Tôi sinh ra và lớn lên tại phố Huế - con phố kinh doanh nổi tiếng ở Hà Nội. Ngay từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với công việc sổ sách, giấy tờ của gia đình, và có lẽ điều đó đã nhen nhóm đam mê kinh doanh trong tôi.
Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 15 tuổi và là một trong những người đầu tiên kinh doanh online tại Việt Nam. Tôi âm thầm trốn gia đình vừa học vừa làm; đến khi bạn học kể lại mẹ tôi mới hay chuyện. Bố mẹ tôi làm kinh doanh rất vất vả, nên dù có thành tựu nhất định, thâm tâm bố mẹ không muốn con gái tiếp nối nghiệp gia đình rồi chịu áp lực như thế. Nhưng bố mẹ không ngăn được tôi, bởi kinh doanh đã trở thành thứ đam mê ngấm sâu vào máu tôi rồi!
Đúng là cái hồi mới 15, 16 tuổi, tôi kinh doanh đơn thuần để kiếm thêm thu nhập. Tôi chớm bước vào tuổi… “ăn chơi” nhưng lại không muốn phiền tới gia đình, nên tôi mới tìm cách trang trải những chi phí của riêng mình. Nhìn chung là tôi làm tương đối thoải mái, không quá áp lực về chuyện tiền bạc, doanh thu.
Thời điểm tôi nghiêm túc đến chuyện xây dựng định hướng kinh doanh lâu dài là từ năm thứ 3 đại học. Khi đó tôi mua được căn nhà và chiếc xe ô tô đầu tiên, cũng coi như là hái được trái ngọt từ công việc của mình. Trong suốt 6 năm, tôi vẫn vừa học vừa làm và thi vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội theo nguyện vọng của gia đình. Dù xác định không làm công việc bàn giấy như bố mẹ mong muốn, tôi tin mình sẽ tích góp được nhiều giá trị từ môi trường Đại học; và quả thật, đó là quãng thời gian mà giờ đây nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy vô cùng biết ơn.
Nhưng đến một thời điểm, mọi thứ trở nên quá tải. “Thời tới rồi, đã đến lúc mình toàn tâm toàn ý với kinh doanh”. Suy nghĩ ấy lóe lên và ghim chặt trong tôi, đưa tôi đến một quyết định lớn: Tôi bảo lưu việc học trong khoảng 2-3 năm và xác định kinh doanh là sự nghiệp cả đời. Nói như vậy không có nghĩa là tôi dừng học; tôi vẫn tham gia các khóa học về kinh doanh, quản trị để trang bị kỹ năng và cập nhật xu hướng thị trường. Tham vọng của tôi là luôn luôn đi đầu trong thị trường kinh doanh online.
Nói thật, tôi hiểu lòng bố mẹ luôn không nỡ để con gái theo con đường kinh doanh vất vả. Nhưng thấy tôi đạt thành quả trong sự nghiệp, cuộc sống cũng nhiều phần viên mãn, thì bố mẹ hiểu rằng tôi thực sự nghiêm túc với lựa chọn này. Hiểu rồi thì sao cấm cho được! Kể từ đó, bố mẹ chấp nhận và tôn trọng những quyết định của tôi, thậm chí còn cho tôi rất nhiều lời khuyên nữa. Bố mẹ cũng phải công nhận tôi mà không đi theo con đường kinh doanh thì rất phí.
Tôi nghĩ đơn giản thế này: Mọi con đường tôi chọn rồi cũng sẽ dẫn về công việc kinh doanh. Giả sử tôi đi một con đường khác, thì cùng lắm tôi chỉ mất nhiều thời gian hơn để quay về với kinh doanh. Bản chất tôi là con người sẽ luôn kiếm tìm những cơ hội kinh doanh xung quanh mình, đó là cái “máu lăn xả" sẵn có trong mã gen của tôi rồi.
“Con sâu làm rầu nồi canh”. Một số đơn vị không giữ được uy tín với khách hàng nội địa nên những thương hiệu Việt ra đời sau phải cố gắng gấp bội để lấy lại niềm tin đã mất. Gần đây, tôi thấy thị trường Việt Nam có một “ngôi sao sáng" là Cocoon - một thương hiệu được làm rất bài bản và văn minh. Cocoon là một case study tôi muốn học hỏi vì không phải thương hiệu Việt nào cũng được khách hàng nội địa yêu thích đến vậy, thậm chí mức độ yêu thích còn có thể sánh ngang với những thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài.
Với tôi, yếu tố quyết định tiềm năng phát triển bền vững của một thương hiệu Việt là tư duy của người founder. Nếu founder có tư duy hiện đại, văn minh, có cái tâm thực sự, đồng thời có khả năng dự liệu tốt về thương mại, thì thương hiệu của họ mới có thể phát triển được. Nếu một thương hiệu Việt có thể tồn tại ở thị trường trên 3 năm, tôi nghĩ nhiều khả năng thương hiệu đó sẽ phát triển bền vững; còn nếu chỉ là một thương hiệu “theo trend”, hot lên trong 1-2 năm mà không có đường hướng lâu dài, thì khó mà tồn tại.
Thay vì chọn ra 3 cảm xúc, tôi sẽ nói về 3 tính từ mà tôi tâm đắc nhất.
Thứ nhất là nhiệt huyết. Tôi tự tin nói rằng suốt 20 năm qua, tôi luôn giữ mãi một tinh thần khởi nghiệp.
Thứ hai là nguyên tắc và đạo đức. Người làm kinh doanh gặp rất nhiều cám dỗ, và thứ giữ mình tỉnh táo, không vượt qua giới hạn chính là đạo đức kinh doanh. Ai mà chẳng có lúc lên lúc xuống, lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Chính gian nan sẽ thử cái tâm tử tế của người làm lãnh đạo, quản lý.
Thứ ba là may mắn. Tôi biết rất nhiều bạn có năng lực và tư duy tốt, ý tưởng cũng cực kỳ đột phá và khả quan, nhưng mãi mà các bạn không bật lên được. Ông cha mình có câu “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Bạn có tài nhưng không có may mắn, không gặp đúng thời, đúng người; dự án của bạn cũng khó để thành công.
Tôi luôn nghĩ mình là người may mắn, biết tiến đúng chỗ và biết dừng đúng lúc. Một trong những bài học quan trọng nhất mà người làm kinh doanh phải học là kiểm soát rủi ro. Thời điểm nào nên tăng trưởng? Thời điểm nào nên thu gọn? Bạn phải cực kỳ tập trung để “đánh hơi” được tín hiệu của thị trường trước khi biến động xảy ra.
Việc dừng lại đúng lúc sẽ thể hiện được 2 điều. Một, bạn giữ được đạo đức kinh doanh. Hai, bạn giữ được thành quả kinh doanh. Biến chúng thành thứ động lực đủ mạnh, dần dà bạn sẽ học được cách dừng lại đúng lúc thay vì cố chấp. Có một trích dẫn mà tôi rất thích: “Ánh nắng của ngày hôm qua không hong khô được cái áo của ngày hôm nay.” Hôm nay có thể bạn thành công đấy, nhưng điều đó không có nghĩa là ngày tiếp theo bạn tiếp tục tỏa sáng. Trên hành trình kinh doanh của mình, có những thời điểm tôi đã chọn dừng lại. Tôi biết nếu tiếp tục, tôi sẽ vi phạm giới hạn nguyên tắc mà tôi đặt ra cho bản thân mình, ảnh hưởng tới đạo đức kinh doanh của mình.
Dự án tôi tâm đắc nhất chính là chuỗi siêu thị mẹ & bé SSS Momcare. Ý tưởng về SSS Momcare đến với tôi rất tự nhiên: Tôi muốn mua đồ cho em bé, mà thị trường không có nhiều sự lựa chọn ở phân khúc trung đến cao cấp. Tôi nhìn thấy “nỗi đau" tương tự ở nhiều người mẹ Việt khác, nên tôi bắt tay vào làm ngay lập tức và gần như trở thành những người dẫn đầu ngành mẹ bé trong những năm 2016. Tôi không phải CEO đạt mức doanh thu cao nhất trong ngành, nhưng tôi tự tin là người có sức ảnh hưởng lớn tới toàn ngành. Tôi làm influencer có những thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành mẹ bé và cả những thương hiệu gia đình “quốc dân" thuộc Unilever. Rất nhiều đại diện nước ngoài đã hẹn gặp tôi khi muốn đưa thương hiệu của họ tiến vào Việt Nam để tìm hiểu về thị trường và người tiêu dùng nội địa. Tôi rất tự hào về điều đó.
6 năm qua tôi cũng làm 5 events lớn, có tương tác và phản hồi rất lớn trong thị trường kinh doanh online. Mỗi event của tôi có thể thu hút 500 - 700 người quan tâm đến ngành hàng mẹ bé, bao gồm các nhà cung cấp, đại lý phân phối… Tôi có kế hoạch phát triển mô hình event lâu dài trong thời gian tới.
Nhiều là đằng khác! Nhưng tôi nghĩ mình có thể làm nó dễ dàng hơn nhiều người. Tôi có hình ảnh cá nhân tốt, có tương tác tốt. Có một brand name… tạm gọi là viral, tôi có một kênh truyền thông cho sự kiện hoàn toàn miễn phí. Và đổi lại, sự tham gia của rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành cũng là sự bảo chứng không lời cho sự uy tín và thành công của Hằng Túi.
Khi trò chuyện với các bạn trẻ đang ấp ủ mong muốn xây dựng thương hiệu riêng, tôi luôn nói: Cách tốt nhất, nhanh nhất để phát triển thương hiệu của bạn là tận dụng hình ảnh cá nhân. Và để đi lên từ hình ảnh cá nhân, bạn phải có đam mê và hiểu biết về lĩnh vực bạn định làm.
Tôi nghĩ tùy từng thời điểm mà hình ảnh của tôi có sự chuyển dịch, bởi con người sẽ luôn luôn thay đổi. Sự thay đổi ở đây không xảy ra ở bản chất - đó là thứ bất biến; mà thể hiện ở cách họ trưởng thành và thể hiện kinh nghiệm của mình.
Ban đầu, hình ảnh của tôi mang hơi hướng của một… hotgirl. Một cô nàng sành điệu biết ăn chơi, biết tiêu tiền, biết hưởng thụ, đặc biệt, cô nàng rất biết kiếm tiền và tạo ra xu hướng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tự nhận mình là người tạo trend trong cộng đồng những người cùng mối quan tâm, cùng độ tuổi.
Tôi vẫn khuyên mọi người hãy cứ là chính mình. Thay vì vẽ ra một hình mẫu xa lạ ở tận đâu đâu, sao không bắt đầu từ chính những USP của mình? Muốn làm hình ảnh cá nhân mà bản thân còn không biết mình có USP gì, thì làm sao khán giả nhận diện được mình?
Lấy bản thân tôi làm ví dụ đi. Tôi biết mình giỏi văn, nên tôi xây dựng mình thành một content creator giỏi, có khả năng tạo ảnh hưởng và tạo trend thông qua các bài viết trên mạng xã hội. Tôi nuôi 6 em bé, nhìn chung là dạn dày kinh nghiệm làm mẹ. Tôi biết nhiều thứ, từ bơi lội, cầu lông, đến dữ liệu, tài chính.., phim gì tôi cũng xem, truyện thể loại nào tôi cũng đọc; nên followers luôn có sự tò mò về tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng là một trong những người kinh doanh online đầu tiên tại Việt Nam - riêng USP này tôi rất tự tin, vì không ai có thể… quay về quá khứ để làm lại tôi được (cười).
Ngoài ra, tôi tự thấy mình có một giao diện dễ chịu. Tôi không xinh đẹp như ngôi sao, nhưng tôi nghĩ đâu đấy ngoại hình của tôi có thể khiến mọi người có cảm tình ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Với giao diện này, tôi không mong tiến vào showbiz, nhưng có thể mở rộng hình ảnh sang lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Và khi đã vạch rõ những USP ấy của bản thân, tôi đẩy chúng lên thông qua những công việc, hoạt động, sản phẩm mình thể hiện. Những người yêu mến hình ảnh đó của tôi sẽ muốn học theo và làm theo.
Hồi mới kinh doanh online, tôi rất không thích truyền thông, báo chí. Đến mức hễ tìm được bài báo nào về mình là tôi bắt gỡ bằng được, khen chê gì cũng gỡ. Đến cái tên Hằng Túi mà tôi còn… chúa ghét. “Hằng Túi", nghe… chẳng có ý nghĩa gì, mà chắc gì tôi đã bán túi mãi mà phải gắn mình với cái tên ấy? Nhưng đến một thời điểm tôi học cách chấp nhận. Chấp nhận rằng khi mình nổi lên một cách quang minh chính đại và có một cộng đồng những người yêu mến, mình không thể làm gì để dừng sự mến mộ ấy lại một cách cực đoan.
Dĩ nhiên, sự nổi tiếng nhanh chóng khiến tôi “sa chân" vào một số thị phi. Tôi tiếp tục… chấp nhận, mà không chấp nhận thì cũng không được. Ngay từ đầu tôi đã rất kiên quyết trong việc kiểm soát thông tin cá nhân, cũng hạn chế đăng chuyện riêng tư lên Facebook. Nhưng có những thời điểm tôi dùng mạng xã hội không đúng cách, và sự non nớt ấy khiến tôi phải nhận lại những đồn đại tiêu cực. Trải nghiệm này giúp tôi rút ra bài học để đời: Việc riêng tư đừng đưa lên mạng. Và đừng cố gắng tranh cãi, giải thích, đôi co.
Khi trò chuyện với các bạn trẻ, tôi luôn khuyên các bạn điều đó. Nhưng có khi các bạn ấy cũng chẳng nghe đâu, vì không gì khiến ta học nhanh hơn là tự mình va vấp. Có lẽ phải hụt chân một lần, các bạn mới thấm thía bài học ấy.
Làm được điều ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình bỗng dưng nhẹ nhàng và tích cực vô cùng. Môi trường quyết định vận mệnh; khi môi trường trong lành thì tự khắc bạn sẽ thấy yên bình.
Có một câu mẹ tôi thường dặn: “Con à, nếu mình vẫn đang trèo lên đỉnh thì không có gì đáng sợ đâu, vì mình còn lên được mà cũng xuống được. Nhưng khi thấy mình đã lên được cái đỉnh cao nhất thì con nên sợ, vì lúc đấy con chỉ có một con đường là đi xuống.” Tôi nghĩ chúng ta nên chấp nhận rằng không ai có thể ở trên đỉnh cao mãi mãi được. Sóng sau sẽ xô sóng trước - ấy là quy luật bất biến của cuộc đời.
Về lâu dài, có lẽ tôi không thể so bì với những doanh nghiệp trẻ hơn về con số, doanh thu. Nhưng lợi thế cạnh tranh cả đời của tôi là tư duy và kinh nghiệm “người thật việc thật" suốt gần 20 năm chinh chiến. Cách tôi giữ vững vị trí của mình, không để bản thân thụt lùi là liên tục học tập và phát triển bản thân.
Thật lòng, tôi rất ngưỡng mộ những tập đoàn và thương hiệu kinh doanh lâu đời, bởi họ đã thành công duy trì được đỉnh cao đó qua hàng bao thế hệ. Đứng trên đỉnh là một cảm giác áp lực đến choáng ngợp. Bản tính hiếu thắng khiến tôi luôn đặt mục tiêu phải vươn lên hàng top trong mỗi ngành hàng mình tham gia. Nhưng khi đã đặt chân đến vinh quang, đôi lúc tôi sẽ chọn… rút lui trong thời điểm đẹp nhất, rồi tiếp tục nhảy sang một ngọn núi khác để leo lên. Thế thì vui hơn là đứng mãi ở một đỉnh rồi lo được lo mất.
Có chứ! Năm 15 tuổi, tôi nghĩ mình sẽ nghỉ hưu ở tuổi 35. 20 năm kinh doanh cũng là quá nhiều đi chứ. Nhưng giờ khi gần chạm đến cột mốc ấy, tôi lại nghĩ: Chắc mình sẽ tiếp tục làm việc tới năm 80 tuổi. Tính tôi hay nghĩ ra cái này cái kia để làm, không ngừng được; mà chơi hoài cũng chán. Có những năm thị trường biến động, không có nhiều thời cơ để mở rộng mô hình kinh doanh, tôi sẽ tự cho phép mình được nghỉ ngơi, hưởng thụ, hoặc tập trung phát triển các mối quan hệ. Coi như là một cách “sạc pin" chờ cơ hội đến. Như vậy là để nói rằng Hằng Túi đam mê kinh doanh và có lẽ sẽ gắn với việc kinh doanh cả đời, nhưng Hằng Túi không phải kiểu người chỉ chăm chăm làm việc, mà cũng biết hưởng thụ đấy!
Tất nhiên, tôi sẽ phải đi qua một số giai đoạn khó khăn, không tránh được. Năm 2023 hẳn là quãng thời gian thử thách, ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề. Vậy nên tôi đã nhanh chóng thành lập một nền tảng kinh doanh mới là PAQ Group để chiến đấu trong năm 2023 - và đây sẽ là trọng tâm của tôi trong năm tới. Tôi thành lập PAQ Group với 100% tâm huyết, nhằm mang lại nhiều giá trị cho những người tiêu dùng thông thái. Giờ này năm sau chắc chắn tôi sẽ có một cộng đồng rất lớn, và với tôi, cộng đồng chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Nhiều là đằng khác! Có thể nói công việc kinh doanh đã tạo nên tôi của ngày hôm nay. Hôm nay tôi có thể nhận lời phỏng vấn với bạn mà không cần chuẩn bị trước câu trả lời; trong khi ngày xưa tôi ấp úng lắm, đi đâu làm gì cũng cần kịch bản với timeline, không là không thể nào nói chuyện trôi chảy được. Tiếp nữa, tôi khéo léo và uyển chuyển hơn trong các mối quan hệ. Rồi, kinh doanh dạy tôi tham vọng, nhưng đồng thời tôi cũng học được bài học của sự biết đủ.
Có người nói rằng, thương trường là một xã hội thu nhỏ. Có lẽ vì thế mà khi đã học đủ nhiều từ thương trường, tôi cảm thấy cuộc sống phần nào dễ chịu hơn.