Đã bao giờ bạn ngồi vào bàn làm việc, muốn nghĩ ý tưởng cho một video thật hay, nhưng đầu óc tắc tị?
Đã bao giờ bạn ngồi cả buổi sáng cố gắng thiết kế một tấm hình đẹp, nhưng mọi thứ dường như không có gì vừa mắt?
Đã bao giờ bạn cảm thấy mọi sự sáng tạo đều cùng lúc “đình công”?
Việc duy trì nguồn cảm hứng và sự sáng tạo liên tục là một thách thức với người làm sáng tạo nội dung và các influencer. Creative block - trạng thái bế tắc sáng tạo, là một “người bạn” đôi khi sẽ xuất hiện trên hành trình làm nghề, dù bạn có muốn hay không.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá sâu về việc creative block là gì, nó hiện hữu dưới những hình thái nào, và làm thế nào để phá vỡ bức tường vô hình giữa bạn và nguồn sáng tạo vô hạn đang chờ được bạn chạm tới.
Creative block - trạng thái bế tắc sáng tạo, là tình trạng mất cảm hứng sáng tạo hoặc khó khăn trong việc tạo ra những ý tưởng mới. Đây là khoảng thời gian mà một cá nhân cảm thấy mình mắc kẹt, không thể tạo ra ý tưởng mới hoặc phát triển ý tưởng hiện tại, dẫn đến cảm giác bế tắc, thất vọng và thậm chí là nghi ngờ vào bản thân và khả năng sáng tạo của mình. Khái niệm này không phân biệt lĩnh vực sáng tạo, từ viết lách, hội họa, thiết kế, âm nhạc, cho đến sản xuất nội dung trên các nền tảng số.
Đối mặt với creative block, người làm sáng tạo cảm thấy như đang đứng trước một bức tường vô hình, không thể vượt qua. Họ dành nhiều giờ đồng hồ ngồi trước màn hình máy tính hoặc tờ giấy trắng mà không thể tạo ra điều gì ưng ý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn tác động đến tâm trạng và tinh thần của bản thân.
Khi gặp phải trạng thái này, có một số dấu hiệu rõ ràng mà bạn có thể nhận biết:
Nguồn hình ảnh: Daniele Simonelli
Creative block như một người bạn biến hoá không lường. Mỗi lần xuất hiện, trạng thái này lại có những hình thái khác nhau. Dưới đây là một số hình thái phổ biến:
Đây là tình trạng thiếu hụt những ý tưởng mới mẻ và gặp khó khăn trong việc tạo ra các cách tiếp cận mới. Bạn cảm thấy mắc kẹt trong một vòng lặp của những ý tưởng lặp đi lặp lại. Bạn cảm tưởng rằng tâm trí đang bị nhốt trong một cái hộp cũ kỹ mà không có cách gì để thoát ra.
Chủ nghĩa hoàn hảo là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó giúp người làm sáng tạo nỗ lực để tạo ra những sản phẩm tốt. Mặt khác, chủ nghĩa hoàn hảo quá mức có thể dẫn đến tình trạng bế tắc sáng tạo. Nỗi sợ tạo ra một sản phẩm có tỳ vết, sự ám ảnh về những lỗi nhỏ nhặt có thể gặp phải,... khiến bạn vật vã. Tâm lý này ngăn cản bạn thử nghiệm những thứ mới, hạn chế khả năng tạo ra những ý tưởng mới. Nó cũng có thể khiến bạn lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng.
Suy nghĩ quá nhiều thường song hành với chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu bạn bị mắc kẹt trong sự phân tích và tự phê bình quá mức, sẽ khó khăn để tin vào trực giác của mình. Nó cũng sẽ cản trở việc để ý tưởng tuôn chảy một cách tự nhiên. Suy nghĩ quá nhiều có thể tạo thành một vòng luẩn quẩn tai hại, dẫn đến sự tự nghi ngờ và thiếu tự tin vào khả năng sáng tạo của bạn.
Đôi khi, bạn có thể vật lộn để tìm kiếm cảm hứng và cảm thấy tách biệt khỏi quá trình sáng tạo. Mọi thứ dường như phẳng lặng, chậm chạp và thiếu sức sống. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do việc bạn không tiếp xúc nhiều với các nguồn cảm hứng phong phú hoặc môi trường xung quanh quá tù đọng và không có tính chất thúc đẩy sự sáng tạo.
Căng thẳng kéo dài hoặc làm việc nhiều giờ tập trung cao độ có thể dẫn đến mệt mỏi về tinh thần. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sáng tạo. Khi kiệt sức về mặt tinh thần, bạn sẽ khó khai thác tiềm năng sáng tạo và tạo ra những ý tưởng hoặc đột phá.
Đọc thêm: #InfluencerTips: Đi bền với nghề sáng tạo nhờ chăm sóc sức khỏe tinh thần
Nguồn hình ảnh: Unsplash
Sự bế tắc sáng tạo có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể lĩnh vực. Mỗi người sẽ có một cách thức riêng để đối diện với tình trạng này. Trong bài viết này, The Influencer chia sẻ với bạn một cách gợi ý của nhà thơ, tác giả sách và nghệ sĩ Joy Harjo. Joy Harjo (1951–) là nhà thơ và nhạc sĩ người Muscogee. Bà được trao giải William Carlos Williams năm 1991, giải Wallace Stevens năm 2015, và giải thơ Ruth Lilly năm 2017. Bà là Poet Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2019–2020, nhà thơ bản địa đầu tiên giữ vị trí này. Dưới đây là những gợi ý của bà cho những người làm sáng tạo:
Nguồn hình ảnh: Internet
1. Mời gọi niềm vui và sự thử nghiệm: Tạm đặt chủ nghĩa hoàn hảo sang một bên và hãy mời gọi niềm vui vào quá trình sáng tạo. Thử nghiệm những ý tưởng và phương tiện mới – vẽ nguệch ngoạc như một đứa trẻ, viết tự do bất kể điều gì xuất hiện trong tâm trí, nhảy theo điệu nhạc yêu thích, làm tranh ghép từ tạp chí cũ. Joy tin rằng, "Chính niềm vui đã dẫn dắt tôi đến những vần thơ sâu sắc nhất." Đó là nơi "phép màu xảy ra."
2. Bước ra khỏi môi trường an toàn: Hãy thoát khỏi thói quen thường ngày và đắm mình vào những môi trường mới. Nếu bạn thường làm việc trong không gian yên tĩnh, hãy thử đến một quán cà phê đông đúc, quan sát những hình ảnh, âm thanh và mùi hương xung quanh. Ghi lại chi tiết những cảm nhận mà bạn có được – chúng có thể châm ngòi cho những ý tưởng tuyệt vời.
3. Tách rời khỏi công việc bạn đang làm: Cảm thấy bế tắc? Hãy tạm gác lại công việc một thời gian. Việc suy nghĩ quá nhiều về một ý tưởng có thể khiến bạn không thể tìm ra những góc nhìn mới. "Đôi khi, bạn không có cái nhìn đúng đắn. Vậy làm thế nào để có nó? Hãy gác lại nó vài ngày, đôi khi cả tuần," Joy khuyên. "Đôi khi bạn cần lùi lại và nhìn nhận từ tổng thể."
4. Tìm kiếm cảm hứng từ những người làm sáng tạo khác: Cảm thấy cạn kiệt ý tưởng? Hãy đắm mình vào tác phẩm của những người khác. Đọc một bài thơ mới, ghé thăm bảo tàng, nghe nhạc. "Tôi thường nhận ra mình cần được làm tươi mới về tinh thần… Tôi tìm một bài thơ của ai đó mà tôi yêu thích… Bật nhạc, ngắm tranh" Joy chia sẻ.
5. Viết ra những suy nghĩ: Những khúc mắc cá nhân là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra trạng thái bế tắc sáng tạo. Nếu cảm thấy thiếu cảm hứng, hãy viết về những khó khăn đang luẩn quẩn trong tâm trí bạn. Viết ra những lo lắng, vấn đề với người thân hoặc những căng thẳng khác là một hình thức chăm sóc bản thân và khai mở nguồn cảm hứng. "Tôi có thể viết về bất cứ điều gì đó đang làm phiền mình" Joy nói. "Chỉ riêng hành động viết và hít thở trong khi viết, chỉ cần ở trong không gian đó, rất nhiều thứ có thể được mở ra
Nguồn hình ảnh: Unplash
Sáng tạo là một hành trình thú vị và nhiều thử thách. Sẽ có những khúc quanh, có những quãng đi nhanh và có những đoạn đường phải đi chậm. Trên hành trình ấy, bạn sẽ học cách đối diện với người bạn “creative block" này theo cách của riêng mình. Chúc chúng ta, những người theo đuổi công việc tự do, có thật nhiều lòng trắc ẩn với bản thân để yêu thương chính mình ngay cả trên những đoạn đường khó khăn nhất. Chúc bạn nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ thơ để có thể nhìn nhận mọi thứ một cách tươi mới, hồn nhiên và đầy sức sống. Chúc bạn kiên trì, biết chậm lại khi cần, cùng lúc luôn tự tin để sống và làm việc một cách trọn vẹn và rực rỡ nhất.