thành “trò cười" cho cộng đồng mạng, thay vì giúp tăng độ tin cậy cho nhãn hàng, hay tăng độ tương tác cho influencer. 

Trường hợp thứ hai là nói quá so với thực tế hiệu quả sản phẩm. Nhiều influencers thổi phồng quá mức, đến khi khán giả mua hàng không nhận được chất lượng tương tự quảng cáo. Như vậy, khán giả sẽ vô cùng thất vọng về cả thương hiệu lẫn influencer. Đôi khi không phải do sản phẩm tệ, nhưng do thông điệp của influencer mang lại hy vọng quá lớn, cuối cùng gây phản tác dụng. 

Giải pháp chính là trải nghiệm thật, chia sẻ thật. Hành động này vừa giảm thiểu rủi ro, đồng thời làm tăng chất lượng nội dung của influencer. Khi trải nghiệm thật, influencer sẽ đưa ra được ý kiến sâu và thực tế hơn về sản phẩm, cũng như tăng tính cá nhân, độc quyền của bài review, mang lại kiến thức hữu ích hơn cho cộng đồng. 

Quill Cloud

Kết luận

Khi quảng cáo cho bất kỳ nhãn hàng nào, hình ảnh của thương hiệu cũng là một phần hình ảnh của influencer và ngược lại. Do đó, không chỉ thương hiệu mà mỗi influencer cũng cần thận trọng trong quá trình hợp tác, hạn chế rủi ro ảnh hưởng uy tín lẫn nhau, cũng như uy tín của đôi bên trên mạng xã hội. Lợi nhuận có thể là trước mắt, nhưng để bền vững với nghề, influencer cần liên tục trau dồi kinh nghiệm để hạn chế tối đa những tình huống xấu.

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa