Hồi ký của người nổi tiếng được xem là “mỏ vàng” của các nhà xuất bản bởi độ phủ của những nhân vật tiếng tăm và tính thị trường của dòng sách hồi ký, tự truyện. Cuốn hồi ký đầu tiên được xuất bản bởi nhà độc tài La Mã Julius Caesar vào năm 58 Trước Công nguyên, với hai cuốn ‘Commentarii de Bello Gallico’ và ‘Commentarii de Bello Civili’. Cuốn hồi ký phương Tây đầu tiên được biết đến rộng rãi là ‘Confessions’, một series gồm 13 cuốn sách được viết bằng tiếng Latin bởi Thánh Augustine thành Hippo, một nhà thần học và triết gia La Mã gốc Phi trong những năm 397 - 400 Sau Công nguyên. Về sau, hồi ký đã trở thành một hình thức có tầm ảnh hưởng với các tác giả Cơ đốc giáo trong suốt thời kỳ Trung Cổ. Rất nhiều người trong số họ đã viết tự truyện của mình xuyên suốt những thế kỷ tiếp theo.
Vậy sự khác biệt giữa hồi ký và tự truyện là gì? Nói một cách ngắn gọn, tự truyện là sự tái hiện biên nên ký toàn bộ một đời người, còn hồi ký là những câu chuyện cụ thể, hoặc những giai đoạn đặc biệt được chọn lọc từ cuộc đời nhân. Từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 18, những cuốn hồi ký và tự truyện nổi tiếng nhất được viết bởi chính trị gia, đa phần là những nhân vật để lại thành công và di sản nổi bật.
Cho tới thế kỷ thứ 20, người đọc bắt đầu thể hiện sự đón nhận nhiệt tình với những cuốn hồi ký và tự truyện của các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể, như các doanh nhân hoặc nhà lãnh đạo quân sự. Người duy nhất nằm ngoài “quy luật” này là David Thoreau. Ông không được coi là một học giả hay một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào trước khi xuất bản cuốn hồi ký ‘Walden’ vào năm 1854 - cuốn sách phản ánh về cuộc sống giản đơn giữa tự nhiên. Nói cách khác, David Thoreau chính là “người bình thường” đầu tiên chạm tay đến đỉnh cao danh tiếng với một cuốn hồi ký.
Kể từ những năm 1990, cơ hội thị trường ngày càng rộng mở cho những cuốn sách viết bởi người nổi tiếng. Xu hướng này được hình thành bởi nhu cầu ngày một cao của độc giả, dưới tác động của một kỷ nguyên mà, với người hâm mộ, “những ngôi sao cũng giống như chúng ta”. Những chương trình lá cải như Entertainment Tonight hay Access Hollywood đã trở thành “bom tấn”. Sự bùng nổ của Friends càng củng cố luận điểm rằng cuộc sống của diễn viên trên màn bạc chính là sự tái hiện cuộc sống đời thực của họ. Với người hâm mộ, suy nghĩ ấy có sức hấp dẫn lớn vô cùng, bởi nó kéo gần khoảng cách vốn dĩ xa vời giữa những minh tinh và người bình thường.
Trước khi chúng ta kịp nhận ra, thế kỷ 21 đã bắt đầu với sự ra đời và bùng nổ của thể loại sách hồi ký, đặc biệt là những cuốn sách phác họa lại chân dung và cuộc đời của những người nổi tiếng. Vào những năm 2010, người ta nói rằng, nếu một người được công chúng quan tâm chưa đặt bút viết về những ký ức làm nên thành công của mình, công chúng có lẽ sẽ đặt câu hỏi về sự nổi tiếng của họ.
Người ta nói, mỗi người đều có một “cuốn sách” riêng bên trong mình, bởi bản thân cuộc đời - với mọi khoảnh khắc, ký ức, mọi dấu mốc, kỷ niệm và thăng trầm - chính là tổ hợp của những câu chuyện. Và với một số người, đặc biệt là người nổi tiếng, cuộc đời chính là chất liệu tuyệt vời giúp họ kiếm tiền và tạo danh tiếng.
Một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao câu chuyện về cuộc đời của một “người xa lạ nổi tiếng” lại hấp dẫn chúng ta đến vậy? Thứ nhất, người nổi tiếng đại diện cho những ước vọng và mong cầu của chúng ta trong cuộc đời. Bên cạnh đó, về bản chất con người vẫn tiến hóa và sinh sống trong một môi trường mà ở đó, chúng ta luôn dành sự chú ý đến những “kẻ dẫn đầu” một cách đầy bản năng. Hai xu hướng trên phần nào lý giải vì sao chúng ta khao khát được biết, được “quan sát” tường tận cuộc sống của họ ở cự ly gần.
Thứ hai, toàn bộ cuộc đời của người nổi tiếng - hoặc một giai đoạn, một triết lý sống trong cuộc đời họ - chính là một “thương hiệu” với triết lý và thông điệp mà ta tâm đắc. ‘Becoming’ của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama chính là một ví dụ điển hình. Cuốn hồi ký best-seller này hé lộ cuộc sống thực sự của Michelle Obama đằng sau vị trí đầy quyền lực, cũng như hành trình trở thành một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới. Cuốn sách nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản với những thành tích đáng nể: Bán 2 triệu bản tại Bắc Mỹ sau 2 tuần, được dịch sang 45 ngôn ngữ và tiếp cận 10 triệu độc giả toàn cầu chỉ sau 4 tháng phát hành, trở thành sách bán chạy nhất tại nhiều quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Danh tiếng vốn có của người nổi tiếng chính là kênh marketing “0 đồng” cho những sản phẩm của họ. Và nếu “sản phẩm” ấy nắm bắt được thị hiếu của đối tượng mục tiêu, có chất lượng xứng tầm, có thông điệp nhân văn và giá trị đặc biệt, thì thành công ắt sẽ trở thành mục tiêu trong tầm tay. Trên thế giới, nhiều tác phẩm về cuộc đời của người nổi tiếng do chính họ chắp bút đã xuất sắc lọt vào danh sách New York Times bestseller danh giá, hư ‘Hard Choices’ của Hillary Rodham Clinton, ‘I Am Malala: The Girl Who Stood Up for Education and was Shot by the Taliban’ của Malala Yousafzai…
Thứ ba, sự tò mò là bản tính cố hữu của chúng ta. Chúng ta có xu hướng quan sát, tìm hiểu về cuộc đời của người khác, đặc biệt là những người nổi tiếng, hoặc những người chúng ta quan tâm. Cuộc đời của người nổi tiếng cùng những sự kiện và biến cố xảy ra trong cuộc đời họ là một dạng tin tức, bởi vậy, chúng ta luôn vô thức mong mỏi được nghe, được biết tiếng nói của người trong cuộc.
Đầu năm nay, “biểu tượng sắc đẹp Hollywood” Sharon Stone đã xuất bản cuốn hồi ký mang tên ‘The Beauty of Living Twice’ - Sự tái sinh của một ngôi sao, khắc họa lại những thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc đời của bà, đặc biệt là sự kiện chấn động khi bà phải nhập viện do xuất huyết não và đột quỵ và chỉ có 1% cơ hội sống sót. Nhưng nỗi đau của Sharon chưa dừng lại ở đó. Vượt qua ca phẫu thuật đầy mạo hiểm, nhưng Sharon phải đối mặt với những biến chứng khủng khiếp: vẹo nửa mặt bên trái, tê liệt chân trái, giảm thị lực, thính lực và trí nhớ ngắn hạn. Không chỉ vậy, đó cũng là thời điểm mà cả sự nghiệp, hôn nhân lẫn tài sản của Sharon đều bị lung lay. Những trải nghiệm này được nữ diễn viên thuật lại một cách trần trụi trong những trang hồi ký.
Bất chấp bốn thập kỷ đầy thành tựu của Sharon Stone trong ngành giải trí, ‘The Beauty of Living Twice’ hoàn toàn không mang vẻ hào nhoáng và lấp lánh vốn có của nền giải trí Hollywood. Trái lại, cuốn sách mở ra trước mắt người đọc chân dung một người phụ nữ luôn khao khát tìm kiếm cơ hội kể câu chuyện của mình theo cách riêng của mình, khi báo chí và truyền thông chỉ chực chờ phơi bày mọi tin tức về cô cho công chúng.
Sharon Stone không phải người duy nhất; một số ngôi sao coi hồi ký và tự truyện là nơi truyền tải những câu chuyện thật, giá trị thật, trái với sự bóng bẩy vốn có của thể loại này. Việc xuất bản sách giờ đây không chỉ là công cụ để vực dậy sự nghiệp lụi tàn hay tạo ra nguồn doanh thu mới - với chân dung đầy hào nhoáng và những câu chuyện đời được tiết lộ với một chiến thuật duy nhất: thu hút sự chú ý của truyền thông. Giờ đây, một số nhân vật đã sẵn sàng bước lên hành trình lột tả bản thân một cách chân thành nhất, trần trụi nhất. Sự thay đổi này có lẽ đã được “tiếp sức” bởi hai xu hướng: sự bùng nổ của mạng xã hội với khả năng tiết lộ đời sống của người nổi tiếng theo thời gian thực, và nhận thức của công chúng về hệ quả tàn khốc của báo lá cải.
Tại Việt Nam, nhiều ngôi sao đã thử sức với địa hạt đầy mới mẻ này, với những tác phẩm nổi bật như ‘Để gió cuốn đi’ của nghệ sĩ Ái Vân, ‘Một đời giông bão’ của diễn viên Thương Tín, ‘Tôi vẽ chân dung tôi’ của Hương Giang Idol, ‘Chạm tới giấc mơ’ của Sơn Tùng - MTP, ‘Vàng anh và Phượng hoàng’ của Hoàng Thùy Linh…
Chia sẻ về thể loại tự truyện của các ngôi sao giải trí, nhà báo Trần Minh - người chấp bút cho cuốn tự truyện của Hoàng Thùy Linh cũng cho biết: “Tự truyện không phải là tập hợp những bài báo đã đăng, những gương mặt, tính cách mà báo chí đã biết. Tự truyện phải đưa ra được mặt tối, khó khăn, uất ức, yếu đuối và cả những sai lầm. [...] Tôi không muốn viết ra một cuốn sách ca ngợi những gì nhân vật đã làm được.”
Với hồi ký và tự truyện, sự thật là nền tảng cơ bản, và là đặc tính quan trọng nhất. Tuy nhiên, người nổi tiếng cần chọn lọc sự thật để tránh ảnh hưởng, liên đới và tổn thương những người liên quan. Trong một số trường hợp, sự thiếu sót trong khả năng phô diễn và phơi bày sự thật của người nổi tiếng đã dẫn đến những rắc rối và hệ lụy khôn lường như cảnh cáo, kiện tụng, hay những tổn thương sâu sắc. Đơn cử, Shirley Jones và nhà xuất bản Simon & Schuster đã vấp phải tranh cãi khi cuốn hồi ký của bà tiết lộ một người bạn của chồng bà đã mời hai vợ chồng cùng khỏa thân và xem phim cấp ba. Sau đó, vợ của người bạn kể trên đã gửi thư cảnh cáo và yêu cầu nhà xuất bản đính chính, bỏ tên nhân vật khỏi cuốn hồi ký trong bản ebook hiện tại và những lần tái bản về sau.