emagazine image

Mình rất thích một định nghĩa về ngày hạnh phúc. Ấy không phải là ngày ta luôn lạc quan và tích cực, mà là ngày ta biết khi nào ta đang không ổn và biết cách chữa lành.

emagazine image

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, gần một tỷ người đã và đang đối mặt với những vấn đề tâm lý khác nhau. Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra một con số nhói lòng: 30% dân số Việt Nam mắc chứng rối loạn tâm thần; khoảng 8-29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên đang đấu tranh với các bệnh về sức khỏe tinh thần, 36.000 - 40.000 người Việt Nam tự sát do trầm cảm mỗi năm. Có những ngày các bệnh viện tâm thần tiếp tới 300 lượt bệnh nhân tới khám, phần nhiều là các bạn trẻ. Những số liệu trên đã chỉ ra một thực tế đầy quan ngại về sức khỏe tinh thần trong xã hội, dấy lên nhu cầu nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Dẫu nhiều người đã dần cởi mở hơn trong việc chia sẻ những lo lắng, chông chênh của mình với người thân và trên mạng xã hội, bản thân mỗi chúng ta nhiều khi cũng chưa biết cách tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình. Một số người thậm chí vẫn coi trầm cảm hay bệnh tâm lý nói chung là không có thật, là bệnh của những người lười.


Trước tình hình ấy, sự hiện diện của những chuyên gia tâm lý có trình độ học vấn và kiến thức chuyên môn trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok chính là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc lan tỏa những nhận thức đúng đắn về vấn đề tâm lý và sức khỏe tinh thần. Nổi bật trong số đó là TikToker Ngọc Bình Tâm Lý. Trên đây, Ngọc Bình thực hiện các video chia sẻ kiến thức, quan điểm về các vấn đề liên quan đến tâm lý và sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như "sự công nhận", FOMO, "tự làm đau bản thân"... Song song với đó, kênh Ngọc Bình Tâm Lý cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích về tâm lý và tinh thần, như cách vượt qua cảm giác mất động lực, cách duy trì mối quan hệ tích cực, những dấu hiệu giúp bạn nhận ra bạn cần gặp chuyên gia tâm lý... Với cách truyền tải nội dung nhẹ nhàng, thiết thực, người thầy giáo này nhanh chóng thu hút hơn 255K người theo dõi trên nền tảng TikTok.


Bên cạnh đó, Ngọc Bình hiện đang là thầy giáo tại trường Phổ thông Liên cấp H.A.S (Hanoi Adelaide School). Cụ thể, Ngọc Bình làm công tác giáo viên tham vấn học đường với nhiệm vụ xây dựng và tổ chức các chương trình phòng ngừa tâm lý cho nhóm nhỏ và phạm vi toàn trường, toàn cấp học. Đồng thời, Ngọc Bình cũng đảm nhận công việc giảng dạy bộ môn SEL (social & emotional learning) - bộ môn giáo dục cảm xúc xã hội trong nhà trường. Tò mò về lựa chọn theo đuổi ngành học và ngách nội dung về tâm lý của Ngọc Bình, The Influencer đã có một buổi trò chuyện đầy cởi mở, an yên với Ngọc Bình.

emagazine image

Khi lựa chọn ngành học tại Đại học, mình không phải người đưa ra quyết định chọn ngành Tâm lý. Bộ phim “Người phán xử” quyết định cho mình. Mình thích nhân vật Lê Thành do anh Hồng Đăng thủ vai, ấn tượng với việc đóng vai một người xã hội dạn dày về “trò chơi tâm lý”. Vậy là ngành học này nghiễm nhiên trở thành một lựa chọn, dù không cao, trong bảng nguyện vọng của mình; và chính thức trở thành lĩnh vực mình bước vào sau khi trượt các mục tiêu cao hơn như báo chí, truyền thông hay quan hệ công chúng.


Thật lòng, hành trình mình đến với Tâm lý rất tình cờ và đôi phần… cợt nhả. Thái độ ấy theo mình suốt một học kỳ. Trong một tiết học, 60 sinh viên lớp mình đứng lên trả lời lý do học ngành Tâm lý. Đến lượt mình, mình nói: Em muốn trở thành một xã hội đen có kiến thức về tâm lý”. Bạn học cười, cô giáo cũng chỉ biết cười. Dẫu sao tâm lý vẫn là một lĩnh vực quá đỗi mơ hồ với những người trẻ như mình khi ấy, chúng mình đều phải dành thời gian định hình lý do quyết định theo đuổi ngành học này.


Đã bao giờ mình muốn từ bỏ chưa? Rồi chứ! Nhưng rồi đến kỳ học thứ 2, mình phát hiện trong chuyên ngành Tâm lý Học đường của mình có một hoạt động vô cùng thú vị là chương trình phòng ngừa, tức nhà trường sẽ tổ chức những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp học sinh tự ứng phó và xử lý các vấn đề tâm lý, tinh thần. Đây chính là những điều mình hướng tới khi mong muốn học về truyền thông: mình muốn một môi trường năng động, muốn được tổ chức sự kiện… Rõ ràng, giá trị nghề nghiệp ấy phù hợp với kỳ vọng cá nhân, và hữu ích cho sức khỏe tâm thần của cộng đồng. Sau khi tìm ra điểm chạm ấy, mình bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc nghiên cứu tài liệu học tập và tham gia hoạt động trên lớp. Càng học, mình càng thấy các kiến thức về tâm lý đặc biệt hay. Mình muốn thử cố gắng một lần vì ngành học này, gom góp đủ động lực để theo đuổi và phát triển trong ngành.

emagazine image

Có một điều rất thú vị khi bạn học ngành Tâm lý, đó là nó luôn bắt mình phản tư (reflect) lại những trải nghiệm và chiêm nghiệm mình có. Không phải đến khi chúng ta trưởng thành, vào Đại học thì vấn đề tâm lý mới nảy sinh. Không, có thể chúng đã tồn tại từ những ngày thơ ấu, từ suốt những năm tháng cấp 1, cấp 2 của mình. Nhìn lại những người bạn cùng lớp của mình ngày xưa, mình phần nào lý giải được lý do vì sao khi tới trường bạn ngổ ngáo, thích thể hiện và luôn “chiếm spotlight” như vậy; bởi ở nhà, bạn không có được sự chú ý ấy từ gia đình và người thân. Thì ra cái thái độ đầy ngạo mạn, bất cần ấy chỉ là sự phát tiết, một hình thức thể hiện của một đứa trẻ thiếu thốn sự quan tâm. Việc học về tâm lý cho mình cái nhìn cảm thông, thấu hiểu và khoan dung hơn với chính mình và mọi người.


Dưới góc độ tâm lý, những cảm xúc, cư xử, hành vi của con người đều xuất phát từ một nguyên do nào đó. Giờ đây, khi một người bạn của mình nói rằng họ đang không ổn, họ thấy buồn, mình biết cách tôn trọng cảm xúc cá nhân và nhìn nhận những khó khăn của bạn một cách cảm thông hơn. Mình nhận ra những lời trêu đùa, những câu cổ vũ sáo rỗng như “buồn làm gì, vui lên đi” hoàn toàn không phải những điều họ cần nghe, muốn nghe.

emagazine image

Bản thân mình cũng từng trải qua một khoảng thời gian tâm lý đặc biệt nặng nề. Mình bị khủng hoảng giá trị, không biết tương lai đi về đâu, ra trường sẽ làm gì. Mình ném bản thân vào một môi trường không như kỳ vọng để rồi càng thêm hoài nghi về giá trị bản thân. Mỗi ngày mở mắt ra là một ngày nặng nề. Mình không có dù chỉ một chút động lực hoàn thành công việc được giao. Nhưng mình may mắn có bạn bè, người thân luôn nắm lấy tay mình, mình được trang bị kiến thức tâm lý nên không gặp nhiều khó khăn trong việc nói ra mong muốn, dẫu vẫn khó lòng giải thích tường tận về cội nguồn và cốt lõi cảm xúc của mình.


Nhưng mình biết nhiều bạn không làm được như vậy. Các bạn khó mở lòng chia sẻ, chần chừ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn. Theo mình, tâm lý ấy xuất phát một phần từ cái nhìn của các bạn về cảm xúc. Các bạn “dán nhãn” cho một số cảm xúc là tiêu cực, xem đó là những thứ đáng bị bài trừ; các bạn không dám phô bày những vết thương trong lòng. Các bạn chưa có cái nhìn khách quan về cảm xúc cá nhân, chưa đón nhận chúng nên các bạn không thể nói ra được. Các bạn nặng cái tôi, sợ bị đánh giá là yếu đuối khi chia sẻ vấn đề với người ngoài. Nhưng thật ra ai cũng có những phút giây yếu đuối, làm gì có ai hiên ngang, tích cực, tươi vui suốt đời. Gần đây mình đọc được một câu rất hay: Sống tích cực không có nghĩa là tin rằng mọi thứ sẽ ổn, mà là bạn biết rằng mình sẽ ổn dù mọi thứ xảy ra như thế nào.

emagazine image

Bên cạnh đó, môi trường gia đình và giáo dục cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận cảm xúc của mình. Mình cho rằng cha mẹ và giáo viên cần dạy con trẻ cách nhận thức cả những cảm xúc khó khăn hay những phút giây yếu lòng. Hãy dạy con đón nhận mọi thứ, không phải bởi con luôn phải cảm thấy vui vẻ, mà là bởi có những lúc con cần phải biết buồn. Đó là hành trình cần thiết để bồi đắp lòng trắc ẩn và thấu cảm với mọi người xung quanh.


Quá trình làm nội dung trên TikTok cũng cho mình những kết nối và điểm chạm với các bạn followers. Mình nhận thấy rất nhiều bạn để lại bình luận về những trải nghiệm không mấy tích cực khi đến gặp bác sĩ tâm lý, rằng bạn chỉ đến làm xét nghiệm, làm bài trắc nghiệm và được kê thuốc, chứ không được trò chuyện về những vấn đề tâm lý bạn đang gặp phải. Quan sát này cho mình một kết luận: Nhiều người đang nhầm lẫn về chuyên môn và trách nhiệm của hai nghề khác nhau: chuyên gia tâm lý (psychologist) và bác sĩ tâm thần (psychiatrist). Khi tìm đến bác sĩ tâm thần, bệnh nhân được tiếp cận với phương pháp điều trị bằng thuốc nhằm làm thuyên giảm hoặc chấm dứt những triệu chứng thể chất của bệnh. Ngược lại, chuyên gia tâm lý mới là người đảm nhiệm công tác tham vấn và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, phương pháp này tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để cho thấy thay đổi và hiệu quả rõ rệt.

emagazine image

Hiện nay, dù mức độ nhận thức cộng đồng về sức khỏe tinh thần đã cao hơn, nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng chi tiền cho việc điều trị bệnh tâm lý. Có thể họ không đủ nguồn lực tài chính, có thể họ mất niềm tin do không nhìn thấy hiệu quả tức thì. Trị liệu tâm lý không giống với việc đến phòng gym. Khi tập gym, bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thực phẩm bổ sung, nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt trên cơ thể như tỷ lệ mỡ, các nhóm cơ… trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, nếu bạn đủ quyết tâm và chăm chỉ. Nhưng với vấn đề tâm lý, việc đo lường khó khăn hơn rất nhiều. Nói cách khác, dù rất nỗ lực, nhiều bệnh nhân khó nhận thấy rõ tiến triển của quá trình điều trị bệnh. Vậy là họ mặc định cho rằng phương pháp điều trị này là chưa đủ, chưa phù hợp.


Khi buồn, người ta sẽ tìm một hình thức giải trí để tâm trạng vui lên. Họ ghé quán ăn, đi uống rượu, mua vé xem phim, chi tiền mua sắm, ghé các trung tâm giải trí… Có mấy ai buồn mà sẵn sàng bỏ tiền để tìm hiểu nỗi buồn của mình.

emagazine image
emagazine image

Cho tới nay, cái nhìn của cộng đồng về tâm lý và sức khỏe tinh thần đã có sự thay đổi tương đối tích cực. Để làm được điều đó, chúng ta không thể phủ nhận tác động rất lớn của điện ảnh. Rất nhiều bộ phim có chiều sâu, có sức nặng đã mang đến cho công chúng cái nhìn đúng đắn và nhân văn về thế giới của người trầm cảm. Mặt trận phim ảnh dễ dàng tiếp cận với thế hệ trẻ, và đó là nguồn động lực để mọi người dễ dàng hơn trong việc chia sẻ các vấn để tâm lý, tinh thần của mình.


Động lực thứ hai đến từ các dự án truyền thông. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy chủ đề tâm lý và sức khỏe tinh thần hiện diện ngày một nhiều trong các cuộc thi Marketing lớn, gần đây nhất là cuộc thi Young Marketers phối hợp với Đường dây nóng Ngày Mai; trong bài tập, dự án của sinh viên các trường Đại học; trong hoạt động của các trường học… Với sự hỗ trợ rất lớn từ truyền thông, công chúng dần gỡ bỏ những “tiếng xấu” về bệnh tâm lý, đồng thời được cổ vũ để mở lòng hơn, thấu cảm hơn.


Động lực thứ ba là sách. Có lẽ các nhà xuất bản cũng cảm nhận được nhu cầu tìm hiểu về tâm lý của công chúng, nên ngày càng có nhiều đầu sách chất lượng về tâm lý và sức khỏe tinh thần được xuất bản. Đây là một điểm chạm hiệu quả để mọi người bước đầu làm quen với vấn đề này, để nghiền ngẫm và có cơ sở đối chiếu với những trải nghiệm cá nhân.

emagazine image

Sự bùng nổ của mạng xã hội và thế hệ influencers cũng đem đến cho mọi người những nguồn tiếp cận thông tin cởi mở và gần gũi hơn về một vấn đề tưởng chừng như khó nói. Khi làm TikTok, mình nhận được rất nhiều tin nhắn riêng và comment chia sẻ của các bạn. Dù không thể trả lời từng tin nhắn, từng bình luận do nguồn lực có hạn, đó vẫn là những nguồn đầu vào cần thiết để mình tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người xem. Đó là cách để những TikToker như mình gián tiếp tác động và giúp đỡ cộng đồng.


Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mạng xã hội là một con dao hai lưỡi. Trên TikTok không hề thiếu những tài khoản đưa thông tin sai lệch về tâm lý và sức khỏe tinh thần nhằm phục vụ mục đích “câu view, câu like”, đánh vào nhu cầu tìm hiểu của những người mới chập chững khám phá về lĩnh vực này, vào tư duy “làm liền, ăn liền, hiệu quả liền” của một bộ phận người xem. Thời gian đầu mình rất bức xúc, nhưng rồi mình phải chấp nhận rằng mình không thể thay đổi được họ, rằng những “con sâu” sẽ luôn luôn mọc lên. Việc mình có thể làm là thay đổi bản thân tốt lên từng ngày, tiếp tục đem đến nội dung chất lượng, uy tín, xác thực cho cộng đồng của mình. Mình cũng đặt niềm tin vào người xem rằng họ đủ tỉnh táo và thông minh để không bị những nội dung sai lệch dắt mũi.


Cám ơn Ngọc Bình Tâm Lý vì những quan điểm rất nhân văn và chân thành. Mong bạn sẽ tiếp tục vững vàng trên hành trình của mình, tiếp tục truyền động lực để công chúng bao dung hơn với những vấn đề tâm lý, cởi mở hơn với những cảm xúc của bản thân, và hành động quyết liệt hơn để giải quyết và vượt qua những vấn đề trong cuộc sống của mình.

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa