Nhìn Dustin Phúc Nguyễn trên mạng xã hội những ngày này - rất dễ để người xem rơi vào 2 trạng thái: Tủm tỉm cười vì sự dễ thương của một cặp đôi đang yêu, hoặc ghen tị điên lên cũng vì sự quấn quít của một cặp đôi đồng điệu. Bước ra khỏi một mối quan hệ kéo dài 8 năm, Dustin không chỉ học được cách yêu lại bản thân mình, mà còn học cách làm lành với những đổ vỡ bên trong, để mở lòng yêu thêm cả một người mới một cách trọn vẹn.
Chia tay một mối quan hệ dài luôn khiến người ta tự hoài nghi và đặt câu hỏi về bản thân mình rất nhiều, Dustin thì sao?
Quãng thời gian sau chia tay, tôi đặt câu hỏi cho mình hàng ngày, và cũng tự an ủi mình hàng ngày. Thời điểm chia tay, tôi không bao giờ hỏi lý do mà hoàn toàn chấp nhận lời chia tay cùng những tháng ngày thất tình đau khổ. Tôi đoán rằng bạn ấy cũng đã trải qua một thời gian dài với những áp lực công việc và tổn thương về mặt tâm lý khi đại dịch đi qua. Mọi thứ tạo nên những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực mà không có lối thoát, trong một phút chốc bạn ấy cảm thấy không thể gồng gánh nổi nên quyết định dọn ra ở riêng rồi nói lời chia tay. Mà đó chỉ là tôi đoán vậy.
Cuộc chia tay ấy hẳn để lại trong anh nhiều vết thương và sự đổ vỡ?
Có. Tôi đã mất cả 1 năm để chữa lành và thậm chí quyết định phải độc thân trong suốt 1 năm đấy, không cho phép yêu bất cứ ai. Tôi muốn mình bình tĩnh lại, học cách yêu bản thân và không lấy ai làm phao cứu sinh cho chính mình. Ngay cả với người yêu hiện tại, tôi gặp bạn khi thời hạn đó còn chưa kết thúc. Tôi đã chia sẻ về cột mốc này và hỏi bạn liệu có thể chờ đợi tôi được không? Và bạn đã đồng ý.
Sau khi chia tay, người ta thường trải qua nhiều giai đoạn như: Đau khổ, chữa lành, sẵn sàng bước ra nỗi đau và sống tiếp. Vậy việc đầu tiên Dustin đã làm sau khi kết thúc chuỗi ngày thất tình của mình là gì?
Thật ra khi đó tôi vẫn rất rụt rè, vẫn chưa dám mở lòng vì tổn thương vẫn còn đó. Tôi bước ra ngoài, đi du lịch nhiều hơn, mỗi tháng thường đi getaway một lần với cả bạn bè và cả bạn người yêu hiện tại nữa. Tôi bắt đầu chú ý đến việc bớt sử dụng điện thoại trong những lúc đi chung và dành thời gian đấy để quan sát người đối diện, tự xem liệu mình đã sẵn sàng bước chân vào một mối quan hệ mới chưa? Ngày còn trẻ, tôi thường vụt qua những khoảnh khắc như vậy, không quan sát mà… nhào vô liền.
Việc quyết định bỏ điện thoại xuống và chú tâm quan sát, lắng nghe người đối diện hình như cũng là một dấu hiệu nói cho ta biết: Hình như đây là người.. đúng.
Khi ta bỏ điện thoại xuống, bỗng trước mắt có biết bao thứ để tò mò và quan sát về người đối diện. Trước đây, mỗi người thường giam mình trong thế giới riêng với chiếc điện thoại, sự tập trung không dồn vào người mà mình yêu thương. Đâu đó chúng ta tự cô lập mình với nhau. Vậy nên bài học tôi đã rút ra khi hết thất tình, đó là: Khi thấy một người nào đó, hãy dành hết thời gian để ở bên và thật sự tìm hiểu về họ.
Vậy sau khi kết thúc một mối quan hệ dài đến vậy, anh tìm kiếm điều gì ở mối quan hệ tiếp theo?
Chúng ta luôn có một danh sách những điều thích và không thích ở một người, phải không? Lần này, tôi quyết tâm phải bám lấy danh sách đó, dù biết rằng đôi khi rất khó để tìm được một người như vậy. Sau nhiều đổ vỡ với nhiều lần mù quáng đâm đầu, tôi quyết tâm phải tỉnh táo, phải rà lại danh sách của mình xem liệu người này có những đặc điểm tính cách mà mình không thích hay thậm chí cấm kị? Nếu có, tôi sẵn sàng lùi lại. Độc thân cũng được, đâu có vội. Bởi nếu đi sai một lần nữa sẽ lại thêm một lần đổ vỡ. Tôi là người đã yêu là sẽ xác định yêu trọn đời chứ không có thời hạn. Mối tình 8 năm chính là một minh chứng của thời gian, và thậm chí tôi còn không có ý định chia tay khi đó nữa.
Người mới này đã chạm được bao nhiêu vào những gạch đầu dòng anh đưa ra trong danh sách của mình?
Bất ngờ lại có rất nhiều thứ hợp với nhau mà tôi không chủ động tìm kiếm. Bạn ấy là một người rất thích thể thao, tôi cũng vậy. Bạn ấy rất yêu động vật và rất nuôi chó. Thú vị nữa, bạn ấy là một người ăn chay trường, không phải vì lý do tín ngưỡng gì đặc biệt mà chỉ bởi muốn thử thách bản thân và vì bạn cảm thấy không cần ăn thịt.
Đó là về thói quen và nếp sống, còn về tư duy và suy nghĩ, bạn ấy là một người độc lập trong cuộc sống và cả tình yêu. Chúng ta thường hay nhõng nhẽo với người yêu, mong muốn họ dỗ dành và luôn có mặt ở đấy để cùng ta giải quyết vấn đề, phải không? Bạn ấy thì không. Bạn thường để cho hai đứa có không gian riêng. Mỗi khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống, tôi thường hỏi: “Em cảm thấy thế nào?”. Bạn sẽ không trả lời mà nói muốn giữ cho riêng mình biết, tự giải quyết và vui vẻ trở lại. Sự độc lập ấy khiến bạn luôn vững vàng, tỉnh táo để đứng lên trong mọi hoàn cảnh - và đó là điều khiến tôi rất thích.
Ngoài ra, bạn ấy cũng là một người nói là làm, làm nghiêm túc và chuẩn chỉnh luôn! Bạn cũng rất quan tâm và có một mối quan hệ bền chặt với gia đinh. Ngày nào cũng gọi Facetime cho mẹ và anh em ở bên Mỹ!
Thời gian đầu mới… để ý nhau, điều gì ở người yêu mới này khiến anh quyết định sẽ mở lòng và tìm hiểu?
Có chứ! Trước giờ bạn ấy vốn là người chỉ có bạn bè thôi, chưa từng yêu ai và cũng không bao giờ nhắc tới người mình có tình cảm. Trong mắt bạn bè, bạn ấy là người luôn an toàn, kín đáo và nghiêm túc. Vậy mà tới khi gặp tôi, bạn chủ động thể hiện tình cảm, thậm chí thường xuyên phát… “cơm chó” cho mọi người xung quanh. Mọi thứ đến tự nhiên và không cưỡng được, bạn bè xung quanh đều bất ngờ trước sự chủ động này. Lúc ấy, mình nhận ra sự rung động của bạn có lẽ đã rất mạnh mẽ.
Liệu có một thời điểm nào mà chính Dustin nhận ra rằng: Ồ, những vết thương ở mối tình cũ đang là rào cản trong mối quan hệ mới này?
Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi này với người tư vấn tâm lý của mình. Tôi hỏi chị ấy: Nếu như gặp người mới, em có nên tiến tới không? Khi đó là khoảng thời gian 1-2 tháng sau chia tay, tinh thần tôi vẫn đang trong trạng thái không ổn định. Chị mới nói: “Không! Em hãy tiếp tục tiến tới đi. Người mới là người mới, người cũ là người cũ. Họ không liên quan đến nhau để em đặt lên bàn cân so sánh.” Câu hỏi đó cũng thể hiện rằng tôi vẫn có những suy nghĩ sợ mình sẽ vô thức so sánh người cũ và người mới. Nhưng nhờ câu trả lời đó, tôi mở lòng với người mới cả về những tổn thương tôi đang có, để họ hiểu rằng mình không cố ý so sánh mà chỉ bởi mình vừa trải qua một cuộc đổ vỡ, và mình vẫn đang chữa lành. Tôi nghĩ, ai cũng cần có sự thẳng thắn đó, để cho đối phương hiểu rằng mình có cảm tình với họ nhưng mình vẫn có những góc khuất đấy! Đã có những người… ghost tôi về sự cởi mở này, họ không sẵn sàng để đón nhận những cảm xúc phức tạp như vậy. Nhưng người mới này đã cảm ơn vì tôi chịu cởi mở cho bạn thấy những vết thương lòng, bạn đã dám bước vào và can đảm để chờ đợi.
Vậy ta nên đến với một người mới khi đã chữa lành xong xuôi, hay chấp nhận có một người ở bên cạnh để cùng ta vượt qua giai đoạn ấy?
Có lẽ điều này phụ thuộc rất nhiều ở duyên số. Nhưng tôi nghĩ ta vẫn luôn cần sự cởi mở, đừng ngại nói có với những cơ hội mới nhưng hãy thành thật để người kia có một tâm thế phù hợp. Tình yêu đến thì ta phải đón nhận chứ! Ai cũng muốn được yêu mà, vậy nên đừng từ chối những cơ hội! Chỉ là hãy thêm điều kiện rằng chính mình cũng cần phải thành thật với những gì vẫn đang quặn đau bên trong mình thôi!
Nếu có một bài học mà sự đổ vỡ dạy cho anh, đó là gì? Và anh đã áp dụng bài học đấy vào tình yêu như thế nào?
Đó là việc ta cần học yêu bản thân. Trước đây, tôi chỉ nói về việc yêu bản thân thôi chứ không hiểu thế nào là yêu bản thân thật sự. Cho tới khi người tôi yêu rời bỏ và tôi chỉ còn lại một mình, tôi mới thấy rằng thời gian của mình trống hoác, bản thân thì bệ rạc, mọi thứ đều đi xuống. Tôi cảm thấy rất rõ hồi chuông báo động về việc mình cần setup lại cuộc sống, phải quay lại việc tập tành, ăn uống và thậm chí là đi học diễn xuất. Tôi nhận ra: Yêu bản thân không phải là chiều chuộng mà là một hành trình phát triển bản thân. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ dám đi học diễn xuất, dẫu đây là một trong những ước mơ lớn nhất của mình. Khi chia tay, tôi hiểu rằng nếu mình yêu điều gì thì hãy làm nó ngay!
Trong tình yêu mới, tôi và bạn ấy đều là những người yêu thể thao. Bạn ấy không phải một vận động viên chuyên nghiệp nhưng thậm chí đã đi thi đấu rồi cơ đấy! Chứng kiến bạn ấy chấn thương, đau đớn,... tôi vui vẻ để yên, bởi tôi hiểu rằng đấy là cách bạn đang yêu bản thân của bạn, cũng giống như bạn luôn cho tôi không gian và thời gian để làm những thứ mình thích. Hãy để đối phương yêu thương bản thân của họ theo cách họ muốn, và họ cũng sẽ để mình yêu bản thân theo cách mình nghĩ nó nên là.
Tôi cũng nhận thấy sự trưởng thành của mình qua nhiều năm. Trải qua đổ vỡ và cả những năm tuổi đời, tôi thấy mình bình tĩnh hơn. Hôm trước, tôi có gặp Suboi trong một buổi chụp hình nọ, Suboi nói rằng dạo này nhìn tôi bình tĩnh đi nhiều. Tôi thì thấy mình vẫn còn … xồn xồn trong lòng lắm, vậy mà người ta lại thấy mình chững chạc. Tôi cũng nhận ra mình dành trọn vẹn thời gian ở cạnh mọi người hơn, khi nói chuyện thì có thể nhìn thẳng vào mắt họ. Người yêu hiện tại của tôi nói rằng bạn ấy tìm kiếm một người có thể ngồi hàng giờ, hàng ngày mà không cần nói chuyện, chỉ cần nhìn nhau một ánh mắt là đủ hiểu người kia muốn nói gì.
Vậy yêu nhau một thời gian rồi, hai người có một cái rule nào đấy trong mối quan hệ của mình không?
Có chứ. Lúc mới quen, tôi và bạn ấy đã cùng nhau ngồi chơi mấy lá bài tâm lý. Vốn là host của các talkshow, vậy nên tôi hay… gài. Những lá bài bắt mỗi người phải trả lời rằng mình thích gì hay không thích gì, muốn người kia làm gì khi thấy mình giận,... từ đó, những cái luật nhỏ được đặt ra để cả hai cùng hiểu với nhau và thực hành trong mối quan hệ. Ví dụ, với Dustin, mỗi khi buồn thì chỉ cần bạn ấy ngồi kế bên và chẳng nói gì là được. Còn với bạn ấy, bạn ấy lại mong khi thấy bạn trong một cuộc cãi vã với bất kỳ ai - hãy bênh bạn ấy đã rồi kéo bạn ấy đi về. Đừng phản bác và cũng đừng để bạn ấy lún sâu vào những cuộc cãi vã. Chỉ vậy thôi là đủ.
Cảm ơn Dustin về buổi trò chuyện này và chúc anh có một tình yêu thật hạnh phúc!