Mình không thể tin được rằng đã về Việt Nam được 6 tháng rồi! Cuộc sống của mình trong 6 tháng qua diễn ra rất nhanh. Mình cảm thấy hơi tiếc vì chưa có thời gian để ngồi lại, suy nghĩ, và xác định hướng đi rõ ràng cho những bước tiếp theo. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều biến động như hiện tại, mình thấy may mắn vì có nhiều việc để làm, bận rộn cũng là một điều tích cực.
Có lẽ là do công việc, và do mình muốn khám phá nhiều nơi, thử làm nhiều việc. Trong suốt thời gian du học, mình hầu như không rời khỏi Úc và cũng không có nhiều dịp về thăm Việt Nam. Vì vậy, trong những tháng qua, mình tận dụng mọi thời gian để khám phá con người và cuộc sống ở đây. Mình gặp gỡ bạn bè người thân ở Hà Nội, mình vào Sài Gòn. Mình cũng có dịp đến thăm Nhật Bản và một số nước xung quanh. Mỗi khi có chút thời gian rảnh rỗi, mình luôn cố gắng thêm vào một hoạt động nào đó. Điều này khiến cho nhịp sống của mình thời gian vừa rồi khá nhanh.
Điểm khác biệt nhất là mình trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Khi sống ở Úc, mọi thứ chỉ xoay quanh cuộc sống của cá nhân mình. Việc học tập, ăn uống, nấu nướng – tất cả chỉ để chăm sóc và chu toàn cho riêng bản thân mình mà thôi. Nhưng khi về Việt Nam, mình sống cùng cả gia đình, và rõ ràng mình không thể sống như khi còn ở một mình bên Úc. Trở về đây, mình rất vui khi được sống gần gia đình sau 4-5 năm, nhưng đồng thời cũng phải học hỏi rất nhiều về cách cân bằng cuộc sống, vì mọi thứ quá khác biệt so với giai đoạn 4 năm trước của mình. Ví dụ, mình bắt đầu biết quan tâm hơn đến những chuyện gia đình như nấu cơm ngày giỗ, đầu tháng hay rằm… Những điều này rất mới mẻ với mình, nhưng mình thích sự thay đổi đó.
Trước khi đi du học, mình cũng sống với bố mẹ, nhưng giống như bao bạn nhỏ khác, mình chỉ đi học và tối về nhà. Giai đoạn sang Úc du học cũng là lúc mình bắt đầu đi làm, tự lo cho bản thân và trở nên tự lập hơn. Giờ quay trở về Việt Nam, dù đây là quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, cuộc sống hiện tại lại hoàn toàn khác biệt so với giai đoạn trước khi mình đi du học. Mình thích những sự thay đổi này, một phần vì nó khác biệt với giai đoạn trước, một phần khác vì mình thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Khi nhắc đến “một chương mới”, mình nghĩ đến 3 giai đoạn, và trùng hợp là cả 3 giai đoạn này đều xảy ra trong 5 năm gần đây.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình sang Hà Lan học ngành tâm lý. Vì được gia đình định hướng từ sớm rằng sẽ du học sau khi học xong cấp 3, nên mình không coi đây là một bước ngoặt lớn. Mình đã luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và mọi yếu tố khác cho kế hoạch du học này.
Điều mình không thể chuẩn bị được là việc sau khi học tại Hà Lan 1 năm, mình nhận ra mình không hợp với ngành tâm lý và không muốn tiếp tục theo đuổi ngành học này. Trong khoảng thời gian đó, mình có cơ hội trải nghiệm công việc trong ngành truyền thông và nhận thấy nó phù hợp với bản thân hơn. Mình đã đưa ra một quyết định táo bạo: dừng học ngành tâm lý ở Hà Lan, trở về Việt Nam và nộp hồ sơ lại từ đầu để sang Úc học ngành truyền thông. Việc chuyển từ Hà Lan sang Úc là một một quyết định rất lớn trong cuộc đời mình.
Chương thứ hai là khi mình tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm ở Úc. Mình luôn mong muốn được làm việc ở nước ngoài, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thực sự có cơ hội đó. Năm vừa rồi, khi có cơ hội làm việc ở Úc, mình đã rất trân trọng khoảng thời gian này. Và chương thứ ba là khi mình quyết định dừng làm việc tại Úc, dừng cuộc sống đang rất ổn của mình tại đó và trở về Việt Nam sau hơn 4-5 năm.
Giờ khi nhìn lại quyết định đó, mình thấy mọi thứ có vẻ nhẹ nhàng. Nhưng vào thời điểm đó, đây là một trong những quyết định khiến cuộc sống của mình xáo trộn nhất.
Mình lớn lên trong môi trường trường chuyên lớp chọn. Khi đưa ra quyết định này, một trong những nỗi lo lớn của mình liên quan đến áp lực từ bạn bè và xã hội xung quanh. Các bạn của mình đều đạt được những thành tích rất cao, và mình chưa từng thấy ai trong số họ đưa ra quyết định tương tự như mình. Bây giờ nhìn lại, mình nhận ra rằng mình đã chịu rất nhiều áp lực vô hình khi tự so sánh bản thân với bạn bè trong khoảng thời gian đó.
Hơn nữa, lúc đó mình còn rất trẻ, chỉ mới 18-19 tuổi, mình không chắc rằng quyết định của mình có đúng hay không. Mình chỉ cảm thấy rằng bản thân hợp với ngành truyền thông hơn, nhưng không biết liệu sau khi chuyển sang Úc và học ngành này, mình có còn cảm thấy thích nữa không, hay lại thấy rằng ngành truyền thông cũng không phù hợp như mình nghĩ. Mình đã lo lắng và áp lực rất nhiều.
Mình cũng lo về vấn đề tài chính. Việc đi du học và gánh nặng tài chính là một vấn đề lớn đối với nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, và gia đình mình cũng không ngoại lệ. Bố mẹ đã dành ra một khoản để mình đi du học, và mình lo rằng sau khi đã học một năm ngành tâm lý ở Hà Lan, liệu mình có thể nhận được học bổng hoặc đủ chi phí để tiếp tục học tập khi chuyển sang Úc hay không. Có rất nhiều lý do khiến mình lo sợ, nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là không biết liệu quyết định của mình có đúng hay không.
Đúng là khi phân vân giữa hai sự lựa chọn và khi ở giữa nhiều sự lo lắng, mình có nghĩ đến việc cứ tiếp tục đi tiếp con đường đã chọn, bởi học ngành tâm lý ở Hà Lan chỉ mất khoảng 3 năm, và mình đã hoàn thành xong một năm rồi. Nhưng có một khoảnh khắc như một cú búng tay khiến mình chắc chắn rằng mình cần chọn con đường khác.
Hồi đó mình khóc rất nhiều, nhưng có một ngày, sau khi khóc, mình nhận ra mình không muốn ngày mai lại khóc như vậy nữa. Khi đó, mình mới 18 tuổi, và mình nghĩ rằng đây là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Mẹ mình luôn chia sẻ rằng mẹ muốn mình đi du học để có những trải nghiệm thú vị trong những năm tháng thanh xuân, để mở mang tầm nhìn và học hỏi nhiều điều mới. Nhưng mình nhận ra rằng, mỗi ngày mình thức dậy đều cảm thấy cuộc sống này không phù hợp với mình, mình không thực sự tận hưởng và không thấy hạnh phúc ở đó.
Mình còn nhớ có một tin nhắn từ mẹ trong một đêm mình đang rất buồn. Mẹ chia sẻ rằng mẹ không quan tâm nhiều đến chuyện học hành của mình nữa, mẹ chỉ lo cho tâm lý của mình, mẹ nhắn mình là “Mẹ chỉ muốn con về, ở cạnh bố mẹ để bố mẹ yên tâm”. Điều này đã khiến mình nhận ra rằng mình không muốn ở trong trạng thái như vậy nữa, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn đến cả những người yêu thương mình.
Khoảnh khắc đó, mình chỉ muốn rằng ngày mai mình sẽ không còn buồn nữa, và trong những năm tháng thanh xuân, mình nên sống thật hạnh phúc, đúng như những lời bố mẹ đã dặn. Mình nghĩ đó chính là khoảnh khắc quyết định để mình thay đổi.
Trước khi chuyển sang Úc, mình có cơ hội làm việc với một marketing agency Việt Nam trong một dự án, và mình thấy công việc đó rất thú vị. Lúc đó, mình đã mơ ước được làm việc tại một marketing agency ở Úc, mình đã viết về ước mơ này trong tất cả các bài luận gửi cho các trường đại học. Tuy nhiên, trong quá trình học tại Úc, mình nghe rất nhiều bạn xung quanh chia sẻ rằng một du học sinh như mình sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn nếu ứng tuyển vào các marketing agency ở Úc. Ngành này vốn đã rất cạnh tranh đối với các bạn người Úc, còn mình là một du học sinh, tiếng Anh dù tốt đến đâu cũng khó mà so sánh với các bạn bản xứ.
Sau khi tốt nghiệp, mình quyết định không nộp hồ sơ vào các marketing agency. Rất ít người biết câu chuyện này. Mọi người thấy mình đi làm và nghĩ rằng mình đã nộp hồ sơ ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng thực tế, mình không dám ứng tuyển vì sợ rằng nếu mình trượt, mình sẽ phải đối mặt với sự thật rằng mình không có khả năng như mình tưởng. Mình sợ sẽ thất vọng về bản thân, nên đã chọn tìm công việc khác mà mình cũng thích, nhưng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trong 6 tháng sau đó, dù làm các công việc khác, mình vẫn luôn cảm thấy không trọn vẹn. Việc không ứng tuyển không đồng nghĩa với việc giấc mơ của mình biến mất. Trong suốt 6 tháng đó, mình vẫn liên tục nghĩ về điều này. Và rồi, có một hôm mình không ngủ được, thức đến 4-5 giờ sáng và cứ ngồi nhìn các công việc trên LinkedIn. Đó là khoảnh khắc mình nghĩ: “Đã đến nước này rồi, thử nộp hồ sơ đi cho biết”. Nếu chưa bao giờ thử, suy nghĩ “không biết mình có khả năng làm được hay không” sẽ luôn ám ảnh mình. Vậy là mình mình quyết định gửi hồ sơ, nghĩ rằng nếu đã cố gắng hết sức mà không được thì ít nhất mình cũng không còn phải trăn trở về nó. Thật may mắn là mình đã được nhận vào marketing agency mà mình mơ ước, có một năm đi làm rất tuyệt vời.
Quyết định trở về Việt Nam của mình đến sau nhiều thời gian suy nghĩ và được thúc đẩy bởi nhiều lý do. Một trong những lý do đầu tiên là mình chưa bao giờ nghĩ đến việc định cư ở nước ngoài lâu dài. Mình luôn muốn sống gần bố mẹ, gần gia đình, không nhất thiết phải quá gần như Hà Nội, nhưng ít nhất là có thể thăm họ dễ dàng hơn so với việc sống ở Úc. Mình cũng từng nghĩ đến việc chuyển vào Sài Gòn trong tương lai.
Ngoài ra, nếu tiếp tục ở lại Úc và theo đuổi mục tiêu định cư, mình sẽ phải dành tất cả tuổi trẻ của mình chỉ để theo đuổi điều đó. Việc có thẻ định cư có thể mất 5-6 năm, thậm chí 10 năm, mà vẫn không phải là điều mình mình kiểm soát được hoàn toàn. Luật của Úc có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Và mình không muốn dành cả thanh xuân để theo đuổi một mục tiêu mà mình không chắc chắn sẽ đạt được, nhất là khi mình chưa từng đam mê điều đó. Thay vào đó, mình muốn dành sức lực và tâm huyết của mình để làm những điều khác, để tìm kiếm những cơ hội mới hoặc đơn giản là sống đúng với bản thân và hạnh phúc hơn.
Thời gian sống ở Úc, mọi thứ đã vào guồng, mình hiểu rõ mọi thứ từ chi phí hàng tháng đến công việc. Mình trở về Việt Nam đã nửa năm nay, mình vẫn cảm thấy lo lắng vì mọi thứ chưa ổn định như ở bên kia, mình chưa thể kiểm soát được mọi thứ hoàn toàn. Nhưng mình vẫn cảm thấy muốn về đây hơn, bởi mình nhận thấy môi trường xung quanh mình, đặc biệt là các bạn trẻ, rất năng động. Mình muốn sống trong một môi trường như vậy, nơi mà mình cảm thấy mình có thể phát triển và học hỏi nhiều hơn. Ở Úc, cuộc sống ổn định là điều tích cực, nhưng khi mọi thứ đã quá ổn định, mình lại cảm thấy cuộc sống hàng ngày trở nên nhàm chán. Sống ở Việt Nam với môi trường năng động, mình tin rằng sẽ phát triển bản thân tốt hơn rất nhiều.
Sự thay đổi lớn nhất là tính cách của mình. Trước khi đi du học, mình dễ bộc lộ cảm xúc và phản ứng ngay lập tức mà không suy nghĩ nhiều về hậu quả. Nếu ai đó làm mình bực mình, mình sẽ phản ứng ngay mà không suy xét liệu phản ứng đó có đúng hay không. Tuy nhiên, sau 4-5 năm, mình suy nghĩ nhiều hơn trước khi hành động, vì mình nhận thức được rằng những hành động và quyết định của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động đến người khác và gia đình..
Một sự thay đổi khác mà mình cũng quan sát được rằng, mình trở nên có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và mất đi một phần sự liều lĩnh mà mình từng có. Ví dụ, khi mình quyết định không học ở Hà Lan nữa và về Việt Nam, đó là một quyết định liều lĩnh. Nhưng bây giờ, nếu đặt vào hoàn cảnh hiện tại, mình không nghĩ mình dám làm như vậy nữa vì lo lắng về tài chính, thời gian và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đối với mình, mất đi sự liều lĩnh đó là một điều tiêu cực, vì đôi khi sự dám nghĩ dám làm có thể mở ra nhiều cánh cửa mới và cơ hội bất ngờ trong cuộc sống tuổi trẻ. Mình muốn bản thân tự tin và can đảm hơn, nhưng vẫn sẽ có một sự cân nhắc nhất định khi đưa ra một quyết định nào đó.
Điều đầu tiên là tính lo xa, điều mà đã đi cùng mình từ bé đến lớn. Mình nhận thức rõ về điều này khi mẹ mình kể lại một câu chuyện hồi mình còn bé, khoảng 4-5 tuổi. Đang chơi rất vui ở công viên, tự nhiên mình khóc. Mẹ hỏi tại sao lại khóc, mình trả lời rằng mình lo ngày mai sẽ không được chơi vui như thế này nữa. Đó là lúc mình nhận ra tính lo xa đã ăn sâu vào mình từ nhỏ, và mình luôn cố gắng tìm cách giới hạn nó lại.
Đến thời điểm này, mình không còn lo về chuyện học ở đâu hay có tốt nghiệp được hay không, thì mình lại tiếp tục lo xa về công việc, về cuộc sống trong giai đoạn sắp tới. Sự lo xa vẫn ở đó, chỉ là nó thay đổi theo thời gian. Và thật may mắn khi mình nhận thức được rõ về sự lo xa bên trong mình. Thay vì để nỗi lo ấy chi phối, mình biến nó thành động lực để lập kế hoạch cụ thể và tập trung vào những gì có thể kiểm soát được. Ví dụ, khi lo lắng về tương lai, mình lập kế hoạch cho 1 năm tới và quyết tâm tập trung kế hoạch đó mà không suy nghĩ quá nhiều.
Điều thứ hai không thay đổi là sự cam kết vào hành trình phát triển của bản thân. Mình luôn mong muốn rằng năm sau mình sẽ làm tốt hơn năm nay. Đây cũng là một trong những lý do khiến mình quyết định không ở lại Úc nữa. Mình nhận ra rằng nếu tiếp tục ở Úc, tốc độ phát triển của mình về công việc, cuộc sống và mọi thứ khác có thể sẽ không tiến bộ hơn so với tốc độ của những năm trước. Việc luôn cố gắng phát triển bản thân là một trong những điều mình luôn giữ vững.
Đúng là có một chút đối lập ở đây ha! Khi ở Úc, mình nhận thấy sự lo xa không ảnh hưởng quá nhiều, vì mọi thứ ở đó rất ổn định. Mình biết rằng nếu làm việc chăm chỉ, mọi thứ sẽ tiến triển tốt đẹp: lương sẽ tăng, công việc thăng tiến, và cuộc sống sẽ êm đềm. Nếu mình chọn ở lại Úc, có lẽ sự lo xa sẽ dần biến mất, vì cuộc sống sẽ tiếp tục theo quỹ đạo ổn định.
Nhưng khi quyết định về Việt Nam, mình biết rằng mình sẽ phải đối mặt với sự lo xa này và có thể cảm thấy rất căng thẳng trong vài tháng, thậm chí vài năm tới. Mình đã phải cân nhắc giữa việc chọn sự ổn định, hay chấp nhận sự bất định để đón nhận những thách thức mới. Cuối cùng, mình chọn quay về Việt Nam, chấp nhận những khó khăn để được sống trong một môi trường thúc đẩy sự phát triển của bản thân.
Nếu không lo lắng về tương lai và chọn con đường dễ dàng hơn, có thể mình sẽ không bứt phá hết tiềm năng của mình. Khi còn lo xa, nghĩa là chúng ta chưa biết ngày mai ra sao, và điều đó thúc đẩy ta luôn cố gắng phát triển để hướng tới một ngày mai tốt đẹp hơn. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến mình chọn con đường khó khăn hơn. Mặc dù mình thích sự ổn định và cảm giác bình yên, nhưng khi thực sự ở trong trạng thái đó, mình lại không bao giờ cảm thấy trọn vẹn. Có lẽ vì bản tính là người hay lo xa, nên mình vẫn cần một chút lo lắng trong cuộc sống để thúc đẩy bản thân cố gắng mỗi ngày. Mình nghĩ rằng sự lo xa này, dù không cần nhiều, vẫn đủ để khiến mình nỗ lực tiến bộ và phát triển bản thân hơn.
Nhi sẽ muốn chia sẻ với các bạn một điều mà mình vừa mới nhận ra gần đây: Tất cả mọi nỗi lo của chúng ta sẽ chỉ kết thúc khi chúng ta hành động. Mọi thứ đều như vậy. Khi mình lo lắng không biết những năm tới sẽ học ở đâu, nỗi lo đó chỉ chấm dứt khi mình quyết định nộp hồ sơ vào một trường khác hoặc tiếp tục học ở trường hiện tại. Hay như khi mình lo lắng về công việc ở Úc, nỗi lo đó cũng chỉ chấm dứt khi mình quyết định ứng tuyển.
Khi đã cố gắng hết sức, dù kết quả ra sao, mình cũng sẽ không cảm thấy tiếc nuối, vì mình biết rằng mình đã làm hết khả năng. Mình tin rằng chỉ cần hành động, mọi thứ sẽ đi theo hướng tốt đẹp hơn. Có một câu mà rất nhiều người từng chia sẻ: “Khi không làm gì, khả năng thành công là 0%, nhưng khi chúng ta hành động, ít nhất có 50% cơ hội thành công.” Nếu bạn nào cũng lo xa như mình, đang trăn trở về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, cách tốt nhất để giải quyết nỗi lo này chính là hành động. Chúng ta chỉ cần cố gắng làm hết sức, và mình tin rằng mọi thứ sẽ ổn và đi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Sắp tới, Mẫn Nhi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về hành trình du học và trưởng thành của mình trong chuỗi sự kiện “Liên-minh du học sinh đi muôn nơi”. Ngoài Mẫn Nhi, chúng ta cũng đọc gặp gỡ và lắng nghe từ nhiều Influencer khác như Meichan, Vừng, Diệu Anh. Đây là dịp để liên-minh cùng gặp gỡ, giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam trên khắp cả nước cùng những chia sẻ về hành trình phát triển bản thân (self-growth & self-glow), những thử thách & sự thích nghi (challenges & adaptation), việc đi tìm danh tính & cảm giác thuộc về (identity & belonging).
Chuỗi sự kiện “Liên-minh du học sinh đi muôn nơi” sẽ được dẫn dắt bởi 2 host Yênly và Duy Tin đến từ podcast The Finding Audio với hai điểm đến đầu tiên trong tháng 8 này là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thời gian & địa điểm:
• 13h30-17h00 (11/08/2024) - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (215 Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, TP. HCM)
• 13h30-17h00 (12/08/2024) - Học viện Ngoại giao (69 Chùa Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội)
Các bạn có thể đăng ký tham gia tại link: https://forms.gle/Aj21U2aQQZLVkfN28