Du học là ước mơ và mục tiêu của nhiều bạn trẻ. Không ít người mong muốn được trải nghiệm những nền giáo dục và văn hoá mới, mong muốn được khám phá và mở rộng bản thân ở một đất nước khác. Cuộc sống sinh hoạt và học tập tại nước ngoài cũng có vô vàn điều mới lạ và cả những thử thách khiến nhiều người tò mò.
Với mong muốn chia sẻ hành trình và trải nghiệm du học thực tế đến với đông đảo bạn trẻ, ngày 11-12/8 vừa qua, Meichan, Vừng, Mẫn Nhi & Diệu Anh - 4 cô nàng content creator Gen Z đã và đang trải nghiệm hành trình học tập ở khắp nơi trên thế giới với những ước mơ và hoài bão riêng biệt - đã cùng tụ họp và tổ chức chuỗi sự kiện “Liên-minh du học sinh đi muôn nơi” tại hai đầu đất nước, thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ tệp khán giả trẻ, có sự quan tâm đặc biệt tới chuyện-du-học.
Hai sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ tệp khán giả trẻ, có sự quan tâm đặc biệt tới chuyện-du-học.
Sự kiện diễn ra với hai phần livepodcast chính và các hoạt động giao lưu, tương tác cùng khán giả tham gia chương trình xoay quanh hành trình phát triển bản thân (self-growth & self-glow), những thử thách & sự thích nghi (challenges & adaptation), việc đi tìm danh tính & cảm giác thuộc về (identity & belonging). Chuỗi sự kiện sẽ được dẫn dắt bởi 2 host Yênly và Duy Tin đến từ podcast The Finding Audio.
Chuỗi sự kiện sẽ được dẫn dắt bởi 2 host Yênly và Duy Tin đến từ podcast The Finding Audio và 4 cô nàng content creator Gen Z tài năng Meichan, Vừng, Mẫn Nhi & Diệu Anh.
Với trải nghiệm từng đổi ngành học tới… ba lần, Vừng là người hiểu hơn ai hết những khó khăn và trăn trở trong quá trình thay đổi ngành học. Ở lần đầu tiên và lần thứ hai, bạn lựa chọn ngành học dựa trên những hoạt động ngoại khoá từ cấp III hoặc có liên quan tới những thứ bạn yêu thích và quan tâm. Cho tới lần chuyển ngành thứ ba, sau khi đã rút ra bài học kinh nghiệm từ trước cùng lời khuyên từ chuyên gia khai vấn nghề nghiệp (career coach), Vừng đã lựa chọn ngành học hiện tại.
Ngay khi nhận được chủ đề “Bình thường hoá việc bạn tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tâm lý trên hành trình tìm ra ngành học lý tưởng" từ Host Yenly, Vừng đã bộc bạch rằng cô bạn đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đã trải qua những biến cố lớn trên hành trình này. Và ngay khi phát hiện bản thân rơi vào tình trạng trầm cảm và rối loạn lo âu, cô bạn đã lựa chọn gặp các chuyên gia điều trị tâm lý để khắc phục và cải thiện tình trạng tâm lý của mình. Một trong những phương pháp giúp Vừng vượt qua tình trạng này là lên kế hoạch dự phòng cho mỗi quyết định lớn. Nếu phương án A không khả thi, cô bạn sẽ chuẩn bị sẵn phương án B, phương án C trong đầu. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, Vừng tự tin hơn để đưa ra quyết định.
Vừng chia sẻ tại phiên Live-podcast #1 trong sự kiện.
Lấy ví dụ về phương pháp này, Vừng trực tiếp chia sẻ về kế hoạch dự phòng sau khi tốt nghiệp Đại học. Cô bạn thậm chí đã chuẩn bị tới bốn phương án dự phòng sau khi tốt nghiệp. Phương án A là tìm được việc làm tại Mỹ và tiếp tục thử sức tại Mỹ. Phương án B là xin visa sang Anh, bởi Anh có cấp visa 2 năm cho các bạn tốt nghiệp các trường thuộc top trường Ivy League, không cần việc làm từ trước, chỉ cần đăng ký visa đó là có thể ở lại, và tiếp tục tìm việc sau. Phương án C là tìm các công việc tại Singapore, hoặc liên hệ lại với trường cấp 3 tại Nhật xem có công việc nào phù hợp. Phương án D là Vừng sẽ về Việt Nam, làm công việc như năm cô bạn gap year.
Trên hành trình này, điều cô bạn cảm thấy tự hào nhất là có thể hành động giống thần tượng của mình - Shelby Mc Davis, một người làm ngành tài chính ở Mỹ đã thành lập quỹ học bổng mang tên mình dành cho các bạn học sinh, sinh viên trên thế giới. Hai năm qua, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, Vừng cũng đã gây dựng được một quỹ học bổng mang tên mình để hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam.
Chương trình Học bổng Giáo dục Vừng mùa thứ 2 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Ngược lại với Vừng, Mẫn Nhi nhận ra bản thân không hợp với ngành tâm lý và không muốn tiếp tục theo đuổi ngành học này. Trong khoảng thời gian đó, Mẫn Nhi có cơ hội trải nghiệm công việc trong ngành truyền thông và nhận thấy ngành này phù hợp với mình hơn. Chính vì vậy, cô bạn đã đưa ra một quyết định táo bạo: Dừng học ngành tâm lý ở Hà Lan, trở về Việt Nam và bắt đầu hành trình nộp hồ sơ đăng ký học ngành truyền thông tại Úc.
Đối với Mẫn Nhi, đây là một quyết định lớn, đánh dấu sự thay đổi “cục diện" cuộc đời. Đứng trước quyết định này, Mẫn Nhi có nhiều sự lo lắng và phân vân. Bởi lẽ, chương trình học tâm lý tại Hà Lan chỉ mất khoảng ba năm và cô bạn đã hoàn thành xong một năm rồi. Thế nhưng khi nhận ra, mỗi ngày thức dậy, cô bạn đều cảm thấy cuộc sống này không phù hợp với mình và điều đó đã khiến Mẫn Nhi chắc chắn hơn với việc lựa chọn một con đường, một điểm đến khác.
Trên hành trình này, Mẫn Nhi nhận ra sự thay đổi lớn nhất là tính cách của bản thân. Trước khi đi du học, cô nàng là người dễ bộc lộ cảm xúc và phản ứng ngay lập tức mà không suy nghĩ nhiều về hậu quả, không suy xét liệu phản ứng đó có đúng hay không. Tuy nhiên, sau 4-5 năm, Mẫn Nhi nhận thức được rằng những hành động và quyết định của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động đến người khác và gia đình nên việc suy nghĩ nhiều hơn trước khi hành động là rất cần thiết.
Mẫn Nhi và câu chuyện quản lý cảm xúc sau nhiều năm du học.
Bên cạnh đó, cô nàng cũng dần học cách kiểm soát tính lo xa của bản thân sau một thời gian đi du học. Theo chia sẻ của Mẫn Nhi, đây là tính cách đã đi theo cô nàng từ nhỏ tới lớn. Mẫn Nhi nhận thức rõ điều này từ nhỏ và luôn tìm cách giới hạn những lo âu trong mình lại. Tuy nhiên, ở thời điểm này, cô nàng lại cảm thấy thật may mắn khi có thể nhận thức được rõ sự lo xa bên trong mình. Bởi Mẫn Nhi đã học được cách thay vì để chúng chi phối, cô nàng biến sự lo xa thành động lực để lập kế hoạch cụ thể, tập trung vào những chuyện có thể kiểm soát được trong tương lai.
Diệu Anh - xuất phát điểm là một cô gái sống tại tỉnh Nam Định, mang hy vọng lên Hà Nội để khám phá một vùng đất mới. Cô bạn đã thi đỗ ngành Hệ thống thông tin quản lý tại Học viện Ngân hàng như mong muốn của gia đình với mục tiêu sau này sẽ có một công việc ổn định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong những năm đầu học tập tại trường, Diệu Anh không cảm nhận được bản thân mình thuộc về nơi đây. Cảm xúc lạc lõng và tự ti cứ thế lớn dần lên. Cuối cùng, Diệu Anh đã đưa ra một quyết định xoay chuyển cả cuộc đời của cô nàng, đó là dành một năm gap-year để chuẩn bị cho hành trình du học tại “xứ sở kim chi”.
Quyết định này đi ngược lại hoàn toàn với kỳ vọng của gia đình. Chính vì vậy, cô bạn không nhận được sự hậu thuẫn, giúp đỡ về mặt tài chính và hoàn toàn tự kiếm tiền để có thể du học tự túc. Khi sang đến Hàn, trong túi Diệu Anh chỉ vọn vẻn 10,000,000 VNĐ - một số tiền rất khiêm tốn để có thể sinh sống tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Diệu Anh biết trên hành trình này, cô bạn không chỉ mang trên vai ước mơ của bản thân, mong muốn được thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà đó còn là ước mơ của em gái và em trai của bạn.
Quyết định gap year để chuẩn bị du học tại “xứ sở kim chi" đã thay đổi toàn bộ cuộc đời Diệu Anh.
Những ngày đầu hoạt động như một content creator, Diệu Anh không bao giờ khoe giọng nói trên mạng vì cô bạn rất tự ti về điều này. Trong một lần trả lời Q&A trên Instagram về vấn đề trên, Diệu Anh lần đầu chia sẻ giọng nói của mình và thú nhận rằng, lý do cô bạn không bao giờ thu âm giọng nói vì giọng của cô rất quê và khàn đặc. Tuy nhiên, có mặt tại sự kiện ngày hôm đó, Diệu Anh tin rằng mình đã tự tin hơn rất nhiều vì dám nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, cải thiện bằng cách đi học các khoá giao tiếp, luyện giọng nói.
Chuỗi sự kiện “Liên-minh du học sinh đi muôn nơi” là một dịp để các content creator nhìn lại từng câu chuyện mà chính mình đã trải qua trong quá trình phát triển bản thân từ trước đến nay. Hy vọng những chia sẻ của các diễn giả đã phần nào giải đáp thắc mắc và mang lại nhiều ý nghĩa trong hành trình của các bạn trẻ tới tham gia chuỗi sự kiện!