#InfluencerTips: 3 công thức kể chuyện giúp influencer hớp hồn người đọc chỉ trong vài giây ngắn ngủi

Đâu là bí quyết để mỗi influencer trở thành một “chiến thần viết lách", “ông hoàng nội dung", “nữ vương giữ chân độc giả”?
Mai Chi
03/11/2021
#InfluencerTips: 3 công thức kể chuyện giúp influencer hớp hồn người đọc chỉ trong vài giây ngắn ngủi

Viết lách không phải kỹ năng mà chỉ các nhà văn hay copywriter giới quảng cáo mới cần học hỏi và thực hành. Mỗi influencers và content creator cần nắm vững những quy tắc làm nội dung và những bí kíp viết nội dung cuốn hút để đẩy mạnh tương tác, thu hút nhiều followers trung thành, và chiếm được lòng tin của nhiều thương hiệu. Bởi sau cùng, cộng đồng chỉ theo dõi, “thả tim" và comment dưới những bài viết chất lượng chạm đến trái tim của họ. Nhãn hàng cũng sẽ chỉ yên tâm khi “gửi gắm" sản phẩm/ dịch vụ, thông điệp truyền thông của mình cho những influencer có khả năng sáng tạo nội dung hấp dẫn, và thực sự có khả năng tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng tiềm năng. Hiểu như vậy, mỗi influencer chính là một “copywriter" cho một thương hiệu độc đáo - thương hiệu cá nhân của họ. 

Trong bài viết này, The Influencer sẽ giới thiệu 3 kỹ thuật kể chuyện mà mọi influencer/ content creator nên vận dụng linh hoạt để tạo ra những nội dung giá trị, lôi cuốn giúp giữ chân người đọc từ dòng đầu tiên đến chữ cuối cùng. 

1, Curiosity Gap 

Tò mò là một bản tính cố hữu của con người. Xét trên phương diện truyền thông - quảng cáo, sự tò mò chính là động lực thúc đẩy những hành vi của con người, bao gồm quyết định nhấn theo dõi một influencer, quyết định mua một sản phẩm do influencer giới thiệu, quyết định ấn “See more" để đọc trọn vẹn bài viết của influencer… Sự tò mò đã trở thành một điều quá đỗi tự nhiên và bình thường, khiến chúng ta thậm chí không nhìn thấy tác động của nó đến những hành vi và quyết định của chúng ta hàng ngày. 

Hiểu đơn giản, Curiosity Gap chính là khoảng trống giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta muốn biết. Trong thời đại số, sự tò mò chính là “cây gậy dẫn đường" thúc đẩy mỗi người dùng mạng xã hội đào sâu thông tin, tìm ra sự thật hòng lấp đầy mọi lỗ hổng và tránh bỏ qua bất kỳ thông tin bổ ích nào. Tâm lý này chính là một “mỏ vàng" mà các influencer và content creator nên khai thác nhằm tạo ra những nội dung không chỉ hữu ích mà còn cuốn hút với cộng đồng. s

Bên cạnh đó, influencer cần cẩn trọng để không nhầm lẫn giữa ‘curiosity gap' và ‘click bait' (mồi nhử nhấp chuột). Về cơ bản, clickbait cũng vận dụng một tâm lý chung như curiosity gap; tuy nhiên, khi đọc một nội dung thuần clickbait, độc giả không nhận được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi gây tò mò mà người viết gợi mở ở đầu bài. 

Quill Cloud

Một ví dụ điển hình về tiêu đề "click bait" - người đọc không được cung cấp câu trả lời cho câu hỏi gây tò mò ở tiêu đề

Quill Cloud

Tiêu đề này đã vận dụng "curiosity gap" một cách linh hoạt và thông minh.

Vậy influencer có thể áp dụng curiosity gap trong sáng tạo nội dung như thế nào? Sau đây là những điều influencer NÊN và KHÔNG NÊN làm để “đánh thức sự tò mò" một cách tinh tế, hiệu quả: 

Quill Cloud

1.1. Influencer NÊN: 

  • Khai thác sự tò mò của độc giả: Influencer nên bắt đầu bài viết bằng cách gợi mở một thông tin, một câu hỏi được bỏ ngỏ và gây tò mò để kích thích cảm giác hứng thú muốn biết “đầu đuôi câu chuyện" của người đọc. Influencer có thể đánh giá phần mở bài dựa trên những câu hỏi cơ bản như: “Liệu người đọc đã biết thông tin này hay chưa?”, “Người đọc có khả năng hứng thú với thông tin này không?”, “Vì sao họ cần những thông tin này?”
  • Thỏa mãn sự tò mò nói trên: Những thông tin tiếp theo trong bài viết của influencer phải giải quyết được trọn vẹn câu hỏi mở đầu, hoặc đưa ra đầy đủ lời giải thích cho những thông tin mà influencer “úp mở". Nếu nội dung chính không thể thỏa mãn kỳ vọng của người đọc, influencer sẽ rơi vào chiếc bẫy clickbait và dễ dàng đánh mất lòng tin của followers.  
  • Sáng tạo, nhưng không mập mờ: Influencer có thể xây dựng những cách tiếp cận nội dung và đưa ra thông tin giá trị một cách sáng tạo, nhưng influencer cần đảm bảo cách “truyền tin" của mình không gây khó hiểu cho độc giả. 

1.2. Influencer KHÔNG NÊN: 

  • Quảng cáo tràn lan: Influencer chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý của người đọc. Và trong quá trình “tiêu hóa" nội dung, người đọc có thể bỏ đi bất cứ khi nào họ phải hấp thụ quá nhiều thông tin thừa, không cần thiết, và quá “quảng cáo". 
  • “Quảng cáo nói láo": Influencer tuyệt đối không nên sử dụng curiosity gap để đưa ra những thông tin sai lệch, những thông điệp thiếu nhân văn. 
  • Quảng cáo nói quá: Nội dung của influencer chỉ nên truyền tải đúng - đủ những thông tin cần thiết, tránh trường hợp tung hô quá mức về một vấn đề, hay một sản phẩm mà influencer đang quảng cáo, từ đó khiến người đọc có cảm giác “giả trân" và thiếu tin tưởng vào những thông tin influencer chia sẻ. 


2, PAS (Problem - Agitate - Solution)

PAS là một công thức viết tuy đơn giản mà hiệu quả, và có thể được ứng dụng cho nội dung về bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào. Sức hút của PAS nằm ở tâm lý thường thấy của con người, rằng chúng ta thường có xu hướng né tránh tác động của mọi nỗi đau - từ thể chất, cảm xúc, tinh thần đến tài chính… Chúng ta luôn tìm mọi cách có thể để những vấn đề biến mất, và nhu cầu đó thậm chí cao hơn đáng kể so với nhu cầu cải thiện hoàn cảnh, giải quyết tình thế. Như vậy, khi influencer áp dụng công thức viết PAS, họ đang biến bài đăng của mình “liều thuốc giảm đau" ngay tức thì cho cộng đồng. 

Quill Cloud

Công thức PAS được cấu thành từ ba yếu tố: Problem (vấn đề), Agitate (kích thích), Solution (giải pháp). Dàn bài cho một bài viết sử dụng công thức PAS cũng tuân theo thứ tự kể trên, với ba phần cụ thể như sau: 

  • Problem: Xác định vấn đề, nhấn mạnh vào nỗi đau của người đọc. 

Đối với những bài đăng quảng cáo, influencer cần hiểu sâu, nắm chắc hai khía cạnh: sản phẩm của nhãn hàng và vấn đề của khách hàng. Trước hết, influencer cần tìm hiểu về chức năng sản phẩm, dịch vụ mà họ đang giới thiệu, cũng như đối tượng khách hàng và nhu cầu của đối tượng khi tìm đến sản phẩm đó. Thứ hai, influencer cũng cần biết “nỗi đau” mà độc giả đang gặp phải, và mối quan tâm của họ khi mua hàng. Đó là nền tảng để influencer đặt mình vào vị trí của người đọc nhằm tạo ra sự đồng cảm và kết nối cảm xúc chân thực, như thể influencer đang viết, vẽ ra nỗi đau mà độc giả đang đi qua. 

  • Agitate: Kích thích vấn đề. Hay nói cách khác, influencer cần chỉ ra những ảnh hưởng của nỗi đau, vấn đề kể trên lên cuộc sống của người đọc, và những hệ quả có thể xảy ra nếu họ vẫn giữ những nỗi đau đó bên mình 

Sau khi tạo nhận thức, bài viết của influencer cần tiếp tục bóc tách để độc giả cảm thấy việc giải quyết vấn đề là một nhu cầu cấp thiết, và giải pháp influencer đưa ra là câu trả lời tốt nhất. 

Một số phương pháp mà influencer có thể tận dụng là “kịch tính hóa" vấn đề, chỉ ra sự hiện diện của vấn đề trong cuộc sống thường nhật, nhấn mạnh rằng vấn đề không “đến nhanh, qua nhanh", chỉ ra một tương lai sáng lạn một khi vấn đề biến mất, thể hiện sự cấp bách trong việc tìm ra giải pháp, hay chỉ ra những phương án khác nhau mà người đọc có thể giải quyết bài toán của họ - tất cả đều được thỏa mãn bởi sản phẩm mà influencer đang truyền thông.  

  • Solution: Giải quyết vấn đề bằng một giải pháp phù hợp 

Cuối cùng, influencer cần đem đến hy vọng cho cộng đồng của mình, rằng những vấn đề mà họ đang đối mặt có thể được giải quyết một cách trọn vẹn, nhanh chóng với giải pháp mà influencer đưa ra. Để đảm bảo hiệu quả, influencer cần khéo léo lồng ghép các yếu tố sau khi giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của nhãn hàng: sự hữu dụng - với những tính năng của mình, sản phẩm chính là câu trả lời cho vấn đề; tính cá nhân hóa - dù mỗi độc giả có vấn đề khác nhau, thì sản phẩm vẫn là giải pháp tối ưu cho họ; và sự đáng tin - sản phẩm phải có thành phần an toàn, được kiểm chứng khoa học. 


3, AIDA (Attention - Interest - Desire - Action)

Với influencer, một nội dung hiệu quả phải tạo ra được tương tác hai chiều như một cuộc hội thoại giá trị thông thường. Để làm được điều đó, influencer phải khai thác đúng những chủ đề mà độc giả có thể quan tâm, từ đó thúc đẩy những hành vi theo mong muốn của influencer. Công thức AIDA sẽ là một “vũ khí" hữu hiệu để influencer tác động đến cộng đồng của mình, khiến họ quan tâm, tò mò về một chủ đề, một sản phẩm/ dịch vụ hoàn toàn mới mà influencer giới thiệu. Nếu công thức PAS ở phần trên tác động đến những nỗi đau của người đọc, thì AIDA sẽ mang lại hiệu quả cho khía cạnh ngược lại - sự hài lòng, thích thú. 

Quill Cloud

Về cơ bản, công thức AIDA được cấu thành bởi bốn yếu tố: Attention (thu hút), Interest (hứng thú), Desire (khao khát), Action (hành động). 

  • Attention - Thu hút sự chú ý

Trước hết, influencer cần có cách tiếp cận vấn đề sáng tạo để thu hút sự chú ý của người đọc vào nội dung mà influencer muốn truyền tải, hoặc sản phẩm mà influencer muốn giới thiệu. Giữa muôn vàn bài đăng trên mạng xã hội trong từng giây, từng phút, bài viết cần influencer cần tạo được sự nổi bật để kích thích người đọc dừng lại thay vì lướt qua để tìm đến những nội dung khác thú vị hơn. 

Một số cách gây chú ý mà influencer có thể áp dụng có thể kể đến như đưa ra số liệu, so sánh, dùng những từ mạnh, đưa ra câu hỏi gợi mở… để khơi gợi sự tò mò.  

  • Interest - Tạo sự hứng thú 

Influencer cần tìm ra những đặc tính nổi bật, những lợi thế cạnh tranh mà sản phẩm họ đang quảng cáo sở hữu; hoặc những cao trào trong câu chuyện mà họ muốn truyền tải đến cộng đồng. Bên cạnh đó, influencer cũng cần khai thác những mối quan tâm của người đọc, những nhu cầu, mong muốn của họ để kết nối giữa những thông tin influencer muốn gửi gắm và những giá trị mà người đọc muốn nhận. 

Ngoài ra, influencer cũng không nên áp lực phải “nói dai, nói dài", bởi đôi khi điều này sẽ dẫn đến bẫy “nói dại". Ngược lại, influencer chỉ cần đưa ra những nội dung ngắn gọn, xúc tích nhưng mang đậm cá tính riêng và ẩn chứa những thông tin thú vị. 

  • Desire - Gợi mở niềm khao khát 

Xu hướng thường thấy của con người là sẽ hành động theo những ai họ biết, thích và tin tưởng. Với hai thành tố Attention và Interest trên đây của mô hình AIDA, độc giả đã được “biết” và “thích". Với bước Desire, mục tiêu của influencer là thay đổi suy nghĩ “tôi thích sản phẩm này" của độc giả thành “tôi muốn sản phẩm này". Và để làm được điều đó, nội dung của influencer cần tạo được lòng tin vững vàng, không thể lay chuyển với độc giả. 

Influencer có thể khéo léo “cài cắm" một khoảng trống giữa những gì mà người đọc đang có những gì người đọc có thể có - sau khi sở hữu giải pháp mà influencer đưa ra. Song song với đó, influencer cần đưa ra những bằng chứng xác thực để chứng minh luận điểm của mình. Dạng nội dung “Before & After" cũng thường xuyên được sử dụng để khơi gợi sự khao khát và tạo niềm tin nơi độc giả, đặc biệt là với những sản phẩm thuộc ngành hàng làm đẹp, thời trang, tài chính… 

  • Action - Thực hiện hành động 

Với những tiền đề vững chắc phía trên, ở bước cuối cùng, influencer sẽ dẫn dắt người đọc thực hiện những hành động mà họ mong muốn, như comment dưới bài đăng, tham gia một challenge, thử một dịch vụ, hay mua một sản phẩm mà influencer đề xuất. Influencer cần lưu ý đoạn CTA trong bài viết phải trực diện, rõ ràng và mang tính kêu gọi để khuyến khích đông đảo người đọc làm theo. 



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa