Nguyễn Đinh Nguyên: Tòhe là doanh nghiệp hồn nhiên nhất phường Trung Hòa, hạnh phúc nhất chi cục thuế quận Đống Đa!

“Người lớn chỉ hồn nhiên khi nhận thức của họ đã đủ từng trải. Khi bạn đã trải qua mọi thứ, bạn sẽ thấy không gì quan trọng bằng việc làm mình vui. Bạn sẽ sẵn sàng buông hết mọi kỳ vọng và lấy trọng tâm là niềm vui sống.”
Mai Chi
02/04/2024
Nguyễn Đinh Nguyên: Tòhe là doanh nghiệp hồn nhiên nhất phường Trung Hòa, hạnh phúc nhất chi cục thuế quận Đống Đa!

Thành lập từ năm 2006, đến nay, Tòhe đã trải qua hành trình gần 20 năm lan tỏa tinh thần “100% Hồn Nhiên" đến với đông đảo cộng đồng. Hành trình ấy không thiếu những bỡ ngỡ, chông chênh và cả những thách thức lớn đến mức đội ngũ sáng lập đã từng nghĩ đến chuyện dừng lại. Nhưng sau cùng, chính niềm tin vào ý nghĩa của tinh thần hồn nhiên trong cuộc đời đã trở thành chất dinh dưỡng nuôi “hạt mầm" Tòhe trưởng thành, tiếp tục tạo nên giá trị cho các “nghệ sỹ bé", cho xã hội, và đặc biệt, cho chính những người đã tạo nên nó từ những ngày đầu tiên. 

Ý tưởng về Tòhe đã đến với anh như thế nào? 

Tôi và bạn bè thường hay ghé thăm các trung tâm bảo trợ xã hội, nhất là trung tâm Thụy An - Ba Vì để trao quà và chơi cùng các bé. Gần như tuần nào chúng tôi cũng xuống chơi, nên tôi nảy ra ý định tổ chức một số buổi vẽ để có thêm hoạt động thú vị hơn cho các bé. Nhiều bé tỏ ra rất hào hứng những buổi vẽ này, và điều đó làm tôi rất bất ngờ. Tôi cứ nghĩ vẽ là một việc hết sức bình thường, nhất là với trẻ con. Nhưng hóa ra rất nhiều em bé ở đây chưa từng được vẽ, thậm chí khuyết tật nặng đến mức không đủ tiêu chuẩn để tham gia những lớp vẽ của trung tâm. Chúng tôi duy trì mô hình đó gần như mỗi tuần. 

Sự thay đổi đến vào năm 2006, trong một chuyến tham quan bảo tàng Picasso tại Barcelona. Tôi trông thấy một câu quote trên tường: "Tôi mất 4 năm để có thể vẽ được như Raphael, nhưng phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ". Những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới khác - Joan Miro, Marc Chagall, Henri Matisse hay Niki de Saint Phalle… cũng đã vẽ như một đứa trẻ trong suốt cuộc đời của họ. Tôi bất chợt nghĩ đến những đứa trẻ ở quê nhà. Thường bên ngoài quầy lưu niệm bảo tàng sẽ bày bán rất nhiều sản phẩm phái sinh từ tranh của danh họa để khách tham quan mua về làm kỷ niệm. “Một vị họa sĩ có tầm ảnh hưởng thế kỷ như Picasso tâm niệm dành cả cuộc đời để vẽ như đứa trẻ, trong khi mình đang có biết bao đứa trẻ hồn nhiên ở quê hương". Nghĩ vậy, chúng tôi nhen nhóm ý tưởng triển khai một mô hình tương tự cho các bé ở trung tâm bảo trợ xã hội. 

Ngay khi về nước, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu công nghệ in tranh lên vải. Năm 2006, chúng tôi có lẽ là đơn vị đầu tiên nhập một chiếc máy in từ Mỹ về Việt Nam, để đưa những bức tranh của các bé lên áo, lên túi và những vật dụng bằng vải quen thuộc thường ngày. 

Trước Tòhe, đã bao giờ anh và cộng sự nghĩ rằng mình sẽ thành lập một tổ chức thiện nguyện, hay một dự án vì cộng đồng, vì xã hội? 

Đúng thật là chúng tôi chỉ coi Tòhe nhưng một dự án xã hội. Doanh nghiệp xã hội hay kinh doanh khởi nghiệp là những khái niệm rất mơ hồ và xa vời với chúng tôi ngày ấy. Tôi cũng phải thừa nhận năng lực kinh doanh của mình rất nghiệp dư. Tôi bắt đầu Tòhe với một suy nghĩ rất ngây thơ và đơn giản: Tôi thấy hay nên muốn làm thử xem thế nào, biết đâu lại tạo nên một điều gì thú vị? Tôi hưng phấn với suy nghĩ rồi đây mình sẽ làm ra thật nhiều sản phẩm in tranh của các em nhỏ. Những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng đầy cảm xúc. 

Giờ nghĩ lại thì tôi thấy mình cũng lãng mạn quá. Tôi thấy tranh các bé vẽ đẹp, rồi cứ chắc mẩm đẹp vậy thì hẳn phải bán được lắm. Tôi đâu nghĩ đến việc số người thấy đẹp giống tôi rất ít thôi. Nhưng chính ra nghĩ cũng may, tôi hơi ngốc nên mới xông xáo bắt tay vào làm; chứ nếu tôi biết tính toán như một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm thì chắc có lẽ tôi đã không bắt đầu Tòhe. Có khi vì ngốc nên 9 năm liền Tòhe lỗ mà tôi vẫn làm. Có khi ngốc cũng là hên (cười). 

Mãi đến sau này tôi mới xây dựng Tòhe như một doanh nghiệp thực thụ, với một tầm nhìn - sứ mệnh rõ ràng. Trước nay tôi vẫn tưởng Tòhe đang giúp các em bé, nhưng quá trình này khiến tôi cảm thấy có lẽ chính các em mới đang giúp mình. Nếu xét theo tiêu chuẩn xã hội, thì có lẽ tôi đủ đầy hơn các em: Có đủ chân tay, có công ty riêng, có gia đình, có xe, có nhà. Các em thoạt nhìn thì thiếu thốn, điều kiện sống và khả năng tiếp cận mọi thứ đều hạn chế hơn mình. Nhưng các em có một cái hơn mình, hơn nhiều lắm, là ngày nào các em cũng sống với thật nhiều niềm vui, nụ cười xuất phát từ chính sự hồn nhiên bên trong tâm hồn. Sự hồn nhiên đó là một phẩm chất rất đặc biệt của con trẻ, cũng là một nguồn sức mạnh đáng quý. Hạnh phúc đích thực, với tôi, là nụ cười, chứ không phải những điều xã hội định nghĩa là giàu có, là thành công. 

Từ đó, Tòhe thay đổi sứ mệnh để trở thành nơi lan tỏa tinh thần hồn nhiên. Các em bé là một kho báu, và việc của tôi là chia sẻ và lan tỏa kho báu ấy đến với thật nhiều người. Tôi sẽ nói rằng thứ Tòhe đang bán cho khách hàng là một lối sống hồn nhiên thay vì một sản phẩm vật lý thông thường. Câu slogan của Tòhe là “100% hồn nhiên", bởi lẽ đó là chất liệu chính để chúng tôi tạo nên mỗi sản phẩm của mình. 

Đặt trong bối cảnh kinh doanh của những người trưởng thành, có khó khăn để anh Nguyên và cộng sự duy trì sự hồn nhiên đó? 

Có chứ, chúng tôi phải đấu tranh ghê gớm với chuyện ấy. Rõ ràng đã làm kinh doanh thì mình phải đối diện với tiền nong, với việc quản lý, thậm chí là với những sự cạnh tranh không lành lạnh. Chúng tôi cũng thường xuyên phải tự đặt câu hỏi: Xét cho cùng việc lấy một tinh thần trẻ con để hành động có mâu thuẫn với việc làm kinh doanh trong một thế giới của người lớn? 

Chúng tôi không thể phủ nhận mình đã trưởng thành, và càng không thể giả vờ làm trẻ con. Sự hồn nhiên của người lớn về bản chất cũng rất khác sự hồn nhiên con trẻ. Người lớn chỉ hồn nhiên khi nhận thức của họ đã đủ từng trải. Khi bạn đã trải qua mọi thứ, bạn sẽ thấy không gì quan trọng bằng việc làm mình vui. Bạn sẽ sẵn sàng buông hết mọi kỳ vọng và lấy trọng tâm là niềm vui sống. 

Ở Tòhe, tôi không thể kinh doanh với tâm hồn ngây thơ như một em bé không biết gì. Tôi phải biết tất cả, nhưng trong tâm tôi luôn giữ gìn một sự trong trẻo, chân thật. 

Sự hồn nhiên của cá nhân anh được thể hiện ở điều gì?  

Chắc là tôi có thể… ngủ ở khắp mọi nơi. Nhân viên Tòhe có hẳn một bộ sưu tập ảnh chụp tôi ngủ lăn quay ở mọi địa hình (cười). 


Em lại tưởng anh sẽ nhắc lại một điều khi nãy anh nói đến: Biết là ngốc nhưng vẫn xông xáo đâm đầu vào làm cho bằng được… 

Tôi là dân chuyên môn thiết kế rẽ ngang sang làm kinh doanh. Thật ra tôi luôn nhận thức được sự hạn chế trong tư duy kinh doanh của mình, chỉ có điều thời thế đến thì mình không chùn bước được. Thời gian đó tôi chấp nhận làm song song hai công việc: một để kiếm tiền, một để… đốt tiền. Gia đình, bạn bè tôi cũng… chóng mặt giùm, nhưng như tôi đã nói ban đầu, còn vui thì mình còn làm, chứ cũng không nghĩ ngợi gì phức tạp hơn. Chứ nếu nâng lên đặt xuống, xem xét hiệu quả kinh doanh, thì có lẽ Tòhe đã dừng hoạt động từ rất lâu rồi. 


Viễn cảnh thành công nhất của Tòhe mà anh có thể mường tượng ra là gì? 

Tôi chỉ có một điều sung sướng nhất, ấy là thật nhiều người nhận ra vẻ đẹp trong tranh của con trẻ và đón nhận sản phẩm của Tòhe. Thật ra cũng không phải chúng tôi chưa bao giờ nhận được sự yêu mến đó. Ngày xưa mỗi lần đi hội chợ, gian hàng Tòhe khi nào cũng đông nghịt người, ai cũng hâm mộ, trầm trồ thích thú trước những món đồ 100% hồn nhiên chúng tôi bày bán. Có lần Tòhe tham gia một hội chợ quốc tế trong Sài Gòn, một bác hiệu trưởng của một trường đại học về thiết kế ở Đan Mạch đã đến gian hàng của Tòhe và nói: Đáng lẽ những sản phẩm của Tòhe phải được đặt ở những vị trí thật danh giá trên bản đồ thế giới mới phải. Đó là khoảnh khắc tôi chắc mẩm mình đã đi đúng hướng rồi, bởi Tòhe được cả khách hàng Việt Nam lẫn quốc tế đón nhận một cách đầy hào hứng, và nhận được sự công nhận của cả những nhân vật chuyên môn cao. 

Bây giờ viễn cảnh ấy trong anh có khác đi chút nào không? 

Ở thời điểm hiện tại, tôi không còn đồng hành cùng Tòhe sát sao như trước. Tôi đã gieo cho Tòhe một hạt mầm, và bây giờ thế hệ kế cận của tôi sẽ giúp tôi vun trồng hạt mầm ấy thành cái cây. Nó lan rộng đến đâu, phát triển đến thế nào, tôi giao phó hoàn toàn cho các bạn. Tôi cũng rất may mắn vì tìm được những người thật sự rất tâm huyết muốn phát triển Tòhe. 

Trong quá trình làm Tòhe, đã bao giờ anh nhận được những câu hỏi nghi ngờ, băn khoăn về tính minh bạch trong mô hình Tòhe? 

Chúng tôi nhận được suốt, và bản thân chúng tôi cũng phải liên tục tự hỏi nhau. Những thông tin về Tòhe chúng tôi đều chủ đích để public chứ không giấu giếm hay che đậy điều gì. Tôi nghĩ một phần lý do khiến nhân sự Tòhe gắn bó đến vậy là bởi các bạn tin tưởng rằng Tòhe làm thật, chứ không có bất kỳ điều gì khuất tất. 

Cả đội ngũ Tòhe cũng thường xuyên ngồi lại với nhau để xem xét lại mô hình hoạt động. Nếu Tòhe kinh doanh lỗ, chúng tôi phải đối diện và có bước giải quyết ra sao? Thật sự có một giai đoạn chúng tôi đã phải tinh gọn các lớp học vẽ lại, từ mười mấy trung tâm xuống còn hai trung tâm, nhưng làm một cách thực chất, triệt để và hiệu quả. 

Với các bạn nhỏ, chúng tôi cũng liên tục soi chiếu: Chúng tôi có đang thực sự mang lại giá trị cho các bạn? Tinh thần hồn nhiên mà Tòhe theo đuổi có thật sự có ý nghĩa với mọi người không? Nếu câu trả lời là không, có phải đã đến lúc chúng tôi dừng lại hành trình này? 

Anh nghĩ mình đã có câu trả lời cho câu hỏi đó? 

Tôi đã có, và đến giờ tôi có thể “bay nhảy" hơn là bởi vậy. Khoảng 10 năm trước, tôi đứng trước một lựa chọn là đóng cửa Tòhe. Thứ nhất là tôi nhận thức được khả năng kinh doanh còn hạn chế của mình. Thứ hai là tôi đâm nghi ngờ tính cần thiết của sự hồn nhiên đối với phần đông mọi người trong cuộc sống này. Nhưng khi tôi đem nghi ngờ đó hỏi các bạn nhân viên của Tòhe, tôi nhận được câu trả lời: “Có". Sự hồn nhiên ấy vẫn mang đầy ý nghĩa với họ. Bỗng dưng niềm tin của tôi quay trở lại, và tôi lại càng thêm quyết tâm cố thêm một chút nữa. 

Cái tinh thần hồn nhiên ấy có ý nghĩa thật, nhưng nó ý nghĩa nhiều đến đâu? Ý nghĩa với ai? Ý nghĩa với nhiều người không? Sau này tôi nhận thấy rằng, thực tế mọi người dành nhiều sự quan tâm hơn cho công việc, sự nghiệp, cho cơm áo gạo tiền; và đó là những nhu cầu cực kỳ chính đáng. Nhóm người coi tinh thần hồn nhiên là giá trị lớn lao cũng có đấy, nhưng không nhiều. Tôi phải hiểu và chấp nhận điều đó, cũng không thể mong muốn đùng một cái cả xã hội này đều hồn nhiên. Thêm nữa, chỉ hồn nhiên thôi thì cũng… không ổn, bởi mọi người sẽ đánh mất cái nhìn công tâm, cân bằng về những giá trị ý nghĩa khác trong cuộc đời. 

Câu hỏi cuối cùng: Giá trị lớn nhất mà cá nhân anh nhận được từ Tòhe là gì? 

Như tôi đã nói, Tòhe khiến tôi hồn nhiên theo một góc nhìn hoàn toàn khác, một sự hồn nhiên của người trưởng thành. Tòhe cũng giúp tôi tìm được điểm cân bằng trong những cách làm kinh doanh rất đối nghịch trong quá khứ: Khi thì “bon chen" lao theo tiền, khi lại… chẳng coi tiền là gì. Tòhe cũng đưa tôi đến một bước ngoặt để tiếp tục khám phá những con đường khác, cả trong công việc, sự nghiệp lẫn nhận thức, lối sống. Tôi hy vọng Tòhe có thể trở thành một điểm chạm để mọi người ý thức hơn về bước ngoặt riêng của mình. 

Tags

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa