Dịp Tết luôn là “sân chơi vàng” của influencer marketing với hàng loạt chiến dịch phủ sóng dày đặc từ thương hiệu lớn nhỏ. Thế nhưng, sau cuộc đua bùng nổ ấy, bước chuyển tiếp sang quý 1 lại hé lộ nhiều xu hướng thú vị hơn: các thương hiệu không còn chạy theo độ phủ mà bắt đầu cân đo đong đếm hiệu quả thật sự, từ cách chọn người ảnh hưởng đến nội dung truyền tải.
Bài viết này điểm lại 3 chiến lược điều chỉnh đáng chú ý hậu Tết: từ sự thay đổi về tone nội dung, tiêu chí lựa chọn influencer cho tới các định dạng sáng tạo được ưu tiên – giúp thương hiệu duy trì kết nối, làm mới hình ảnh và chuẩn bị cho những bước đi dài hơi hơn trong năm 2025.
Nếu như các chiến dịch Tết 2025 khai thác tối đa tinh thần đoàn viên, lòng biết ơn và kết nối giữa người với người, thì ngay sau kỳ nghỉ dài, các thương hiệu đã nhanh chóng xoay trục nội dung. Từ cảm xúc rộn ràng, ấm áp, dòng nội dung chủ đạo chuyển sang truyền cảm hứng khởi đầu mới: sống lành mạnh, làm việc năng suất, chăm sóc bản thân từ trong ra ngoài.
Hàng loạt influencer bắt đầu chia sẻ về thói quen mới, detox cơ thể, reset tâm trí hay những thử thách “tháng mới – thói quen mới”. Các thương hiệu cũng đi theo hướng này để duy trì mạch kết nối với người dùng sau kỳ nghỉ:
Sau giai đoạn Tết rộn ràng với nhiều chiến dịch cộng đồng rôm rả, Lifebuoy chọn lối đi trầm lắng hơn trong dịp 8/3 với chiến dịch "Tình yêu từ tay mẹ, đâu phải mỗi nuông chiều". Không còn là những lời kêu gọi rửa tay phòng dịch quá quen thuộc, thương hiệu khéo léo kết nối sản phẩm với thông điệp cảm xúc – tôn vinh tình yêu thầm lặng của mẹ qua những hành động chăm sóc thường nhật. Dù không rầm rộ về mặt hình ảnh hay KOLs, chiến dịch vẫn tạo được độ lan tỏa nhờ sự đồng cảm và gần gũi – một ví dụ điển hình cho hướng đi “reset” tone nội dung, lấy cảm xúc làm trọng tâm trong bối cảnh hậu Tết.
MV “Giữ Sức Khoẻ Em Ơi”
Thay vì tiếp cận khô khan bằng tài liệu chuyên môn, chiến dịch Làng Giữ Sức Khỏe được triển khai với điểm nhấn là MV hoạt hình “Giữ Sức Khỏe Em Ơi” – kết hợp âm nhạc, hình ảnh bắt mắt và câu chuyện dễ thương để truyền tải kiến thức y tế cho đại chúng. Với sự tham gia của hai gia đình nổi tiếng là Đông Nhi – Ông Cao Thắng – bé Winnie và Rhymastic – Mít – bé Ma Bư, chiến dịch không chỉ thu hút người xem bằng sức hút của người nổi tiếng, mà còn gây thiện cảm bằng hình ảnh gia đình gần gũi, tích cực.
Đây là minh chứng cho xu hướng “reset” nội dung truyền thông hậu Tết, khi cả thương hiệu và tổ chức xã hội đều ưu tiên hướng đi thân thiện, dễ cảm, thay vì tiếp tục duy trì lối diễn đạt cứng nhắc hay “gây sốc” để thu hút sự chú ý.
Thay vì chạy chiến dịch rộng với số lượng KOL áp đảo như mùa Tết, giai đoạn sau Tết chứng kiến sự tinh gọn và có chiến lược hơn trong cách thương hiệu lựa chọn influencer. Tính đến Q1/2025, nhiều thương hiệu ưu tiên:
🔹 Micro và mid-tier influencer – vì mức độ kết nối gần gũi, khả năng tạo ra nội dung mang tính chia sẻ thay vì quảng bá đơn thuần.
🔹 Creator có gu rõ nét – từ fashion, skincare đến lifestyle, ưu tiên những người xây dựng hình ảnh xuyên suốt và đáng tin cậy hơn là người có độ phủ cao nhưng không nhất quán.
🔹 Tính chuyên môn – đặc biệt được xem trọng trong ngành hàng chăm sóc sức khỏe, mẹ và bé, tài chính cá nhân, dinh dưỡng…
Ví dụ, ở ngành hàng mẹ & bé, thay vì những KOL đại trà, các thương hiệu như Pampers, Johnson & Johnson… ngày càng ưu ái các mommy blogger có lối kể chuyện “dạy con theo phương pháp”: chẳng hạn như clip hướng dẫn kích hoạt giác quan cho bé, series “Thực hành thói quen khoa học cho bé” hay chuỗi livestream giải đáp trực tiếp vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Họ không chỉ review sản phẩm mà còn đưa vào những khung “giáo trình nhỏ” giúp các bà mẹ nắm bắt phương pháp chăm con hiện đại, dễ áp dụng ngay sau Tết.
Nhờ cách chọn lọc này, thương hiệu vừa tối ưu được ngân sách (tập trung vào creator có tệp người theo dõi thực và mức độ gắn kết cao), vừa đạt được mục tiêu “kết nối chuyên sâu” – thay vì chạy theo độ phủ đơn thuần.
Thói quen xem nhanh – mua nhanh – bỏ nhanh của người dùng sau kỳ nghỉ khiến các thương hiệu phải điều chỉnh định dạng nội dung để giữ chân họ hiệu quả hơn. Ba định dạng nổi bật nhất trong Q1 gồm:
🔹 Short-form video (dưới 1 phút):
Vẫn là "vũ khí hút mắt" trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng thay vì đơn thuần giải trí, thương hiệu bắt đầu tập trung vào nội dung hướng dẫn ngắn gọn, rõ ràng, dễ ứng dụng.
Beauty Blogger Trinh Meow thực hiện các video dạng "săn deal thông minh" với caption ngắn gọn, kèm call-to-action rõ ràng, cho thấy cách chọn đúng sản phẩm – đúng ưu đãi – đúng nhu cầu chỉ trong 30 giây.
🔹 Mini series:
Định dạng này được brand tận dụng để xây dựng thói quen theo dõi định kỳ – kéo dài thời gian tương tác, đồng thời kể câu chuyện theo hành trình. Từ chủ đề chăm sóc cá nhân đến lối sống khoa học, nội dung được thiết kế vừa gần gũi, vừa có chiều sâu.
Series “100 ngày sống khác đi” của @otchuongsayhi thu hút người xem bằng format vừa vặn, kết hợp vlog, thử thách và trải nghiệm cá nhân – trở thành hình mẫu lý tưởng để brand gắn thông điệp sống lành mạnh, self-care đầu năm.
🔹 UGC – Nội dung do người dùng sáng tạo:
Không còn là xu hướng nhất thời, UGC đã trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều brand hậu Tết. Khi người tiêu dùng ưu tiên nội dung thật, chi tiêu có chọn lọc, thì các video quay tay mộc mạc, review bằng trải nghiệm thực lại tạo được niềm tin cao hơn các nội dung “chuyên nghiệp hóa”.
Video của @hatusss.ugc về trải nghiệm unbox sản phẩm skincare – quay bằng điện thoại, ánh sáng tự nhiên, giọng thật – được xem là mẫu UGC “đúng chất”, phù hợp với hành vi người tiêu dùng đang tìm kiếm lời khuyên đời thực hơn là lời quảng bá trau chuốt.
Sau cao trào mùa Tết với cảm xúc và niềm vui hội tụ, quý 1/2025 ghi nhận bước chuyển đáng chú ý trong chiến lược influencer marketing của nhiều thương hiệu: từ khai thác cảm xúc sang tăng cường tính chuyên môn; từ diện rộng sang chọn lọc. Các thương hiệu đang ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn người kể chuyện phù hợp – không chỉ đẹp, mà còn phải đúng người, đúng nội dung và đúng thời điểm.