Bạn có từng chìm đắm trong vùng đất linh hồn mà cô bé Chihiro lạc vào dưới giai điệu đầy du dương của bản nhạc The Name of Life?
Có từng mơ tới một chàng pháp sư Howl đầy lạnh lùng và điển trai với lâu đài phép thuật kỳ diệu của mình?
Hay từng mong muốn một người hàng xóm đầy dễ thương như Totoro?
Những thước phim nhà Ghibli luôn mang đến vẻ đẹp khiến người xem xao xuyến và nhung nhớ mỗi khi thưởng thức. Người ta nhớ đến những khung cảnh hoạt hình được vẽ tay chi tiết, những câu chuyện về văn hoá và con người Nhật Bản, những trang tuổi thơ đẹp như mơ mà chỉ Ghibli mới có thể tạo ra.
Studio Ghibli là một hãng phim hoạt hình Nhật Bản có trụ sở tại Koganei, Tokyo, Nhật Bản. Hãng được biết đến nhiều nhất qua việc sản xuất ra các bộ phim Anime, sản xuất một vài phim ngắn, các quảng cáo trên truyền hình và phim hoạt hình nhiều tập. Studio Ghibli được thành lập vào tháng 6 năm 1985, bởi Miyazaki Hayao, Takahata Isao, Suzuki Toshio và Tokuma Yasuyoshi.
Một trong những thành công bậc nhất của hãng phim hoạt hình này chính là Spirited Away - bộ phim đứng thứ hai trong danh sách Anime có doanh thu cao nhất toàn cầu với hơn 274 triệu USD. Ngoài ra, hãng phim này còn sở hữu 7 bộ phim khác lọt vào top 15 phim Anime có doanh thu cao nhất mọi thời đại được thực hiện ở Nhật Bản. Bốn phim của Studio Ghibli nhận được đề cử giải Oscar, trong đó Spirited Away đã đoạt Giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất năm 2003.
Vẻ đẹp của Ghibli nằm ở sự chỉn chu, chi tiết của nhà làm phim khi thực hiện mỗi dự án. Người xem như thấy được một Nhật Bản huyền diệu, với những câu chuyện thần kỳ, những nét văn hóa truyền thống được lưu giữ ngàn đời qua. Đồng thời, ý nghĩa thông điệp về con người, về tình yêu, gia đình, bạn bè cũng được hãng truyền tải khéo léo, vượt qua giá trị giải trí đơn thuần của một bộ phim hoạt hình.
Cô bé Chihiro cùng gia đình trên đường chuyển đến nhà mới đã rẽ nhầm vào một con đường lạ và bước chân vào thế giới thần bí. Tại đây, cha mẹ của Chihiro đã bị biến thành heo khi ăn tại một nhà hàng không người và Chihiro cũng bị mắc kẹt trong thế giới này. Để tìm lại cha mẹ cũng như thoát khỏi vùng đất kỳ lạ, cô bé Chihiro đã làm việc tại nhà tắm công cộng và quen biết được nhiều người bạn tốt, trong đó có Haku.
Spirited Away luôn khiến người xem thổn thức bởi vẻ đẹp của Vùng đất linh hồn
Spirited Away được đánh giá là tác phẩm ấn tượng nhất của nhà Ghibli bởi vẻ đẹp của vùng đất này mang lại, cũng như những câu chuyện, ý nghĩa về văn hóa Nhật Bản được cài cắm khéo léo trong phim. Nhờ đó, bộ phim đã thu về 274 triệu USD trên toàn cầu, nhận về nhiều giải thưởng lớn trên toàn thế giới, trong đó có Giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất năm 2003.
Ngoài ra, nhạc phim với tựa đề The Name of Life cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp cho Spirited Away, dưới sự đảm nhiệm của Hisaishi Joe. Ca khúc này đã gặt hái nhiều danh hiệu tại lễ trao giải, trong đó có Cuộc thi Điện ảnh Mainichi lần thứ 56, Tokyo International Anime Fair năm 2001, Đĩa vàng Nhật Bản lần thứ 17.
Sophie tình cờ gặp chàng pháp sư Howl trên đường đến thăm em gái Lettie và bị yểm bùa biến thành một cụ già chín mươi tuổi. Từ đó, cô bắt đầu trở thành người giúp việc của pháp sư Howl với mong muốn được hóa giải lời nguyền. Trong suốt quá trình đồng hành, Howl và Sophie đã nảy sinh tình cảm và cùng chấm dứt chiến tranh loạn lạc.
Howl’s Moving Castle mang chủ đề phản chiến do ảnh hưởng từ quan điểm của Miyazaki - phản đối cuộc xâm lược Iraq của Mỹ. Dù cho bộ phim có thể không được đón nhận ở Mỹ nhưng Miyazaki vẫn khẳng định rõ ràng quan điểm của mình, từ đó mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về nữ quyền, lòng trắc ẩn của con người cũng như hiện thực khốc liệt mà chiến tranh tạo ra. Bộ phim đã thu về 236 triệu USD, nhận đề cử Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất năm 2006 và nhiều danh hiệu ấn tượng trong những năm đó.
Đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới 2 tại Nhật Bản, Grave of the Fireflies là câu chuyện bi thương của hai đứa trẻ mồ côi - người anh trai tên là Seita và em gái của cậu là Setsuko. Hai anh em mất mẹ sau cuộc thả bom của không quân Mỹ vào thành phố Kobe trong khi người cha đang chiến đấu cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Là nạn nhân của chiến tranh, Seita và Setsuko phải vật lộn để tồn tại trước nạn đói cũng như sự thờ ơ của người thân xung quanh. Cái chết của người em Setsuko và sau đó là Seita đã lấy đi rất nhiều giọt nước mắt của người xem.
Grave of the Fireflies không đơn thuần là một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, mà ở đó nỗi đau của sự mất mát, sự tàn khốc mà chiến tranh mang đến cho những người dân vô tội đã được lộ rõ. Nhận về vô số lời khen ngợi của người dân Nhật Bản cũng như toàn thế giới, Grave of the Fireflies là bộ phim mang đầy tính nhân văn nhất định phải xem của Ghibli.
Là một trong những tác phẩm lớn mở màn cho trào lưu hoạt hình vẽ tay sau này, My Neighbor Totoro kể về gia đình Kusakabe chuyển về vùng quê sinh sống và gặp gỡ được con thú khổng lồ - chúa tể của ngôi rừng. Đặt tên cho con vật này là Totoro, cô em gái 4 tuổi Mei cùng người chị của mình và những người bạn trong ngôi làng đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp cùng linh vật này. Nhẹ nhàng và sâu lắng, My Neighbor Totoro không mang giá trị quá lớn lao nhưng để lại trong lòng người xem những xúc cảm về một tuổi thơ kỳ diệu nơi đồng quê.
Phần nhạc phim mang tên The Path of the wind là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Ghibli bởi sự yên bình mà nó mang lại - như chính những ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà ai cũng từng trải qua.
Jiro sinh ra với niềm yêu thích mãnh liệt với không trung và giấc mơ được lái máy bay chinh phục bầu trời. Tuy nhiên, cậu gặp phải trở ngại bị cận nặng và không thể trở thành phi công. Sau này, Jiro đã trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu và tìm thấy được tình yêu của mình - Naoko - một cô gái bé nhỏ xinh xắn, yêu đời. Hạnh phúc không được bao lâu khi Naoko qua đời khiến Jiro sống trong cô độc. Mặc dù vậy, anh vẫn thành công tạo ra chiếc Mitsubishi A5M - tiền thân của chiếc Mitsubishi A6M 'Zero' - máy bay chiến đấu xuất sắc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
The Wind Rises nổi tiếng với câu thoại "Gió vẫn thổi, ta phải sống", thể hiện rõ khát vọng sống và vượt qua nỗi đau của con người. Bộ phim đã nhận về doanh thu phòng vé cao nhất Nhật Bản trong năm 2013, cùng với đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất, đề cử Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Quay trở lại với The Boy and The Heron (Thiếu niên và Chim diệc), Ghibli - hay rõ hơn là vị đạo diễn/hoạ sĩ truyện tranh Miyazaki Hayao đã mang đến câu hỏi khiến ai cũng phải thổn thức và suy ngẫm: “How do you live?” (Bạn sống thế nào?).
The Boy and The Heron là câu chuyện kể về Masato - một cậu bé không may mất mẹ và phải chuyển đến vùng quê ngoại sinh sống cùng người mẹ mới - em gái của mẹ cậu. Tại đây, Masato đã lạc vào thế giới ma thuật, nơi do người chú của cậu tạo ra và coi đó là thiên đường giữa hiện thực đầy tàn khốc. Mặc cho những cám dỗ về một vùng đất của sự hoàn hảo, nơi không có sự chia xa, Masato vẫn quyết định quay trở về nhà dù cho nơi đó không còn mẹ của cậu.
Câu hỏi “How do you live?” được cài cắm xuyên suốt cả bộ phim, và mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình sau khi thưởng thức trọn vẹn cùng Ghibli. Tiếc nuối của The Boy and The Heron không chỉ dừng lại ở cốt truyện có phần thiếu màu nhiệm như những bộ phim trước đó, mà đây có lẽ còn là tác phẩm cuối cùng của Miyazaki Hayao - khi ông giờ đây đã bước sang tuổi 83. Như một lời tạm biệt không chính thức, thế giới kỳ diệu của Ghibli rồi sẽ phải khép lại như chính cái cách thiên đường trong The Boy and The Heron sụp đổ, nhưng những gì mà hãng phim này mang lại cho người hâm mộ trong nhiều thập kỷ qua sẽ luôn là một vẻ đẹp vĩnh hằng mà không đâu có thể tạo ra được - một vẻ đẹp thuần khiết nhất trong tuổi thơ của mỗi người.