Milkshake Duck - Tại sao cư dân mạng thích "đào mộ" quá khứ người nổi tiếng

Tình trạng “đào mộ", “bóc phốt" người nổi tiếng không còn quá hiếm gặp trên môi trường mạng xã hội (MXH) xô bồ như hiện tại. Không ít “ngôi sao" mới nổi, có khi chưa kịp tỏa sáng, đã vội “lụi tàn" vì một phát ngôn không phù hợp nào đó từ quá khứ xa xôi. Cùng The Influencer tìm hiểu về “Milkshake Duck” - một cụm từ thể hiện hành động này.
Đinh Trang
29/08/2021
Milkshake Duck - Tại sao cư dân mạng thích "đào mộ" quá khứ người nổi tiếng

1, Milkshake Duck là gì và đến từ đâu? 

Milkshake Duck là một meme để chỉ những người mới có được sự nổi tiếng trên MXH nhờ một tính cách hay việc làm tích cực nào đó, nhưng không lâu sau, một quá khứ không mấy tốt đẹp của họ bị cộng đồng mạng “phanh phui". Sau khi bị “milkshake ducked" (bạn có thể dùng cụm từ này như một động từ), khả năng cao là người nổi tiếng đó sẽ bị cộng đồng quay lưng, thậm chí phải chịu những lời chỉ trích nặng nề. Hiện tượng này một phần liên quan đến văn hoá bài trừ (cancel culture), khi cộng đồng mạng cùng kêu gọi nhau tẩy chay người nổi tiếng sau khi một hành vi sai trái của họ bị công khai. 

Cụm từ này được ra đời vào năm 2016, khi Ben Ward - một hoạ sĩ biếm hoạ người Úc, lấy bút danh @pixelatedboat chia sẻ trên Twitter của mình. 

Quill Cloud

Caption của Benward có thể dịch đại ý rằng: “Cả cộng đồng mạng ai cũng yêu mến Milkshake Duck, một chú vịt đáng yêu đang uống sữa!* 5 giây sau* Chúng tôi rất tiếc khi thông báo rằng chú vịt đó phân biệt chủng tộc". Theo chia sẻ của Benward, ông nghĩ ra cụm từ “Milkshake Duck" này hoàn toàn ngẫu nhiên, không thực sự có một chú vịt uống sữa nào làm cảm hứng. Ông chỉ muốn mô tả lại xu hướng mà ông quan sát thấy thời gian gần đó: Một người bỗng chốc nổi tiếng trên MXH nhờ một hành động đáng yêu, rồi ngay sau đó có thể bị cộng đồng quay lưng vì một phát ngôn hay một hành động sai trái trong quá khứ. 

2, Ví dụ về hiện tượng Milkshake Duck?

Nói một cách ngắn gọn, Milkshake Duck là hành động “đào mộ” quá khứ của một người mới nổi tiếng. Hiện tượng này, ở cả thế giới và việt Nam, đều không có gì quá xa lạ. Vì sự phổ biến này, Milkshake Duck nhanh chóng được bổ sung vào hệ thống từ vựng của nhiều quốc gia. Năm 2017, cụm từ thậm chí lọt vào top “Từ vựng của năm” tại Oxford Dictionaries. 

Tháng 9/2017, ba cảnh sát Florida thuộc Sở Cảnh sát Gainesville đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi họ đăng một bức ảnh chuẩn bị hỗ trợ dọn dẹp sau khi cơn bão Irma “xé toạc” Đại Tây Dương. Sự bảnh bao của bộ ba cảnh sát nhanh chóng viral, đạt đến hơn 200.000 lượt chia sẻ trong một thời gian ngắn. 

Quill Cloud

Bức ảnh 3 cảnh sát tại Florida viral, trước khi một trong 3 người bị Milkshake Ducked và phải xin nghỉ việc

Tuy nhiên, chỉ ngày ngày sau, một vài lời bình luận tiêu cực liên quan đến việc chống lại người Do Thái của sĩ quan Michael Hamill từ 5 năm trước khi anh gia nhập lực lượng, đã bị cộng đồng mạng “đào" lại. Phản ứng dữ dội ngay lập tức xuất hiện. Hamill sau đó đã phải tự rút khỏi lực lượng cảnh sát, tránh một cuộc điều tra nội bộ liên quan đến những bình luận của anh. Đây là một ví dụ điển hình của hiện tượng Milkshake Duck, một người bỗng chốc nổi tiếng nhờ sự viral trên MXH, nhưng không lâu sau đó lại bị cộng đồng mạng tẩy chay vì một phát ngôn gây tranh cãi trong quá khứ. 

Tại Việt Nam, hiện tượng này cũng không quá hiếm gặp. Sau thành công của vai diễn Trà Long trong “Mắt biếc”, Khánh Vân cũng liên tiếp chịu nhiều áp lực từ dư luận. Có người share lại cảnh cô hôn một người lạ qua đường với nhiều chỉ trích, dù rằng khi đó Vân đang tham gia Kiss Cam - một chương trình truyền hình thực tế. Có người lại chỉ trích những bức ảnh sexy trên Instagram của nữ diễn viên trẻ, dù họ biết rằng Trà Long nhỏ bé trong phim ngoài đời đã là cô gái 25 tuổi. Trần Nghĩa trong vai thầy giáo Ngạn cũng gặp phải vấn đề tương tự khi người yêu cũ của anh đăng hàng loạt thông tin “bóc phốt” Trần Nghĩa không chung thuỷ, trăng hoa khi yêu đương. MXH lại có một đêm dậy sóng. Người thì cho rằng người yêu cũ của anh đang lợi dụng lúc Trần Nghĩa đang lên để tìm cách vùi dập, người thì đòi tẩy chay vì đời tư không trong sạch, không phù hợp với hình tượng “thầy giáo Ngạn” chất phác. 

Như vậy, với sự phát triển của mạng xã hội, mọi phát ngôn, hành động, bức ảnh, video từ quá khứ, thậm chí để cả chục năm trước, đều dễ dàng bị cộng đồng mạng “đào bới" và mang về thực tại. Đôi khi, điều này khiến người nổi tiếng chịu những tai tiếng nhất thời. Đôi khi, việc này thậm chí có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của những người liên quan. Vì vậy, một bài học cho tất cả chúng ta rằng, mọi hành động trên MXH đều để lại dấu vết, hãy luôn thận trọng với những phát ngôn của mình và cần quản lý quyền riêng tư thật kỹ. Bạn sẽ không thể hình dung được nghiệp vụ “đào bới" thông tin từ quá khứ của cộng đồng mạng tốt đến mức nào. 

3, Milkshake Duck và văn hoá bài trừ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau

Đúng! Milkshake Duck và văn hoá bài trừ có mối liên hệ gần gũi với nhau. Vậy “văn hoá bài trừ” (tiếng Anh là Cancel Culture) có nghĩa là gì? Văn hoá bài trừ là hình thức tẩy chay một người nào đó, thường là người nổi tiếng, vì họ có một quan điểm hoặc một hành động gây tranh cãi. Việc tẩy chay ở đây có nghĩa là họ bị một lượng lớn người phản đối, chỉ trích, đôi khi dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng người hâm mộ, hoặc ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của người đó. 

Việc tẩy chay này thường bắt đầu khi một người bày tỏ quan điểm về những vấn đề dễ gây tranh cãi như phân biệt chủng tộc/ phân biệt giới tính/ LGBT/ người chuyển giới/ bài ngoại/…. Thông thường, đây là những điều mà người đó đã nói từ quá khứ xa xôi, cộng đồng mạng tìm thấy và đăng lại. Đó có thể là ảnh chụp màn hình một caption, một đoạn tweet, một video cũ hoặc thậm chí chỉ là một comment về vấn đề được đề cập. 

Văn hoá này từng khá nổi bật trong thế giới của các Youtuber. Năm 2018, make-up artist Laura Lee đã mất hơn 300.000 Youtube subscriber, nhiều nhãn hàng cũng cắt đứt mối quan hệ hợp tác sau khi các dòng tweet của cô từ năm 2012 bị mang lại ra ánh sáng. Trong những đoạn tweet đó, cô có những nhận xét lệch lạc về vấn đề phân biệt chủng tộc. Sau đó cô đã tải lên một video xin lỗi dài 4 phút, nhưng lại tiếp tục chịu chỉ trích là thiếu chân thành và rõ ràng là đang “khóc giả". Năm 2016, Taylor Swift từng là nạn nhân của văn hoá bài trừ này khi Kim Kardashian tung đoạn ghi âm trong quá khứ của cô và Kanye West. Một lỗi lầm từ quá khứ cũng là lý do phổ biến khiến người nổi tiếng bị tẩy chay. 

Quill Cloud

Nhiều nghệ sĩ là nạn nhân của văn hoá bài trừ

Nhìn chung, Milkshake Duck và văn hoá bài trừ có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong việc cộng đồng mạng “lôi” lại những sự việc, phát biểu, hình ảnh,...từ quá khứ để làm lý do khiến họ quay lưng với nghệ sĩ, nổi tiếng. Điểm khác nhau nằm ở đối tượng của việc tẩy chay. Trong khi Milkshake Duck thường là những hiện tượng MXH nổi lên bất ngờ, thì văn hoá bài trừ lại tập trung vào những nghệ sĩ/ người có tầm ảnh hưởng lớn đã hoạt động lâu trong ngành. 

Lý do của hiện tượng này có thể tóm gọn trong một vài ý chính. Thứ nhất là sự phát triển của MXH và tốc độ lan truyền thông tin nhanh khủng khiếp trên môi trường mạng. Thứ hai là tâm lý đám đông bởi những thông tin tiêu cực , “bóc phốt" vẫn luôn thu hút nhiều sự chú ý. Ngoài ra còn là sự ghen tị trước sự nổi tiếng mà một số người đạt được, và tâm lý rằng đã là người nổi tiếng thì phải thật hoàn hảo. 

5. Rốt cuộc, Milkshare Duck hay văn hóa tẩy chay là tốt hay xấu?

Chuyện Milkshake Duck hay văn hoá tẩy chay là tốt hay xấu là một vấn đề phức tạp. Sẽ không thể khẳng định đây là việc hoàn toàn xấu, hay hoàn toàn tốt. Việc chỉ ra một nghệ sĩ/ người có tầm ảnh hưởng lớn đã có một hành vi hoặc quan điểm lệch lạc nào đó là một việc không sai, bởi quan điểm của họ có tác động đến nhiều người và họ cần có trách nhiệm hơn với những phát ngôn của mình. Hơn nữa, đây cũng là cách bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, người da màu, cộng đồng LGBT,...

Quill Cloud

Một mẩu truyện tranh vui Ben Ward vẽ cho The Nib về hiện tượng Milkshake Duck

Tuy nhiên, văn hoá tẩy chay hay Milkshake Duck cũng có thể trở nên rất độc hại nếu như đi quá giới hạn. Ai cũng có những sai lầm trong quá khứ, và liệu họ có đáng bị trừng phạt, bị cả xã hội lên án vì một câu nói/ hành động từ 5-7 năm trước, tại thời điểm họ còn chưa phải là người của công chúng? Việc tẩy chay quá mức đồng nghĩa với việc chúng ta không cho người nổi tiếng/ người có tầm ảnh hưởng cơ hội được sửa sai, được phát triển, được khẳng định rằng họ đã là một người tốt hơn bản thân họ trong quá khứ. Họ vẫn phải chịu trách nhiệm cho những hành động, lời nói sai trái của mình, nhưng không phải bằng những lời chỉ trích nặng nề, hoặc thậm chí là cả những lời xúc phạm. 

Chưa kể đến việc, đôi khi, những thông tin tiêu cực được lan truyền khắp nơi về một người nổi tiếng lại là tin giả, mọi người liên tục truyền tay nhau trong khi không biết thực hư tin tức như thế nào. Kết quả, nhiều nghệ sĩ trở thành nạn nhân và bị huỷ hoại cả sự nghiệp chỉ bởi những điều tiếng sai lệch.



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa