emagazine image

Coaching (Khai vấn) là một nghề nghiệp mới nổi tại Việt Nam trong những năm gần đây. Với tất cả sự mới mẻ của nó, có rất nhiều quan điểm khác biệt về lĩnh vực này. Nhiều người chưa thực sự hiểu coaching là gì, hoặc nhầm lẫn coaching với những hình thức can thiệp khác như điều trị tâm lý, tư vấn,... Với những người từng trải nghiệm dịch vụ coaching chuyên nghiệp, coaching có thể tạo nên những bước chuyển lớn trong nhận thức của họ. Với những người đã học và theo đuổi nghề coach, phần lớn đều tin rằng đây là một công việc ý nghĩa và nhân văn, nhưng loay hoay không biết cách xây dựng một sự nghiệp coaching bền vững.

Tò mò về lĩnh vực coaching, The Influencer đã có cuộc trò chuyện cùng Chuyên gia Khai vấn Milena Nguyễn. Hiện tại, cô là một business coach - khai vấn cho những coach mới vào nghề để giúp họ phát triển sự nghiệp coaching bền vững. Cô đồng thời cũng là tác giả sách, diễn giả truyền cảm hứng từng 3 lần đứng trên sân khấu TEDx Talk. Doanh nghiệp coaching của cô đã phát triển đến năm thứ 7 với mức doanh thu lớn, với khách hàng đến từ hơn 15 quốc gia trên toàn thế giới. Thuộc thế hệ những người Việt Nam đầu tiên làm coach, Milena mang đến những chia sẻ đầy cảm hứng về hành trình của riêng mình, và những lời khuyên quý giá cho những người bắt đầu sự nghiệp coach.

emagazine image
emagazine image

Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung coaching tương tự với có việc có một huấn luyện viên cá nhân (personal trainer) ở phòng tập gym. Giả sử, bạn đang muốn khoẻ mạnh gọn gàng, bạn có một mục tiêu để cải thiện vóc dáng và bạn đến phòng gym. Thay vì phải tự tìm hiểu và xoay xở mọi thứ một mình, một trong những cách thức hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất là thuê một huấn luyện viên cá nhân. Người huấn luyện viên này hiểu mục tiêu bạn đang muốn chinh phục, thiết kế một kế hoạch tập luyện phù hợp với riêng bạn, và đồng hành cùng bạn trên mỗi bước tiến của hành trình đó.

Đây cũng là những khía cạnh khiến tôi yêu thích và đam mê công việc coaching. Tôi có cơ hội để giúp những người khác xác định được đâu là điều họ muốn đạt được và đâu là điều họ cần làm để chinh phục mục tiêu đó. Tôi cũng có cơ hội đi song hành cùng họ trên hành trình ý nghĩa này, hỗ trợ họ vượt qua những trở ngại, gợi nhắc họ về những tiềm năng sẵn có, và giúp họ tạo dựng sự kiên trì bền bỉ để đạt được mục tiêu. 

Cuộc sống của mỗi người đều bao gồm rất nhiều khía cạnh, ví dụ như sức khoẻ, tài chính, mối quan hệ, sự nghiệp, kinh doanh,... Ở mỗi khía cạnh, tôi tin rằng chúng ta đều có một mục tiêu nào đó, một tầm nhìn tốt đẹp mà ta đang hướng tới. Người coach sẽ giúp chặng đường đạt được mục tiêu của bạn có định hướng hơn, hiệu quả hơn, và giảm bớt rất nhiều sự lo lắng cô đơn. 

Có một câu hỏi mà tôi nghĩ rằng chúng ta chưa hỏi bản thân đủ nhiều: “Đâu là sự hỗ trợ mà tôi cần để đạt được mục tiêu này?”. Nhiều người nghĩ rằng việc tìm kiếm giúp đỡ là biểu hiện của sự yếu đuối, thiếu tự lập. Hệ quả là, họ tự xoay xở một mình và lãng phí rất nhiều nguồn lực về thời gian, sức người, tài chính... Tôi nghĩ ngược lại, tìm kiếm sự giúp đỡ là dấu hiệu cho thấy bạn đang khao khát chinh phục mục tiêu đó, và bạn quyết tâm không từ bỏ. Chính vì vậy, khi biết đến coaching, tôi nghĩ rằng đây là một sự nghiệp tuyệt vời, một công việc ý nghĩa mà xã hội đang thực sự cần.

emagazine image
emagazine image

Một câu chuyện dài! Tôi sẽ cố gắng kể ngắn nhất có thể.

Năm 24 tuổi, tôi quyết định nghỉ việc tại một tổ chức phi chính phủ, mặc dù công việc tại thời điểm đó đang rất thuận lợi và thành công. Tôi cũng từ chối tất cả lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn và quyết định trở thành một giáo viên yoga. Mọi người xung quanh tôi đều thấy vô cùng khó hiểu: “Tại sao lại làm giáo viên yoga?”, “Tại sao lại nghỉ một công việc đang kiếm được nhiều tiền?”, “Tại sao lại từ chối làm cho những tập đoàn lớn?”. Nhưng ở bên trong, tôi biết rõ rằng bản thân đang thực sự mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa với cuộc đời. Tôi muốn có được tự do.

Tôi đổ toàn bộ số tiền tiết kiệm để phát triển một phòng tập yoga ở Hà Nội. Ngày khai trương phòng tập là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi tính đến thời điểm đó. Nhưng chỉ sau hai năm, tôi phải đóng cửa phòng tập. Tôi nói với mọi người rằng vì tôi muốn có sự tự do về địa điểm làm việc, lý do này cũng đúng, nhưng không phải tất cả. Một lý do quan trọng khác mà tôi quá xấu hổ để thừa nhận là tôi hết sạch tiền. Cuối mỗi tháng, sau khi thanh toán tất cả các chi phí, tôi chỉ còn 250 đô để tự trả cho chính mình, trong suốt 2 năm trời.

Mọi người vẫn nói ra rả ngoài kia rằng, cứ làm điều mình thích và tiền sẽ tự đến. Và đó cũng là điều tôi tin tưởng cho đến khi tôi phát hiện ra rằng đó không phải sự thật. Rõ ràng tôi đang làm điều mình thích, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải đóng cửa phòng tập vì không có tiền. Tôi rơi vào khủng hoảng và trầm cảm giai đoạn đó.

emagazine image

Một thời gian sau khi nhìn lại, tôi nhận ra một sự thật rằng, tôi thất bại không phải vì không có đủ đam mê, không phải vì không đủ kỷ luật hay sự nỗ lực, mà bởi vì tôi không có một chút kiến thức nào về kinh doanh, tôi không hề có tư duy về việc xây dựng một sự nghiệp bền vững khi làm điều mình thích. Có một sự khác nhau rất lớn giữa làm điều mình thích và kiếm được (nhiều) tiền từ việc mình thích. Thời điểm đó, tôi có thể là một giáo viên yoga giỏi, nhưng tôi không phải một người chủ doanh nghiệp giỏi cho phòng tập yoga của chính mình. 

Sau thất bại này, tôi có hai sự lựa chọn. Hoặc là quay lại cuộc sống văn phòng, tìm một công việc ổn định, hoặc là cho bản thân một cơ hội thứ hai để thử lại từ đầu. Chỉ chớm nghĩ đến việc ngồi làm văn phòng 8 tiếng mỗi ngày để xây dựng ước mơ cho một người khác, tôi cảm tưởng như mình đang tự hành hạ chính mình. Vậy nên mặc dù cực kỳ sợ hãi rằng bản thân sẽ lại thất bại, tôi vẫn quyết định đánh cược vào chính mình một lần nữa. Và lần này, tôi quyết định phát triển doanh nghiệp coaching của riêng mình.

emagazine image

Lần này, tôi làm mọi thứ rất khác. Thay vì việc ám ảnh vì quá nhiều thứ xung quanh, tôi thực sự tập trung vào việc làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Tôi cố gắng học mọi thứ về việc tự phát triển doanh nghiệp. Sau khi đã đi qua nỗi đau không hề nhỏ của việc làm đúng đam mê nhưng không hề có tài chính, chắc chắn tôi không muốn trải qua nỗi đau này một lần nữa.

Với tư duy rõ ràng hơn về kinh doanh, doanh nghiệp coaching của tôi phát triển nhanh đến mức đáng ngạc nhiên, và mọi người bắt đầu biết đến tôi trong vai trò một người coach về mối quan hệ. Sau 6 năm phát triển doanh nghiệp coaching, đến thời điểm này, tôi làm một business coach – người hỗ trợ cho những coach mới vào nghề để giúp họ phát triển sự nghiệp coaching bền vững. Tôi giúp họ được trả phí để làm điều mình thích, để thay đổi thế giới và có được sự tự do mà họ mong muốn.

Với những người theo đuổi sự nghiệp coaching, tôi tin rằng họ đều khao khát tạo những sự ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của những người xung quanh. Thế nhưng, nếu không có sự vững vàng về tài chính, họ sẽ không thể tạo ra sự ảnh hưởng tích cực đó một cách bền vững. Nếu hết tháng này sang tháng khác, họ vật lộn với cơm áo gạo tiền, thì làm sao họ có thể giúp một người khác thay đổi cuộc đời.

emagazine image

Sau cả thất bại và thành công, tôi tin tưởng rằng, nếu như bạn biết cách để khởi tạo và xây dựng một doanh nghiệp coaching bền vững, bạn sẽ tạo ra sự tác động rất lớn đến suốt phần còn lại của cuộc đời. 6 năm trước tôi đã từng thất bại. Và đến tại thời điểm này, tôi đã xuất bản một cuốn sách, đã đứng trên sân khấu TEDx Talk 3 lần, đã có một cộng đồng lớn những người theo dõi và làm việc với khách hàng tại 15 đất nước khác nhau. Tôi cũng đã và đang giúp nhiều người làm coach bắt đầu doanh nghiệp coaching của riêng mình. Vì vậy, tôi rất vui khi được trò chuyện và chia sẻ những bài học của mình với cộng đồng những người làm coach tại Việt Nam.

emagazine image

Tôi là người cực kỳ nhạy cảm, và cũng là người hướng nội và người có sự thấu cảm cao. Nhiều người coi đây là điểm yếu, nhưng với tôi, những đặc điểm tính cách này đem lại sức mạnh rất lớn trong công việc coaching. 

Khi là một người cực kỳ nhạy cảm, bạn giàu cảm xúc, phản ứng với những điều diễn ra xung quanh mạnh hơn bình thường. Nếu như không biết cách, bạn dễ bị kích thích hoặc choáng ngợp bởi cảm xúc của coachee, bởi những câu chuyện mà họ mang tới. Mặt khác, cũng bởi đặc điểm này, bạn thường là người lắng nghe hiệu quả, là người tạo được không gian an toàn cho người khác. Khi làm coach, bạn không đơn thuần là nghe những điều coachee nói, bạn còn nghe cả những điều họ chưa nói, thông qua ngôn ngữ cơ thể, tông giọng, và cả cảm nhận về năng lượng của họ. Và việc là một người cực kỳ nhạy cảm khiến bạn có thể quan sát và cảm nhận những điều tinh tế như vậy. Nhờ đó, bạn có thêm thông tin để đưa ra những câu hỏi hiệu quả, để cung cấp cho khách hàng những quan sát thú vị mà bạn nhận thấy, giúp khách hàng nhìn thấy những điều mà họ chưa từng biết trước đây.

emagazine image

Chính vì vậy, sự nhạy cảm, khả năng đồng cảm hay sự hướng nội đều là những siêu năng lực đối với những người làm coach. Nếu đôi khi bạn cảm thấy bản thân quá cảm xúc, quá nhạy cảm,…đừng lo lắng, điều này có thể là lợi thế lớn khi bạn làm coach, và bạn có thể thực sự tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.

emagazine image
emagazine image

Vấn đề lớn nhất mà tôi quan sát được là sự nhầm lẫn, bối rối trong cách bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp về coaching. Làm thế nào để sống tốt với nghề coach? Làm thế nào để tạo dựng một sự nghiệp bền vững từ công việc ý nghĩa và nhân văn này? Tất cả có vẻ vẫn rất mơ hồ với những người mới bắt đầu. Và khi có sự mơ hồ, họ hoặc là không làm gì cả, hoặc là họ bắt chước bất cứ điều gì mà những người coach ngoài kia đang làm. Nếu bạn không làm gì cả, bạn chắc chắn sẽ không thu được kết quả. Còn nếu bạn bắt chước những người coach mà bạn ngưỡng mộ, phần lớn trường hợp bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức mà vẫn không hiệu quả.

Giả sử bạn là người mới bắt đầu và bắt chước cách làm của tôi hiện tại, tôi tin rằng mọi nỗ lực của bạn đều không mang lại kết quả. Doanh nghiệp của tôi đã ở một cấp độ hoàn toàn khác. Tôi đã có 10 năm làm kinh doanh, 6 năm trong nghề coach, đã có một đội ngũ 7 nhân sự và mô hình hoạt động này đã đang có mức độ doanh thu rất khác. Những cách làm của tôi tại thời điểm hiện tại, phần lớn đều sẽ không phù hợp giai đoạn phát triển ban đầu của bạn.

emagazine image

Tôi đã thiết kế một lộ trình 4 giai đoạn phát triển doanh nghiệp cho người coach và gọi đó là “Coaching Business GrowthMap” (Bản đồ Phát triển Doanh nghiệp Coaching). Giai đoạn đầu tiên được gọi là Bén rễ (Rooting). 

Điều bạn cần làm trong giai đoạn này không phải là xây dựng một website, không phải là đăng Reels lên Instagram mỗi ngày,… Nếu cứ làm vậy, bạn sẽ lãng phí phần lớn thời gian, không có thêm khách hàng, và liên tục hoài nghi bản thân vì tại sao bạn xuất hiện trên mạng xã hội mỗi ngày mà không ai đăng ký dịch vụ coaching của bạn. Trong giai đoạn mới bắt đầu, bạn không phải làm tất cả những việc đó.

Đây là lúc để bạn thấu hiểu bản thân, thấu hiểu điểm độc đáo của mình và thiết kế dịch vụ coaching của riêng bạn. Bạn cần biết đặt cho mình những câu hỏi đúng, mà tôi cho rằng có 3 câu hỏi “Who” quan trọng nhất. Câu hỏi đầu tiên là: “Bạn là ai?”. Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể nghĩ về những trải nghiệm sâu sắc nhất bạn từng đi qua và cách những trải nghiệm đó định hình con người bạn. Bạn cũng có thể chiêm nghiệm về những thành công lớn nhất bạn từng có, những điều mà bạn mong muốn chia sẻ và hướng dẫn người khác. Câu hỏi thứ hai là: “Bạn đang phục vụ ai?”. Bạn có thể là một người coach chuyên hỗ trợ những người lần đầu làm mẹ, hoặc một người coach về quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ,... Mỗi nhóm đối tượng có một đặc điểm và nhu cầu khác nhau.

Câu hỏi thứ ba là: “Bạn muốn có sự hỗ trợ từ những ai?”. Hãy tin tôi, khi bạn đã lựa chọn con đường này, thành công không phải một sự lựa chọn, mà phải là điều bạn nhất định đạt được. Và chắc chắn, bạn cần sự hỗ trợ phù hợp để đạt được thành công đó. Bạn có thể tìm một business coach để họ giúp bạn xác định đúng hướng đi của doanh nghiệp, bạn cũng nên ở trong một cộng đồng những người cùng lý tưởng để động viên, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng bạn trên suốt cả hành trình. Khi có những sự hỗ trợ phù hợp, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc,... và nhanh chóng tạo sức ảnh hưởng mà bạn mong muốn, đạt được cuộc sống tự do như bạn khao khát.

Để học cách xây dựng sự nghiệp coaching bền vững từ Milena, bạn có thể tham khảo các tài liệu miễn phí: Cẩm Nang 7 Bước Tuyển Khách Hàng Thành Công (“Enrolment Success Blueprint”) và Thư Tình Kinh Doanh Hàng Tuần (“Business Love Letter”).

emagazine image

Quả thực, tôi có rất nhiều phát hiện trong 6 năm vừa rồi. Gần đây, tôi thường suy nghĩ về việc: “Làm thế nào để việc làm một doanh nhân trở thành một cơ hội tuyệt vời để bạn phát triển cả về mặt cảm xúc, tâm trí và tâm linh?”.

Hành trình này chắc chắn sẽ thách thức, đó là lý do bạn cần nhiều sự hỗ trợ. Thế nhưng, nếu như bạn dám dấn thân để trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực coaching, thay vì chỉ coach vì đam mê, tôi tin rằng hành trình này sẽ khiến bạn trưởng thành hơn tất cả những điều bạn từng tưởng tượng.

Rất dễ để tiếp thị, quảng bá, hay bán sản phẩm cho một người khác, đó là lý do rất nhiều người làm cho các công ty, tập đoàn lớn. Thế nhưng, việc khởi tạo sản phẩm dịch vụ của riêng mình dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân, việc kể với cả thế giới câu chuyện về hành trình của riêng bạn, việc yêu cầu ai đó trả tiền để được làm việc cùng bạn,… tất cả những điều này đều khá đáng sợ. Chắc chắn, hành trình này sẽ kích thích nhiều nỗi sợ bên trong bạn: sợ mình không xứng đáng với thành công hiện tại, sợ mình không đủ giỏi, sợ bị từ chối… Thực ra, tất cả những nỗi sợ này đều là tốt. Vì chỉ khi bị kích thích, bạn mới có cơ hội để làm việc với những nỗi sợ đó.

Đó cũng là điều mà tôi thường xuyên “ăn mừng” cùng những coach mà tôi đang làm việc cùng. Chúng tôi không chỉ chúc mừng nhau bởi những thành tựu bên ngoài như số lượng khách hàng họ có, số tiền họ kiếm được, số lượng người theo dõi,… và chúng tôi còn chân thành chúc mừng những thành công từ bên trong, những nỗi sợ họ đã tự giải phóng, những sự yêu thương trân trọng đích thực mà họ dành cho chính mình. Khi họ thực lòng tin tưởng vào giá trị của bản thân, họ tự tin và thực sự toả sáng, họ kết nối sâu sắc với sự trù phú bên trong mình, từ đó xây dựng một sự nghiệp ý nghĩa và đủ đầy.

emagazine image
emagazine image

Gần đây trên blog cá nhân, tôi có viết một bài có tiêu đề “Tôi không đủ giỏi để bắt đầu một doanh nghiệp coaching (Nhưng mặc kệ tôi vẫn làm)” (I Wasn’t Good Enough to Start A Coaching Business (But I Did It Anyway). Tôi đã từng tin rằng, chỉ có một kiểu người nhất đinh là phù hợp để khởi tạo một doanh nghiệp thành công. Và tại thời điểm 6 năm trước, có rất nhiều lý do khiến tôi không bắt đầu. 

Tôi chỉ mới 26 tuổi khi trở thành một người coach. Tôi từng tự hỏi rằng, liệu ai sẽ trả tiền để được coach bởi một người 26 tuổi. Vậy mà, tôi đã từng làm việc với khách hàng lớn tuổi hơn cả mẹ mình. Khi bắt đầu, thậm chí tôi còn chưa chính thức được đào tạo về coaching, mặc dù trước đó có tự học khá nhiều về yoga, tâm lý, phát triển bản thân, life coaching… Sau khi có một vài khách hàng trả phí, tôi mới tham gia một chương trình đào tạo chính thức đầu tiên về coaching. Tôi cũng là một người cực kỳ nhạy cảm, quá cảm xúc, cần rất nhiều thời gian cá nhân, dị ứng với các hoạt động networking, sợ làm việc với các con số, không phải một người kỷ luật… 

Bạn thấy đó, có rất nhiều lý do khiến tôi sợ hãi và không bắt đầu. Và sự thực là tôi vẫn cảm thấy sợ hãi hầu hết trường hợp. Thế nhưng, tôi chấp nhận một điều rằng, nỗi sợ và bản thân tôi có thể sẽ mãi mãi tồn tại cùng nhau. Tôi không thể đợi hết sợ rồi mới làm. Tôi phải học cách làm mọi việc ngay cả khi bản thân còn sợ hãi.

emagazine image

Có rất nhiều lý do khiến tôi thất bại, nhưng sau 6 năm, tôi đã có được một doanh nghiệp coaching có lợi nhuận tốt. Cuộc sống của tôi không hề hoàn hảo như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi có một em bé 2 tuổi mà vừa đêm qua khóc cả đêm vì bị ốm. Ngay tại thời điểm này tôi vẫn còn có những nỗi sợ của riêng mình. Thế nhưng, tôi không thể dành cả cuộc đời để sợ hãi, và bạn cũng vậy. Nếu bạn muốn sống tốt với nghề coach nhưng chưa tự tin để bắt đầu, hãy can đảm để đánh cược vào bản thân, thực hiện từng hành động nhỏ, tìm sự hỗ trợ phù hợp, và bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn hoàn toàn có thể làm được, theo cách của riêng bạn. Tôi đã làm được, và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể làm được.

emagazine image

Đúng, tôi tin rằng kinh doanh là dành cho tất cả mọi người. Tôi từng tin rằng bản thân không thể trở thành một doanh nhân, bởi tôi quá khác với những hình ảnh doanh nhân xuất hiện trên truyền thông báo chí. 

Thế nhưng, hãy bỏ qua những định nghĩa thông thường về kinh doanh. Hãy chỉ cần là chính mình, hiểu rõ bạn là ai, bạn có thể mang lại điều gì cho thế giới, và phát triển doanh nghiệp theo cách của riêng bạn. Tiền bạc chỉ là công cụ, không phải mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng là sự tự do, là việc bạn thực hiện được sứ mệnh của mình một cách bền vững. 

Tôi hay gọi bản thân mình và những người tôi làm việc cùng là “soul-inspired entrepreneur” (những doanh nhân nghe theo tiếng gọi tâm hồn). Quá trình để xây dựng một doanh nghiệp có lợi nhuận, bắt đầu từ việc quay về bên trong, nhận thức rõ những trải nghiệm của bản thân, lắng nghe trái tim và tâm hồn, thay vì nhìn ra bên ngoài xem xu hướng thị trường đang là gì, hay đâu là những cách để kiếm được nhiều tiền nhất.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, bạn hoàn toàn có thể trở thành một doanh nhân thành công, bạn hoàn toàn có thể có một doanh nghiệp lợi nhuận lớn bằng việc lắng nghe tiếng gọi từ bên trong. Trái tim và tâm hồn bạn sẽ cho bạn những sự chỉ dẫn thông tuệ hơn tất cả. Đó cũng là lý do mà tôi thường khẳng định rằng, việc trở thành một doanh nhân là một lực đẩy mạnh mẽ để bạn phát triển cả về cảm xúc, tâm linh và tư duy của mình.

emagazine image

Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nhìn thấy cộng đồng những người làm coach tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Và tôi muốn nói với tất cả các “đồng nghiệp” của mình rằng, Việt Nam cần các bạn. Vì bạn đang học và làm coach, bạn sẽ thấy xung quanh mình ai ai cũng làm coach. Thế nhưng, tôi tin rằng ngoài kia vẫn luôn thiếu những người coach chuyên nghiệp và thực sự biết cách mang lại sự chuyển hoá cho khách hàng. Giữa những khủng hoảng cảm xúc, tinh thần,… trên toàn cầu như hiện tại, thế giới cần những người làm coach hơn bao giờ hết.

emagazine image

Tôi thường so sánh ngành công nghiệp ma tuý bất hợp pháp với ngành coaching. Hiện giờ, ngành công nghiệp ma tuý đang lớn hơn ngành coaching khoảng 20 lần. Khi ai đó gặp khó khăn trong cuộc sống, có thể họ sẽ tìm đến rượu, đến thuốc,… để trốn tránh thực tại. Hoặc, họ có thể tìm đến một người coach để tìm cách giải quyết vấn đề. Ma tuý thì huỷ hoại con người, còn coaching thì có thể thực sự tạo ra những thay đổi đột phá, bền vững cho cuộc đời mỗi người. Vì vậy, cộng đồng những người coach chuyên nghiệp cần phát triển mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, rộng mở hơn. Nếu như bạn quyết định dấn thân vào công việc này, đây là thời điểm tốt nhất để bắt đầu. Coaching thực sự có thể giúp bạn tạo nên một cuộc đời ý nghĩa, bền vững và trù phú, chỉ cần bạn đủ đam mê và có phương pháp phù hợp. Rất nhiều người ngoài kia đang cần các bạn!

Cảm ơn Milena vì những chia sẻ đầy cảm hứng. Chúc bạn luôn toả sáng và giúp nhiều người toả sáng!

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0393508397 (Ms. Trang Đinh) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa