Hào quang hữu hình, hiểm họa vô hình: Bảo vệ Kid-fluencer trong môi trường influencer marketing

Nhận được sự chú ý của công chúng từ khi còn quá trẻ, các Kid-fluencer đối mặt với những mối nguy hiểm nào? Trách nhiệm của doanh nghiệp, của truyền thông và xã hội trong việc bảo vệ các em là gì?
Mai Chi
13/01/2022
Hào quang hữu hình, hiểm họa vô hình: Bảo vệ Kid-fluencer trong môi trường influencer marketing

Trang Business Insider nhận định, năm 2020 trở đi là năm của những ngôi sao mạng xã hội nhỏ tuổi. Điều này đã được thể hiện qua sự nổi tiếng của hai TikToker thuộc nhóm người sở hữu lượng người theo dõi đông đảo nhất. Charli D’Amelio hiện sở hữu 132,7M followers, còn Loren Grey sở hữu 54,3M followers. Đáng nói, cả 2 cô gái đều có tuổi đời tương đối trẻ - 17 và 19 tuổi. 

Mới đây, những video TikTok của hai cô bé Penelope Disick và North West của đại gia đình Kardashian cũng nhanh chóng nhận được hàng triệu lượt theo dõi của cộng đồng. Cả hai em đều trở thành “ngôi sao” mạng xã hội khi chưa đến 10 tuổi. Tại Việt Nam, nhiều em nhỏ - là con cái của những người bố, mẹ nổi tiếng - cũng nhận được đông đảo sự yêu mến của người hâm mộ. Dù chưa đến tuổi trưởng thành, chưa có năng lực tự kiếm tiền, các em vẫn thường xuyên xuất hiện cùng cha mẹ mình trong các nội dung quảng cáo cho nhãn hàng, thậm chí là xuất hiện độc lập trong các viral video, TVC, Music Video của các thương hiệu lớn. Xu hướng này đã hình thành một nhóm influencer mới rất được “săn đón”: Kid-fluencer


1, Trở thành Kid-fluencer, các em đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng nào? 

Kid-fluencer dễ bị ám ảnh bởi hào quang của người nổi tiếng. Một chuyên gia tâm lý học của Nga cho hay, khi trẻ em nổi tiếng trên mạng từ sớm - cũng như những ngôi sao điện ảnh hay ngôi sao thể thao nhí - chúng dễ bị lệ thuộc quá mức vào sự chú ý, quan tâm của người xung quanh. Các em đặt nặng những bình luận, để tâm đến bàn tán của thế giới về bản thân. Thế giới quan của các em dễ bị xoay quanh ý kiến của người ngoài. Dần dần, các em sẽ ngày càng nhạy cảm với những lời phán xét, hình thành những gánh nặng tâm lý nghiêm trọng. Đồng thời, các “sao nhí” có nguy cơ chịu những ám ảnh tuổi thơ, khó kiểm soát thực tế, ràng buộc với tương tác “ảo”, dễ rơi vào “bẫy” lạm dụng rượu bia, chất cấm. 

“Nếu trẻ nổi tiếng mà thiếu sự định hướng, chỉ dẫn từ người lớn thì trẻ sẽ dễ phát sinh một vài nét tâm lý không tốt. Ví như đôi lúc được tung hô quá dễ làm trẻ 'ảo tưởng' về tài năng thực sự của mình. Hay trẻ có thể xem thường những người khác, nhất là bạn cùng lứa... Trẻ có thể tự cho mình nhiều quyền hạn hơn. Từ đó dẫn đến việc trẻ dễ bị cô lập trong các mối quan hệ xung quanh. Bên cạnh đó, do nổi tiếng nên trẻ có quá nhiều việc phải làm nên đôi lúc trẻ sẽ lơ là một số lĩnh vực. Như trẻ không dành thời gian cho việc học, hay trẻ mất hứng thú cho việc vui chơi nên làm cho trí não “già “đi. Từ đó dẫn đến việc trẻ thiếu và yếu các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội…” - Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương chia sẻ. (Theo Báo Thanh Niên). 

Bên cạnh đó, Kid-fluencer cũng đối mặt với hiểm họa trở thành công cụ kiếm tiền cho bố mẹ, người thân hoặc người giám hộ. Tháng 3/2019, cảnh sát Arizone đã bắt giữ Machelle Hobson để điều tra về các cáo buộc gồm ngược đãi, lạm dụng trẻ em. Được biết, Machelle Hobson đã lợi dụng 7 người con nuôi chưa tới 10 tuổi của mình để thực hiện các video triệu views trên kênh youtube Fantastic Adventures. Để có tương tác và kiếm tiền, người này đã thực hiện các nội dung đánh đập, tra tấn các em: nhốt vào tủ quần áo, xịt hơi cay, cấm đi vệ sinh, bỏ đói nhiều ngày… Hệ quả là các em bị suy dinh dưỡng nặng, khủng hoảng tinh . 


2, Làm thế nào để marketers bảo vệ Kid-fluencer trong các dự án influencer marketing? 

Một trong những cách thức bảo vệ thường thấy nhất là nhờ đến luật pháp. Chúng ta cần xem xét một cách cẩn trọng vấn đề quyền riêng tư của kid-fluencer. Các em chưa đủ tuổi để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt liên quan đến việc phơi bày cuộc sống của mình với thế giới trên sóng truyền hình. 

Theo lý thuyết, những công việc mà kid-fluencer tham gia cũng phải tuân theo những điều luật và quy định áp dụng đối với trẻ em ở những lĩnh vực giải trí khác, chẳng hạn như diễn viên. Một số bang ở Mỹ có quy định giới hạn số giờ biểu diễn mỗi ngày. Coogan Law quy định các diễn viên nhí phải có một tài khoản Coogan, và 15% số tiền các em nhận được phải được chuyển vào tài khoản cá nhân này. Tuy nhiên, điều luật này hiện không được áp dụng cho các Kid-fluencer. 

Pháp là quốc gia tiên phong trong việc ra luật bảo vệ các ngôi sao nhí trên môi trường mạng xã hội. Cụ thể, ngày 6/10/2020, Quốc hội Pháp thông qua điều luật mới về quyền trẻ em, mở rộng đối tượng từ trẻ em tham gia biểu diễn và người mẫu nhí sang những đứa trẻ có độ nhận diện cao, có lượng người theo dõi lớn và mức thu nhập đáng kể trên mạng xã hội. Cụ thể, số tiền mà các em kiếm được sẽ được gửi vào một tài khoản ngân hàng đặc biệt, thuộc hoàn toàn quyền sở hữu và sử dụng của các em khi đủ 16 tuổi. Bên cạnh đó, nếu muốn hợp tác với các em, doanh nghiệp cần xin phép chính quyền địa phương nếu không muốn dẫn đến tranh chấp, kiện tụng. Điều luật của Pháp cũng cho phép cá nhân các em và gia đình được yêu cầu xóa hình ảnh, video trên Internet và các nền tảng mạng xã hội. 

Tuy vậy, ở một số quốc gia khác như Việt Nam, luật pháp chưa đưa ra quy định chính thức để đảm bảo các điều kiện về thời gian làm việc, môi trường làm việc, điều kiện học tập hay các điều kiện khác cho Kid-fluencer. Điều này đặt ra một yêu cầu mới cho các marketers: Chủ động bảo vệ quyền riêng tư và chất lượng cuộc sống cho các em nhỏ. Trong các buổi quay chụp tại nhà, marketers nên tránh sử dụng đến phòng riêng hay quay chụp các vật dụng cá nhân của các em. Ngoài ra, họ cần trao đổi kỹ lưỡng với cha mẹ để đảm bảo những điều kiện về ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh và thậm chí cả học tập, giải trí của các em trong quá trình thực hiện công việc. 


3, Tạm kết

Sự bùng nổ của thế hệ influencer nói riêng và thị trường influencer marketing nói chung đã đưa tên tuổi nhiều cô bé, cậu bé đến với đông đảo cộng đồng. Gương mặt và những nội dung số xoay quanh các em được phủ sóng dày đặc và mạnh mẽ hơn. Khi sử dụng đối tượng kid-fluencer, một mặt, nhãn hàng có thêm một điểm chạm cảm xúc đầy thuyết phục để “cảm hóa trái tim” người tiêu dùng. Nhưng mặt khác, họ cần tự đặt ra và tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt để bảo vệ sự an toàn, riêng tư và trong sáng của các em, từ đó góp phần giúp các em tránh xa những cám dỗ, hiểm họa khôn lường của hào quang, đồng thời trao cho các em cơ hội được sống một cuộc đời bình thường như bao đứa trẻ khác. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa