Gloria Jean Watkins sinh ngày 25/09/1952 và mất ngày 15/12/2021, là một nhà nữ quyền tiên phong, nhà văn, giáo sư, nhà hoạt động xã hội. Watkins đã lấy bút danh “bell hooks” như một cách vinh danh người bà quá cố, một sự thừa nhận di sản mẫu hệ, Bell Blair Hooks, và chủ ý sử dụng các chữ cái viết thường để chuyển sự chú ý từ danh tính sang những suy nghĩ và ý tưởng của mình. Bà ngoại trong trí nhớ của Watkins là “một người phụ nữ sắc sảo, một người phụ nữ luôn nói ra suy nghĩ của mình, một người phụ nữ không ngần ngại đáp trả”.
Lớn lên ở miền nam nước Mỹ (Hopkinsville, Kentucky) với những cách biệt sâu sắc, bell hooks tìm kiếm lối thoát khỏi áp bức xã hội thông qua văn chương và viết lách. hooks có một tình yêu lớn với thơ của Emily Dickinson, Langston Hughes, Gwendolyn Brooks và Elizabeth Barrett Browning. Ở trường trung học, hooks được truyền cảm hứng từ tuyển tập “The Black Woman” (1970) của Toni Cade Bambara, bao gồm các câu chuyện, luận văn và thơ của một nhóm các nhà văn nữ da đen mới nổi khi đó (như Alice Walker và Nikki Giovanni). Ở nơi mà trước đây ít có văn bản nào đề cập tới, những nhà văn này đã nhắc đến vấn đề chủng tộc, tình dục, chính trị, hình ảnh cơ thể và vô số chủ đề khác vào thời điểm mà chủ nghĩa nữ quyền chưa được người da đen coi là một phần liên quan của phong trào dân quyền.
© The bell hooks Institute
hooks đã có lúc mơ ước trở thành một kiến trúc sư, nhưng bà đã tìm thấy sự giải thoát cuối cùng của mình trong tự do ngôn luận - một điều tưởng chừng khó xảy ra khi hooks lớn lên cùng với năm đứa trẻ khác trong một gia đình lao động mà sau này bà mô tả là có hội chứng của rối loạn chức năng (dysfunctional syndrome). bell hooks tốt nghiệp Đại học Stanford năm 1973 với bằng Cử nhân Anh ngữ, sau đó là bằng Thạc sĩ Anh ngữ (1976) tại Đại học Wisconsin–Madison và bằng Tiến sĩ Anh ngữ (1983) tại Đại học California, Santa Cruz với luận văn về Toni Morrison. Khi còn học đại học, năm 19 tuổi, hooks bắt đầu viết “Ain’t I A Woman: Black Women and Feminism” lấy cảm hứng từ bài phát biểu cùng tên năm 1851 của Sojourner Truth sau khi hooks nhận thức rằng lịch sử của phụ nữ da đen hiếm khi được thể hiện trong và ngoài bối cảnh học thuật. Quá trình viết “Ain’t I A Woman: Black Women and Feminism” mất bảy năm. Đồng thời, bà cũng xuất bản tập thơ đầu tiên của mình, “And There We Wept”, vào năm 1978.
Đối với nhiều thế hệ độc giả cuồng nhiệt, các nhà khoa học, những người đấu tranh cho tự do và những nhóm ngoại vi (the marginalized), 40 cuốn sách của bell hooks làm nên những kinh điển chỉ dẫn cho con đường tới tự do. Cuốn sách đầu tiên "Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism", đã làm sáng tỏ những tác động của kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính đối với phụ nữ da đen và chỉ ra vấn đề kỳ thị chủng tộc của phụ nữ da trắng trong phong trào nữ quyền tại Mỹ. Là một nhà nữ quyền liên tầng, bell hooks đã cho thấy giai cấp, chủng tộc, giới tính và bản dạng tính dục có mối liên hệ với nhau như thế nào và chúng góp phần vào việc áp bức phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da đen như thế nào.
Việc thúc đẩy một phong trào nữ quyền có thể bao gồm và trao quyền cho phụ nữ từ tất cả các chủng tộc và tầng lớp, bell hooks kêu gọi một sự đánh giá trung thực về lịch sử của nó. hooks đưa ra những cáo buộc đối với nguồn gốc của phong trào nữ quyền da trắng vì sự đối xử kỳ thị chủng tộc và giai cấp đối với phụ nữ Mỹ gốc Phi, đồng thời bác bỏ mục tiêu của nó khi mô phỏng cấu trúc quyền lực của chế độ phụ quyền da trắng. Điều đó nói lên rằng bell hooks không ủng hộ phong trào của phụ nữ da đen riêng biệt, và trên thực tế, cho rằng điều đó phản tác dụng đối với sức mạnh to lớn hơn mà một phong trào tập thể của phụ nữ được tổ chức tốt có thể có. hooks đã viết trong “Ain’t I A Woman: Black Woman and Feminism”: “Không nghi ngờ gì nữa, cảm giác sai lầm về quyền lực mà phụ nữ da đen được khuyến khích cho phép chúng ta nghĩ rằng chúng ta không cần các phong trào xã hội như phong trào của phụ nữ - thứ sẽ giải phóng chúng ta khỏi áp bức của kỳ thị giới tính. Tất nhiên, điều trớ trêu đáng buồn là phụ nữ da đen thường là nạn nhân của chính sự kỳ thị giới mà chúng ta từ chối gọi chung là một lực lượng áp bức."
Gỡ bỏ chế độ phụ quyền như một hệ thống thống trị giới cố thủ là nền tảng của phong trào nữ quyền có tầm nhìn xa mà hooks đại diện. Giống như việc ưu tiên của hooks đối với thuật ngữ “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” (white supremacy) hơn là “kỳ thị chủng tộc” (racism) để mô tả các mối quan hệ chủng tộc, hooks cho rằng chế độ phụ quyền (patriarchy) đang mô tả nhiều hơn về các mối quan hệ giới trong xã hội hơn là kỳ thị giới tính (sexism). hooks nhắc nhở chúng ta rằng "chế độ phụ quyền không có giới tính" (patriarchy has no gender) và do đó, những thách thức đặt ra đối với chế độ phụ quyền không thể giản lược thành vấn đề chống lại đàn ông (anti-men). Trong lịch sử, đàn ông là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ chế độ phụ quyền, nhưng với kỳ vọng rằng đàn ông sẽ thống trị hơn phụ nữ trong hệ thống này gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta cho dù chúng ta được xác định là nam giới, nữ giới hay giới khác.
Và khi phụ nữ (chủ yếu trong giới trung lưu / thượng lưu da trắng) giành được quyền lực kinh tế trong cấu trúc xã hội hiện có, rất nhiều người đã từ bỏ cam kết của họ đối với một nền chính trị cách mạng có thể đe dọa tới hệ thống phân cấp đó. Chủ nghĩa nữ quyền liên tầng chỉ ra rằng việc gỡ bỏ chế độ phụ quyền không chỉ giải phóng phụ nữ mà còn giải phóng đàn ông và tất cả những giới tính khác. Tương tự như vậy, cho dù chúng ta là người da trắng hay người không thuộc nhóm da trắng, việc loại bỏ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cho phép tất cả chúng ta hình thành mối liên hệ sâu sắc hơn với nhau và dẫn tới cuộc sống nhiều tình yêu thương hơn.
bell hooks và cuốn sách đầu tay
“Ain’t I A Woman: Black Woman and Feminism”
(© Poetry Foundation)
Năm 1988, hooks tiếp nhận chức vụ mới tại Cao đẳng Oberlin với chuyên ngành nghiên cứu về phụ nữ, nơi hooks có thể đưa vào các cuộc thảo luận về chủng tộc còn thiếu sót trong chương trình giáo dục đại học trước đó của chính mình. Theo thời gian, hooks thấy rằng mình có thể tiếp bước các nhà giáo có tư duy tiến bộ như thế nào và chọn giáo dục như một cách để thực hành tự do. Sau khi làm việc tại Cao đẳng Thành phố New York vào những năm 1990, bell hooks trở về Kentucky và nhận chức vụ Giáo sư Ưu tú tại Cao đẳng Berea. Vào năm 2014, hooks đã góp quỹ riêng để thành lập Viện bell hooks tại Berea, nơi bà tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo và nhóm thảo luận.
Tiến sĩ Soyica Colbert (Đại học Georgetown) cho biết trong cuốn sách kinh điển của bell hooks năm 1984 “Feminist Theory from Margin to Center”, hooks đã kêu gọi các mục tiêu sửa đổi đối với phong trào nữ quyền để kết hợp những lực lượng nữ giới vượt ra ngoài giới hạn tầng lớp thượng lưu / trung lưu có học thức mà nó chủ yếu hướng tới - một điều rất có thể sẽ hữu ích cho cộng đồng queer nói chung và cộng đồng queer da màu nói riêng, trong việc hiểu giới tính và tình dục đã được lịch sử hóa như thế nào. Tức là, chúng không phải những phạm trù tồn tại một cách tự nhiên trên thế giới, mà đã được tạo ra trong tiến trình của lịch sử và do đó có thể thay đổi. “Một trong những điều mà bell hooks đem tới cho chúng ta là bài học lịch sử này,” Tiến sĩ Colbert nói, “[trong] suy nghĩ về việc những phạm trù nêu trên không tồn tại vĩnh viễn như thế nào.”
© Eli Reed/Magnum Photos
Rất nhiều người mắc kẹt trong suy nghĩ rằng vai trò của một phụ nữ Mỹ gốc Phi là người phục dịch, bell hooks gợi ý. “Tôi có thể đứng ở Barneys [một chuỗi thời trang xa xỉ ở New York] với áo khoác và ví cùng những lựa chọn của mình, và một người phụ nữ da trắng nào đó sẽ nói: ‘Cô có thể lấy cái này với cỡ của tôi không?’ Những gì cô gái đó đang nhìn thấy là một người phụ nữ da đen, và nút phục vụ của cô ấy đã tắt."
“Không ai nói với John Coltrane rằng, ‘Tại sao ông chơi saxophone nhiều như vậy?’. . . Họ chấp nhận rằng ông ấy có niềm đam mê với điều này.” bell hooks cho rằng viết lách như là việc hít thở và vô cùng cần thiết: “Tôi có một tâm trí dồi dào. Và đôi khi tôi cảm thấy tội lỗi vì dù có rất nhiều ý tưởng, tôi đã đặt ra lộ trình cuộc đời mình trong việc viết lách 20 năm tới.”
Khi bước ra khỏi cuộc sống viết lách đơn độc, bell hooks thấy hai thế giới: những người tán thưởng bell hooks vì đã nói những gì bà muốn, và những người muốn bell hooks chọn lựa một nguyên nhân thay vì hai. Tham gia trong các cuộc chiến thường tách biệt - cuộc chiến giành quyền công dân cho người da đen và cuộc chiến giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, cuộc sống của bell hooks đã không hề dễ dàng. Jesse Larsen, đồng tác giả của “500 Great Books by Women: A Reader’s Guide”, đã viết rằng “Talking Back: Thinking Feminist, Thinking Black” (cuốn sách viết năm 1989 của hooks), sở hữu một “sự thấu hiểu được xem xét kỹ lưỡng và rõ ràng” về sự thống trị. Kirkus Reviews cho rằng trong cuốn sách này: “hooks với phong cách thường thấy, thẳng thắn và duyên dáng đã thể hiện rõ quan điểm của mình: về sự khan hiếm trong dòng sách phi hư cấu của các tác giả nữ da đen, về vai trò của chủng tộc trong việc tiếp nhận tác phẩm mới và về sự chỉ trích cay độc của ngành công nghiệp xuất bản. Tuy nhiên, những gì đáng lẽ có thể là một tập hợp các bài luận gay gắt và châm biếm, lại chứng minh rằng chúng ngược lại: hào phóng, cởi mở và đầy cảm hứng.”
Theo bell hooks, “Talking Back” là một trong những cuốn sách khó viết hơn cả của mình. Suốt thời thơ ấu, hooks được dạy rằng "talking back" (đáp trả) nghĩa là nói như một người ngang hàng với một nhân vật có thẩm quyền và dám thể hiện bất đồng hoặc dám nêu ý kiến. Trong “Talking Back”, hooks đã thể hiện liền mạch các chủ đề đan xen về ý thức nữ quyền phê phán và sự tự phục hồi trong khi cất lên tiếng nói cá nhân; phân tích nữ quyền, giáo dục, sư phạm và chính trị trong khi tự tiết lộ bối cảnh cũng như cuộc đấu tranh của chính mình; chỉ rõ sự áp bức phụ nữ da đen thông qua việc đàn áp tiếng nói của họ và phân loại họ vào nhóm “unauthorized” (không được trao quyền) [Donna Dale L. Marcano nhận định]. “Talking Back” là lời trần thuật về sự trưởng thành của hooks trong các phong trào nữ quyền da đen. hooks ủng hộ việc liên kết danh tính xã hội (socially constructed identity) và cái tôi (self) của một cá nhân với một cơ cấu đối lập (oppositional framework) để chống lại sự thống trị, nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính trị của nữ quyền [Melba Wilson nhận định].
bell hooks không giống như những người theo chủ nghĩa trọng yếu về giới (gender essentialists), bà “không ràng buộc số phận của một người phụ nữ với giới tính sinh học của cô ấy” mà “tranh luận về tiềm năng bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực cho đàn ông và phụ nữ”. “Tuy nhiên, khác với những nhà nữ quyền chủ nghĩa tự do (liberal feminists) đề xuất tinh thần trung tính về giới (gender neutrality), các nhà nữ quyền làn sóng thứ hai (second wave feminists) thừa nhận rằng các cấu trúc giới đã hạn chế tiềm năng của phụ nữ trong việc nhìn nhận bản thân là những con người chủ động và có ý thức. Họ cũng lưu ý cách mà các khuôn mẫu về chủng tộc và giai cấp hạn chế hơn nữa tiềm năng của một cá nhân… Bằng việc nhận ra những lề thói đã nuôi dưỡng người phụ nữ, phụ nữ có thể giải phóng tâm trí của họ khỏi những định kiến gây hại và sống một cuộc đời đích thực và lành mạnh hơn.” [Jennifer Hockenbery Dragseth nhận định]
bell hooks trong khuôn viên Đại học Wiscosin
(© University of Wisconsin - Madison Archives Collections)