Mây PODCAST: Điều gì thực sự tạo nên một podcast chữa lành?

Mây PODCAST ra đời từ một nỗi buồn, và chính khoảnh khắc buồn nhất ấy đã tặng Mây sứ mệnh “chữa lành” cho hàng ngàn người nghe. Trong bài viết này, hãy cùng The Influencer lắng nghe những chia sẻ của Mây - cô gái podcaster đáng yêu đứng sau Mây PODCAST.
Anh Phương
19/11/2022
Mây PODCAST: Điều gì thực sự tạo nên một podcast chữa lành?

Quill Cloud

Mây PODCAST đã ra đời như thế nào? 

Dù đã trả lời câu hỏi này rất nhiều trên các phương tiện báo chí truyền thông, nhưng mỗi khi có dịp được chia sẻ lại, cảm xúc trong mình vẫn vẹn nguyên chứ không hề chai lì đi chút nào cả. Mây PODCAST ra đời sau khi mình trải qua một biến cố lớn trong cuộc sống, đó là vào năm 20 tuổi, mình đã vĩnh viễn mất đi bạn người yêu của mình. Sau mất mát đó thì mình biết trân trọng cuộc sống này hơn, quan điểm của mình về thế giới xung quanh, từ tiền tài, vật chất đến tình yêu thương, sự cống hiến đều thay đổi hoàn toàn. Cũng vì mất mát này mà mình nhận ra rằng, trên đời này ngoài chuyện sinh tử ra thì mọi thứ đều là chuyện nhỏ, chúng ta có thể có mặt trong cuộc sống này ngày hôm nay, tận hưởng được từng giây phút trong hiện tại đã là một điều quá may mắn. Những điều này tưởng như đơn giản mà không phải ai cũng luôn nhận thức được khi đứng trước khó khăn, vậy nên Mây PODCAST đã ra đời với sứ mệnh chữa lành nỗi đau và như một lời “nhắc nhở” nhẹ nhàng, chân thành với mọi người về những điều giản dị nhưng đáng quý chúng ta có được từ cuộc sống.

Quill Cloud

Khi xác định hướng đi “chữa lành” ngay từ khi bắt đầu làm podcast, Mây có sự chuẩn bị nào đặc biệt không? Hay mình cứ làm đã, sau đó tính tiếp?

Đúng như bạn nói đó, bản thân Mây khi bắt đầu chỉ nghĩ rằng: “Cứ phải bắt đầu cái đã, tính tiếp sau”. Bởi vì điều mình muốn mang đến cho thính giả chỉ có sự chân thật của mình, những câu chuyện mình thực sự đã trải qua thôi mà! Mà những cái đó thì nó xuất phát từ ngay bên trong mình rồi. Và mình cũng nghĩ đơn giản là những tâm sự chân thành sẽ tìm đến nhau, đó mới là thứ chạm đến trái tim người nghe của mình.

Từ lúc bắt đầu “sứ mệnh chữa lành” cho đến hiện tại, Mây PODCAST có thay đổi điều gì không?

Có chứ, thực sự là thay đổi khá nhiều luôn đấy! 

Nội dung và cách truyền đạt thông điệp là thứ thay đổi nhiều nhất, xuất phát từ việc mình đã biết lắng nghe những câu chuyện diễn ra xung quanh mình nhiều hơn, tự khai thác những góc nhìn mới hơn và đặc biệt là mình kể chuyện nhiều hơn nữa. Trong series đầu tiên “Sau 11 giờ đêm”, mình hầu như chỉ độc thoại, đưa ra những bài học mình tự chiêm nghiệm. Tới series “Tôi là ai”, mình đã dành nhiều thời gian hơn cho kể chuyện và tương tác với người nghe. Ví dụ như giữa những “quãng nghỉ”, mình sẽ có những câu để kéo người nghe tập trung vào podcast của mình như “Alo alo, các bạn có đang nghe mình nói không?” hoặc đặt ra những câu hỏi mở liên quan đến chủ đề, với mục đích tạo cho người nghe cảm giác đang thật sự được trò chuyện cùng Mây, chứ không chỉ đang nghe Mây nói.

Còn về quy trình sản xuất thì chắc là không đâu! Mình vẫn đi theo cách làm cũ, chỉ có điều là làm nhanh hơn, thành thạo các thao tác hậu kỳ hơn thôi. Giờ mình làm nhanh lắm, không còn bỡ ngỡ như ngày đầu, mất mấy ngày trời để sửa lỗi nữa.

Khán giả có nhận ra những thay đổi ấy của Mây Podcast không? Khán giả đã phản ứng với thay đổi ấy như thế nào?

Mình nghĩ mọi người có nhận ra, nhưng không nhiều. Bởi vì những thay đổi về nội dung của mình vẫn nằm trong hướng chữa lành xuyên suốt từ đầu tới giờ, nên về cơ bản, phong cách của Mây PODCAST trong mắt người nghe vẫn vậy. Những thay đổi về cách truyền đạt, tương tác hay cách mình dựng hậu kì, sử dụng âm thanh khi đến với người nghe sẽ chỉ là tiểu tiết, có tác dụng đưa nội dung đến khán giả tốt hơn thôi. Khán giả vẫn sẽ tập trung vào nội dung nhất. Trong series đầu tiên của mình, mình có nhiều hạn chế cả về âm thanh lẫn nội dung lắm. Nhưng tới series thứ hai, mình đã nhận được những phản hồi rằng Mây PODCAST đã khai thác nội dung sâu sắc hơn, mở ra nhiều góc nhìn hơn, phần hình ảnh của podcast cũng được đầu tư hơn nữa. 

Nhìn từ góc độ một podcaster, khi xây dựng podcast về những chủ đề rất phổ biến và có rất nhiều người khai thác rồi, Mây có nghĩ mình cần phải làm khác đi không?

Thực ra mình không tham khảo quá nhiều từ những podcast “chữa lành” khác đâu. Có một từ mà mình luôn nhắc tới rất nhiều khi nói về podcast của mình, đó là “sự chân thật”. Mình không suy nghĩ làm sao để trở nên khác biệt, thay vào đó, mình tập trung vào việc chân thật với cảm xúc của chính mình. Khi nghe Mây PODCAST, bạn sẽ biết khi nào mình buồn, mình vui, khi nào mình đang xúc động, bởi mình luôn cố gắng truyền tải cảm xúc chân thật nhất qua giọng nói. Ví dụ khi thu âm, mọi người thường có xu hướng ngừng lại khi bị xúc động và chỉ thu tiếp khi đã bình ổn được cảm xúc đúng không? Nhưng mình thì không làm vậy, mình sẽ để người nghe biết mình đang cảm thấy thế nào. Giọng mình khi ấy có thể hơi khó nghe, nhưng mình tin rằng cảm xúc chân thật của mình sẽ chạm được đến cảm xúc chân thật của khán giả. Đó cũng là một yếu tố thành công của mình đấy! 

Quill Cloud

Mây làm thế nào để biến trải nghiệm và cảm xúc riêng thành những nội dung khiến nhiều người cảm thấy được đồng cảm như vậy?

Cá nhân Mây nghĩ việc đồng cảm với người khác và khiến người khác cảm thấy đồng cảm là điều không hề khó. Để mà có được vốn kiến thức cao siêu, có thể dạy được người khác mới là khó, mình thấy vậy. Bản thân mình khi bắt đầu làm Mây PODCAST ở tuổi 21 cũng không bao giờ nghĩ rằng mình có thể dạy được ai. Mình hướng tới sự đồng cảm, mà bạn biết đấy, cảm giác đồng cảm lại đến từ chính sự cởi mở, chân thành giữa những câu chuyện, những nỗi buồn của chúng ta với nhau. Dù mọi người đều có những vấn đề riêng, những hoàn cảnh riêng, nhưng thật ra chúng ta có thể sẻ chia với nhau những câu chuyện rất đời thường thôi. Ai mà chẳng phải ăn, phải đi học, phải yêu đương đúng không? Việc của Mây chỉ là đóng vai một người bạn, ngồi xuống chia sẻ những điều đó với người nghe như bạn bè trò chuyện cùng nhau thôi. Bạn bè thường sẽ dễ đồng cảm với nhau hơn mà, may mắn là người nghe của mình cũng phần nhiều ở độ tuổi 18-22 như mình nữa.

Quill Cloud

Vậy khi làm nội dung cho podcast, đâu là cách Mây cân bằng giữa “chuyện mình muốn kể” và “chuyện người nghe muốn nghe”?

Mây PODCAST có nhiệm vụ “chữa lành” cho mọi người thông qua những câu chuyện của mình, nhưng mình cũng hiểu rằng không ai muốn nghe chuyện của người khác mãi. Vậy nên trong mỗi tập podcast, mình đều cố gắng kể chuyện của mình vừa đủ thôi, sau đó dẫn luôn đến phần rút ra chiêm nghiệm, bài học từ câu chuyện vừa kể. 

Thỉnh thoảng để tìm ra câu chuyện người nghe muốn nghe, mình sẽ hỏi chính bạn bè và người nghe của mình xem mọi người đang quan tâm đến chủ đề gì. Những chủ đề ấy thì cũng rất gần gũi thôi, như về tình yêu, gia đình, bạn bè,...Mình từ những khảo sát đó để xây dựng nội dung đánh trúng tâm lý người nghe, hoặc giúp họ gỡ rối được một mâu thuẫn, khúc mắc nào đó, cho người nghe cảm xúc đồng cảm khi nghe podcast của mình. Mỗi chủ đề lại đánh trúng tâm lý một nhóm đối tượng khác nhau, mình cũng không áp lực chuyện tập nào cũng phải đáp ứng được mối quan tâm của tất cả mọi người. 

Những bài học, chiêm nghiệm Mây đưa ra trong podcast có phải trải qua vòng “kiểm duyệt” nào của bạn không?

Chắc là có cần kiểm duyệt đấy. Vì đưa ra toàn bộ thì thường nó sẽ bị dài, vậy nên mình sẽ phải chia ra, lựa chọn xem đâu là những bài học, chiêm nghiệm khớp với nội dung chủ đề nhất, dễ hiểu, dễ chạm nhất để đưa vào podcast. 

Theo Mây, podcaster cần chú ý điều gì để tránh đưa ra những lời khuyên “sáo rỗng”, “đạo lý”?

Mình nghĩ giữa “nói đạo lý” và “giúp người khác học thêm được điều gì đó” mang tính rất tương đối. Bởi vì khi một người nghe với tâm thế cởi mở, sẵn sàng đón nhận những điều mới lạ thì người ta sẽ rất thích thú với những chia sẻ của mình. Nhưng có những người chỉ ấn vào kênh của Mây với tâm thế xem cô này nói gì thôi, tức là họ đã có sẵn những định kiến, phân tích của riêng họ rồi nên mình có nói gì thì cũng thành đạo lý cả. 

Còn về chuyện sáo rỗng hay không, thực ra cũng dễ phân biệt thôi. Những lời sáo rỗng sẽ bắt nguồn từ những câu chuyện không có thật, bản thân người host chỉ đang vay mượn nó, “xào nấu” làm sao cho thật xúc động rồi chốt bằng một vài lời khuyên theo đúng motif “bài học”. Khi bạn chọn kể một câu chuyện, rút ra một bài học chỉ vì nó hay, người nghe sẽ thích trong khi bản thân không có sự kết nối nào với nội dung bạn làm như vậy, thì đó mới là sáo rỗng.

Bản thân mình từ khi làm podcast đến nay thì vẫn luôn mang đến cho mọi người những câu chuyện thật từ trải nghiệm cá nhân hoặc những câu chuyện đem đến cho mình cảm xúc mãnh liệt từ thế giới xung quanh. Nếu bạn biết mình đang nói gì, hiểu được ý nghĩa của câu chuyện với chính bản thân mình và giá trị nó có thể mang đến cho người nghe, thì bạn có thể tự tin nội dung của bạn không hề sáo rỗng đâu nhé!

Quill Cloud

Còn về chuyện quảng cáo thì sao? Khi đưa quảng cáo vào nội dung nhiều cảm xúc như nội dung chữa lành, có điều gì podcaster cần chú ý?

Bản thân mình là người chèn quảng cáo vào podcast, thì mình thấy mình làm chưa tốt đâu! Vì mình chỉ làm đúng 1 đoạn để phát trong 10 tập liên tiếp, chính mình cũng cảm thấy hơi khó chịu khi phải chèn đoạn quảng cáo mình làm vào những tập có nội dung buồn. Đó là về phần mình, còn để đưa ra lưu ý cho người khác thì mình chỉ có một số lưu ý thôi.

Thứ nhất là bạn phải chọn sản phẩm phù hợp với tinh thần của podcast. Mình có thể quảng cáo cho ứng dụng sách nói Fonos bởi ứng dụng này có liên quan tới định dạng nghe như podcast, chứ nếu Mây PODCAST mà đi quảng cáo cho tủ lạnh, máy giặt thì không ổn chút nào!

Thứ hai, hãy biến quảng cáo thành chất liệu cho nội dung của bạn. Nếu mình được làm lại, mình sẽ điều chỉnh phần quảng cáo của mình theo nội dung từng tập chứ không thu một đoạn rồi phát y nguyên trong cả 10 tập nữa. Ví dụ như ở tập “Đừng chọn rời bỏ cuộc sống này”, vì đây là một tập có cảm xúc khá nặng nề khi nhắc tới cái chết, mình sẽ đưa quảng cáo ứng dụng sách nói vào phần gợi ý cách giảm áp lực và xoa dịu tâm trạng chẳng hạn. Ở tập khác thì sẽ cần biến tấu theo cách khác, quan trọng là cố gắng hết sức để quảng cáo không làm tụt mood người nghe.

Mảng nội dung chữa lành đã và đang xuất hiện rất nhiều tên tuổi lớn và mới, Mây có nghĩ nếu mình bắt đầu ở thời điểm hiện tại, mình sẽ cảm thấy e dè hơn không?

Có, phải thú thật là mình cũng sợ đấy, khi mà các anh chị có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề và có danh tiếng từ trước “lấn sân” sang podcast ngày một nhiều. Mình cũng sợ mình bị lãng quên, thế nhưng nếu bắt đầu lại vào hiện tại, mình vẫn sẽ chọn “cứ làm đã”. Việc có nhiều cái tên lớn xuất hiện hay cái bóng quá lớn của những người đi trước chỉ là một yếu tố kìm hãm sự sáng tạo của bạn mà thôi, vậy nên cứ làm đi, làm một cách toàn tâm toàn ý thì khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình chẳng có điều gì đáng e dè nữa. 

Bản thân Mây ở hiện tại cũng đang cố gắng tập trung làm tốt nhiệm vụ chữa lành của mình. Mình tập trung vào con đường riêng trên tinh thần học hỏi, không ngừng đổi mới và đầu tư về chất lượng nhiều hơn. Thay vì lo lắng, mình nhận ra tập trung nâng cao chất lượng podcast và trải nghiệm của bản thân sẽ mang lại tác động tích cực hơn nhiều. Vả lại người nghe của mình cũng đâu ở độ tuổi này mãi, họ và mình sẽ đều lớn lên, vậy nên mình càng cần nâng cấp chất lượng sản phẩm và bản thân mình nhiều hơn nữa.

Quill Cloud

Mây có lời nhắn nào dành cho các bạn podcaster còn đang băn khoăn, chưa biết bắt đầu podcast của mình từ đâu không?

Điều đầu tiên, cũng là điều quan trọng nhất cần làm là bạn phải xác định được mục đích xuyên suốt của podcast của mình. 

Thứ hai, hãy tạm gạt bỏ yếu tố tài chính sang một bên. Nhiều người hay hỏi mình: “Em muốn làm podcast, chị có thể hướng dẫn em cách kiếm tiền từ podcast không?” Thực ra việc podcaster kiếm tiền từ podcast là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng nếu tập trung vào chuyện kiếm tiền ngay từ ban đầu, bạn sẽ dành nhiều không gian cho yếu tố thương mại nhiều hơn, và nội dung bạn làm ra sẽ không được “thuần khiết” nữa. 

Cuối cùng là phải kiên nhẫn. Mình thấy làm podcast hay làm bất cứ điều gì khác cũng thế thôi. Có thể thời gian đầu sẽ không có ai nghe, nhưng nếu bạn kiên trì với định hướng mình đã chọn, sản xuất ra những nội dung giá trị thì dần dần người nghe và những cơ hội sẽ tìm đến bạn. 



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa