Micro-Influencer là những người sáng tạo nội dung có 10K - 100K người theo dõi trên mạng xã hội. Những người có ảnh hưởng này thường chuyên về những lĩnh vực rất cụ thể, từ giáo dục, thời trang, làm đẹp… Chính vì thế, những người theo dõi họ là những người quan tâm nhiều đến các lĩnh vực đó, dễ dàng chịu sức ảnh hưởng từ các Micro-Influencer.
Tại Việt Nam, các Micro-Influencer hiện nay dần trở nên phổ biến và đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội. Với Instagram, các Micro-Influencer sẽ tập trung vào ngách nội dung liên quan đến thời trang, mỹ phẩm và làm đẹp. Bởi các sản phẩm này dễ dàng tiếp cận đến người theo dõi thông qua Affiliate Marketing - một trong những hình thức kiếm tiền được giúp các Micro-Influencer nhận phần hoa hồng phổ biến hiện nay. Với TikTok, các nội dung được sáng tạo nhiều hơn, đa dạng với nhiều độ tuổi và dễ dàng thu hút giới trẻ, từ đó mang đến lượt tương tác ấn tượng nhờ thuật toán lên xu hướng của nền tảng này.
Cùng với các nền tảng mạng xã hội, Micro-Influencer có thêm nhiều cơ hội để kết nối với các thương hiệu ngày nay. Cụ thể, các Micro-Influencer có thể nhận quà tặng từ thương hiệu, từ đó review chi tiết về sản phẩm, công dụng và cảm nhận; hay hợp tác cùng nhãn hàng tạo ra các sản phẩm mang tính “cá nhân hoá”, từ đó dễ dàng tác động đến người theo dõi nhờ sự gần gũi, quen thuộc của mình. Có thể kể đến @spookythankfulmerry - một Micro-Influencer với nội dung về trang trí Halloween - đã cùng Laika Studios thiết kế một cây thông Noel theo chủ đề Coraline để quảng bá trang trí sản phẩm mới của studio này. Với phong cách cá tính, @spookythankfulmerry đã khiến những followers của cô ấy ấn tượng và mong muốn 1 video hướng dẫn trang trí cây thông.
Đầu tiên, hãy hiểu được bản thân bạn “thích gì” và “có gì”. Chính những câu chuyện từ bản thân sẽ xây dựng cho bạn cá tính riêng biệt, từ đó dễ dàng gây ấn tượng hơn với những người theo dõi. Khi xác định được điều này, tuyến nội dung của bạn trên mạng xã hội sẽ đi theo một hướng nhất định, mang đến chiều sâu từ đó thu hút thêm người hâm mộ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn thêm tối đa 2 - 3 nội dung mở rộng để làm phong phú hơn trang cá nhân của mình. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng các nội dung mở rộng cần liên quan đến nội dung chính. Ví dụ như nếu bạn lựa chọn nội dung về ẩm thực, bạn có thể tập trung review đồ ăn, song song là các video hướng dẫn nấu ăn hoặc trải nghiệm ẩm thực địa phương.
Instagram, TikTok và YouTube là một số nền tảng phổ biến nhất được sử dụng phổ biến với Micro-Influencer. Tuy nhiên, lựa chọn nền tảng phù hợp lại phần lớn phụ thuộc vào tệp người theo dõi mà các nhà sáng tạo nội dung muốn tiếp cận. Ví dụ như Gen Z có thể được tiếp cận hiệu quả hơn thông qua TikTok, YouTube thường phố biến với các loại nội dung cần chiều sâu hơn để tiếp cận đa dạng độ tuổi.
Đồng thời, bạn cũng cần biết cách tối ưu hóa mạng xã hội bằng cách chuyển đổi tài khoản sang dạng Tài khoản Doanh nghiệp (đối với TikTok và Instagram), thay đổi bio sao cho hấp dẫn cùng ảnh đại diện ấn tượng.
Đối với mỗi nền tảng sẽ có những chính sách khác nhau. Chẳng hạn như với YouTube, để kích hoạt chế độ kiếm tiền bạn phải đảm bảo có ít nhất 1K người đăng ký và có hơn 4K giờ xem (trong 12 tháng), hay với TikTok, bạn có thể dễ dàng gắn link sản phẩm dù cho lượng tương tác chưa quá nhiều. Cùng với đó, các Micro-Influencer cũng cần cung cấp các thông tin liên lạc trên mạng xã hội, thể hiện rõ mong muốn hợp tác cùng các thương hiệu. Ngoài ra, bạn cũng có thể gắn tag thương hiệu mỗi khi trải nghiệm sản phẩm dù có được tài trợ hay không. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng kết nối được với các thương hiệu và xây dựng được thị trường của riêng mình.
Thường xuyên kiểm tra và theo dõi lượt tương tác sẽ giúp bạn biết được tuyến nội dung của mình có còn phù hợp và trendy hay không. Bạn cũng cần phải kiên trì hoạt động và thường xuyên giao lưu với khán giả thông qua các tính năng khác như livestream hay story. Từ những tương tác trực tiếp đó, bạn sẽ biết được khán giả của mình là những ai, họ cần gì và muốn gì ở bạn. Đôi khi, hình thức này còn có thể mang đến cho bạn lượt tương tác ấn tượng nếu như bạn tạo ra được những nội dung hài hước và lên xu hướng.
Một trong những lý do chính khiến Micro-Influencer trở nên hấp dẫn đối với các thương hiệu chính là yếu tố chi phí. Mặc dù các mức giá cụ thể có thể thay đổi dựa trên sức ảnh hưởng, loại nội dung và nền tảng, nhưng nhìn chung các màn hợp tác đều không mất nhiều chi phí như khi bắt tay cùng những người có ảnh hưởng quy mô lớn.
Theo báo cáo mới nhất về chi phí hợp tác cùng Influencer, Micro-Influencer sẽ có chi phí từ 100$ đến 500$ cho mỗi bài đăng trên Instagram. Trong khi đó, các thương hiệu có thể phải bỏ ra đến 5.000$ cho một bài đăng duy nhất từ những những người có ảnh hưởng lớn như các nghệ sĩ hay ngôi sao. Trên TikTok, tỷ lệ trung bình cho Micro-Influencer là 25$ - 125$ cho mỗi video. Ngay cả trên YouTube, các thương hiệu cũng sẽ không cần phải chi trả quá nhiều cho Micro-Influencer, cụ thể là khoảng 1.000$ cho mỗi video.
Một lợi ích chính khác của việc làm việc với Micro-Influencer là khả năng thu hút mức độ tương tác cao. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm tỷ lệ tương tác đang giảm đáng kể trên các nền tảng như Instagram. Một nghiên cứu cho thấy Micro-Influencer vẫn có thể tạo ra tỷ lệ tương tác khoảng 2% cho cả bài đăng thường xuyên và bài đăng được tài trợ trên Instagram. Trong khi đó, những người có ảnh hưởng tầm trung trở lên mang lại tỷ lệ tương tác lần lượt là 1,5% và 1,2% cho các bài đăng được tài trợ bởi thương hiệu.
Ngay cả trên TikTok, các Micro-Influencer vẫn thu được một số tỷ lệ tương tác cao ấn tượng. Theo Statista, tỷ lệ tương tác của họ ở mức trung bình 12,4%, trong khi đó, theo báo của Influencer Marketing Hub cho thấy các tài khoản lớn với hơn một triệu người theo dõi trên TikTok chỉ mang về tỷ lệ tương tác là 10,53%.
Một đóng góp quan trọng cho tỷ lệ tương tác cao của Micro-Influencer chính là khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu. Nói đơn giản, các Micro-Influencer tập trung vào một vài lĩnh vực cụ thể, từ đó xây dựng được một cộng đồng gồm những người theo dõi có cùng sở thích. Điều này giúp cho họ trở thành một lựa chọn mang đến hiệu quả cao cho các thương hiệu muốn tiếp cận gần với tệp khách hàng mục tiêu.
Ví dụ, người có ảnh hưởng trên TikTok, Lupita (@luwhatwear), có cho mình gần 12 nghìn người theo dõi thông qua các nội dung làm đẹp và chăm sóc da. Tại đây, cô nàng thường xuyên đăng tải các video thể hiện chuyên môn về trang điểm của mình và ghi lại cuộc sống của cô ấy với tư cách là người quản lý Sephora. Nhờ đó, các thương hiệu mỹ phẩm và làm đẹp có thể đến gần hơn với những người có cùng sự quan tâm và sở thích giống Lupita.
Tham khảo: Influencer Marketing Hub