“Mình bắt đầu khởi nghiệp từ năm 25 tuổi, từ con số 0 với thị trường xuất bản.
Tinh thần "dám bắt đầu từ con số 0" đã giúp mình cùng đồng đội sáng tạo nên nhiều ấn phẩm tạo được khác biệt và có được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường trong suốt 10 năm qua như GAM7 - Tạp chí Marketing chuyên ngành dành cho thế hệ Marketer năng động (17 số đa dạng chủ đề), Hashtag Business Vietnam - Series ấn phẩm Những người trẻ khởi nghiệp (5 lĩnh vực khác biệt), bộ sách RIO Book Signature - Mỹ thuật ứng dụng trong Marketing và thương hiệu, Series Solopreneur - Kinh doanh chuyên môn của chính mình,...”
Đó là cách mà chị Mai Nguyệt Anh - CEO RIO Book giới thiệu về mình trong bản tin chuyên môn The Transformation Book mà chị tự xây dựng thời gian gần đây. Năm 2024 cũng đánh dấu nhiều bước chuyển mình đầy can đảm của chị, khi chị vượt ra ngoài vai trò của một người giám đốc, liên tục mở rộng bản thân mình với những dự án cá nhân mới mẻ, khẳng định chuyên môn của mình trong vai trò định hướng xuất bản.
Mời bạn cùng lắng nghe cuộc trò chuyện cuối năm ý nghĩa giữa chị Mai Nguyệt Anh và The Influencer, với chủ đề lớn “Hành trình tái kết nối với những giá trị cốt lõi”.
Gần đây khi nhìn lại về năm 2024, tôi thường nhắm mắt lại, đặt tay lên tim và lắng nghe cảm nhận thực sự bên trong mình. Có một từ bật ra, đó là “sự sống”. Nếu hình tượng hóa, tôi thấy nó giống như một dòng suối chảy giữa hai bờ cỏ xanh. Dòng suối ấy lấp lánh dưới ánh nắng, chảy không ngừng. Hành trình của dòng suối đó không phải lúc nào cũng êm đềm, cũng có lúc nó va vào hòn đá, dội sóng lên, đôi khi lại thành thác nước đổ mạnh xuống. Nhưng dù thế nào, nó vẫn chảy.
Tôi cảm nhận dòng chảy ấy không tự nhiên mà có, nó là sự tích lũy của những gì đã qua. Giống như khi tìm được đúng nơi, đúng bờ cỏ, dòng suối mới có thể bắt đầu. Đó là điều tôi cảm nhận về thế giới nội tâm của mình trong năm nay.
Sự sống động đó đến từ việc được là mình và được phát triển từ chính mình. Dòng chảy đó chỉ có thể vận động một cách tự nhiên khi mình là mình, và mình tìm được cách để phát triển từ chính những giá trị bên trong mình.
Có lẽ là khi tôi nghỉ sinh em bé. Trước đó, tôi đã làm việc liên tục 8 năm tại RIO mà gần như không nghỉ ngơi. Khi có em bé, tôi quyết định dành trọn 6 tháng tập trung hoàn toàn cho con, nên đã sắp xếp kỹ lưỡng công việc, đóng gói lại mọi thứ, tìm đúng người vào đúng vị trí để thay thế tôi đảm nhiệm. May mắn là mọi thứ diễn ra suôn sẻ, và trong suốt 6 tháng đó, dù giữ vai trò giám đốc, tôi hầu như không phải can thiệp vào công việc.
Khoảng thời gian đó tạo cho tôi một khoảng trống đặc biệt, nơi tôi chỉ có chính mình và một sinh linh vừa chào đời. Không còn chức danh hay công việc gắn liền, tôi có cơ hội đào sâu bên trong, tự hỏi: “Mình thực sự là ai?” và “Mình muốn phát triển như thế nào?”. Thay vì chỉ dùng Ikigai trong công việc, tôi áp dụng phương pháp này cho toàn bộ cuộc sống, tự nhìn nhận: điều tôi yêu thích là gì, điều tôi giỏi là gì, và điều khiến mọi người thường tìm đến tôi. Qua đó, tôi nhận ra thế mạnh lớn nhất của mình chính là định hướng.
Khi quay lại công việc, tôi trao đổi với đội ngũ rằng tôi không muốn nhận lại những phần việc trước đây, vì các bạn đã làm rất tốt. Thay vào đó, tôi chọn khai phá một lĩnh vực mới – chiến lược xuất bản. Trong ngành sách, chưa ai gọi tên cụ thể lĩnh vực này, nhưng tôi nhận thấy rằng nếu một sản phẩm xuất bản không được định hình chiến lược rõ ràng, nó rất dễ thất bại. Từng trải qua nhiều bài học đau đớn, tôi tin rằng nếu mình có thể đóng gói những trải nghiệm ấy để giúp người khác tránh sai lầm, họ sẽ tiến xa hơn và nhanh hơn với sản phẩm của mình.
Vì vậy, ngoài vai trò CEO của RIO Book, tôi quyết định thử nghiệm với một vai trò mới – tư vấn chiến lược xuất bản.
Tôi đã thử dạo một vòng và tìm ra những phương tiện mà thuận với bản thân. Vì đã có nhiều năm làm việc với con chữ, tôi chọn cách viết. Trước đây, tôi từng viết bài cho tạp chí và sách, nên việc làm bản tin là một hình thức tự nhiên đối với tôi. Bản tin, với định dạng long-form, giúp tôi tận dụng lợi thế của mình. Nó không chỉ là nơi để tôi đưa ra những giá trị, những góc nhìn mới mà còn là quá trình để tôi đúc rút, đóng gói lại những gì mình đã học. Trong lúc viết, nếu nhận ra những lỗ hổng hoặc điểm cần bổ sung, tôi lại có cơ hội học thêm và củng cố kiến thức. Việc tôi trao đi giá trị cũng là quá trình tôi nhận lại giá trị.
Ngoài bản tin, tôi có chia sẻ những bài viết ngắn trên Facebook, tổ chức workshop và dạy các khóa học. Tôi chọn những phương tiện mà tôi cảm thấy thoải mái và tự nhiên khi thực hiện, nhưng cũng vừa đủ thách thức. Chẳng hạn, việc dạy khóa học online – thiếu sự tương tác trực tiếp – đòi hỏi tôi phải đọc thêm sách, nghiên cứu thêm các phương pháp để cải thiện cách dạy và tương tác với học viên. Mỗi lần vượt qua một thử thách, như gặp một "hòn đá" trên đường, tôi lại học được thêm một kỹ năng để xử lý nó, giống như chơi game lên cấp vậy. Chính những bước đi đó mang lại giá trị cho chính bản thân tôi, từng bước nới rộng khả năng và trải nghiệm của mình.
Việc gọi tên giá trị cốt lõi của bản thân là không hề dễ dàng, nhưng là một việc đáng làm. Như tôi đã chia sẻ về hình ảnh dòng suối, dòng chảy chỉ có thể tồn tại và phát triển khi nó đặt vào đúng điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - đặt vào nơi mà nó thực sự phù hợp. Mỗi chúng ta cũng nên nhìn vào ADN - những bản sắc cốt lõi của chính mình, kết hợp với những trải nghiệm sống thực tế, để tìm ra điều thuận lợi nhất cho sự phát triển cá nhân.
Với tôi, giá trị cốt lõi đầu tiên chính là tình yêu với sách. Nhìn lại tuổi thơ, tôi nhận ra mình lớn lên giữa rất nhiều sách, bởi ông bà nội tôi từng sở hữu một hiệu sách ở Huế tên là Hồng Lĩnh – cũng là tên một ngọn núi ở quê nhà Hà Tĩnh. Khi chiến tranh xảy ra, ông bà phải ôm sách chạy về Vinh, tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bởi những tủ sách đa dạng ấy. Tôi đọc mọi thể loại, từ sách văn học, báo chí, đến những tờ báo của bố. Những giây phút ấy đã gieo mầm trong tôi một tình yêu sâu đậm với sách.
Tình yêu với sách cùng là tình yêu với sự kết nối và trao đi giá trị. Khi thực sự chú tâm vào trải nghiệm đọc, sách tạo nên một kết nối rất cá nhân giữa người đọc và tác giả. Khi tập trung đọc, những ngôn từ, ý tưởng và sự dẫn dắt từ tác giả có khả năng kết nối trực tiếp với người đọc. Dù tác giả không lộ mặt, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận và kết nối được với con người đằng sau những câu chữ ấy. Từ sự kết nối đó, giá trị được trao đi sẽ tiếp tục chuyển hóa, trở thành điều mới mẻ trong cuộc sống của người đọc hoặc lan tỏa đến người khác. Tôi xem sách như một dòng chảy tri thức liên tục, vượt qua mọi giới hạn thời gian.
Giá trị thứ hai là sự chuyển hóa. Khi lớn lên, sách trở thành người thầy của tôi. Mỗi khi gặp vấn đề, tôi luôn tìm đến sách để tìm giải pháp. Một cuốn sách có thể giúp tôi thay đổi góc nhìn hoặc giải quyết vấn đề, và điều đó khiến tôi trân trọng vô cùng. Tôi nhận ra giá trị của sách không chỉ nằm ở nội dung, mà còn ở sự chuyển hóa mà nó mang lại.
Giá trị thứ ba là trải nghiệm thực tế. Trong thời gian làm việc tại RIO Book, tôi đã chứng kiến nhiều cuốn sách vừa mang lại giá trị cho độc giả, vừa thúc đẩy sự nghiệp của tác giả. Điển hình là hai cuốn sách của tác giả Linh Phan: “Con đường trở thành Freelance Writer” và “Kinh doanh chuyên môn của chính mình”. Những cuốn sách này không đơn thuần là một phần trong hệ sinh thái sản phẩm, mà là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự chuyển hoá và phát triển sự nghiệp của tác giả.
Khi hiểu rõ những giá trị này, tôi nhận ra điều gì thực sự quan trọng với mình, và chính niềm tin sâu sắc vào những giá trị đó đã trở thành động lực thúc đẩy tôi hành động. Những bản tin phát hành đều đặn, các khóa học hay sản phẩm mà tôi thực hiện đều hướng đến cùng một mục tiêu: tạo ra sự chuyển hóa tích cực, không chỉ cho người đọc mà còn cho chính tác giả.
Tôi nghĩ chữ "thuận" này có ý nghĩa ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là sự thuận với chính bản thân mình – tức là hiểu rõ mình có những thế mạnh gì, giá trị cốt lõi của mình là gì. Thứ hai là sự thuận với những điều ở bên ngoài – những gì người khác còn thiếu và mình có thể đóng góp. Có khi họ chưa nói ra rằng họ cần, nhưng mình nhận thấy giá trị mà mình có thể tạo ra cho họ.
Thứ ba là sự thuận trong chính quá trình mình thực hiện – đây cũng là khía cạnh rất quan trọng. Chẳng hạn, khi nhận ra dòng chảy đang cần chậm lại, tôi có thể hướng nó vào một vùng tĩnh lặng hơn, nơi nó được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Ngược lại, khi muốn dòng chảy sôi động hơn, tôi sẽ hướng nó vào vùng năng động hơn để thúc đẩy phát triển. “Thuận” không phải là ép mình phải hòa vào dòng chảy, mà là biết điều chỉnh để đồng hành một cách tự nhiên nhất. Nó là sự kết nối từ bên trong, từ giá trị của mình đến nhu cầu của người khác và cả cách mình kiên trì với hành trình phía trước.
Tôi tin rằng sự "thuận" không chỉ là sự sắp đặt của vũ trụ, mà còn là sự chủ động của bản thân mình trong việc quan sát, điều chỉnh, và đồng hành cùng dòng chảy của chính mình.
Tôi nghĩ là có, nhưng sự hoang mang đó không xuất hiện ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn đầu, khi bản thân chưa rõ mình là ai và giá trị của mình ở đâu, tôi tập trung trải nghiệm và học hỏi rất nhiều. Đó là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi – chúng ta bắt đầu bằng việc tiếp thu mọi thứ có thể, sau đó mới đến giai đoạn chắt lọc để tìm ra điều phù hợp và quan trọng nhất.
Sự hoang mang mà bạn hỏi xuất hiện khi bước vào giai đoạn chắt lọc. Lúc đó, tôi cảm thấy bối rối, đặc biệt khi ở vị trí giám đốc – vị trí cao nhất trong công ty. Khi không có "next step" rõ ràng, tôi buộc phải tự đặt câu hỏi về hướng đi tiếp theo của mình. Tôi nhận ra, cũng như việc tìm hướng phát triển cho công ty, bản thân mình cũng cần một chiến lược phát triển cá nhân. Khoảng lặng mà tôi từng trải qua chính là cơ hội để tôi dừng lại, lọc ra những điều thực sự quan trọng với bản thân, và xác định mình có thể đóng góp giá trị gì cho thế giới. Đó là bước ngoặt giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị cốt lõi của mình và tiếp tục hành trình phát triển một cách ý nghĩa hơn.
Thật ra, việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống là một câu hỏi muôn đời. Trong cuốn Đi tìm lẽ sống (Viktor Frankl) mà tôi đã đọc gần đây, câu trả lời không nằm ở việc đặt câu hỏi, mà ở cách chúng ta sống. Bạn có thể tìm ra giá trị hoặc ý nghĩa cho cuộc sống của mình, nhưng nếu không hành động và không có những trải nghiệm cá nhân trên con đường đó, thì những giá trị ấy sẽ không bao giờ thực sự hình thành. Nếu bạn chưa tìm được giá trị cốt lõi của mình, hãy cứ tiếp tục trải nghiệm. Nhưng đồng thời hãy tự hỏi: “Bản sắc của mình nằm ở đâu?” Ban đầu, tôi cũng không biết câu trả lời. Phải đến khi tôi trải nghiệm đủ, tôi mới bước vào giai đoạn chắt lọc để nhận ra đâu là điều thực sự quan trọng. Giai đoạn chắt lọc đó chính là lúc chúng ta tìm ra ý nghĩa và giá trị thật sự của bản thân mình.
Điều quan trọng không chỉ là tìm ra câu trả lời, mà là cách chúng ta sống và thực hiện những giá trị đó như thế nào. Với tôi, ngay cả một giá trị nhỏ nhất, nếu được thực hiện, sẽ mang lại ý nghĩa lớn. Nhìn lại năm 2024, điều khiến tôi cảm thấy thành công không phải vì tôi tìm ra “sự chuyển hóa” hay mô hình mà mình muốn theo đuổi, mà vì tôi đã dám hành động. Tôi tạo ra sản phẩm, chia sẻ chúng với thế giới, bước qua những giới hạn của bản thân để mở rộng vùng an toàn.
Tôi không còn gọi đó là “bước ra khỏi vùng an toàn,” mà là “nới rộng vùng an toàn.” Mỗi lần nới rộng, tôi trưởng thành và lớn lên. Chính những hành động ấy – trải nghiệm, thực hiện ý tưởng và dần mở rộng giới hạn – mới thực sự tạo nên ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống.
Có chứ, tôi sợ nhiều lắm. Nỗi sợ là một bản năng rất tự nhiên của con người. Từ thời tiền sử, nỗi sợ được hình thành như một cơ chế để bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm như thú dữ. Dù ngày nay chúng ta không còn đối mặt với những hiểm nguy đó, cơ chế này vẫn tồn tại và thường kích hoạt khi chúng ta đối diện với điều mới mẻ hoặc chưa biết. Khi nhìn thẳng vào nỗi sợ, tôi nhận ra đó chỉ là cách cơ thể muốn bảo vệ mình. Nhưng nếu nhìn xa hơn, những điều khiến tôi sợ hãi thực ra lại là cơ hội để phát triển. Khi thay đổi góc nhìn, nỗi sợ trở thành động lực để tôi tiến lên.
Là người 63% hướng nội, tôi rất ngại tiếp xúc lâu với đám đông và cũng sợ đứng trước ống kính. Nhưng tôi hiểu rằng, để chia sẻ giá trị của mình, tôi buộc phải bước ra ngoài. Đây là rào cản đầu tiên mà tôi phải đối mặt. Tuy nhiên, khi tôi tìm ra điều mình thực sự muốn làm, động lực ấy trở nên lớn hơn cả nỗi sợ. Khoảnh khắc quan trọng nhất là khi tôi đứng trước lựa chọn: tiếp tục sợ hãi và ở yên trong vùng an toàn, hay bước ra để theo đuổi giá trị mình tin tưởng. Và tôi đã chọn bước ra ngoài, bởi tôi biết đó là điều thực sự ý nghĩa với mình.
Có một lần anh Tùng Juno (CEO RIO Creative Vietnam) chia sẻ với tôi rằng, dự án RIO Book được tạo ra để giữ chân tôi, và tôi thật sự rất biết ơn điều đó. Dĩ nhiên, RIO Book không phải là một dự án tự dưng xuất hiện, mà là một phép thử dựa trên những nền tảng đã có từ trước. Có lẽ anh Tùng nhìn thấy tiềm năng ở tôi và muốn cùng tôi phát triển dự án này. Vì vậy, mối quan hệ song hành giữa tôi và RIO có thể được mô tả là quá trình cùng nhau phát triển tiềm năng của chính mình. Hành trình với RIO đã giúp tôi liên tục mở rộng vùng an toàn của bản thân. Khi mới bắt đầu, vùng an toàn ấy giống như một khối đặc quánh, nhưng qua thời gian, tôi học cách nới rộng nó dần dần, làm nó trở nên nhẹ nhàng hơn, mở rộng và lan tỏa. Hành trình với RIO là như vậy – một quá trình phát triển và mở rộng không ngừng.
Về giá trị mà tôi mang lại cho RIO Book, tôi nghĩ đó là định hướng và chiến lược – điều mà sau này tôi gọi tên là "trực giác". Khi làm bài test MBTI, tôi phát hiện mình thuộc nhóm INTJ – nhóm người kiến tạo. Nhìn lại, tôi nhận thấy nhiều ý tưởng và dự án mới của mình đều bắt nguồn từ trực giác. Trực giác này không phải là linh cảm hay yếu tố tâm linh, mà được hình thành qua trải nghiệm. Giống như một con thỏ nhận ra rằng cành cây lay động báo hiệu sự xuất hiện của kẻ săn mồi, trực giác của tôi cũng được mài giũa qua những lần quan sát và học hỏi. Chính trải nghiệm giúp tôi đưa ra những quyết định nhanh chóng, thậm chí trước cả khi ý thức kịp phân tích.
Giá trị cốt lõi đầu tiên của RIO Book là sáng tạo – đó chính là ADN của RIO. Ở RIO, tôi thấy mọi vị trí đều có sự sáng tạo, kể cả những vị trí tưởng chừng không liên quan như thủ kho hay kế toán. Các chị kế toán ở RIO đặc biệt lắm, cách làm việc của họ cũng mang nét sáng tạo rất riêng.
Giá trị thứ hai là đổi mới - điều mà RIO luôn hướng đến. Chúng tôi không bao giờ cảm thấy hài lòng với những thứ đã có mà luôn cố gắng nâng cấp mình, cả trong việc kinh doanh lẫn sản phẩm. Năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu “tự out trình” về sản phẩm, nghĩa là tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm lên một tiêu chuẩn mới. Dù hiện tại sản phẩm của RIO đã khác biệt trên thị trường, chúng tôi vẫn muốn tạo ra những đột phá mới, đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn. Khi nâng được tiêu chuẩn của mình, chúng tôi tin rằng điều đó cũng góp phần nâng chất lượng chung cho thị trường xuất bản.
Giá trị thứ ba là tôn trọng bản sắc cá nhân. Ở RIO, mỗi team có một bản sắc riêng và chúng tôi luôn tôn trọng sự khác biệt đó. Không phải vì cùng là RIO mà các team phải giống nhau hay hoàn toàn hòa hợp. Có những team rất “lowkey”, sống khép kín, và chúng tôi tôn trọng điều đó. Có những team rất sôi động, chúng tôi cũng tôn trọng điều đó. Riêng với team RIO Book, nét đặc sắc nhất chính là sức trẻ, sự năng động, và thân thiện, gần gũi.
Ba giá trị này – sáng tạo, đổi mới, và tôn trọng bản sắc cá nhân – là những gì RIO Book luôn theo đuổi và duy trì trong suốt hành trình phát triển.
Nếu nhìn lại ba từ khóa mà tôi đã nhắc đến về bản sắc của RIO – sáng tạo, đổi mới, và bản sắc cá nhân – thì tôi nghĩ đó chính là những yếu tố làm nên sức sống ở RIO.
Những người làm việc tại RIO được là chính mình, đồng thời họ có cơ hội sáng tạo, phát triển và đổi mới trong công việc. Tất cả mọi người đều làm việc dựa trên tình yêu với công việc, với điều họ yêu thích, và giá trị mà họ có thể đóng góp. Chính sự kết hợp này tạo nên nhiệt huyết và năng lượng sống động trong từng thành viên của RIO.
RIO Book có một số chặng dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển.
Dấu ấn đầu tiên là sự xuất hiện của GAM7 trên thị trường. Đây là một cột mốc rất đặc biệt, vì đến giờ vẫn có rất nhiều người nhớ đến GAM7. Sản phẩm này đã tạo ra một định dạng mới trên thị trường và để lại dấu ấn rõ nét.
Dấu ấn thứ hai là khi RIO Book làm việc sâu hơn với các tác giả Việt Nam. Trước đó, chúng tôi cũng từng thử nghiệm hợp tác với các tác giả nước ngoài, nhưng sau đó nhận ra giá trị to lớn từ nội dung nội địa đối với độc giả. Từ đó, chúng tôi bắt đầu làm việc sâu hơn với các tác giả Việt và tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc biệt. Ngay cả khi mua bản quyền sách nước ngoài, chúng tôi vẫn thêm phụ lục nội địa để tăng giá trị thiết thực, dù công việc này đòi hỏi thêm nhiều công sức và đầu tư. Đây là khi chúng tôi nhận ra mình đang áp dụng tư duy reader-centric – tập trung vào giá trị mà sản phẩm mang lại cho người đọc, thay vì chỉ phục vụ cho ý tưởng cá nhân hay sở thích riêng của đội ngũ.
Dấu ấn thứ ba là sự ra đời của dự án RIO Publishing Agency. Đây là một ý tưởng xuất phát từ trực giác của tôi, bởi khi đó trên thị trường Việt Nam chưa có ai gọi tên hay phát triển mô hình này. Self-publishing (xuất bản tự thân) đã phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, hình thức này còn khá mới mẻ và thường bị e ngại vì yêu cầu đầu tư lớn hơn so với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, khi hiểu rõ ưu và nhược điểm của từng mô hình, các tác giả sẽ có thể chọn lựa hình thức phù hợp với mục tiêu và định hướng của mình.
Trong dự án The Transformation Book, tôi muốn giúp mọi người có góc nhìn sâu hơn về giá trị của một cuốn sách. Sách không chỉ đơn thuần là một di sản, mà còn có thể trở thành một tài sản, đóng góp vào hành trình phát triển của tác giả với tư cách là một chuyên gia. Khi nhận ra được giá trị và sức mạnh này, việc đầu tư cá nhân vào một cuốn sách sẽ trở nên xứng đáng và có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng nó sẽ rất sống động. Năm 2024 đã mang đến cho tôi nhiều “hạt vàng” và những ý tưởng mới để bước tiếp. Năm tới sẽ là một năm với nhiều điều tôi chưa từng làm trước đây, nhưng tôi sẵn sàng thử. Tôi cũng tự hỏi bản thân rằng, những điều đó có thực sự quan trọng với mình không? Và câu trả lời là: Có. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục hành trình với sự háo hức và niềm tin vào những điều mới mẻ phía trước.
Tôi muốn nhắn nhủ rằng: các bạn hãy tôn trọng bản thân mình và dành thời gian để làm việc với chính mình. Hãy cho mình khoảng lặng để nhận ra đâu là điều thực sự quan trọng, dòng chảy của mình đã đi qua những gì và những “hạt vàng” quý giá nào đã lắng lại. Từ đó, bạn có sự chủ động để thiết kế một dòng chảy mới phù hợp với mình. Tôi tin rằng việc phát triển từ bên trong chính bản thân mình sẽ là con đường bền vững nhất.