Trước khi bắt đầu sự nghiệp với nhạc cổ điển, Dustin đang theo đuổi chuyên ngành gì?
Dustin đang học chuyên Hóa ở Việt Nam, nhưng lên lớp 10 thì học khối D. Thật là một khởi đầu không liên quan lắm nhỉ!
Việc thay đổi đột ngột định hướng có khiến bạn khó khăn trong sắp xếp cuộc sống/ công việc?
Khi Dustin qua Hàn Quốc, mình được ở trong một môi trường làm việc tập thể. Việc tham gia những buổi hát hợp xướng và phải làm việc chung với 40-50 người cùng một lúc để tạo ra sản phẩm khiến mình thấy rất bị thu hút. Vô tình, việc đó khiến trong mình nảy nở một tình yêu âm nhạc, thôi thúc mình trở thành một phiên bản tốt hơn để biểu diễn tốt hơn. Và thế là mình cứ thế... bước tiếp thôi.
Việc thay đổi cũng gặp khó khăn trong thời gian đầu. Lý do thứ nhất: Hàn Quốc là một môi trường hoàn toàn mới, mình không biết tiếng Hàn. Ngày ấy, mình vừa qua Hàn ít lâu, vừa phải học nhạc mà vừa phải học tiếng - đó là một điều rất khó khăn. Chưa kể tới cú sốc về văn hóa khi chuyển qua một môi trường hoàn toàn mới. Học cấp 3 ở Hàn Quốc là một trải nghiệm khó khăn, khi bản thân mình cũng là một đứa trẻ nước ngoài, lần đầu xuất ngoại và bị thả vào một môi trường lạ lẫm.
Điều gì ở âm nhạc cổ điển thu hút một người trẻ như bạn, đặc biệt còn là Gen Z nữa?
Âm nhạc cổ điển khác âm nhạc đại chúng ở một điểm là nó không có lời. Điều đó mang đến cho ta một khoảng không để nghĩ, để tưởng tượng, để hình dung về những điều mình muốn. Qua đó, đồng thời mang đến cho chúng ta sự tư do. Bản thân việc khi nghe nhạc giao hưởng cũng đòi hỏi bạn phải có độ lắng nhất định khi thưởng thức. Điều đó khiến mình cảm thấy thật sự thú vị.
Gen Z hay thậm chí cả những thế hệ trước có rất nhiều thể loại nhạc để nghe và giải trí như rock, pop, rap, hiphop và mỗi thể loại lại phù hợp với một cá tính khác nhau. Nhạc cổ điển cũng vậy, nó sẽ hoàn toàn dành cho những bạn trẻ thích nghe nhạc du dương, chiêm nghiệm, suy nghĩ, tưởng tượng về những cái mình đang nghe.
Việc cảm nhận một tác phẩm nhạc cổ điển có đòi hỏi nhiều kiến thức? Làm thế nào để một bạn trẻ thật sự hiểu và đắm chìm trong tác phẩm đó?
Nhạc cổ điển kén người nghe bởi khi nhạc cần có một số kiến thức nhất định để bản thân người nghe hiểu rằng mình đang nghe cái gì. Điều này vô tình tạo ra rào cản khiến nhiều người ngại ngùng tiếp cận với nó. Thế nhưng cái gì cũng có những bước riêng để đến gần hơn với cái "hiểu". Bạn có thể bắt đầu với những bản nhạc dễ nghe hơn, như nhạc phim của Ghibli - đó cũng là những bản nhạc giao hưởng nhưng nhạc phim thường nhẹ nhàng, dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nghe hơn rất nhiều.
Khi chúng ta quen với thưởng thức và phân tích một bản nhạc phim rồi thì những bản nhạc kinh điển của Mozart hay Beethoven - đơn giản chỉ là dài hơn và cần chúng ta có thêm một chút kiến thức. Quay lại câu chuyện cảm nhận tác phẩm, nó cũng khá khó với người trẻ ở thời gian đầu. Mình có thể làm quen với nhạc phim hoặc làm quen với âm thanh từ những sắc thái khác nhau. Khi đã quen với việc nghe nhạc không lời thì có thể đi sâu hơn, nghe những tác phẩm dài hơn, có nhiều không gian để mình suy ngẫm hơn.
Quay trở lại với công việc của bạn, sau thời gian học tập ở nước ngoài, điều gì thôi thúc bạn quay về? Chẳng phải môi trường nước ngoài mới là nơi lý tưởng để có thể theo đuổi chuyên ngành này?
Khi còn ở nước ngoài, điều thôi thúc Dustin quay trở về là bởi nhận ra ở Mỹ mọi thứ đã vào quy củ và có một hệ thống hoàn chỉn . Dàn nhạc giao hưởng chỉ diễn cho người nghe cố định, chứ không có sự tương tác từ 2 bên. Mình tin ở Việt Nam lại khác! Ở Việt Nam sẽ có cơ hội. Người Việt Nam mình đang rất phát triển ở lĩnh vực văn hóa và càng ngày, người ta càng muốn đào sâu vào những khía cạnh hàn lâm hơn của nghệ thuật. Điều đó thôi thúc mình mong muốn mang đến sự kết hợp giữa nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng và một bên là nhạc phim, nhạc không lời. Theo Dustin đánh giá ở thời điểm đó, Việt Nam là môi trường phù hợp để có thể quay về và phát triển, sáng tạo nhiều hơn, kết hợp nhiều hơn những bộ máy có sẵn ở nước ngoài.
Thành lập cả một dàn nhạc cũng là một ý tưởng đầy tham vọng với một người trẻ như bạn đấy! Ý tưởng đấy đến với bạn như thế nào? Đó là mục tiêu từ đầu của bạn khi theo đuổi công việc này, hay bạn càng làm mới càng nhận ra là mình cần phải thực hiện nó?
Đúng là nước ngoài có một môi trường lý tưởng. Nhưng đó chỉ là nếu mình hướng tới một mục tiêu là một nhạc trưởng, một nhà bác học nghiên cứu hàn lâm. Dustin là người luôn muốn trải nghiệm những cái mới và thích làm nhạc để khán giả thưởng thức nhiều hơn. Mình luôn mong muốn tiếp cận với những khán giả mới, thử sức bản thân có thể đi xa tới đâu khi tiếp cận với thể loại nhạc giao hưởng, cổ điển này.
Có khó khăn nào trong việc xây dựng một dàn nhạc ở tuổi đời còn rất trẻ như vậy không?
Việc thành lập dàn nhạc bắt đầu từ khi mình về nước. Lúc đó mình không có quá nhiều mối quan hệ, không có nhiều cơ hội làm việc tại những dàn nhạc có sẵn tại Sài Gòn. Mình nhận thấy những dàn nhạc có sẵn cũng đi theo màu của nước ngoài.
Mình bắt đầu bằng thành lập team nho nhỏ khoảng 10 người và diễn những tác phẩm mình thích. Tuy nhiên nó vẫn mang hướng cổ điển là chính. Trong quá trình biểu diễn, mình từ từ quan sát khán giả và nhận thấy hướng đi của mình đúng, đồng thời mình cần phát triển nó theo hướng sáng tạo hơn để tiếp cận tới nhiều khán giả hơn.Những khó khăn trong cả việc bán vé. Mọi người có thể nghe nhạc cổ điển 1-2 lần nhưng về lâu về dài thì mọi người cần nó mang nhiều tính giải trí hơn. Mình bắt đầu phát triển buổi biểu diễn trở nên vui vẻ, hấp dẫn hơn, có hình ảnh và ánh sáng bắt mắt hơn.
Việc khó khăn nhất cũng đúng là do tuổi đời mình trẻ. Khi làm việc với những anh chị em có thâm niên lâu trong nghề - thời gian đầu, mình cũng gặp không ít trắc trở. Thế nhưng mình có mục tiêu rõ ràng, mình hướng những người đồng hành cùng nhìn đến mục tiêu mình mong muốn và thuyết phục họ điều mình tin tưởng. Và khi họ đã nhìn thấy, đã cảm nhận được và đã tán thành thì mọi người đều rất vui vẻ hỗ trợ. Khó khăn trở thành một lợi thế khi anh chị đồng hành với mình từ ban đầu biết mình nhỏ tuổi, mình đã gặp những khó khăn ra sao và các anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Vận hành một dàn nhạc cổ điển có đặc thù như thế nào? Thử thách nào là lớn nhất để duy trì dàn nhạc đó?
Vận hành dàn nhạc là một điều khó nói. Ở Âu Mỹ - họ có ngân sách cho việc giải trí, nghệ thuật và nghe nhạc giao hưởng cũng là một văn hóa lâu đời. Nhiều thế hệ ở nước ngoài lớn lên cùng nhạc cổ điển. Sau này khi đã thành công, họ đều quay lại và hỗ trợ các dàn nhạc bằng một phần doanh thu vận hành.
Ở Việt Nam, nhà nước cũng đã có sự quan tâm và hỗ trợ tới các dàn nhạc, thế nhưng chủ yếu đều mang tính hàn lâm. Khoảng cách lớn nhất của Việt Nam với thế giới đó là chúng ta gặp khó khăn trong việc xây dựng tệp khán giả trẻ để họ nghe và lớn lên cùng với mô hình giải trí này. Đa phần độ tuổi trong dàn giao hưởng thường lớn hơn khán giả của Dustin.
Hiện tại, thử thách lớn nhất của dàn nhạc là chưa có nguồn tài trợ, nguồn đầu tư để mình có thể mang những concert chỉn chu hơn. Chẳng hạn, một dàn nhạc thì cần có một nhà hát cố định, thế nhưng IPO sẽ đi diễn ở tất cả các nơi, đi tập ở nhiều nơi khác nhau. Vô hình chung, trải nghiệm đó tạo cho dàn nhạc khả năng thích ứng với nhiều môi trường, nhưng để có nơi làm việc ổn định, một nguồn tài chính ổn và chỉn chu thì IPO vẫn chưa có được. Hiện tại IPO vẫn sống bằng tình yêu của khán giả. Dustin vẫn cảm thấy rất vui khi mỗi ngày được sống với đam mê, vẫn nhìn thấy hy vọng trong con đường sắp tới và hiểu rằng mình còn cần rất nhiều thời gian để quá trình ươm mầm này mọc lên tươi tốt.
Vậy còn bài toán kinh tế thì sao, nhiều người bảo, làm nhạc công nhạc cổ điển… nghèo lắm.
Bài toán kinh tế ở đây là vẫn chưa có nguồn tài trợ, nguồn đầu tư từ các tập đoàn hay nhà nước thì dàn nhạc gặp khó khăn trong việc vận hành. Chủ yếu IPO duy trì hoạt động từ tiền bán vé, và muốn đầu tư lớn thì phải tăng tiền. Việc này cũng tạo công ăn việc làm cho anh chị em nhiều hơn, mình diễn nhiều show theo chủ đề. Mình luôn muốn tiếp cận những khán giả mới, những người chưa bao giờ nghe nhạc cổ điển. Họ tới hòa nhạc của mình lần đầu và có thể thoải mái thưởng thức âm nhạc. Qua đó, mình có thể tạo dựng một chút tiếng tăm để có thể kết hợp với một số NTK thời trang hoặc đi diễn ở những sự kiện cá nhân Từ đó tạo nguồn thu để nuôi sống bản thân mình được.
Trong các hoạt động của dàn nhạc, bạn có định hướng như thế nào để tiếp cận gần hơn với tệp người nghe trẻ?
Như mình nói, để tiếp cận khán giả trẻ mình sẽ ưu tiên những bản nhạc phim, nhạc game hay những phim đang hot trên thị trường thì mình sẽ chơi những bản OST để thu hút fan. Về lâu về dài, chính những người nghe ấy sẽ trở thành fan của mình và dần đào sâu tìm hiểu, thử nghe thêm các thể loại nhạc không lời khác, và biết đâu, sẽ dần yêu nhạc cổ điển.
Trong tương lai, mình muốn xây dựng tệp khách hàng trẻ dành riêng cho mình. Tiếp đến là một dàn nhạc giao hưởng trẻ. Từ những người lớn, người trẻ đang đi nghe nhạc hôm nay thì cũng sẽ có rất nhiều em nhỏ đang học nhạc để theo đuổi giấc mơ của ngày mai. Dustin cũng muốn tạo ra một môi trường thật tuyệt vời như những gì mình đã trải nghiệm ở Hàn Quốc. Một tập thể cùng hướng tới một mục tiêu, cùng trải nghiệm âm nhạc trong tình thân - đó là một văn hóa rất đẹp và Dustin muốn làm trong năm sau.
Trong tương lai, dự định của bạn với dàn nhạc và công việc này là gì?
Ngoài việc xây dựng dàn nhạc lớn mạnh thì Dustin hy vọng có thể lập quỹ xây trường. Nghĩ tới việc các bạn trẻ tránh xa đồ điện tử thì mình có thể ngồi nói chuyện, tập nhạc cùng nhau, xây dựng networking để đi biểu diễn, xây trường cho các bạn ở vùng sâu vùng xa, thêm cả rừng thì thật tuyệt vời.
Về cá nhân, Dustin sẽ mang văn hóa âm nhạc này đi xa và xa hơn nữa. Nếu như trước đây, mình chỉ hay cover những bản nhạc phim, nhạc game nổi tiếng, thì bây giờ, mình đang dần đưa vào các concert những yếu tố bản sắc Việt Nam. Đó là điều Dustin mong muốn làm trong năm 2024.