Mùa xuân năm 2023, Vừng đã có cơ hội đi đến Palestine. Đây cũng là thời điểm tình hình tại Bờ Tây đang leo thang bởi những sự kiện xả súng và đánh bom khiến hàng chục người, bao gồm cả người Hồi giáo và người Do Thái thiệt mạng. Tuy chuyến đi tiềm tàng nhiều nguy hiểm, nhưng Vừng đã có những trải nghiệm đáng giá để hiểu hơn về vùng đất, con người nơi đây, mở ra một góc nhìn mới về cuộc sống ở Bờ Tây mà bạn đọc có thể chưa nghe, chưa đọc qua các phương tiện thông tấn.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định tìm đến Vừng để khám phá về Palestine và ký sự Bờ Tây qua lăng kính thực tế của cô bạn, thứ mà khó nguồn thông tin nào có thể cung cấp đầy đủ và chân thực.
Video được quay từ mùa xuân năm 2023, điều gì ở thời điểm hiện tại khiến Vừng quyết định đăng tải chúng trên kênh YouTube của mình?
Trước đây, mình không có ý định đăng video về trải nghiệm trong chuyến đi Palestine, kể cả series video 21 tuổi 21 ngày ở Trung Đông mình đăng tải năm 2023 cũng là chuỗi video tập trung vào nội dung du lịch trải nghiệm, tham quan cảnh đẹp tại Trung Đông. Bởi lẽ trải nghiệm tại Palestine đối với mình là những cảm xúc cá nhân, riêng tư xoay quanh tình bạn với ba người bạn mình tình cờ gặp tại đất nước này. Tuy nhiên gần đây, đọc nhiều tin tức về Palestine, mình muốn chia sẻ lại những kỷ niệm ở đây để đưa đến một góc nhìn khác về Palestine mà có thể mọi người chưa biết đến.
Thông qua lăng kính trải nghiệm ghi lại qua video, mình muốn gửi đến mọi người vẻ đẹp của sự nồng hậu và tích cực từ những người dân bản địa tại Palestine, đặc biệt là những thành phố mình đặt chân tới. Giữa sự khó khăn, căng thẳng từ bom đạn và xung đột, họ vẫn tràn ngập lòng biết ơn, sự tử tế và niềm hy vọng.
Cụ thể, Vừng đã đặt chân tới Palestine khi tình hình chính trị ở đó đang thế nào? Chắc hẳn đã có một kỷ niệm sâu sắc khiến Vừng cảm nhận được vẻ đẹp nồng hậu, tử tế của con người nơi đây?
Thời điểm mình đến Bờ Tây cũng là khi tình hình ở đây đang leo thang bởi những sự kiện xả súng và đánh bom khiến hàng chục người, bao gồm cả người Hồi giáo và người Do Thái thiệt mạng. Đồng thời, khi ấy Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia mới của Israel - một người theo chủ nghĩa cực hữu (*) đã trực tiếp tới thăm khu vực Núi Đền (theo cách gọi của người Do Thái) hay còn gọi là khu phức hợp Al-Aqsa (theo cách gọi của người Hồi) chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức. Đúng dịp này, mình đến khu Bờ Tây và đi sâu hơn vào lãnh thổ Palestine, bao gồm cả những khu định cư của người Do Thái được Tòa án Công lý Quốc tế nhận định là hành vi chiếm đóng trái phép của Israel tại lãnh thổ được phân định cho chính quyền Palestine quản lý.
Tình hình căng thẳng là vậy nhưng sự chào đón nồng hậu của người dân bản địa mình có cơ hội gặp và kết bạn đã khiến mình cảm thấy rất ấm áp. Hành trình bắt đầu bằng việc “vượt biên đúng phép” qua cửa khẩu đường bộ King Hussein Bridge/Allenby giữa Jordan và Israel.
Điểm đến đầu tiên của mình là Jericho, nơi được mệnh danh là thành phố lâu đời nhất của loài người, nơi có dân cư sinh sống từ khoảng hơn 9.000 năm trước khi Jesus Christ (Chúa Giêsu) ra đời, tức là cách ngày nay khoảng hơn 12.000 năm. Những ngày này Jericho có rất nhiều chốt kiểm soát an ninh được lập ra bởi chính quyền Israel để kiểm soát việc ra vào thành phố khiến các cửa ngõ luôn trong tình trạng kẹt cứng với hàng dài xe nối đuôi nhau.
Đêm đầu tiên ở Jericho khi đang lang thang ngoài đường mua nước lựu, mình gặp ba anh chàng người Palestine là Ozil – Sufyan – Essa, sau khi chào hỏi nhau, chúng mình quyết định lên xe cùng đi chơi. Trong nhóm chỉ có Sufyan không nói được tiếng Anh nhưng lại là người có câu chuyện khiến mình trăn trở nhất. Đã 8 năm rồi Sufyan chưa được gặp gia đình vì họ vẫn đang kẹt lại ở Gaza, trong khi Sufyan đã đến Bờ Tây để làm việc và kiếm tiền gửi về. Anh bạn kể rằng cả nhà đều không được cấp hộ chiếu nên không thể rời Gaza, và bản thân Sufyan cũng không quay lại được nữa do chính quyền của phong trào Hamas theo chủ nghĩa đấu tranh vũ trang vẫn đang kiểm soát khu vực; còn Bờ Tây hiện dưới sự lãnh đạo của phong trào Fatah theo chủ nghĩa ngoại giao hoà bình.
Ozil là chàng trai duy nhất trong nhóm đã có gia đình, cũng là người nói chuyện nhiều nhất vì anh chàng muốn tranh thủ luyện Tiếng Anh với người thật thay vì qua Omegle (Trang web nhắn tin tự động). Khi chia sẻ góc nhìn theo đức tin về Jesus (kinh Quran cho rằng Jesus chỉ là một Messiah tức người truyền tin của Chúa, chứ không phải Chúa, và là một người đáng để tôn trọng chứ không phải để thờ phụng), về Haram (những điều cấm kỵ trong Hồi giáo như quan hệ tình dục trước hôn nhân, LGBT), Ozil luôn cẩn thận nói với mình rằng đây chỉ là niềm tin cá nhân của anh chàng chứ không hề muốn áp đặt hay có ý định cải đạo, tác động gì tới mình. Sự tinh tế trong suy nghĩ và quan điểm sống này của anh bạn khiến mình cảm thấy vô cùng yêu mến, cảm phục.
Thời gian ở Jericho không nhiều nhưng 3 người bạn mới quen này nói riêng và người dân nơi đây nói chung đã mang đến cho mình những kỷ niệm tuyệt vời nhất ở Bờ Tây. Khoảnh khắc lên xe rời thành phố, chúng mình bịn rịn vô cùng. Tới hiện tại, mình vẫn giữ liên lạc với ba người bạn và còn nhận được tin anh bạn Sufyan chuẩn bị lập gia đình nữa cơ!
(*) Chủ nghĩa cực hữu (tiếng Anh: Far-right politics), còn gọi là chính trị cực hữu, cánh cực hữu, phái cực hữu, cánh hữu cực đoan, ý chỉ nhân sĩ hoặc tổ chức mà lập trường chính trị của họ nằm ở phía ngoài cùng bên phải của dải chính trị tả–hữu, là hình thức cực đoan của chính trị cánh hữu, tức là chuyên chế và dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Chuyến đi Bờ Tây đã tiếp diễn thế nào sau đó? Với tình hình chính trị căng thẳng tại đây, đã có sự vụ nào xảy ra khiến Vừng cảm thấy lo lắng, sợ hãi?
Chia tay Jericho và mấy người bạn mới quen, mình tiếp tục lên đường tới Hebron. Nơi đây được coi là thành phố linh thiêng thứ 2 của người Do Thái (sau Jerusalem), thứ 4 của người Hồi giáo (sau Mecca, Medina, Jerusalem), và cũng ảnh hưởng lớn tới Kitô giáo. Tất cả vì một lí do chung là Hebron nắm giữ Lăng mộ các Tổ phụ (Tomb of the Patriarchs) theo Do Thái hay Thánh đường Abraham (Ibrahimi Mosque) theo Hồi giáo - địa điểm được cho là mộ của Abraham - ông tổ của cả 3 tôn giáo độc thần nói trên cùng con trai Isaac và cháu trai Jacob.
Trước khi đi mình có đọc một vài tin tức về việc Hebron cũng là một điểm nóng giữa tình trạng căng thẳng đang diễn ra trong khu vực, nhưng không hề biết cho tới khi đến nơi. Chỉ ba ngày trước đó có một thanh niên Palestine kém mình một tuổi bị lực lượng an ninh Israel bắn chết giữa phố, ngay cạnh cửa căn nhà người bản địa mà mình ở tại Hebron. Anh chủ nhà Ayman còn chỉ cho mình chính xác vị trí chàng thanh niên kia ngã xuống mà bây giờ người ta treo những băng rôn phản đối quanh đó. Đêm đầu tiên khi chuẩn bị đi ngủ, mình nghe thấy tiếng pháo, tiếng súng rầm rầm bên ngoài mà chỉ biết đóng cửa phòng lại và cầu nguyện.
Chỗ mình ở nằm ngay cạnh chốt kiểm soát an ninh ngăn cách H1 và H2. Theo một hiệp ước được ký vào năm 1997, Hebron - thành phố lớn nhất Bờ Tây và lớn thứ 2 của Palestine (sau Gaza) được quy ước chia thành hai khu vực: H1 dành cho dân Palestine và được quản lý bởi chính quyền Fatah, còn H2 được duy trì an ninh bởi Israel. Bản thân H2 cũng hình thành một lằn ranh đỏ để ngăn cách khu dân cư và sinh hoạt của người Palestine với một lượng dân Do Thái rất nhỏ chỉ khoảng 500 người ở khu định cư bên trong phố cổ.
Theo lời kể của dân địa phương thì khu phố cổ ngày trước nhộn nhịp hàng quán, nhưng giờ chỉ như một khu phố ma, đối lập hoàn toàn với sự bận rộn náo nhiệt ở H1. Dân Palestine tuyệt nhiên không còn được đặt chân tới khu phố cổ vì sự giám sát nghiêm ngặt bởi an ninh Israel và cuộc sống của họ gặp rất nhiều bất tiện vì những chốt kiểm soát an ninh ngăn cách các khu vực này. Nếu như trước đây có thể đi đường thẳng tới chợ chỉ khoảng 10 phút thì họ phải chạy đường vòng quanh khu định cư vì giới hạn lằn ranh đỏ. Bên cạnh đó, chốt kiểm soát an ninh cũng thỉnh thoảng tạm đóng để chuyển ca hoặc do vấn đề an ninh.
Sau đó mình tới Bethlehem - thành phố du lịch phổ biến bậc nhất khu Bờ Tây, nơi tập trung lượng lớn dân Palestine theo Kitô giáo sinh sống tại mảnh đất mà Jesus Christ - Đấng Messiah của họ chào đời. Bên cạnh việc tham quan các địa điểm nổi tiếng gắn với sự ra đời ở Jesus Christ, trải nghiệm đáng nhớ của mình trong chuyến đi này còn phải kể đến chuyến thăm Bức tường An ninh và khu trại tị nạn của người dân Palestine, hay những buổi lang thang khắp thành phố để đi tìm những tác phẩm nghệ thuật đường phố của Banksy với các tuyên ngôn về chính trị và những thông điệp phản chiến. Tất cả đều đem lại cho mình nhiều sự tấn công cảm xúc thực sự mạnh mẽ.
Chia tay Bờ Tây chưa hẹn ngày gặp lại nhưng hành trình này để lại cho mình cả sự bồn chồn, pha lẫn nhiều cảm xúc. Mong mọi điều bình an quý giá tới những người dân nơi đây, dù ở bên nào của chiến tuyến.
Suy nghĩ của bạn về Palestine có sự thay đổi như thế nào trước và sau khi trực tiếp đặt chân tới đây?
Trước khi đến Palestine, mình cũng như đa số mọi người - chỉ biết đến những thông tin mang tính thời sự về khu vực này, có thêm một số trải nghiệm cá nhân nho nhỏ liên quan tới Palestine như người bạn Palestine học chung trường cấp 3, những thông tin từng đọc trong cuốn sách Con đường hồi giáo của chị Phương Mai. Phải cho tới khi thực sự đặt chân tới vùng đất này, mình mới thật sự mở mang tầm mắt, thấu hiểu và cảm nhận nơi đây - thứ mà khó nguồn thông tin nào có thể cung cấp đầy đủ cho mình.
Mình ấn tượng đặc biệt với hai địa điểm không hề biết tới trước đây, chỉ khi đặt chân tới đó và được người dân bản địa gợi ý, mình mới biết tới chúng:
1/ Bức tường chia cắt Israel/ Palestine (nơi tập trung rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ Graffiti Artist hàng đầu thế giới (Banksy): Do những thông tin cập nhật gần đây chủ yếu tập trung vào tình hình thực tế từ Gaza và phản ứng của hai bên trong chiến sự, có thể nhiều người chưa biết đến bộ sưu tập rất nhiều những tác phẩm Graffiti đến từ Separation Wall, hoặc khách sạn The Walled Off Hotel được Banksy khởi xướng để sử dụng nghệ thuật chia sẻ tình yêu và mong muốn hoà bình của mình. Bức tường Bờ Tây này được xây dựng từ những tấm bia tường xi măng rất nặng, được ghép với nhau và di chuyển xung quanh bằng trực thăng. Các nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng hàng đầu thế giới đã phác hoạ rất nhiều bức tranh vì hoà bình nghệ thuật ở đây - và khách sạn The Walled Off Hotel có góc nhìn thẳng sang bức tường cũng là nơi Banksy lưu trữ và bày bán các tác phẩm đó. Mình thật sự bất ngờ và biết ơn khi được tận mắt chứng kiến kho tàng tác phẩm nghệ thuật này.
2/ Những cửa hàng địa phương thú vị: Ví dụ, một cửa hàng bán đồ trang sức như khuyên tai, vòng cổ được làm từ xác của những bình xịt hơi cay, tạo nên những món đồ hữu ích, xinh xắn, có ý nghĩa kêu gọi mang tới những điều “đẹp đẽ" từ những điều với bản chất, xuất phát “không đẹp".
Trải nghiệm tại Palestine vào 1 năm trước đã “gieo hạt” cho những sự thay đổi nào bên trong bạn?
Sau chuyến đi, mình thấy rằng sự hiểu biết của mình về những đất nước xung quanh, kể cả những quốc gia không quá gần về mặt địa lý như vùng Trung Đông - giúp mình thấy được nhiều cuộc đời khác nhau đến từ nhiều đất nước/ nền văn hoá/ bề dày lịch sử khác nhau, học được sự cảm thông, học cách kết nối với mọi người dù xuất phát điểm của họ khác biệt hoàn toàn với mình.
Trải nghiệm đặc biệt với ba anh bạn tình cờ gặp gỡ tại Palestine cũng là một cột mốc khó quên- mặc dù địa vị, hoàn cảnh sinh sống, ngôn ngữ khác nhau nhưng mình thấy rằng khi mở lòng lắng nghe, chúng ta vẫn có thể thấu hiểu, làm bạn, và kết nối được với bất kỳ ai trên thế giới này.
Cảm ơn Vừng vì đã dũng cảm bước đi, tự tin chia sẻ để lan toả những điều chân thành, những trải nghiệm rất thật!