Founder Trạm Community: “Tiệm cà phê tử tế” là sứ mệnh, không đơn thuần là khẩu hiệu

Trạm không chỉ là một quán cà phê đơn thuần, đây là nơi một người trẻ lựa chọn đặt trái tim vào việc phát triển con người với mong muốn “dịch vụ nên đến từ trái tim tới trái tim”.
Đinh Trang
05/07/2025
Founder Trạm Community: “Tiệm cà phê tử tế” là sứ mệnh, không đơn thuần là khẩu hiệu

Bắt đầu từ một quán Trạm trong con ngõ nhỏ - một vị trí khiến nhiều chủ kinh doanh e ngại với mặt bằng không quá thuận lợi, đến nay Trạm đã sở hữu 15 cơ sở tại miền Bắc, tập trung tại 3 tỉnh thành lớn: Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội. Song song với mô hình kinh doanh Trạm - Tiệm cà phê tử tế, anh Đức xây dựng Trạm Community - Tổ chức cộng đồng vì trẻ em vùng cao và giáo dục thanh thiếu niên, với chương trình “Trà Sữa Cho Em” đã đi qua 4 chặng kể từ năm 2019. 

Đằng sau câu chuyện xây dựng Trạm - thương hiệu cà phê với văn hóa lấy con người làm trung tâm, đây còn là hành trình nuôi dưỡng ước vọng lớn lao của founder Thiện Đức. Mô hình Trạm không chỉ là nơi thực hiện hóa giấc thời trẻ về một “trạm thanh xuân” của anh; mà còn là “mảnh đất” của những hạt giống tử tế với mục đích lan toả văn hóa dịch vụ từ sự chân thành.

Trạm là một điểm dừng chân, nơi bạn được nhìn lại mình

Với những người lần đầu tới Trạm, anh sẽ giới thiệu với họ điều gì? 

Mình muốn kể họ nghe về hành trình xây dựng văn hoá con người nơi đây. Ngay từ những ngày đầu, mình đã nuôi dưỡng một ý niệm rõ ràng: tạo ra nơi có không gian, có đồ uống và điểm nhấn là sự kết nối giữa con người với con người, từ trái tim tới trái tim. Mình không chỉ muốn nuôi dưỡng ý niệm đó từ bản thân mà còn truyền đạt tới nhân viên, để các bạn hiểu và thật sự sống với nó.

Theo anh, ý niệm đó là?

“Yêu thương, chân thành và hoà hợp”. Mình được tác động bởi một người thầy, bởi vậy mình coi ba cụm từ này là giá trị cốt lõi của văn hóa Trạm.

Trước hết, chúng mình yêu thương nhau, yêu cả những thứ bản thân không hài lòng. Thời gian đầu vận hành nhân sự, mình để ý một vài bạn quản lý có tính cách suồng sã. Với vị trí quản lý nhân sự, mình nghĩ người quản lý không nên có tính cách đó. Khi đi sâu hơn về mặt bản chất, mình mới hiểu tính cách đó xuất phát từ nền tảng gia đình, từ sự giáo dục, môi trường họ sống. Mình tìm cách bao dung hơn, lựa chọn cách trò chuyện thành thật nhưng không vội vã, đơn giản vì mình biết bản thân mình cũng có những hạn chế riêng. Nhiều người hỏi làm thế nào để quản lý nhân sự - mình trả lời, đó là sự chân thành.

Để hiểu một cá nhân trong cả tập thể lớn, chúng mình hướng tới sự thành thật. Nếu bạn là người mất kiểm soát, hãy nói với mình bạn là người mất kiểm soát. Nếu bạn gặp vấn đề về kinh tế, hãy nói với mình bạn đang gặp vấn đề về kinh tế. Bản thân là người đứng đầu, mình cũng có những nỗi lo riêng, ngọn lửa trong mình không phải lúc nào cũng nhiệt huyết, cũng có những ngày nắng ngày mưa. Vì vậy, mình học cách chân thành với chính mình, học cách kiềm chế nỗi lo trong 3 năm đầu thành lập Trạm. Từ đó, mình đưa sự chân thành vào cách vận hành nhân sự, thấu hiểu nỗi lo cá nhân của nhân viên.  

Trong Phật giáo có nguyên tắc lục hòa kính, mang nghĩa là hòa hợp, mọi vấn đề đều được đưa ra thảo luận và cùng đưa ra quyết định. Theo lẽ thông thường, khi bạn làm đúng thì được thưởng, làm sai thì bị phạt. Tại Trạm, chúng mình đào sâu hơn, đặt những câu hỏi vì sao - “Vì sao sai?” và “Vì sao đúng?”. Nhân viên đi làm muộn, bạn phạt, nhân viên ức chế. Nếu bạn không nhận ra và xử lý, vòng lặp đó vẫn sẽ tiếp diễn và dẫn đến sự rời đi. Ở Trạm, mình muốn tìm hiểu lý do vì sao nhân viên đi làm muộn. Mình muốn khích lệ và hỗ trợ các bạn, nếu không được thì mới tìm các biện pháp khác.

Điều gì khiến anh anh lựa chọn tên “Trạm” cho đứa con tinh thần của mình?

Nói về ngành F&B, cụ thể là bán dịch vụ thông qua đồ uống, nó đến và đi rất nhanh. Mình muốn mô hình đầu tiên là một trạm dừng thanh xuân, vì ngày xưa mình không có một nơi như thế này. Thời điểm đi du học tại nước ngoài, mình rụt rè và nhút nhát, không dám đi làm thêm. Vì vậy, mình muốn xây dựng một mô hình như Trạm để tạo cơ hội cho nhiều bạn thực hành kỹ năng mềm, phục vụ cho đời sống. 

Thời gian đầu ấp ủ, mình tình cờ gặp vài người bạn và chia sẻ ý định mở một mô hình mang tên Trạm sau này. Mọi người gợi ý đặt tên là “Chạm” (touching) nhưng thật may vì mình vẫn giữ tên “Trạm” vì nó giữ vẹn nguyên ý nghĩa “trạm dừng chân”.

Tử tế là trách nhiệm, là văn hóa cần lan tỏa

Lý do nào thôi thúc anh lựa chọn cụm “tiệm cà phê tử tế” gắn liền với Trạm?

Mình không lựa chọn cụm “tử tế” dành cho Trạm ngay từ ban đầu. Ba năm trước, mô hình này mang tên “Trạm Books & Coffee” - một nơi có sách, cà phê và yên tĩnh. Tại thời điểm đó, mình vẫn chưa đủ vững vàng, có đôi phần chới với, nên không tự nhận bản thân là “tử tế”. Đến tận ba năm sau, khi mình quản trị được tâm, mình mới dám đặt hai từ “tử tế” trên tấm bảng hiệu.

Mình may mắn biết tới cuốn sách của một người thầy. Từ một người không có gì trong tay, ông bước đi với một triết lý sống rõ ràng, giúp mình trả lời được câu hỏi “làm người như thế nào là đúng”. Khi đọc cuốn sách, mình như được khai sáng và nhận ra rằng, tất cả những gì mình đang làm, hóa ra là đi đúng hướng. Nhờ đó, mình tự tin hơn vào những điều bản thân và Trạm đang theo đuổi. 

Trên hành trình xây dựng văn hóa Trạm, anh đã làm cách nào để truyền tải tinh thần “tử tế” đến đội ngũ nhân viên và cả khách hàng?

Với khách hàng, ban đầu mọi người sẽ không hiểu văn hóa Trạm là gì, tuy nhiên thông qua những hành động nhỏ từ các bạn nhân viên, mình nghĩ khách hàng có thể cảm nhận được. Mình phục vụ khách hàng, nhân viên học cách mình phục vụ khách hàng, khách hàng cảm nhận được và từ đó văn hóa Trạm có hướng đi rõ ràng. Khách hàng tìm đến Trạm nhiều hơn, đồng nghĩa văn hóa Trạm mang giá trị thật và doanh thu cũng tốt hơn. 

Tấm bảng Sứ mệnh Trạm đặt ở tầng 1 như một lời nhắn tới nhân viên - chúng ta đại diện cho văn hoá Trạm. Mình đã nói mình là tiệm cà phê tử tế - đây là trách nhiệm lớn, chứ không nhỏ. Chính nhờ vậy mà quy trình tuyển dụng tại Trạm dễ hơn, ứng viên tìm hiểu văn hóa Trạm và dám đăng ký thì cơ bản là họ đã phù hợp rồi rồi. 

Trước kia, mình đã từng hoang mang khi xây dựng mô hình Trạm. Khách hàng thắc mắc tại sao quán lựa chọn địa điểm này và xây dựng văn hóa riêng. Ngay cả bản thân mình cũng tự đặt câu hỏi: “Liệu làm như này thì thành công không? Nếu quán đầu tiên thành công thì mô hình này có thể lên chuỗi được không?”. Thành thực thì những câu hỏi này khiến mình mất quá nhiều thời gian, trong khi bản thân mình cũng không có câu trả lời. Vậy nên, mình cứ đi và không đặt nặng hai từ “thành công” - nhưng có vẻ mình đang đi đúng hướng với điều mình mong muốn.

Anh chia sẻ việc mở quán chỉ là công cụ để giúp bản thân thực hiện một mục đích nào đó lớn hơn. Vậy “mục đích lớn hơn” ở đây là? 

Nếu bạn hỏi mình có tham không? Mình công nhận là mình tham, nhưng cái tham của mình khác mọi người. Mình hy vọng trên thị trường có nhiều mô hình Trạm hơn, tuy nhiên mình cũng cần chú trọng cán cân giữa vật chất và tinh thần. Ai kinh doanh cũng muốn phát triển kinh tế nhưng với Trạm, mình muốn lan tỏa văn hóa mình gây dựng. 

Để văn hóa được lan tỏa nghĩa là nó chạm tới nhiều người, đồng nghĩa việc kinh doanh sẽ đi lên - nhưng đây là giai đoạn khó khăn cần chúng mình chinh phục trên đường dài. Nếu số lượng khách quá đông, chúng mình cần dừng việc nhận thêm khách bởi không gian trở nên ồn ào và làm loãng văn hoá. Thế nhưng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của quán. Đây là cán cân giữa giá trị kinh tế và tinh thần mà chúng mình cần học cách chấp nhận. 

Nếu quán làm đồ uống thật ngon thì quy trình vận hành sẽ đi kèm với chi phí cao. Đồ uống của Trạm giữ chất lượng ở mức vừa phải nhưng điểm khác biệt phải là dịch vụ. Tệp khách hàng của Trạm là những bạn trẻ và mình muốn họ có trải nghiệm vượt ngoài sức mong đợi. Đó là cách tư duy của chúng mình.

Khi nhắc đến “mục tiêu lớn”, chúng mình hướng tới trạng thái cân bằng. Với khía cạnh kinh doanh, mình vẫn tính đến câu chuyện giá cả, điểm hoà vốn nhưng điều quan trọng hơn là duy trì sự tập trung vào sản phẩm đúng tinh thần mình đặt ra, đó là dịch vụ và con người. Con số có thể không tốt như các quán khác nhưng chúng mình tin vào việc mình “gieo hạt sẽ gặt quả”, vậy nên cứ làm thôi. 

Sự “lựa chọn cân bằng” đến từ thời điểm ban đầu hay trên quá trình hoàn thiện Trạm?

Mô hình Trạm đầu tiên là ở trong ngõ, nhỏ và chưa được đầu tư quá nhiều. Thời gian đó, chúng mình cho đi nhiều thứ. Đầu tiên là tinh thần, mình phải nhiệt huyết hơn, hy sinh hơn. Thứ hai là vật chất, chúng mình tặng kẹo, bánh và hoa quả cho khách hàng mỗi ngày. 

Mình phải là người tiên phong và làm gương trước, sau đó mới tới các bạn nhân viên. Mình múc topping cho khách nhiều hơn, miễn là mình thấy thoải mái. Trên thực tế, nhiều khách hàng lựa chọn Trạm để ngồi trong thời gian dài. Nhiều người góp ý mình tăng giá lên nhưng mình thấy ổn, miễn là họ thấy thoải mái và quay trở lại với Trạm. 

“Làm người điều gì đúng với bản thân thì mình nên làm” - đây là kim chỉ nam của mình. Những buổi trưa mọi người ngồi làm việc lâu, mình sẽ hỏi khách hàng muốn ăn gì và chúng mình sẽ hỗ trợ mua giúp. Nếu bạn đang đói mà có người mở lời như vậy, chắc chắn bạn sẽ thấy trân trọng và được truyền năng lượng tích cực đúng không? Lựa chọn cân bằng là khi cả hai cùng thấy thoải mái, thế là đúng với tên gọi “trạm dừng chân” rồi. 

Nếu bạn thật sự muốn làm, hãy tin vào chính mình

Yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Trạm ở thời điểm này là gì?

Định nghĩ về thành công của mình khác so với số đông. Thành công là khi những giá trị mình mang đến có ảnh hưởng với con người. Chẳng hạn như, khách hàng cảm thấy thoải mái hơn sau nhiều lần ghé quán. Mọi người dần cảm nhận được văn hóa Trạm sau một thời gian tiếp xúc và đến một ngày, bạn sẽ thấy khách hàng tự mang đồ về quầy sau khi đã nhâm nhi. Đó là thành công của mình.

Có một bạn quản lý quán từng nói, mình cứ gieo rồi mình sẽ gặt được cả nắm. Mình rất tin thành công của chúng mình đến từ con người. Nếu ai đó hỏi mình bí quyết thành công của Trạm là gì, câu trả lời vẫn sẽ là: “Chúng mình sống thật với những gì chúng mình có, đó là tình yêu thương chân thành”. Ở bên trong, mình tin là mình và đội ngũ có thể làm được. Đối với mình, niềm tin dựa trên bản thân là cốt lõi. Mình thật sự biết ơn các bạn đã ủng hộ Trạm. 

Dự định của anh đối với Trạm trong tương lai là?

Mình chia kế hoạch Trạm theo mốc thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mình vẫn chia sẻ với các bạn trong quán rằng: chúng ta không dừng lại ở con số 15 hay 16 quán, nếu mô hình này còn phát triển thì anh em làm tiếp. Điều kiện quan trọng để Trạm đi tiếp vẫn là con người - những người dám đồng hành, dám hy sinh khi hiểu được tinh thần văn hóa Trạm và dám lan tỏa. Thời điểm khó khăn nhất của chúng mình là tìm đúng người. 

Mình là người khá mộng mơ. Với mình, Trạm không đơn thuần là một quán cafe. Mình muốn làm những lĩnh vực khác liên quan tới cộng đồng. Hiện tại cộng đồng của chúng mình có gần 200 bạn. Mình muốn là người truyền năng lượng tới các bạn trẻ về đa lĩnh vực. Bạn nào hứng thú với ngành nghề F&B này, hãy làm Trạm với mình; còn bạn hứng thú với ngành nghề khác thì chúng ta hợp tác từ những mô hình nhỏ trước. 

Mình làm Trạm với mục đích đủ sống, đủ hạnh phúc. Mình vẫn dư dả khi làm Trạm, còn ai có mục đích cao hơn thì mình không làm được. Quay lại câu chuyện quan trọng nhất vẫn là mình có tin hay không, nếu không tin thì khó làm được.

Với những bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm bản thân trên hành trình tuổi trẻ, anh muốn chia sẻ với các bạn điều gì?

Nếu bạn thật lòng muốn tốt hơn, bạn nên nuôi dưỡng điều đó hàng ngày. Bạn nói mình muốn tốt hơn, nhưng mỗi ngày qua đi, bạn vẫn không nghĩ như vậy. Bạn vẫn dành thời gian để lo lắng và loay hoay. Trong cuốn Nhà Giả Kim có một câu mình tâm đắc, “khi bạn thực sự mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” - nhưng để đạt được thì bạn phải làm mỗi ngày, vũ trụ mới nhận được tín hiệu.

Mình hy vọng những bạn trẻ đang loay hoay thì hãy nghiêm túc với “sự loay hoay” đó. Bạn phải nghĩ về nó đủ nhiều và đôi khi, bạn sẽ cần sử dụng sự trợ giúp từ bên ngoài. Bạn hãy than thở “sự loay hoay” với người bạn tin tưởng. Nếu có thể, hãy mở lời để bạn được gặp họ. 

Nếu bạn đủ khả năng, hãy tự đặt câu hỏi và tự trả lời. Còn nếu không, bạn hãy tìm những người thầy có tâm có tầm để xin giúp đỡ. Cuối cùng mọi chuyện vẫn do mình, hãy làm khi các bạn thật sự muốn.

Cảm ơn anh Thiện Đức vì hành trình giàu cảm hứng anh đã gây dựng. Xin chúc Trạm Coffee và Trạm Community sẽ phát triển thật vững vàng, lan tỏa nhiều niềm vui & tình yêu thương tới mọi người!

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0393508397 (Ms. Trang Đinh) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa