Tài chính cá nhân là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Theo một nghiên cứu của Capital One CreditWise, 73% người Mỹ xếp tài chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng số một. Dù quan trọng, tại Việt Nam, việc phổ cập về tài chính, việc hướng dẫn người trẻ về tư duy và kiến thức quản lý tài chính cá nhân vẫn còn rất hạn chế. Cha mẹ không cảm thấy thoải mái khi trao đổi về tiền bạc với con cái, nhà trường không có chương trình nào dạy về quản lý tài chính cá nhân, điều này dẫn đến việc nhiều người trẻ loay hoay trong những mớ bòng bong về tiền.
Nhân ngày 20/11, The Influencer mong muốn truyền đạt một thông điệp rằng: việc học có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Mạng xã hội không chỉ là nơi để giải trí, mà có thể trở thành nguồn học tập bổ ích nếu như bạn biết follow đúng người, biết học đúng chỗ. #LearnwithKOL là một tuyến bài đặc biệt, nơi chúng tôi tìm đến những người có tầm ảnh hưởng trên MXH nhờ chính kiến thức và chuyên môn của họ.
Với chủ đề tài chính cá nhân, The Influencer giới thiệu đến bạn đọc TS. Võ Đình Trí (hay còn gọi là Chàng-Ngốc-Già). TS.Trí hiện đang giảng dạy và nghiên cứu về tài chính tại IPAG Business School Paris, đồng thời là giảng viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Ban Tài chính của Tổ chức AVSE Global. Từ tháng 02/2021, anh bắt đầu làm chương trình Podcast Chàng-Ngốc-Già với mong muốn đóng góp một phần nhỏ để giới trẻ Việt Nam có thêm kiến thức và tư duy đúng đắn về tài chính, sống tự chủ và có trách nhiệm hơn.
Mời bạn đến với cuộc trò chuyện ngắn nhưng rất nhiều thông tin bổ ích cùng Chàng-Ngốc-Già.
Người Việt Nam mình thường rất ngại nói về tiền, coi đây là một vấn đề tế nhị. Nhiều người không có suy nghĩ thực sự đúng đắn và lành mạnh về tiền, kể cả những người có nhiều tiền. Sau này, tôi thực sự nhận ra được vai trò của tiền. Khi có tiền, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc, giúp được rất nhiều người. Trước hết, ta có thể lo được cho cuộc sống cá nhân, không cần phụ thuộc vào một người nào khác. Ở cấp độ cao hơn, chúng ta có thể giúp đỡ người thân, bạn bè khi họ gặp khó khăn. Ai đã từng trải qua cảm giác phải đi mượn tiền thì sẽ hiểu. Khi đã có nhiều tiền, chúng ta có thể mở doanh nghiệp riêng, cung cấp công ăn việc làm cho nhiều người khác.
Đó cũng là lý do thôi thúc Chàng-Ngốc-Già chia sẻ nhiều nội dung về tài chính trên MXH. Tôi muốn truyền tải một suy nghĩ tích cực hơn về tiền, về tinh thần tự chủ trong cuộc sống. Nếu được dùng đúng cách, tiền không có gì là xấu.
Tài chính cá nhân là một lĩnh vực rộng, bao gồm tất cả những yếu tố như: lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư cá nhân, quản lý các dòng thu nhập… Ở mỗi một lứa tuổi, chúng ta lại gặp những vấn đề khác nhau về tài chính cá nhân.
Với người trẻ, tôi nghĩ có hai vấn đề quan trọng nhất cần nhắc đến: thái độ về tiền và kiến thức về tiền. Trước hết là về thái độ, dưới đây là một số thái độ - tư duy thường gặp ở người trẻ mà tôi cho là không phù hợp:
Vì chưa có một thái độ đúng đắn và lành mạnh về tài chính, nhiều bạn trẻ không có nhiều động lực để tìm hiểu, học hỏi và thực hành việc quản lý tài chính cá nhân.
Thứ hai là sự thiếu hụt về kiến thức tài chính cơ bản. Lãi suất, lạm phát, rủi ro, bản chất của các hình thức đầu tư,... đó đều là những phạm trù rất nền tảng về tài chính mà các bạn trẻ nên nắm rõ. Nếu như thiếu kiến thức về tài chính, các bạn sẽ mất đi sự tự chủ trong việc quản lý tài chính cá nhân, không có nền tảng để đưa ra những quyết định đúng đắn. Ví dụ với quyết định vay trả góp, khi hiểu về lãi suất, bạn sẽ biết rằng lãi suất trên giấy tờ và lãi suất thực tế phải trả có thể rất chênh lệch. Hoặc khi có kiến thức về đầu tư, bạn sẽ hiểu được rằng kỳ vọng lợi nhuận cao đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro cao, những lời kêu gọi như “làm giàu nhanh”, “đầu tư chắc chắn có lời” về cơ bản đều là vô căn cứ.
Thực ra, sự thiếu hụt kiến thức về quản lý tài chính cá nhân ở các bạn trẻ là không quá khó hiểu. Kể cả trong các trường về kinh tế, điều các bạn được dạy là quản lý tài chính doanh nghiệp, chứ không phải về tài chính cá nhân. Thế nhưng, các bạn trẻ có lợi thế hơn khi sinh ra trong thời đại thông tin. Trên Internet, các podcast, blog, khóa học về tài chính cá nhân đều rất nhiều. Khi có động lực và xác định được mục tiêu rõ ràng, các bạn sẽ dễ dàng tìm được những nguồn thông tin phù hợp.
Khi nói đến chuyện tiết kiệm, điều các bạn trẻ nên tập trung giải quyết trước tiên là tâm lý khi tiết kiệm, sau đó mới là phương pháp. Bởi các phương pháp tiết kiệm luôn có sẵn ở đó để bạn áp dụng, điều quan trọng là bạn đã có tâm lý đủ sẵn sàng và động lực đủ nhiều hay chưa.
Theo tôi quan sát, phần lớn sự thất bại trong kế hoạch tiết kiệm đến từ việc không xác định được một mục tiêu rõ ràng. Ai cũng nói tiết kiệm là quan trọng, thế nhưng tiết kiệm để làm gì, điều này không phải ai cũng xác định được. Khi có một mục tiêu đúng, bạn sẽ có một đích đến rõ ràng, điều này truyền động lực để bạn có hành động cụ thể. Ví dụ, một bạn trẻ mới ra trường và đặt mục tiêu 30 tuổi sẽ tự mua được một căn nhà riêng. Khi nghĩ đến tương lai có một căn nhà riêng để ở, không cần phải thuê nhà mỗi tháng, bạn có sự thôi thúc để vượt qua những cám dỗ tiêu tiền ở thời điểm hiện tại. Không chỉ vậy, một mục tiêu mà bạn thực sự khao khát cũng giúp bạn giữ được sự kiên trì bền bỉ trong hành động tiết kiệm.
Với các bạn chưa có động lực đủ nhiều cho việc tiết kiệm, bạn có thể tự hỏi bản thân hai câu hỏi sau:
Cá nhân tôi, ngay tại thời điểm này, dù công việc chính đã đem đến một nguồn thu nhập khá tốt, tôi vẫn có thêm một vài nguồn thu nhập khác cho bản thân. Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng bất định, khái niệm “công việc trọn đời” không còn tồn tại nữa. Đa dạng nguồn thu nhập là cách thức để các bạn giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự ổn định cho bản thân mình. Giả sử một ngày nào đó công ty bạn phá sản, hoặc bạn bỗng nhiên bị mất việc, bạn sẽ không quá chênh vênh bởi vẫn còn các nguồn thu nhập dự phòng khác. 2 năm vừa rồi, dưới tác động của dịch bệnh, tôi nghĩ ít nhiều chúng ta cũng cảm nhận được những rủi ro này.
Khi các bạn trẻ nghĩ đến chuyện đa dạng nguồn thu nhập, các bạn cần biết cách tối ưu bằng việc lựa chọn các công việc có mối liên kết với nhau. Các công việc có thể cùng một lĩnh vực, hoặc sử dụng chung một vài nhóm kỹ năng để các bạn có thể tận dụng tối đa nguồn lực. Ví dụ, cá nhân tôi vừa làm nghiên cứu, vừa tham gia các dự án tư vấn, vừa viết báo, nhưng tất cả đều xoay quanh lĩnh vực tài chính. Các công việc bổ trợ cho nhau, làm đòn bẩy lẫn nhau, đó là một cách thức để tối ưu. Trường hợp khác, bạn là một nhà báo và mạnh về kỹ năng viết. Ngoài việc viết báo, bạn có thể nhận thêm các công việc freelance liên quan đến copywriter, viết bài PR. Bạn vừa có thể thận dụng kỹ năng viết, vừa mở rộng trải nghiệm ở các thể loại viết khác nhau, vừa có thêm nguồn thu nhập.
Tôi bỗng liên tưởng việc đầu tư cũng đơn giản như chuyện chạy bộ. Chỉ cần sắm một đôi giày, và duy trì động lực để chạy đều đặn hàng tuần, hàng tháng. Ban đầu, bạn có thể chạy thật chậm, tập trung vào những kỹ thuật cơ bản như duy trì hơi thở. Trong đầu tư cũng vậy, các bạn trẻ có thể bắt đầu bằng những hình thức đầu tư đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, những cần có sự đầu tư đều đặn. Ví dụ, bạn có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ hoán đổi như ETF (Exchange Traded Fund). Về cơ bản, ETF là một “rổ” các loại chứng khoán, bên trong có thể có cả cổ phiếu, trái phiếu, các loại hàng hoá như nguyên liệu thô, năng lượng (commodities) hay các chỉ số chứng khoán. Khi bạn mua một ETF cổ phiếu, đồng nghĩa với đó là bạn đang mua cả chục hay cả trăm cổ phiếu trong cái rổ đó. Do tổng hợp nhiều cổ phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu đã được đánh giá bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, về cơ bản, lợi nhuận từ hình thức đầu tư này sẽ tăng đều nhưng chậm, phải đầu tư lâu dài mới thấy hiệu quả. Hoặc, bạn có thể uỷ thác việc đầu tư cho người có chuyên môn. Đương nhiên là bạn sẽ phải trả một khoản phí cho họ, nhưng bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và giảm thiểu rủi ro khi bản thân bạn chưa có nhiều kiến thức.
Khi đã quen với những hình thức đầu tư đơn giản này, bạn có thể tìm hiểu đến những sản phẩm đầu tư phức tạp hơn, đòi hỏi phải dành thời gian để theo dõi sát sao hơn. Ở cấp độ này, tùy vào sở thích, mỗi người sẽ tự xây dựng một danh mục đầu tư riêng.
Khi nói về tài chính cá nhân, tôi cho rằng cái tính “cá nhân” cần được đề cao hơn nữa. Mỗi người sẽ có mục tiêu của riêng mình, không thể áp đặt y nguyên mục tiêu của người khác vào bản kế hoạch của riêng mình. Tài chính cá nhân không phải là thứ có thể rập khuôn 10 người như một, mà phải biết hài lòng với mục tiêu mình đã đặt ra.
Còn nếu có thể gặp lại chính mình khi còn trẻ, tôi sẽ khuyên tôi của tuổi trẻ nên đầu tư và tích luỹ sớm hơn. Thành thật với các bạn, khi còn trẻ, tôi cũng có tâm lý như các bạn bây giờ. Ra trường làm cũng được nhiều tiền, nhưng làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, nghĩ rằng mình có khả năng nên lúc nào kiếm tiền cũng được. Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng, tích lũy và đầu tư càng sớm, giá trị tài sản tạo ra cho bản thân tại thời điểm hiện tại lại càng lớn. Nó có thể lớn đến mức mà 10, 15 năm trước, bạn không thể hình dung được.
Cảm ơn Chàng-Ngốc-Già vì những chia sẻ rất hữu ích của anh ngày hôm nay. The Influencer chúc anh sức khoẻ và năng lượng dồi dào để tiếp tục chia sẻ thật nhiều kiến thức, thông tin giá trị về tài chính tới cộng đồng.