Vicky Giáp (Giáp Vũ Nam Dương) là một trong những cái tên đầu tiên chúng tôi lựa chọn cho chuyên mục Một Chương Mới này. Không còn là cái tên quá mới mẻ, Vicky từng xuất hiện trên hàng loạt tiêu đề báo chí với danh xưng nữ sinh đạt điểm SAT thuộc Top 1% cao nhất thế giới, từng làm MC tại chương trình Zlife của VTV, từng có chuyến trao đổi tại Đại học Cornell (Mỹ).
Thế nhưng, với khẳng định chắc nịch rằng: “Mình chỉ là một người rất bình thường!” trong một video trên kênh TikTok cá nhân, chúng tôi quyết tâm mời Vicky đến để khám phá về những bài học trên hành trình chuyển mình mạnh mẽ, can đảm của cô bạn. Qua đó, chúng tôi mong rằng có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người bình-thường về việc tạo ra những sự chuyển mình quan trọng và ý nghĩa trong năm mới 2024.
Sở hữu thành tích học tập ấn tượng, Vicky từng nhận được vô vàn học bổng giá trị từ các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Chắc hẳn đã có một lý do đặc biệt đưa Vicky đến quyết định ở lại Việt Nam để học Đại học?
Thời điểm ấy, sau khi nhìn lại tất cả cơ hội học tập, mình nhận ra khi đã đạt được học bổng để đi nước ngoài rồi tức là việc đi du học không còn là một điều quá khó, mình có thể đi bất cứ lúc nào. Tuy vậy, nếu đi du học thì mình có thể sẽ chỉ là một trong hàng nghìn bạn du học sinh, thậm chí hàng chục nghìn bạn trong những ngôi trường danh giá đó.
Trong khi ấy, VinUni là một dự án hoàn toàn mới, tham gia học tại VinUni - mình sẽ là khoá đầu tiên, có thể trực tiếp đề xuất những dự án đầu tiên, đóng góp xây dựng từ nền móng sơ khai của một trường Đại học. Điều này sẽ tạo nên nhiều trải nghiệm thú vị trên chặng đường học Đại học và Vicky tin rằng đó là cơ hội chỉ có duy nhất một lần trong đời, có thể mình sẽ sống cả phần quãng đời còn lại mà không chứng kiến thêm một trường Đại học nào mở ra nữa. Tình cờ, trước đó mình cũng là khoá học sinh đầu tiên của Vinschool, là người trực tiếp nhìn thấy hệ thống Vinschool phát triển lớn mạnh thế nào. Vậy nên Vicky đặt niềm tin vào đội ngũ đằng sau hệ thống giáo dục này và hào hứng lựa chọn VinUni cho bốn năm học Đại học của mình.
Quyết định này có phải là một cột mốc trong cuộc đời của Vicky?
Vicky nghĩ là có. Đúng hơn là giai đoạn chuyển từ học sinh sang sinh viên Đại học. Khi học cấp III, mình phụ thuộc khá nhiều vào thầy cô và sách vở, tất cả các môn học đều có công thức để giải, thậm chí môn Văn cũng sẽ có barem điểm để được hướng dẫn làm bài. Nhưng khi vào Đại học, mình phải chủ động hơn rất nhiều, một số môn học cần phản biện và nghiên cứu chi tiết hơn. Đó là sự chuyển mình về mặt tri thức.
Một điều khá… thú vị là đa số những giai đoạn mang tính cột mốc trong cuộc đời Vicky tính đến nay đều liên quan đến quyết định mình ở Việt Nam hay đi nước ngoài. Một trong những cột mốc lớn nhất của mình là quyết định về Việt Nam sau 10 năm sống ở nước ngoài.
Trước đây, Vicky sống ở Anh, Áo và Singapore, đến cấp II thì về Việt Nam và… sốc văn hoá kinh khủng. Trước đó ở châu Âu rất tự do và thoải mái nhưng đến khi về Việt Nam, có rất nhiều quy tắc mới về văn hóa mình cần phải học. Tiếng Việt của Vicky cũng chưa tốt nên giai đoạn ấy thật sự rất khó khăn, dần dần mới có thể thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam.
Vậy trong số đó, đâu là sự chuyển mình mang đến cho Vicky nhiều trải nghiệm nhất?
Năm vừa rồi, Vicky may mắn nhận được cơ hội đi học trao đổi ở Đại học Cornell, Mỹ trong hơn một kỳ học và sau đó, mình ở lại Mỹ để khám phá thêm. Mặc dù đã từng có thời gian ở nước ngoài rất lâu nhưng trải nghiệm lần này tại Mỹ khác biệt rất nhiều. Thay vì được bố mẹ dắt tay tới mọi nơi, lần này mình đủ lớn để tự khám phá tất cả. Và việc này cũng tạo ra một sự chuyển mình mới, thậm chí là một cột mốc lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ và tư duy của mình.
Trong ba năm học Đại học, mình từng làm MC, từng xuất bản sách, có network và một chút danh tiếng ở Việt Nam (cười). Đùng một cái sang nước ngoài, gần như tất cả những thứ mình xây dựng được trong ba năm ấy không còn quan trọng nữa. Không ai quan tâm bạn đã từng làm ở VTV, bạn đã từng lọt top đề cử Wechoice hay gì cả. Và những gì trước đây mình thấy quan trọng, sang đó gần như không còn giá trị nữa. Mình biết rằng, mình phải gây dựng lại tất cả mọi thứ từ đầu.
Tuy nhiên, việc từ một ai-đó tới không-là-ai-cả là một trải nghiệm không tệ! Không có ai quan tâm mình là ai nên Vicky cũng mạnh dạn hơn rất nhiều. Mình tiếp cận nhiều bạn mới, bắt đầu làm những dự án trước đây chưa dám thử, bắt đầu quyết liệt hơn trong việc khẳng định bản thân, tạo giá trị cho mình để được công nhận, được trao cơ hội. Đó là một sự trưởng thành cả về con người và sự nghiệp của Vicky.
Ở Việt Nam, Vicky học Kinh doanh nên xung quanh toàn là những doanh nhân thành đạt. Chính vì vậy, khái niệm về thành công của mình cũng bị “bó hẹp” trong môi trường như vậy. Tới khi mình sang Cornell, quen với các bạn học đa ngành hơn, từ nông lâm nghiệp tới kiến trúc, nghệ thuật và cả nghiên cứu sinh học. Góc nhìn và quan điểm về sự thành công mà các bạn đem lại cho mình rất khác, các bạn đều có cuộc sống, ước mơ rất khác với những điều mình từng tiếp xúc trước đây. Điều tuyệt vời nhất là họ đều rất thành công và hạnh phúc theo cách riêng.
Khi ấy mình mới thấy rằng có nhiều con đường để đi tới đích đến thành công và hạnh phúc của cuộc sống. Không nhất thiết phải đi theo con đường có nhiều người đi. Mình muốn sống một cuộc sống ý nghĩa theo cách riêng của mình.
Đứng trước những giai đoạn chuyển mình ấy, có khi nào Vicky tự hỏi bản thân: Nếu thất bại thì sẽ thế nào?
Có. Mình nghĩ ai ở độ tuổi này cũng đều sẽ “va” phải áp lực đồng trang lứa, nhất là khi mình sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Mỗi sáng thức dậy, lên LinkedIn là lại thấy ai đó vừa mới công bố một công việc mới, được đề bạt một vị trí mới… Sự cạnh tranh của chúng ta hiện tại không chỉ còn là với những người bạn đồng trang lứa mà còn là với tất cả những người mình theo dõi trên mạng xã hội. Khi mình còn học năm nhất Đại học, các bạn cùng phòng của mình đã đi làm, ngày nào các bạn cũng kể về chuyện ở cơ quan, các anh chị hướng dẫn dạy bạn những điều gì, có sự kiện nào xảy ra. Trong khi đó, mình chỉ ở nhà tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Mình mất một quãng thời gian để nhận ra, mình và các bạn đang làm hai việc khác nhau vì cả hai đều nhắm tới những mục tiêu khác nhau. Mình cần bổ sung kiến thức về văn hoá và lịch sử dân tộc vì trước đó đã ở nước ngoài quá lâu, mình muốn tìm hiểu lại. Bạn của mình đi làm vì muốn có kinh nghiệm làm việc. Rõ ràng cả hai đều đang đi đúng hướng, làm đúng việc phục vụ cho mục tiêu của mình. Vậy thì thế nào là thành công và thất bại? Điều này phụ thuộc vào khái niệm của mỗi người. Mỗi người có một chặng đường riêng, mục tiêu riêng và miễn là mình đi theo con đường mình chọn, hướng tới những giá trị mình mong muốn thì đó là thành công của riêng mình rồi.
Sau quá trình chiêm nghiệm đó cùng những kinh nghiệm làm việc trước đây, Vicky đã tìm thấy lĩnh vực mình thật sự muốn theo đuổi sau này?
Có một sợi dây kết nối giữa tất cả những công việc mình từng làm từ trước tới nay, đó là kể chuyện. Siêu năng lực của mình là kể chuyện. Lúc còn nhỏ, mình muốn đi học Văn học, muốn viết sách. Sau khi vào Đại học, mình muốn làm Marketing để kể những câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu, mang chúng tới gần hơn với khách hàng, công chúng.
Ước mơ lớn nhất của Vicky là có thể đem những sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế và kể những câu chuyện về Việt Nam. Ngày còn ở nước ngoài, mình rất thắc mắc vì hiếm khi thấy những sản phẩm “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) khi đi mua sắm hay tại sao khi nhắc đến những sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam khách hàng lại không có sự tin tưởng ngay lập tức như những sản phẩm tới từ Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi rõ ràng năng lực của người Việt Nam mình hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng như vậy. Thậm chí, hiện tại Vicky đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ Blockchain và thị trường Blockchain quốc tế đang sử dụng rất nhiều lập trình viên (Developer) đến từ Việt Nam. Vậy mà khi nói chuyện với bạn bè quốc tế, họ vẫn luôn nghĩ Việt Nam vẫn đang chiến tranh, lạc hậu và chưa được chạm tới những phát minh công nghệ hiện đại của nhân loại.
Vậy nên bất cứ một sản phẩm, một câu chuyện muốn đến được với người nghe một cách chính xác nhất - cần người marketing giỏi, có thể kết nối các bên lại với nhau. Đó là điều mình mong muốn hướng tới.
Câu chuyện thương hiệu nào đã truyền cảm hứng tới Vicky trên hành trình nuôi dưỡng ước mơ kể câu chuyện về sản phẩm, thương hiệu, con người đất nước Việt Nam ra thế giới không?
Đầu tiên là câu chuyện của VinFast. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng thực sự khi VinFast chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy người Việt Nam không chỉ sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp, may mặc,... mà còn là những sản phẩm công nghệ cao và có thể lên được sàn Nasdaq bên Mỹ cùng những "người khổng lồ" như Facebook, Google, Amazon., có thể hợp tác cùng các đối tác lớn, uy tín như BMW. Tất nhiên vẫn còn những điểm chưa hoàn chỉnh nhưng khi thấy họ đã làm được như thế, người trẻ Việt Nam là mình được gieo thêm suy nghĩ, tư duy và khát vọng kế thừa, nối tiếp và phát triển câu chuyện về thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Câu chuyện thứ hai là về cà phê Việt Nam. Cà phê Trung Nguyên là một ví dụ điển hình khi đã thành công ở thị trường Trung Quốc nhưng ở những thị trường khác như Mỹ, châu Âu - khi Vicky cho các bạn thử cà phê Trung Nguyên, mọi người rất thích nhưng chưa bao giờ nghe tới tên thương hiệu này. Vậy mới thấy có nhiều nhu cầu và thị phần cho cà phê Việt Nam trên toàn thế giới và Vicky tin rằng đây là một sản phẩm hoàn toàn chất lượng và có thể quảng bá rộng rãi trên khắp hành tinh.
Là người luôn tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ lĩnh vực mình yêu thích trước khi bắt đầu, việc sáng tạo nội dung đối với Vicky có thể không là ngoại lệ? Việc sáng tạo nội dung có củng cố cho kế hoạch tới mục tiêu trở thành một Marketer giỏi như Vicky muốn?
Mình bắt đầu với những video rất… vô tri trên TikTok trong giai đoạn giãn cách do Covid-19. Mọi người quan tâm đến kênh của Vicky từ những video mình chia sẻ về VinUni - trường Đại học của mình bởi đó là năm đầu tiên trường thành lập, mọi người khá tò mò về việc bên trong trường như thế nào, các sinh viên VinUni ra sao… Ngoài ra các sinh viên trong trường cũng thường bị gắn mác và định kiến rằng sinh viên trường này chỉ giàu, học không giỏi,... Và những video đầu tiên ấy của Vicky đã cho mọi người thấy một góc nhìn hoàn toàn khác về sinh viên VinUni: các bạn ngồi coding (lập trình máy tính), thiết kế các sản phẩm rất tập trung và chuyên nghiệp… Sau đó, mình tiếp tục “thừa thắng xông lên” với dạng nội dung lifestyle, cụ thể là chia sẻ với mọi người một ngày đi học/ đi làm của mình, cách học tiếng Anh, cách làm host,...
Đến bây giờ mình vẫn tiếp tục theo đuổi hướng nội dung đó và vẫn trong quá trình khám phá xem thực sự ngách nội dung nào phù hợp, vừa tạo ra giá trị cho người xem và tạo ra giá trị cho cả chính mình nữa. Tuy vậy, mình biết trong tương lai gần, mình chưa có ý định trở thành một full-time content creator mà muốn làm giáo sư giảng dạy trong lĩnh vực Marketing hơn.
Nhưng Vicky vẫn sẽ duy trì các kênh nội dung đa nền tảng chứ?
Chắc chắn rồi. Vicky nghĩ sự xuất hiện trên mạng xã hội là một điều tốt và đó là lý do mình vẫn duy trì các kênh dù không dành quá nhiều thời gian cho việc sản xuất nội dung. Mình nhận được rất nhiều cơ hội nhờ điều này và cảm thấy trong thời đại này, các bạn trẻ nên có từ một đến nhiều kênh nội dung cá nhân của mình. Đó có thể là một bản mini-portfolio (hồ sơ năng lực) để thể hiện bản thân, giá trị của mình từ những câu chuyện thường nhật và các đối tác có thể sẽ biết đến mình thông qua chính những nội dung như vậy.
Dù vậy, Vicky có bị áp lực với những con số trên mạng?
Hiện tại, kênh Instagram của Vicky đạt hơn 9 nghìn người theo dõi, kênh TikTok có hơn 60 nghìn lượt theo dõi - những con số khá khiêm tốn so với những người mình thấy The Influencer từng phỏng vấn (cười). Hiện nay, chúng ta dành quá nhiều thời gian trên mạng nên dần mất đi khái niệm về sự to lớn của các con số. 9 nghìn có thể là một lượng theo dõi nhỏ trên một kênh mạng xã hội nhưng thực tế, nếu 9 nghìn người đứng trước mặt mình thì đó là sự “khổng lồ” ra sao.
Nếu mình tạo ra được sức ảnh hưởng thì ảnh hưởng tới 1 người, 100 người hay 1000 cũng là minh chứng cho việc mình đang tạo ra giá trị cho cộng đồng của mình.
Đâu là giá trị bất biến Vicky sẽ luôn chia sẻ với cộng đồng của mình?
Sau khi về Việt Nam sinh sống và học tập, Vicky nhận ra môi trường giáo dục ở Việt Nam không thúc đẩy và khuyến khích các bạn nói lên suy nghĩ của mình nên các bạn trẻ ở Việt Nam có phần rụt rè hơn khi nói về suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình so với các bạn nước ngoài. Vậy nên thông điệp bất biến Vicky muốn chia sẻ tới cộng đồng của mình là hãy làm những điều mình thích, đam mê, hãy hành động vì điều mình tin, hãy có quan điểm riêng của bản thân và sẵn sàng đứng ra bảo vệ chúng!
Trong năm 2024, Vicky mong muốn bản thân sẽ có sự chuyển mình thế nào?
2024 là năm Vicky tốt nghiệp Đại học. Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất mà mình phải trả lời trong năm nay là sẽ làm gì và ở đâu sau khi mình tốt nghiệp. Mình sẽ đi Mỹ, tiếp tục làm cho công ty nước ngoài ở về Việt Nam để theo đuổi những cơ hội đang có. Mình nghĩ bản thân cần cố gắng hết sức với cả hai lựa chọn để có được những cơ tốt nhất trước khi đưa ra quyết định. Và quá trình trả lời câu hỏi này cũng sẽ là sự chuyển mình lớn nhất trong năm 2024 của Vicky!
Cảm ơn Vicky vì buổi trò chuyện thú vị. Chúc bạn có một sự chuyển mình như ý trong năm nay!