Sở hữu gương mặt thư sinh, điển trai cùng chiều cao ấn tượng 1m80, Harry (Nguyễn Tiến Dũng, 2005) nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng không chỉ bởi thành tích học tập vượt trội mà còn về sự chỉn chu trong việc xây dựng nội dung cho hai kênh YouTube và TikTok cá nhân từ khi còn là học sinh lớp 10. Thông báo đầu quân về Schannel, Harry càng nhận được nhiều sự yêu mến và ngưỡng mộ hơn sau khi chia sẻ hành trình từ fan hâm mộ chuyển mình thành đồng nghiệp với các “thần tượng” lâu năm.
Hẹn gặp Harry vào một buổi chiều đầy nắng, cậu bạn “tuổi nhỏ làm việc lớn” mang đến cho chúng tôi năng lượng tuổi trẻ năng động, luôn tìm tòi và tư duy cái mới theo dòng chảy sáng tạo của một thế hệ mới.
Bắt đầu làm YouTube khi chỉ mới 15 tuổi, Harry của thời điểm ấy đã trải qua những khó khăn thế nào? Mọi người xung quanh Harry phản ứng thế nào sau khi bạn được nhiều người biết đến?
Tất cả mọi thứ đều là thử thách với một cậu nhóc học lớp 10 bắt đầu tập làm YouTube. Em còn nhớ em phải dựng điện thoại lên cửa sổ để quay video đầu tiên vì chưa có đủ thiết bị, sau đó phải quay đi quay lại rất nhiều lần vì nói vấp và lên hình nhìn em như bị… móm. Bây giờ, thú thực em không dám xem lại chúng.
Dần dần sau khi làm công việc này ít lâu và được mọi người biết tới nhiều hơn, trước hết em thấy bố mẹ em rất tự hào. Bố mẹ khoe về kênh của em cho tất cả mọi người. Thỉnh thoảng khi em vừa đăng tải một video mới, ngay lập tức em đã nghe thấy tiếng của video đó bố mẹ em bật to dưới nhà (cười).
Mọi người đã biết về Harry và câu chuyện từ fan trở thành VJ của Schannel. Nhưng chính xác là từ khi nào Harry bắt đầu yêu thích nội dung và con người tại nơi này?
Thời điểm em biết tới Schannel là vào cuối năm 2016, em tình cờ xem được một video review món lẩu cốc của chuyên mục “Hôm nay ăn gì?” thuộc kênh Schannel. Vốn dĩ luôn là một người có niềm yêu thích không giới hạn với đồ ăn nên khi, em rất hào hứng. Khi ấy, lĩnh vực review đồ ăn chưa thịnh hành như hiện tại, không có quá nhiều kênh làm về nội dung này nên ngay sau đó, em đã theo dõi kênh Schannel, đặc biệt là chuyên mục “Hôm nay ăn gì?”. Từ đó, em bắt đầu dành nhiều tình cảm và sự ngưỡng mộ cho các anh chị ở Schannel.
Sự chuyển giao từ cảm giác thích thú tới việc đặt niềm tin lựa chọn đây là công việc nghiêm túc của mình đã xuất hiện ra sao?
Trước đây, em đã thử ứng tuyển vào vị trí VJ của “Hôm nay ăn gì?” rất nhiều lần nhưng đều bị trượt. Sau đó, em cứ tiếp tục phát triển kênh cá nhân cho tới khi có những thành tựu nhất định và bản thân có sự chín chắn trong công việc này. Đây cũng là thời điểm em quyết định đầu quân cho Schannel.
Harry có mất nhiều thời gian để làm quen với máy quay chuyên nghiệp và lịch làm việc, ghi hình bận rộn sau khi vào Schannel không?
Mặc dù đã có kinh nghiệm làm YouTube ba năm trước khi vào Schannel nhưng tới khi bước chân vào đây, em vẫn cảm thấy hơi ngợp trước sự chuyên nghiệp của tất cả mọi người. Có khi đang nói chuyện bình thường nhưng máy quay lia tới là các anh chị có thể diễn được ngay lập tức. Em nhớ có những lần quay, em khiến mọi người phải quay đi quay lại một cảnh đến cả… chục lần. Chính vì vậy, em luôn tự nhắc nhở bản thân phải bước ra khỏi vùng an toàn, cố gắng thật nhiều kết hợp với sự giúp đỡ của các anh chị để cải thiện khả năng diễn xuất trước máy quay.
Thị trường reviewer hiện rất sôi động với nhiều gương mặt mới, thậm chí ngách nội dung review đồ ăn cũng đã trở nên quá quen thuộc. Làm thế nào để Harry tạo ra dấu ấn khác biệt cho kênh của mình?
Cá nhân em đánh giá bản thân giống một food vlogger hơn là food reviewer, tức là một người kể chuyện về đồ ăn chứ không phải một người giới thiệu, nhận xét về ẩm thực. Phần nhận xét đồ ăn trên video của em thực sự không nhiều, không chuyên sâu và không có tính chuyên môn. Em chỉ liệt kê những món đã ăn và đưa ra ý kiến, cảm nhận cá nhân song song với việc thổi nét tính cách của mình vào những hoạt động đó.
Từ khi chính thức theo đuổi hành trình làm content creator, Harry có bất kỳ nỗi lo lắng nào không?
Nỗi lo lớn nhất của em trong công việc sáng tạo nội dung đó là việc mình không thể ra video đều đặn. Em đã lập trình cho kênh của mình một lịch ra video cùng với số lượng video theo tuần. Nhiều khi em thấy bản thân khá độc hại trong công việc khi luôn cố buộc chính mình phải làm càng nhiều càng tốt. Điều này dẫn đến việc sức khoẻ của em bị ảnh hưởng khá nhiều, cả thể chất và tinh thần. Bây giờ thì tần suất của hiện tượng này đã giảm hẳn rồi, em đã tập cân bằng lại mọi khía cạnh trong cuộc sống: giải trí, nghỉ ngơi, làm việc,...
Vậy theo Harry, thế nào là cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Sự cân bằng này có đơn thuần là 50% thời gian dành cho công việc, 50% thời gian dành cho cuộc sống?
Em nghĩ sẽ không có điểm cân bằng hoàn hảo 50 - 50 giữa công việc và cuộc sống. Và nó cũng không cần thiết. Tuỳ thuộc vào cách làm việc, cách sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống của mỗi người, có thể cán cân ấy sẽ là 70 - 30 hoặc 60 - 40. Chúng ta không thể và cũng không nên theo đuổi cán cân hoàn hảo ấy, đôi khi hy sinh cho công việc nhiều hơn hoặc chơi bời, giải trí nhiều hơn, đó là chuyện rất bình thường.
TikTok hay YouTube? Đánh giá một cách tổng quan, Harry nghĩ rằng việc chuyển đổi nền tảng từ TikTok sang YouTube có khó khăn hơn việc chuyển từ YouTube sang TikTok?
Em cảm thấy thoải mái với YouTube nhất, có lẽ vì đây là nền tảng đầu tiên em xuất hiện. Mặc dù làm YouTube vất vả hơn TikTok rất nhiều, từ thời gian quay, cắt ghép, dựng video rồi hậu kỳ rất lâu, mất thời gian hơn nhiều so với TikTok. Nhưng cũng nhờ vậy mà thời gian mình xuất hiện trên YouTube cũng thoải mái hơn, dễ dàng truyền tải thông điệp tới khán giả cũng như người xem có thể khám phá nhiều khía cạnh của content creator trên YouTube hơn.
Là một người chuyển đổi từ YouTube sang TikTok, theo cảm nhận cá nhân thì em đánh giá sự chuyển đổi này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với chiều ngược lại. Tuy vậy, em nghĩ yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội dung của kênh chứ thời lượng chỉ là một yếu tố nhỏ. Khi đã có nội dung, có concept rồi thì hoạt động ở nền tảng nào cũng rất dễ.
Harry muốn đi xa hơn trong tương lai với nền tảng nào?
Định hướng từ trước đến nay của em vẫn là phát triển song song cả hai nền tảng. Em muốn người xem có thể nhìn thấy nhiều khía cạnh của bản thân nhất. Trên TikTok, em được biết đến là một người ăn rất nhiều, rất giỏi. Trên YouTube, em lại giống một vlogger hơn - một người đưa ra những hình ảnh, video về đời sống của riêng mình, chia sẻ ý kiến cá nhân ở đó. Trên mỗi nền tảng, em sẽ điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với tệp khán giả chung nhằm mục đích đưa nội dung của mình đến gần hơn với người xem.
Video thông báo sẽ gap year (bảo lưu) của Harry nhận được lượng tương tác rất lớn từ người xem trên TikTok. Harry đã lên kế hoạch cho việc gap year thế nào?
Em đã lên kế hoạch gap year từ khá lâu và sau khi tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả của sếp, em đã quyết định gap year và thông báo điều này tới các bạn khán giả. Khái niệm gap year vẫn còn tương đối xa lạ ở Việt Nam, đặc biệt khi mình là người có chút ảnh hưởng trên mạng xã hội thì việc gap year cũng ít nhiều gây ra tranh cãi. Theo em nghĩ thì đây là một kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cá nhân đặc biệt là hoàn cảnh gia đình và định hướng cho tương lai.
Sau 12 năm học, em cảm thấy ở thời điểm hiện tại, em đã tìm được cho mình một công việc yêu thích, đúng đam mê và em tận hưởng việc mình làm hàng ngày. Vậy nên em mong muốn có thể tập trung cho công việc này để từ đó kiếm thêm chi phí thực hiện những dự định cá nhân lớn hơn sau này.
Là em út với lĩnh vực phát triển không quá xa lạ, Harry có từng gặp phải những so sánh với các anh chị VJ đã có tiếng trong nhà Schannel?
Phần lớn sự so sánh ấy xuất phát từ chính bản thân em. Ví dụ như những lần vì em mà mọi người mất thời gian quay đi quay lại nhiều lần, khi ấy em cũng so sánh mình với các anh chị rằng tại sao mình không thể hoàn thành công việc một cách trơn tru, tại sao cứ phải nói đi nói lại hoài vẫn không đúng kịch bản. Khi ấy em cũng suy nghĩ rất nhiều, nhưng rồi em hiểu kỹ năng nào cũng cần có thời gian để trau dồi và cải thiện. Em chấp nhận điều đó và chăm chỉ luyện tập để diễn tốt hơn trước máy quay.
Harry là người hướng nội hay hướng ngoại? Mọi người thường đồn đoán: Làm sáng tạo là phải hướng ngoại?
Theo kết quả MBTI gần nhất, em sở hữu 53% hướng ngoại và 46% hướng nội, có thể coi là một ambivert (người có xu hướng vừa hướng nội vừa hướng ngoại). Ban đầu tại thời điểm mới bắt đầu làm công việc này, em cũng là một người hướng nội, ngại chia sẻ trước ống kính và thậm chí không thể nói trước đám đông. Tuy nhiên, có lẽ do đặc thù công việc nên dần dần em hướng ngoại nhiều hơn và cũng hiểu được phần nào vì sao lại có định kiến về việc làm sáng tạo là phải hướng ngoại. Công việc này yêu cầu tính kết nối rất cao. Trong khi đó, sự kết nối thường gắn với người hướng ngoại nên việc mọi người thấy các bạn content creator quảng giao, năng động, thích tương tác với người khác và xã hội là điều rất dễ hiểu.
Nhìn lại cả hành trình đi cùng công việc sáng tạo nội dung, điều Harry cảm thấy biết ơn nhất trong công việc này là gì?
Em rất biết ơn sự ủng hộ, đón nhận của khán giả, em biết ơn vì công việc này đã tạo ra cho em một nguồn thu nhập ổn định và được kết nối, học hỏi từ rất nhiều người giỏi - những người em đã từng thấy trên YouTube từ lâu và tưởng như chỉ có thể thấy họ qua màn hình.
Cảm ơn Harry vì buổi chia sẻ rất dễ thương và thú vị. Chúc em có thêm nhiều khám phá mới mẻ trên hành trình theo đuổi công việc mình yêu!