emagazine image

Những bước chuyển mình lớn trên hành trình của Vừng - cô gái trẻ tài năng với kênh Youtube hơn 236 nghìn người theo dõi, cùng thành tích học tập nổi trội. 

The Influencer có dịp gặp Vừng vào một ngày hè Hà Nội, khi cô gái trẻ đang tận hưởng kỳ nghỉ hè trọn vẹn cuối cùng, trước khi thực sự bước chân vào cuộc sống của một người trưởng thành. Vừng là một Youtuber được nhiều bạn trẻ biết đến ở chủ đề giáo dục và lối sống. Trong những video của mình, Vừng chia sẻ về hành trình trải nghiệm tại nhiều vùng đất trên thế giới, kinh nghiệm du học, và những bí quyết học tập hiệu quả. Hiện tại, Vừng là sinh viên năm 3 của trường Đại học Cornell tại Mỹ. 

Vừng mang đến studio của The Influencer một năng lượng đặc biệt với nụ cười tươi, tinh thần hào hứng và những chia sẻ rất chân thành, cởi mở về hành trình của mình và những “chương mới” mà bạn đã đi qua. Cùng The Influencer lắng nghe về hành trình của Vừng nhé!

Bạn có thể lắng nghe cuộc trò chuyện tại podcast Một Chương Mới

emagazine image
emagazine image

Mình đã rất vui và bất ngờ trong những ngày qua! Chủ đề liên quan đến Palestine là một chủ đề nhạy cảm. Khi biên tập và đăng tải những video này, mình muốn lên tiếng một cách tinh tế nhất, chia sẻ với mọi người những trải nghiệm thật và rồi mỗi người sẽ có quan điểm của riêng mình. Sau khi đăng tải hai video về trải nghiệm tại Palestine, mình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bạn. Nhiều bạn còn chụp ảnh những khung hình và câu nói trong video của mình, đăng tải lên Threads cũng như các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác để cùng chia sẻ những thông điệp yêu hoà mình. Mình cũng nhận được lời mời từ Đại sứ quán Palestine ở Việt Nam tới thăm và trò chuyện cùng bác Đại sứ Saadi Salama - một người đã sống tại Việt Nam từ năm 1980. Đó cũng là một trải nghiệm bất ngờ và khiến mình cảm thấy vô cùng vinh dự và biết ơn.

emagazine image

Trung Đông là vùng đất chịu nhiều định kiến. Khi chưa tìm hiểu và đặt chân đến, chúng ta rất dễ có ấn tượng rằng đây là vùng đất nguy hiểm với tình hình chiến sự rắc rối. Nhưng sự thật thì không phải vậy! Những đất nước như Oman, Jordan, Bahrain,... mà mình đã đi qua thì đều rất đẹp và bình yên. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn để khám phá vùng đất này, mà không hề bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự. Chính vì thấy rằng vùng đất này đang chịu nhiều định kiến, mình lại càng muốn đi, muốn trải nghiệm, muốn khám phá Trung Đông, để tận mắt chứng thực và có thể chia sẻ lại cùng mọi người.

Hồi học cấp 3, mình có học cùng các bạn đến từ Trung Đông và được nghe nhiều câu chuyện về quê hương các bạn. Mình rất mê! Sau khi đọc cuốn “Con đường Hồi giáo" của cô Nguyễn Phương Mai, mình lại càng thích.

Đã thích như vậy rồi thì mình cần phải đi thôi! Phương châm sống của mình là, điều khiến chúng ta tốn nhiều thời gian nhất là việc lưỡng lự quá nhiều trước một quyết định nào đó. Mình còn trẻ, mình tin rằng rất khó để mình mắc một lỗi lầm nào lớn đến mức cuộc sống của mình lao dốc hoàn toàn và không thể vực dậy được. Ở tuổi trẻ này, mình có sức lực, có trí tuệ, mình thoải mái với việc học tập và khám phá những điều mới mẻ. Vậy nên, nếu thích gì thì mình sẽ làm luôn, không bị lãng phí thời gian để phân vân lưỡng lự quá nhiều.

emagazine image
emagazine image

Mình nghĩ rằng một phần do tính cách, một phần do trải nghiệm cuộc sống của mình tại Mỹ. Ở nơi mình đang học tập, ai cũng rất bận rộn. Trên Google Calendar của mọi người, luôn có những lịch trình và sự kiện liên tục từ sáng đến tối. Nếu mình không quyết định “Có” hoặc “Không” một cách nhanh chóng, những lời mời hoặc cơ hội mới có thể vụt qua tầm tay trong nháy mắt. Mình học được văn hoá đó từ lúc học tại đây.

Khi còn học ở Việt Nam, mình cũng luôn nhanh chóng nắm bắt các cơ hội, ví dụ như các cuộc thi tiếng Anh, cuộc thi hùng biện, các suất học bổng. Mỗi khi thấy có cơ hội mới, mình luôn nắm bắt ngay. Sự thật là mình thất bại trong rất nhiều cuộc thi và học bổng, số lần trượt còn nhiều hơn số lần có giải. Nhưng 100 lần thất bại thì cũng có khoảng 10 lần may mắn!

emagazine image

Có lẽ là giai đoạn khó khăn của những lần đi làm đầu tiên.

Sau khi nộp hồ sơ cho hơn 100 công ty khác nhau tại Mỹ, mình có cơ hội thực tập đầu tiên tại một công ty khởi nghiệp thuộc hệ sinh thái Silicon Valley. Tỷ lệ nhận công việc tại Mỹ là rất thấp, chỉ khoảng 1%, nên mình đã rất vui khi nhận được cơ hội này.

Sau khi làm việc tại đây khoảng 4 tháng, mình vẫn thấy có quá nhiều thứ mới lạ và có phần không phù hợp. Sản phẩm của công ty thú vị và tiềm năng, nhưng bản thân mình có những sự quan ngại nhất định về tính bảo mật thông tin cá nhân của sản phẩm. Vì vậy, khá khó để mình có thể thoải mái sản xuất nội dung trên mạng xã hội về sản phẩm đó. Cùng lúc, mình vẫn vừa đi học tại trường, vừa làm nội dung Youtube,... nên mọi thứ trở nên quá nhiều và khó có thể cân bằng.

Vì vậy, mùa hè đó, thay vì đến New York để làm việc toàn thời gian cho công ty, mình đã quyết định nghỉ việc, về thăm gia đình tại Việt Nam, và chọn một cơ hội thực tập online khác. Theo tiêu chuẩn của các bạn học sinh tại Mỹ, đó là một quyết định thất bại. Mình có một cơ hội rất tốt, nhưng mình đã không làm đến cùng. Nhiều bạn bè của mình tại Mỹ còn tụ họp lại với nhau để cùng thực tập tại New York. Trong lúc đó, mình lại lựa chọn về Việt Nam, không có trải nghiệm giống như các bạn, chưa kể đến việc thu nhập của mình cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định này. Giai đoạn đó, mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều, có nhiều suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

emagazine image

Gần đây mình có xem hoạt hình Inside Out 2 - một bộ phim rất nổi tiếng. Trong phim cũng kể rằng, khi chúng ta lớn lên, thế giới cảm xúc bên trong mình bắt đầu trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Không chỉ có những người bạn cảm xúc quen thuộc như Vui (Joy), Buồn (Sadness),... mà bạn Lo Âu (Anxiety) hay bạn Ghen tị (Jealousy) cũng ghé thăm và đôi khi nắm quyền kiểm soát. Những cảm xúc đó là một phần trong mình, đang cố gắng đáp ứng một nhu cầu nào đó. Vậy nên, cảm xúc tiêu cực không phải điều gì tồi tệ, mà là một điều nhất định sẽ có trên hành trình trưởng thành.

Khi mình lựa chọn về Việt Nam thay vì ở lại New York thực tập, mình thường tự nói với mình rằng, mỗi người sẽ có một cung đường trưởng thành và thành công riêng. Con đường của mình có thể khác với con đường của các bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là mình sẽ thất bại.

emagazine image
emagazine image

Đối với mình, “một chương mới” liên quan nhiều đến việc thay đổi vị trí địa lý. Chương mới đầu tiên rất đáng nhớ là khi đi du học Nhật hồi cấp Ba (từ lớp 10 đến lớp 12). Đó cũng là lúc mình bén duyên với việc học tập bằng tiếng Anh và bắt đầu tập làm Youtube. Suốt 3 năm cấp Ba đó, mình làm video mà không ai xem cả, nhưng cũng không sao! Đó là khoảng thời gian mà mình làm bất cứ nội dung nào mình thích, và tập tành dựng video sao cho hay.

Chương mới thứ hai là khi mình bắt đầu vào Đại học Cornell tại Mỹ. Đó cũng là khoảng thời gian mà kênh Youtube của mình được nhiều bạn xem hơn, với những chủ đề khác nhau như học IELTS, nộp hồ sơ du học, cuộc sống tại đại học VinUni,... 

Chương mới thứ ba là khi mình quyết định có một năm gap year tại Việt Nam, thực tập tại Vietcetera, làm host của những chương trình như “Gen Z Truyền” hay “Con nhà người ta”.

Còn chương mới thứ tư thì đang chuẩn bị đến. Mình cũng chưa biết mình sẽ làm gì, ở đâu sau khi tốt nghiệp Đại học, nên cũng đang khá lo lắng về chương kế tiếp.

emagazine image

Mình có chứ! Lúc đầu sang Nhật Bản, mình rất nhớ bố mẹ. Mình mới 15 tuổi mà phải sống xa bố mẹ một năm liền. Lúc đó, mình cũng chưa hoà nhập được với các bạn mới, chương trình học cũng khá khó. Mình đã định nộp hồ sơ lại vào các trường quốc tế tại Việt Nam, hoặc chuyển sang một trường khác. Thế nhưng, các trường quốc tế tại Việt Nam thì rất đắt, bố mẹ mình không thể chi trả được. Mình nộp hồ sơ cho một số trường tại Mỹ và cũng đều trượt cả. Vậy nên mình phải tiếp tục cố gắng theo học tại Nhật.

Lúc đầu, có một điều mình không ưng tại trường bên Nhật của mình là không có các hoạt động ngoại khoá, ví dụ như Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc (Model United Nations) - một chương trình mình đã tham gia và rất thích. Sau đó, mình đã có một sự thay đổi tư duy. Thay vì phàn nàn về những thứ trường của mình không có, mình có thể tự tạo ra thứ mà mình muốn có. Thay vì cảm thấy khó thích nghi, mình cần tự biến cộng đồng đó thành nơi mình cảm thấy thuộc về. Vậy là, mình quyết định tự tổ chức Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc đầu tiên tại trường, mời các bạn học sinh Nhật Bản từ nhiều nơi đến tham dự. Cuối cùng, chương trình thu hút rất nhiều bạn tới thăm trường, giúp trường được biết đến nhiều hơn. Mình cũng được trường tại điều kiện để phát triển thêm những chương trình như vậy.

Mình cũng mang tư duy “không có thì tự tạo ra” đó vào năm gap year của mình. Mình muốn làm ở Vietcetera, nhưng công ty lại không có sẵn vị trí mình muốn. Vậy là mình tự tạo ra vị trí đó bằng cách xin việc sáng tạo qua video Youtube của mình.

emagazine image
emagazine image

Khi lên cấp Ba, mình coi Youtube là một nơi giải toả căng thẳng, với mục đích chính là chia sẻ về cuộc sống cá nhân cho bố mẹ mình ở Việt Nam - những người chưa bao giờ được đi nước ngoài. Vì vậy mình chọn tên kênh là Vừng - tên ở nhà mà bố mẹ đặt cho mình từ hồi nhỏ. Cuộc sống của mình tại Nhật cũng dễ chịu, không tất bật như thời gian học Đại học sau này. Vì vậy, việc làm Youtube giai đoạn đầu khá nhẹ nhàng và vui vẻ. 

Sau 6 năm làm Youtube, mình thấy công việc này mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực.

Ở khía cạnh tích cực, nhờ công việc này, mình quen biết thêm nhiều anh chị Youtuber khác như Meichan, Quỳnh Tít, Khánh Vy, Mẫn Nhi,... Đó đều là những người mình rất ngưỡng mộ, và thật vui khi bây giờ mình và các bạn đang cùng theo đuổi một công việc. Mình coi các bạn như những đồng nghiệp từ xa, có thể học hỏi nhau hàng ngày. Việc làm Youtube cũng mang lại nhiều cơ hội đặc biệt cho mình, ví dụ như được host một số chương trình tại Vietcetera, được phỏng vấn nhiều người mình rất ngưỡng mộ, hay được gặp đại sứ Palestine. Nếu không làm Youtube, có lẽ mình sẽ không có được những cơ hội này.

emagazine image

Cùng lúc, việc làm Youtuber cũng cho mình thêm nhiều hiểu biết thực tế về lĩnh vực truyền thông, sáng tạo, quảng cáo. Mình hiểu được quy trình triển khai một chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng, cách họ chọn các kênh phân phối khác nhau để nội dung chạm được đến người dùng. Mình - trong vai trò của một content creator, cũng là một trong những kênh phân phối nội dung, hỗ trợ thương hiệu lan tỏa thông tin về sản phẩm và về nhãn hàng. Đó là những kinh nghiệm và kiến thức rất thực tế mà nếu như học ở lớp marketing tại trường, chưa chắc mình đã có được những hiểu biết sâu đến vậy. 

Còn ở khía cạnh tiêu cực, mình hay có áp lực về lượt view hay lượt tương tác. Mình muốn có sự nhất quán trong những video mình tạo ra và đăng tải. Vậy nên, công việc này cũng mang lại áp lực đôi chút. Ngoài ra, việc làm video trên mạng xã hội như Instagram, Youtube, TikTok cũng khiến mình phải dành nhiều thời gian trên những nền tảng này, vì chỉ bằng cách đó mình mới có thể biết được những insight mới để làm nội dung được chất lượng. Mình không thích việc phải sử dụng mạng xã hội quá nhiều, nhưng vẫn cần thích nghi theo đặc thù của công việc.

emagazine image

Ở mỗi một vị trí địa lý, tại mỗi một thời điểm, mình thấy bản thân ở những phiên bản rất khác nhau.

Ở Nhật Bản, mình đúng là một mọt sách. Mình ôn thi rất nhiều. Cuộc sống tại Nhật gần như chỉ xoay quanh chương trình học Tú tài Quốc tế IB (International Baccalaureate). Đó là một chương trình học khá khó, lại hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mình cũng cần học SAT và TOEFL để chuẩn bị nộp hồ sơ Đại học. Dù học nhiều như vậy, mình lại thấy khá dễ, nếu như so với thời điểm này. Khi đi học, mình luôn có đáp án đúng và sai. Mình tìm đúng đáp án là ổn. Nhưng bây giờ, khi đi làm, không có đáp án nào thực sự là đúng, hay thực sự là sai cả. Mọi thứ không còn rõ ràng như trước nữa, mà đòi hỏi bản thân mình phải tự thử nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình.

Ở Mỹ, mình lại được mở rộng bản thân với nhiều kỹ năng mềm, chứ không chỉ dừng ở khía cạnh học tập. Mình được học về kỹ năng networking, cách tạo dựng mối quan hệ với những người trong ngành, cách xây dựng cộng đồng…Bởi đặc thù số lượng sinh viên rất lớn ở trường Đại học, tất cả mọi người đều bận rộn, rất khó để mình có những tình bạn sâu đậm. Trong thời gian học Đại học này, mình đã liên tục chủ động tổ chức các sự kiện và mời các bạn đến tham gia. Ví dụ như mời các bạn đến trải nghiệm đồ ăn Việt, cùng mở một câu lạc bộ đọc sách hàng tuần. Bằng cách này, mình mở rộng và duy trì được những mối quan hệ bạn bè, mình cũng học được nhiều về cách mà xã hội vận hành.

emagazine image
emagazine image

Tại thời điểm mình quyết định có một năm gap year, có một thứ hiện hữu rõ ràng là áp lực đồng trang lứa. Năm đầu học Đại học, mình học ngành quan hệ lao động quốc tế với nhiều lớp học về luật lao động tại Mỹ, lịch sự lao động tại Mỹ,... Hầu hết mọi người trong lớp đều đã biết trước về lịch sự lao động Mỹ, biết những từ vựng về luật pháp tại Mỹ. Trong khi đó, mình gần như không biết gì. Sau những lớp học như vậy, mình cảm thấy bị tụt lại phía sau rất nhiều. Mình muốn đổi sang một ngành học khác phù hợp hơn, nhưng cũng chưa có một ý định rõ ràng.

Chính vì vậy, mình quyết định gap year để có thời gian nhìn lại hành trình học của mình năm vừa rồi, chuẩn bị tinh thần vững vàng hơn, nghiên cứu và lựa chọn một ngành học phù hợp. Xuất phát điểm của quyết định này không được tươi đẹp lắm, nhưng kết thúc năm gap year, mình đã vững vàng hơn rất nhiều. Mình biết được mình muốn chọn ngành học nào, mình có trải nghiệm thực tập rất vui tại Việt Nam, mình biết được công việc mà mình yêu thích.

emagazine image

Mình có một thói quen là luôn có nhiều kế hoạch dự phòng cho mỗi một quyết định. Nếu phương án A không khả thi, mình sẽ có sẵn phương án B, phương án C trong đầu. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, mình tự tin hơn để đưa ra quyết định. 

Ví dụ, sau khi tốt nghiệp, mình có tới tận 4 kế hoạch: 

Phương án A là tìm được việc làm tại Mỹ và mình sẽ tiếp tục thử sức tại Mỹ

Phương án B là nếu không tìm được việc làm tại Mỹ, mình sẽ xin visa sang Anh, bởi Anh có cấp visa 2 năm cho các bạn tốt nghiệp các trường thuộc top trường Ivy League. Mình không cần việc làm từ trước, chỉ cần đăng ký visa đó là có thể ở lại, và tiếp tục tìm việc sau. 

Phương án C là mình tìm các công việc tại Singapore, hoặc liên hệ lại với trường cấp 3 của mình tại Nhật xem có công việc nào phù hợp

Phương án D là mình sẽ về Việt Nam, làm công việc như năm mình gap year.

Đó! Mình có tận 4 kế hoạch. Phương án nào không thành thì mình sẽ tiếp tục với phương án thứ hai. Mình có tư duy này bởi thực ra mình không có cái gì cả. Bố mẹ mình sắp nghỉ hưu, nên sẽ không thể hỗ trợ được mình. Mình cũng không có một khoản tiền lớn để dựa nào nếu mình không đi làm. Vì vậy, mình sẽ phải quyết đoán hơn một chút, lập kế hoạch kỹ lưỡng và linh hoạt ứng phó theo những kế hoạch mà mình đã đặt ra.

emagazine image
emagazine image

Mình sẽ muốn chia sẻ với các bạn hai điều.

Thứ nhất là, nếu như các bạn luôn cố gắng trong công việc và học tập, cơ hội phù hợp sẽ luôn đến. Mỗi chúng ta đều có thể tạo ra những giá trị rất riêng trong công việc và sự nghiệp của riêng mỗi người. Mình mong chúng ta cùng tỉnh táo trước những thông tin như là “20 tuổi kiếm được hàng trăm triệu hàng tháng”. Chúng ta chỉ cần tập trung vào phát triển năng lực và chăm sóc bản thân mình mà thôi, bảo vệ mình không bị ảnh hưởng bởi những thông tin bên ngoài.

Điều thứ hai, nói ra thì không biết có thừa không, nhưng mình sẽ muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sức khỏe thể chất. Năm nay, mình mới thực sự bắt đầu đầu tư vào sức khỏe bằng cách tập chạy marathon và một số môn thể thao khác. Em gái mình là một vận động viên trong đội tuyển quốc gia, mình luôn rất ngưỡng mộ mức năng lượng mà em ấy có được. Mỗi lần đi chơi hay đi du lịch, em ấy chạy nhảy khám phá phải gấp 10 lần mình. Từ khi bắt đầu tập thể dục, mình cũng không còn bị đau mỏi vai gáy hay bị táo bón như trước. Chúng ta còn trẻ, chúng ta có thể bắt đầu tạo những thói quen tập thể dục cho riêng mình, thay vì mải miết kiếm tiền rồi sau này phải lấy tiền đó để đi khám bệnh viện.

emagazine image

Mình muốn nhắn nhủ chính mình là: “Bạn Vừng có tận 4 kế hoạch dự phòng khác nhau sau khi tốt nghiệp. Vậy mà bạn Vừng vẫn cứ hay lo âu về những điều sẽ xảy ra trong khoảng thời gian tiếp theo. Bạn Vừng hãy vững tin hơn vào bản thân và vào những kế hoạch mình đã đề ra nhé!”

Cảm ơn Vừng và chúc bạn bước sang một chương mới với thật nhiều niềm vui và sự vững tin vào bản thân mình!

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa