Bắt đầu với những nội dung review được đăng tải trên YouTube liên quan đến mỹ phẩm, làm đẹp, Võ Hà Linh - hay còn được biết đến là Hà Linh Official là một trong những reviewer đình đám. Không ngại lên tiếng chê các sản phẩm kém chất lượng, hoặc những sản phẩm không tương xứng với giá thành, Hà Linh đã nhanh chóng gây ấn tượng với người xem, mặt khác là vô vàn ý kiến trái chiều. Bỏ qua những lời nhận xét tiêu cực, các video review trên YouTube của Hà Linh đã nhận về hàng triệu lượt xem mỗi clip, nhất là khi nữ YouTuber thường xuyên chia sẻ đến người xem những sản phẩm sử dụng có hiệu quả, giá thành hợp lý, phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên.
Một trong những vụ lùm xùm khiến tên tuổi của Hà Linh được nhiều người biết đến chính là sản phẩm The Ordinary fake bị bán tràn lan trên thị trường Việt Nam, trong đó có cả những shop mà chính tay nữ YouTuber này dẫn link mua bán đến khán giả. Nhằm lấy lại danh tiếng cũng như thể hiện rõ quan điểm “vì lợi ích khách hàng”, Hà Linh đã không ngần ngại lên clip đính chính, làm việc với Shopee và hoàn trả lại tiền cho những ai đã mua sản phẩm theo đường link của mình. Nhờ video hướng dẫn phân biệt sản phẩm kém chất lượng và sản phẩm chính hãng của Hà Linh, khán giả đã dần trở nên tin tưởng vào nữ YouTuber này.
Trong khoảng thời gian đó, Hà Linh cũng nhiều lần có những lùm xùm liên quan đến nhiều YouTuber khác như Call Me Duy hay trực tiếp review sản phẩm M.O.I của nghệ sĩ đình đám Hồ Ngọc Hà, từ đó khiến cho fanpage cá nhân của cô nhận về nhiều phản hồi tiêu cực và bị sập trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sự thẳng thắn đôi khi có phần gắt gỏng của Hà Linh lại dần trở thành một thương hiệu của riêng cô, khi đây là một trong những reviewer “không ngại chê” hiếm có của thị trường Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực làm đẹp, Hà Linh cũng thường xuyên có những nội dung review về ẩm thực, bao gồm cả nhiều quán ăn của các nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Trường Giang… đều được cô nàng ghé thăm. Nhờ đó, hình ảnh của Hà Linh có phần trở nên đáng tin cậy trong mắt giới trẻ, mang đến con số 1,9 triệu lượt đăng ký trên YouTube.
Sau khi “oanh tạc” YouTube và nhận thấy xu hướng nội dung ngắn đang dần được giới trẻ yêu thích, Hà Linh chính thức lấn sân sang nền tảng TikTok. Giờ đây, cuộc chơi của nữ reviewer này mới thực sự bắt đầu. Không ngần ngại duet trực tiếp với các tài khoản bán sản phẩm kem trộn, hàng kém chất lượng hay thậm chí là các nhà hàng ăn, Hà Linh đã dần được cư dân mạng gọi vui với cái tên “chiến thần review”, nhằm thể hiện độ càn quét của cô nàng trên nền tảng này. Phải nói rằng, khi một sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên TikTok, không ít nhiều những video quảng cáo đó sẽ có comment tag tên của Hà Linh Official. Bằng cách này, khán giả dễ dàng kiểm chứng được chất lượng sản phẩm mà không lo ngại bị quảng cáo thổi phồng sự thật.
Vào năm ngoái, Hà Linh cũng vướng vào một vụ lùm xùm cùng thương hiệu chè Chang Hi. Với video dài review từng món ăn của quán chè Chang Hi và nhận về hơn 2 triệu lượt xem trên YouTube, các phản ứng trái chiều ngay lập tức được đăng tải trên khắp nền tảng. Phần đông các khán giả đều đồng tình với nữ reviewer bởi chất lượng của các món chè, cũng như phong cách tạo nội dung gây tranh cãi của chè Chang Hi trên TikTok. Một số clip ngắn của Hà Linh được đăng tải trên nền tảng này liên quan đến chè Chang Hi cũng nhận về hơn 13 triệu lượt xem, chứng minh sức hút khủng của nữ reviewer này.
Ngay sau khi phát triển nội dung trên TikTok, Hà Linh một lần nữa lại khiến nhiều TikToker khác e ngại khi công bố livestream bán hàng với deal giảm mạnh kết hợp với nhiều thương hiệu. Có thể thấy, hình tượng nữ reviewer thẳng thắn, không ngần ngại phản bác lại các sản phẩm, bao gồm cả nghệ sĩ tên tuổi, đã giúp cho Hà Linh có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Điều này được chứng minh ngay trên sóng livestream đầu tiên của nữ reviewer này, khi cô đạt 11 triệu tim, hơn 80.000 người xem cùng một lúc. Và chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, Hà Linh đã lập kỷ lục bán hết sản phẩm của 1 kho và 2 nhà máy. Bỏ xa Phạm Thoại - người từng tạo ra kỷ lục livestream của Việt Nam, Hà Linh đã khiến cho khán giả và các TikToker phải bất ngờ và dè chừng trước độ “khủng” do chính cô tạo ra từ hình ảnh “thô mà thật” của mình nhiều năm qua.
Sau lần livestream đại thành công vào tháng 3 vừa qua, Hà Linh tiếp tục thể hiện sự đầu tư cũng như độ hoành tráng của buổi livestream lần 2 vào tháng 4. Tuy nhiên, mọi thứ đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều ngay từ video quảng cáo cho buổi livestream này. Với video ngắn được đăng tải lên TikTok cho thấy quy mô và cam kết của các thương hiệu khi hợp tác cùng Hà Linh trong buổi livestream tháng 4, nữ reviewer đã khiến cư dân mạng xôn xao với câu nói: “Xanh 18 cành, nâu 11 cành” thể hiện mức giá của các sản phẩm thương hiệu dầu gội dược liệu Hoa Linh. Lập tức, nhiều nhà phân phối, các hiệu thuốc đăng tải thông tin thể hiện thái độ bức xúc khi Hoa Linh bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ. Mặc dù thương hiệu đã lên tiếng xin lỗi, và Hà Linh đã chia sẻ rõ về combo giảm giá ngày hôm đó của Hoa Linh nhưng nhiều khán giả vẫn không chấp nhận.
Kết thúc phiên livestream tháng 4, Hà Linh một lần nữa xuất sắc lập kỷ lục khi bán hết sạch các kho nhà máy trong buổi trực tiếp. Mặc dù vậy, nữ TikToker lại nhận về trái đắng trên mạng xã hội khi nhiều khán giả nêu quan điểm rằng Hà Linh đang đánh tráo khái niệm nhằm chiêu trò thu hút sự quan tâm trong buổi livestream. Cụ thể, câu nói gây tranh cãi “Xanh 18 cành, nâu 11 cành” thực chất chỉ là giá thành trong combo khuyến mãi, sau khi trừ hết giá trị của các sản phẩm đi kèm. Nhiều người còn hoài nghi rằng, không rõ đây có phải là “cách chữa cháy” kịp thời mà team Hà Linh đưa ra trước thông tin phá giá gây phẫn nộ. Để đính chính cho luận điểm này, Hà Linh cũng không ngần ngại đăng tải những email kế hoạch livestream được chuẩn bị từ trước, cùng với status có phần động chạm đến nhân vật không liên quan, khiến sự việc càng trở nên lùm xùm theo hướng tiêu cực.
Phải nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu nữ reviewer này gặp phải các phản ứng trái chiều trước nội dung mà mình đăng tải. Tuy nhiên, sự việc lần này như một “giọt nước tràn ly” trong mắt nhiều khán giả, bao gồm cả antifan. Lợi dụng những scandal từ trước đó đến từ chính thái độ thẳng thắn mà Hà Linh luôn theo đuổi, cộng thêm những ảnh hưởng xấu từ buổi livestream, group anti nữ reviewer đã lên đến hơn 100 nghìn người tham gia chỉ trong 5 ngày ít ỏi. Không chỉ dừng lại ở đó, các video review quán ăn của người nổi tiếng mà Hà Linh từng đăng tải cũng bị đào lại. Nhiều người cho rằng, nữ reviewer không đủ kiến thức chuyên môn để nhận xét về ẩm thực, khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhằm xoa dịu và thể hiện ý kiến lắng nghe, Hà Linh đã lên tiếng xin lỗi cùng với lời hứa “sẽ không review quán ăn nữa”.
Có thể thấy, hình ảnh reviewer mà Hà Linh xây dựng đang trở thành con dao hai lưỡi của chính cô. Với những người yêu thương và tin tưởng, hình ảnh này có thể là thẳng thắn, với những người anti hoặc không hiểu rõ, sự chân thật này lại là thái độ cao ngạo, ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Mặc dù vậy, trong thông báo mới đây, Hà Linh đã ý thức và nhận lỗi sai về bản thân, tự hứa sẽ chấn chỉnh, lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng mạng - một tinh thần cầu thị đáng để đặt niềm tin, nhất là trước những gì Hà Linh đã và từng hết lòng vì khán giả.