Có một điều đặc biệt là khi chúng tôi hỏi về hình mẫu người cha họ muốn trở thành trong mắt con mình, cả hai đều đưa ra cùng một câu trả lời (dù không hề bàn tính trước): Mình được làm người bạn của con.
Trong suốt tuổi thơ tôi đến khi trưởng thành, tình thương của bố luôn là một thứ gì đó khó nhìn thấy, khó nắm bắt. Tôi đồ rằng đây không phải chuyện của riêng tôi; đó gần như là “chuyện thường tình" ở thế hệ mà tôi lớn lên. Khác với những hình dung về mẹ - gần gũi, dịu dàng, không ngại ngần bày tỏ yêu thương, hình ảnh của bố thường rơi vào thái cực ngược lại - nghiêm khắc, gai góc, kiệm lời. Chẳng thế mà trẻ con chúng tôi ngày ấy, nhất là mấy đứa con trai, chỉ sợ mẹ mắng, nhưng đặc biệt sợ bố “cho ăn roi". Việc nói lời yêu thương cũng vậy, dường như “con yêu mẹ"... dễ nói hơn hẳn so với “con yêu bố”.
Nhưng, bố kiệm lời không có nghĩa bố ít tình cảm. Bố nghiêm khắc không có nghĩa bố thiếu bao dung. Ở thời của tôi, tình thương của bố thường gắn liền với những hành động âm thầm.
Có vẻ những ông bố trẻ thời nay thì khác. Họ đồng hành và trò chuyện cùng con nhiều hơn, thể hiện tình cảm với con tích cực hơn. Họ không chỉ làm bố của con, họ làm bạn với con. Vậy nên, nhân Ngày của Cha, chúng tôi đã tìm đến hai ông bố “hot" nhất nhì mạng xã hội - Anh Bạn Thân, bố em bé Mây và Kiên Hoàng, bố em bé Cam - để lắng nghe những trải nghiệm lần đầu làm cha đầy thiêng liêng của họ, và cũng để tìm kiếm câu trả lời cho một thắc mắc nhỏ: Rốt cục, cách những ông bố nổi tiếng dạy những đứa con nổi tiếng có gì đặc biệt?
Với vợ chồng mình, có em bé là việc hoàn toàn nằm trong dự tính. Nhưng dù đã chuẩn bị tinh thần suốt một năm, khoảnh khắc được bế Mây “lạ" lắm. Mình vừa vui vì cuối cùng cũng được gặp mặt con, vừa sợ vì cảm nhận được trách nhiệm lớn lao mới được nhận - bảo vệ và chăm sóc cho cuộc đời bé nhỏ này.
Mà chính ra mình cũng thấy buồn cười, bởi trẻ sơ sinh sao mà… nhăn quá trời nhăn.
Ngày bé mình ít nói chuyện với người lớn vì ai cũng bận. Mình và ba cũng không có nhiều thời gian bên nhau. Ba phải làm việc rất nhiều để nuôi bốn anh em mình đủ no, đù mặc, được học hành đầy đủ. Bây giờ khi điều kiện gia đình của mình tốt hơn, mình muốn dành nhiều thời gian bên con nhất có thể, bởi mình biết niềm vui của một đứa trẻ mỗi lần được ba ngồi xuống chơi cùng là như thế nào. Hiện tại, sau hơn 7 tháng “sử dụng em bé", mình cảm giác có thể ở bên con mỗi ngày thêm 50 năm nữa.
Vợ chồng mình cũng tham khảo các phương pháp dạy con từ sách vở. Tụi mình đọc sách cả phương Tây lẫn Á Đông, đều tìm thấy ở đó những cách dạy con đáng học hỏi. Sau đó, hai vợ chồng sẽ chọn ra những phương pháp phù hợp với điều kiện gia đình, với lối sống và tính cách của con.
Đúng là trẻ em có những điều rất hay ho, đáng để người lớn học hỏi và nhìn lại bản thân. Chẳng hạn, Mây khiến bố rất… “nhột", bởi mình tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và game. Mây là em bé ham học hỏi, con luôn muốn biết trang sách phía sau có những gì, tò mò vòi nước trong nhà hoạt động ra sao, anh Hoàng (chú chó của nhà mình) đi cầu thang như thế nào… Nhìn Mây say mê học hỏi và khám phá thế giới xung quanh, mình tự hỏi, đã bao lâu rồi mình không còn tò mò và ham học như thế?
Tính tự lập. Từ nhỏ, Mây đã được cho nằm nôi riêng và có những khoảng thời gian tự chơi một mình. Ba mẹ vẫn cố gắng bên con nhiều nhất có thể, vẫn ôm ấp và thể hiện rất nhiều tình thương với con, nhưng đồng thời, tụi mình hy vọng sự tự lập và tự trọng là hai phẩm chất Mây nhớ kỹ và khắc ghi ngay từ những năm tháng đầu đời.
Điều may mắn nhất là gia đình mình nhận được rất nhiều yêu thương từ mọi người. Thậm chí, tụi mình còn có hẳn một… ban tư vấn nuôi dạy con online vô cùng hùng hậu và đặc biệt nhiệt tình. Có những vấn đề về da em bé mà mình chưa kịp nhận ra, thế mà có bạn follower đã kịp thấy và nhắn tin riêng cho mình để chỉ cách trị. Mình và Giang vô cùng biết ơn sự quan tâm chân thành mà mọi người dành cho hai vợ chồng, cho Mây, cho gia đình nhỏ này.
Bên cạnh đó, việc Mây nhận được sự chú ý từ sớm cũng là cơ hội để ba mẹ dạy bé về sự khiêm tốn và đồng cảm, để con lớn lên biết trân trọng những tình cảm mình nhận được.
Mình không kỳ vọng hạnh phúc nơi con, cũng không cố “dán nhãn" định danh của mình dựa trên những thành tựu hay điểm số con đạt được. Vợ chồng mình đều hy vọng ba bố mẹ con đều sẽ trở thành những cá thể hạnh phúc tự thân, cùng nhau xây dựng nên một gia đình. Mây sẽ tự tin trở thành bất kỳ ai mà Mây muốn. Chỉ cần điều đó không đi quá giới hạn, không đi ngược đạo đức, không làm hại người khác, ba mẹ sẽ tuyệt đối ủng hộ con.
Vợ chồng mình đăng hình ảnh của Mây lên mạng xã hội trước hết là để ghi lại kỷ niệm cho gia đình, và sau là chia sẻ những kỷ niệm ấy với mọi người. Mặt khác, là những người hoạt động trong ngành truyền thông, tụi mình phần nào tự tin bản thân đã có những kinh nghiệm nhất định với những mặt sáng - tối của mạng xã hội. Mây lớn lên trong một thế hệ làm quen và gắn bó với công nghệ từ rất sớm. Đây không phải điều gì quá lạ lẫm, nên tụi mình muốn trang bị cho con những kỹ năng cần thiết từ nhỏ.
Bên cạnh đó, khi xuất hiện cùng cha mẹ, Mây có cơ hội được thấy cuộc sống đặc thù của gia đình mình, thấu hiểu công việc của ba mẹ và cảm nhận mọi ưu - nhược của nghề này. Vợ chồng mình luôn phấn đấu để mang đến cho Mây điều kiện sống tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời muốn cho Mây thấy rằng không có gì là tất nhiên. Mọi công việc trên đời đều có thử thách.
Dĩ nhiên, ba mẹ sẽ luôn tôn trọng Mây, đặt mong muốn của con lên hàng đầu. Nếu sau này lớn lên, Mây lựa chọn sống kín đáo, ba mẹ chấp nhận gỡ mọi hình ảnh của con trên mạng nếu con muốn. Trên hành trình trưởng thành của Mây, ba mẹ luôn lưu giữ những hình ảnh, khoảnh khắc của em để sau này nhìn lại, Mây được ôn lại những ký ức và kỷ niệm tuổi thơ của mình, dù những hình ảnh ấy có được khoe ra với công chúng hay không.
Làm cha thì dễ, nhưng để làm người cha tốt thì khó vô cùng. Mình chưa bao giờ tưởng tượng được thời gian con cần mình nhiều đến như vậy. Vì vậy, với những bạn chuẩn bị bước lên hành trình thiêng liêng này, lời khuyên của mình là hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để đặt những thú vui cá nhân như tụ tập, bóng đá, bạn bè… ra sau.
Nói vậy chứ việc làm cha cũng không quá đáng sợ đâu! Mỗi đứa con chỉ làm em bé sơ sinh một lần duy nhất trong đời, và sẽ chẳng người ba nào muốn bỏ lỡ tiếng gọi ba đầu tiên của con mình.
Ngảy nhỏ, mình hay trách ba vì ba không ở cạnh anh em mình nhiều. Lớn lên, mình mới nhận ra ba thích được ở bên con, bên cháu nhiều như thế nào; chỉ là hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, điều kiện gia đình và cuộc sống mưu sinh buộc ba phải vất vả hơn. Bây giờ mình đã hiểu những hy sinh của ba, và mình chỉ mong ba biết rằng mấy anh em biết ơn ba rất nhiều.
Với Mây, mình mong được làm người bạn lớn của con, mong con luôn thoải mái và hạnh phúc khi nhắc tới ba nó. Mây ơi, khi Mây lên 6 tuổi và đọc những dòng này, thì hãy mở Instagram @conlamay và tìm hình ngày 14/6/2022 nhé. Ba con đang vừa viết những dòng này vừa lau dãi cho con đó con gái yêu!
Cam là em bé đầu tiên, nên nỗi sợ lớn nhất của mình là không biết phải chăm sóc một em bé như thế nào. Mình hoàn toàn không có kinh nghiệm, cũng chưa có cơ hội trải nghiệm cảm giác làm bố trước đó. Trước khi Cam ra đời, mọi thứ với mình khá mơ hồ, từ việc chăm nom cho đến nuôi dưỡng em bé nên người. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình khá tự tin đã làm tốt trong tiêu chuẩn mình tự đặt ra, thậm chí tốt hơn mức độ kỳ vọng ban đầu. Và mình gần như không còn phần trăm sợ hãi nào nữa.
Mình muốn làm bạn với con. Chỉ khi kết bạn cùng con, mình mới có thể dễ dàng trò chuyện, chia sẻ mọi thứ, giúp con lớn và cả bản thân mình lớn.
Mình luôn cố gắng trở thành một hình mẫu người cha hoàn hảo nhất trong khả năng. Nhưng suy cho cùng, cái gọi là chuẩn mực mà mình hướng tới vẫn xuất phát từ sự tự trách nhiệm.
Ngược lại, mình không muốn trở thành một người cha vô trách nhiệm. Bố của Cam không được mang hình ảnh xấu, cũng không được là một người tồi tệ. Mình hy vọng Cam có thể xem bố là một điểm tựa vững chắc, dù Cam còn bé như hiện tại hay sau này khi Cam trưởng thành. Mỗi khi gặp vấn đề trong cuộc sống, người đầu tiên Cam có thể tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ luôn là bố Kiên.
Mình của hai thời điểm trước và sau khi có con có sự khác biệt nhiều. Trước đây, mình sống thiên về bản năng và cảm tính. Mình thích gì làm nấy, cũng không có nhiều mục tiêu “khổng lồ" để cố gắng, bởi thực tế lúc đó mình chỉ cần lo cho bản thân và cuộc sống của hai vợ chồng. Nhưng khi có con, trách nhiệm của bạn nâng lên nhiều lần, mình phải rèn luyện lại bản thân từ đầu. Không phải cứ đẻ con ra là mình nghiễm nhiên thành bố, thành mẹ. Để trở thành bố mẹ đúng nghĩa, mình phải học hỏi và đồng hành cùng con trên hành trình lớn lên.
Tất nhiên rồi, vợ chồng mình học được nhiều là đằng khác.
Một người cha, người mẹ tốt phải có sự tương tác và học hỏi qua lại với bé. Nếu cha mẹ coi mình là bề trên và áp đặt cuộc sống của bé theo ý mình thì thực sự không ổn. Rất ít người lớn đặt mình vào vị trí của bé và đặt câu hỏi tại sao cho những hành xử của bé. Họ quát tháo, thậm chí đánh đập, để “phạt" khi bé làm trái với tiêu chuẩn của người lớn. Mình không muốn trở thành một người lớn như vậy.
Cam dạy mình tôn trọng những suy nghĩ còn non nớt của con. Với Cam, cánh hoa không nhất thiết phải được tô màu đỏ, màu hổng; Cam sẽ tô bằng màu xanh con yêu thích.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Chúng được quyền sống với đúng con người và khả năng của mình. Nhiệm vụ của cha mẹ là hỗ trợ, phân tích và đặt ra tình huống để con suy nghĩ thấu đáo hơn, thay vì áp đặt hay ép buộc con phải sống theo kỳ vọng của mình.
Thật ra cũng không có gì đặc biệt đâu. Mà cũng không có một “công thức dạy con" nào chúng ta chỉ cần nghe, đọc rồi ốp y nguyên vào đứa trẻ là xong chuyện. Quan trọng là các bố mẹ cần học cách quan sát và lắng nghe con để tìm ra phương pháp phù hợp.
Trước hết, mình phải khẳng định là Cam không biết con nổi tiếng. Vợ chồng mình chỉ nói với con rằng, tất cả sự yêu quý mà con nhận được từ mọi người chỉ đơn giản là bởi con ngoan.
Mình cũng không cho rằng việc bố mẹ để con “lộ mặt" đồng nghĩa với việc bố mẹ không cho con tự lựa chọn sự nổi tiếng như con mong muốn. Sự nổi tiếng là do công chúng mang lại cho gia đình, cho con. Rõ ràng, nếu không được mọi người ủng hộ thì sẽ chẳng có sự nổi tiếng nào cả.
Còn lại, việc “giấu mặt" hay “lộ mặt" con đơn thuần là sự lựa chọn từ phía gia đình, cụ thể là bố mẹ, và cũng không có gì chứng minh được giữ hay lộ là tốt hơn cho con. Vợ chồng mình chỉ quan niệm đơn giản rằng việc công khai con với công chúng là một sự chia sẻ. Chúng mình vẫn đồng hành và vẫn bảo vệ con.
Đương nhiên việc chia sẻ cũng có khuôn khổ nhất định. Có những thứ bố mẹ không nên, hoặc không cần chia sẻ. Biết được giới hạn của việc chia sẻ cũng là cách chúng mình bảo vệ không gian riêng của cả gia đình.
Nhưng ngược lại, Cam cũng sẽ nhận được rất nhiều yêu thương, quan tâm, động viên, khích lệ. Gia đình mình muốn hướng tới và nhìn vào những nguồn động lực tích cực ấy. Hơn nữa, chỉ cần Cam lớn lên khỏe mạnh, làm người tử tế thì đó đã là điều đáng quý nhất với con rồi.