emagazine image
emagazine image

Với số đông, Dương Mai Việt Anh không phải là một cái tên nổi tiếng, dù trong nghề, cậu cũng đã nhận được rất nhiều sự chú ý sau loạt chương trình nhạc hội ấn tượng cho VP Bank, Lazada hay Shopee… Sinh năm 1994, Việt Anh từng theo học tại Học viện Báo chí Tuyên truyền. Không xuất thân từ một gia đình nghệ thuật, “mà cũng chẳng có máu nghệ thuật trong người”, hành trình để chàng trai sinh năm 1994 trở thành tổng đạo diễn của hàng loạt chương trình lớn hoàn toàn là nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực học hỏi từng ngày và đi lên từ những vị trí nhỏ nhất. Đó là lý do mà chúng tôi nghĩ, Việt Anh rất phù hợp để trở thành nhân vật của #Backstage lần này, để cậu không chỉ kể cho chúng ta nghe về công việc thú vị của mình, mà cũng truyền thêm cảm hứng cho chúng ta dám mơ lớn và làm việc hết mình để biến giấc mơ thành hiện thực.


Thật ra mọi thứ đến từ một khoảnh khắc thôi. Đó là ngày 2/8/2015 (tôi nhớ rõ lắm, ngày đặc biệt mà). Khi đó, tôi làm chương trình lễ trao giải “Búp sen vàng” ngoài Hà Nội. Hồi đó tôi còn chẳng biết chính xác đạo diễn phải làm công việc gì. Chỉ là lúc đó, tôi mang danh đó, lên sân khấu “điều”: Người này đứng đây, người này đứng kia, anh cho đèn vào đây, đoạn này diễn thế này… Chỉ trong 5s thôi, khi đứng trên sân khấu và chỉ đạo, tôi cảm thấy adrenaline chảy ngập tràn trong máu. Và sự thăng hoa ấy chính là thứ tôi theo đuổi cho đến tận bây giờ.


Trước đây, mọi người hay thấy tôi đi làm sự kiện, rồi chụp hình, hồi sinh viên còn đi làm phim, content marketing nữa. Tôi thử rất nhiều thứ nhưng chưa thấy mình hợp với điều gì. Chỉ một khoảnh khắc đó thôi, trong tôi như sáng rõ: “Ok! Đây là thứ mình muốn làm!”. Mặc dù lúc đấy chẳng biết làm đạo diễn là phải làm gìi. Nhưng khoảnh khắc đó khiến tôi hiểu rằng, sự thăng hoa trong chốc lát kia là thứ mình kiếm tìm trong công việc.


Đó là một hành trình dài.


Ở Việt Nam, ngành đạo diễn sân khấu không có một trường lớp đào tạo bài bản. Dù trong các trường Sân Khấu Điện Ảnh đều có lớp, nhưng tôi nghĩ đó là sự đào tạo đủ cho mọi người có thể làm việc trong môi trường hiện tại, nó nghiêng về học thuật nhiều hơn và hơi khó áp dụng thực tế. Để đi đến ngày hôm nay, với tôi là nhờ 100% kinh nghiệm. Kinh nghiệm đó đến từ việc tôi đã tự lăn xả và theo đuổi công việc này. Ngày xưa, khi chẳng có gì trong tay ngoài khát khao muốn học hỏi, tôi đi add Facebook người này, người kia, xin đi theo để học và trải nghiệm. Bất cứ khi nào có cơ hội tôi đều có gắng nắm lấy và dành tâm huyết để làm hết sức trong vị trí của mình. Nhờ đó, tôi có thêm rất nhiều bài học.


Từ lúc nhận ra mình muốn trở thành đạo diễn sân khấu, nơi làm việc đầu tiên của tôi là ở “Ionah Show” ngoài Hà Nội, đó là một vở diễn trong nhà hát. Tôi được gặp anh Phạm Hoàng Nam, và lần đầu tiên tôi mới biết rằng có người đạo diễn như vậy. Vì thần tượng anh Nam, tôi càng quyết tâm theo đuổi công việc này. Sau khi vào Sài Gòn, tôi lại đi theo và học hỏi anh Long Kan trong 3 năm và thu về cho mình rất nhiều kinh nghiệm.


Tôi nghĩ, để làm công việc này, quan trọng nhất là kinh nghiệm và sự quan sát của bản thân mỗi người. Để làm một sân khấu, một chương trình, một tiết mục tốt, thì cái cảm nhận về sân khấu là điều quan trọng nhất. Khi nghe một đoạn nhạc, ta biết rằng sân khấu phải diễn ra thế nào. Trong khoảnh khắc đó, thứ gì mình muốn tạo ra? Ví dụ như tiết mục mở màn đi, khi đèn sáng lên, chiếu ngược vào khán giả và tạo nên sự phấn khích - đó là cái ta hình dung ra, vậy thì công việc của người đạo diễn là làm sao để tạo được những khoảnh khắc như vậy. Và cái tư duy đó sẽ đến rất nhiều từ kinh nghiệm, rằng ta biết đoạn này ta nên làm thế nào để đưa cảm xúc khán giả đi đến đâu.

emagazine image


Vâng, và còn cả sự tích lũy và bền bỉ của mình mỗi ngày nữa chị à. Mọi người hay khen rằng tôi có thẩm mỹ tốt vì tôi làm visual đẹp. Nhưng để có những visual đẹp đấy không bộc phát một cách tự nhiên, đó là cả một quá trình. Suốt từ năm 2015 đến nay, 7 năm liền tôi cứ âm thầm tích lũy. Ngày nào tôi cũng xem rất nhiều và cứ thấy gì hay là lưu lại. Đó là một thói quen liên tục và đến một ngày, mọi thứ trở thành cái vốn của riêng mình.


Ngày trước, nền tảng của tôi không nằm ở thiết kế đồ họa, tôi cũng không học vẽ, gia đình tôi chẳng có ai làm nghệ thuật - tôi là một người mới hoàn toàn ở lĩnh vực này. Tôi chưa từng nghĩ mình là người có thẩm mỹ tốt, nhưng khi quá trình tích lũy đủ, tôi nhận ra đây là việc mình có thể làm. Khi nghe một bài hát, trong tôi những hình ảnh bắt đầu hiện ra, cộng với kinh nghiệm - tôi hình dung được mình sẽ phải làm gì. Từ ý tưởng về một bầu trời sao chẳng hạn, tôi sẽ biết mình cần làm một bầu trời sao như thế nào cho phù hợp với chương trình và bài hát này.


Tôi nghĩ một người tổng đạo diễn sân khấu cũng giống như một người đầu bếp trên sân khấu, ta cần kết hợp mọi yếu tố với nhau một cách hài hòa và có ý đồ. Cũng là một chương trình với visual thẩm mỹ, ánh sáng đẹp, âm thanh hay, vũ công tốt,... nhưng nếu không có sự sắp xếp hài hòa, mọi thứ sẽ xung đột với nhau và không có tổng thể rõ ràng. Công việc của người đạo diễn là phải sắp xếp mọi thứ trở nên hài hòa, tạo ra cảnh trí và thông điệp. Có lúc, người ca sĩ sẽ là nhân vật chính, background là thứ tôn họ lên. Nhưng cũng có lúc, người ca sĩ sẽ đóng vai trò là người kể chuyện, dẫn dắt thông điệp ta muốn truyền tải thông qua màn hình hoặc cặp vũ công.


Khoảng 1 năm trở lại đây, tôi mới nhận thức được điều này một cách rõ ràng hơn. Tổng đạo diễn đúng nghĩa là làm mọi thứ đúng như tầm nhìn mình vẽ ra trong hình dung. Và điều đó đòi hỏi ta phải can thiệp vào tất cả: Từ ý tưởng ban đầu, sau đó là brief với khâu thiết kế sân khấu, biết rằng sân khấu này có công năng gì? Có chiêu trò thay đổi ra sao? Lối ra, lối vào cần đạo cụ thế nào? Rồi đến hệ thống âm thanh, ánh sáng, thiết bị. Sau đó là kịch bản, chọn bài hát nào? Sắp xếp bài, chuyển thế nào, nối bài này với bài kia? Và lại tiếp tục chi tiết hơn: Đi vào từng tiết mục cần visual, ánh sáng và âm nhạc ra sao?


Đương nhiên, tổng đạo diễn không phải tự tay làm hết mọi thứ. Sẽ có những chuyên gia của từng lĩnh vực phối hợp cùng, nhưng trong suốt quá trình tham gia, ta cần tham gia cùng họ để đảm bảo mọi thứ được đúng ý. Chỉ có mình mới biết chính xác được những gì mình muốn, và diễn tả sao cho các cộng sự hiểu ý đồ đó là gì?


Thêm nữa, công việc này liên quan đến brief và feedback rất nhiều. Cùng một show diễn với concept là giấc mơ, mọi thứ không đơn giản như khi ta đưa ra concept để bán cho khách hàng, rằng tôi sẽ làm một chương trình về một giấc mơ đẹp và hạnh phúc. Khi làm việc với các chuyên gia và cộng sự, ta phải nói rõ: Giấc mơ tôi muốn là gì? Nó được thể hiện qua hình thức nào? Ở khúc đầu chương trình sẽ là lúc đi vào giấc ngủ, mọi thứ phải tạo được cảm giác nửa tỉnh nửa mê. Nhưng ở trạng thái thứ 2, khi ta chìm sâu hơn vào giấc mơ - tất cả cần mang đến một không khí khác. Rồi ở trạng thái thứ 3 khi mộng du, trạng thái thứ 4 khi hơi tỉnh một chút - thể hiện như thế nào? Công việc của tôi là phải theo sát tất cả mọi thứ, và can thiệp và mọi công đoạn liên quan.

emagazine image


Cũng đúng. Tôi nghĩ cái tôi làm tốt không chỉ dừng ở các kỹ năng. Mỗi đạo diễn sẽ có một bộ kỹ năng khác nhau. Ví dụ như anh Cao Trung Hiếu có nền tảng là một nhà thiết kế đồ họa, anh cũng từng là nhiếp ảnh gia và sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, vậy nên anh rất giỏi trong việc dàn dựng âm nhạc và những thứ liên quan đến hiệu ứng hình ảnh. Còn anh Nam lại là một nhà quay phim, một đạo diễn âm nhạc và cả điện ảnh, vậy nên với anh, ý tưởng và ánh sáng là những điểm mạnh.


Phần của tôi, đâu đó ngoài những kỹ năng ấy, tôi nghĩ thứ khiến mình tạo ra một sản phẩm tốt chính là việc… ngoại giao. Ngoài câu chuyện với khách hàng thì việc ngoại giao với chính ekip của mình, làm thế nào để truyền cảm hứng cho mọi người - là điều quan trọng. 1 năm trước, khi bắt đầu đi con đường riêng, tôi tự hỏi: Mình giỏi cái này thì rồi cũng sẽ có người làm nó tốt hơn. Vậy thứ khiến mình trở nên khác biệt, mình có thể tạo ra và để lại là gì? Vậy là tôi bắt đầu quan sát và nhận ra rằng, thế mạnh của mình chính là có thể truyền được ngọn lửa cho những người cộng sự, khiến họ háo hức góp ngọn lửa của riêng mình và tạo ra một kết quả bùng nổ cuối cùng.

emagazine image


Thật ra, tôi không gặp nhiều khó khăn khi làm việc với ekip đâu, mọi người đều rất tôn trọng ý kiến của đạo diễn. Khi mình là một người cầu thị và biết lắng nghe, ta sẽ không có vấn đề trong việc trao đổi. Biết chính xác thứ mình muốn là gì, diễn đạt được cho ekip hiểu đúng, mọi người đều hỗ trợ hết mình để hiện thực hóa ý tưởng đó.


Còn nếu mệt thì chắc chỉ là mệt khi nhận những phản hồi và góp ý không có tính chuyên môn. Nhất là khi làm các dự án có khách hàng, đề bài vừa phải A nhưng cũng phải B và cả C nữa. Sẽ có rất nhiều những góp ý và yêu cầu không phù hợp. Cũng khó chịu, thậm chí là cáu nữa chứ. Nhưng do tính cách tôi hiền, lại còn trẻ nữa, vậy nên gặp trường hợp như vậy thì cứ… cố làm tốt thôi. Nếu khách đưa yêu cầu quá khó, tôi sẽ thẳng thắn chia sẻ ngược lại với họ, nhưng cũng đưa kèm thêm giải pháp sao cho hài hòa nhất và có thể đáp ứng được những yêu cầu như vậy. Quan trọng nhất có lẽ là việc phải giải thích rõ ràng và phân tích kỹ với khách hàng để họ hiểu quan điểm của mình. Chắc vì thế nên ai cũng khen tôi bám khách hàng rất tốt. Tôi vừa có sự “thảo mai” của con trai Bắc, vừa có thể ăn nói dịu dàng dễ nghe, giải thích hợp lý, cũng thể hiện cho người ta thấy tinh thần lắng nghe và nỗ lực cùng giải bài toán với họ.


Cũng có những lúc tôi bị mệt, nhưng nó đến từ khối lượng công việc thôi. Cùng một kịch bản, xong ý tưởng tôi sẽ phải brief với ekip, sẽ phải trình bày lại cho các bạn thiết kế sân khấu, rồi đến đạo diễn âm nhạc, tiếp đến là đạo diễn ánh sáng, lần thứ 4 là với người làm visual. Đợt chương trình cho VPBank, tôi bị… sập vì nói nhiều quá, cứ nói đi nói lại, mỗi buổi khoảng 2-3 tiếng. Để đạt được kết quả mình muốn đòi hỏi sự chia sẻ rất sâu chứ không đơn thuần chỉ là gửi file word. Ví dụ: Cùng một định nghĩa “sân khấu hình hộp”, mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau, từng trải nghiệm và đầu óc sẽ cho ra một cách hiểu khác. Vậy nên công việc của tôi là phải diễn đạt sao cho đúng nhất, không chỉ đơn giản nói hình hộp mà phải nói được độ sắc hay bề mặt của nó ra sao.


Tôi nghĩ, nếu muốn sản phẩm đạt chất lượng, công sức ta bỏ ra phải gấp 5-6 lần bình thường. Nếu giao cho một trợ lý đi brief, bạn ấy có thể làm được chính xác nội dung tôi yêu cầu, nhưng đâu thể nói rõ được cái tinh thần mà tôi mong muốn.


Cũng tùy bối cảnh, nhưng tôi sẽ nói không với việc lồng ghép thông điệp hay hình ảnh một cách quá thô bạo.


Lý tưởng là vậy thôi, chứ thật ra nói không… khó lắm. Nhất là trong một thị trường với nhiều lựa chọn như thế này. Tôi thường không nói không hẳn, mà sẽ lái lái một chút. Có một lần, tôi nói không khi thấy bị can thiệp vào tiết mục mà mình rất tâm đắc. Trong đêm nhạc VPBank, tôi có thực hiện visual cho tiết mục của Hoàng Dũng và Mỹ Anh, đó là tranh vẽ bói bài tarot, rồi Tinder, tất cả tạo nên một cái mood rất GenZ đi tìm “real love”. Nó rất mới mẻ, rất màu sắc và ai cũng thấy nó cực kỳ thú vị. Dù vậy, khách hàng lại quen với cái gì đó trang trọng một chút, ngân hàng mà. Họ muốn thay đổi nhưng cuối cùng tôi vẫn giữ quan điểm của mình.


Tôi vốn rất tôn trọng ý kiến của khách hàng, nhất là trong những phần riêng của họ trong chương trình: Mở màn, key moment highlight câu chuyện thương hiệu… Nhưng khi họ can thiệp vào sáng tạo của mình, tôi sẽ gay gắt hơn để bảo vệ concept mình đưa ra.


Thật ra chuyện khách khó tính, tôi không ngại lắm đâu. Sự khó tính sẽ khiến ta phải cố gắng để ra kết quả tốt nhất, đặt mình vào một áp lực căng thẳng. Tôi chỉ sợ khách khó tính mà lại chẳng biết mình muốn gì.


Còn chi phí thấp lại cũng không phải là vấn đề quá lớn. Chỉ là ta chấp nhận cuộc chơi có vậy thôi, chi phí cao thì ta có cơ hội để làm mọi thứ xịn hơn. Chi phí là bài toán công cụ, khi không tối tân thì ta có thể làm sản phẩm tốt về cảm xúc, về hình ảnh… tất cả là sự thông minh trong cách xử lý của bản thân. Điều tôi quan tâm nhất là liệu mình bị can thiệp tới đâu? Mong muốn của khách hàng là gì? Trong quá trình tìm lời giải cho bài toán liệu có tìm được tiếng nói chung?

emagazine image


Số lượng show dưới tên tôi từ trước đến nay thật ra cũng không nhiều, mới chỉ khoảng… chục cái thôi. Tôi nghỉ việc chính của mình từ năm 2021, thế nên show diễn đáng nhớ nhất chắc là show VPBank Light Up vừa rồi.


Vì những show trước đó tôi làm ở quy mô thấp hơn nên tôi có thể tự xử lý được nhiều khâu. Nhưng VPBank Light Up lại khác. Về mặt vĩ mô, show diễn đó là top ở trong ngành, với hơn 15.000 khán giả - một thử thách rất lớn. Đó là lần đầu tiên tôi thử nghiệm những giới hạn của bản thân mình, làm việc với nhiều ekip và chuyên gia khác nhau mà trước đây tôi chưa từng có cơ hội cộng tác. Đó cũng show diễn đáng nhớ bởi agency và khách hàng đặt lòng tin vào tôi và cho tôi cơ hội chủ động quyết định tất cả mọi thứ. Trong suốt 1 tháng trời, từ quá trình lên kế hoạch đến lúc tiền kỳ, sự chủ động của tôi được đẩy lên cao độ. Với show Lazada trước đó, dù cũng là một show có quá trình làm việc vất vả, nhưng agency và khách hàng đều đã có một workflow riêng và nhiệm vụ của tôi là… bơi theo chứ không có tinh thần riêng của mình trong đó.


Show diễn VPBank cũng là một cột mốc với thị trường ở thời điểm đó, lần đầu tiên sau 2 năm Covid-19 có một đại nhạc hội lớn như vậy diễn ra. Trước giờ, mọi người vẫn biết đến tôi với vai trò đạo diễn và đều có sự đánh giá cao, nhưng show diễn đó giống như một lời khẳng định mạnh mẽ - không chỉ với những người trong nghề, mà còn ở chính bản thân tôi. Tôi làm được, và đây mới chỉ là những bước đầu tiên.


Để đánh giá chính xác thì có lẽ tôi cũng… không biết. Nhưng tôi kỳ vọng mình được 50-50.


Bản thân tôi tin rằng mình không phải một nghệ sĩ, tôi cũng chẳng bay bổng và muốn mọi người nhất nhất theo ý mình. Điều tôi muốn là những dự án tôi tham gia sẽ không chỉ của riêng tôi, nó là của tất cả những người đã góp lửa cùng. Tôi muốn mang lại cho cộng sự của mình những giá trị khác: Sự đồng hành và cả sự thăng hoa. Những cảm xúc ấy sẽ là của chung, và mọi người sẽ cùng tự hào với một niềm vui dành cho tất cả.


Để làm được điều đó thì cần nhiều lý trí hơn chị à. Bởi khi đó, ta sẽ không đặt cái tôi lên hàng đầu mà thay vào đó là cái chung. Tôi muốn mình luôn cân bằng được 50-50, bởi với tôi, việc tôn trọng cảm xúc người khác, lắng nghe những ý kiến và quan điểm của họ - quan trọng hơn là chỉ tin vào phán đoán của mình.


Thật ra nó nằm chủ yếu ở quá trình tích lũy.


Gần đây, tôi thấy việc đến đến với mình khá rõ ràng, giống như làm nhiều thì mắt mình tốt lên vậy. Ngày xưa các anh hay nói: “Chất liệu lấy từ mọi nơi trong đời sống”. Bây giờ tôi hiểu chuyện đấy hơn rồi. Tôi thấy ý tưởng có thể đến từ những khoảnh khắc rất đơn giản, từ một câu chuyện mình nghe được, một điều mình thấy được. Hoặc đôi khi chỉ cần ta nhắm mắt và một hình ảnh xuất hiện, biết đâu nó có thể biến thành chất liệu để đưa lên sân khấu? Việc làm mới mình là điều đương nhiên, ta không thể cứ diễn cùng một bài hát trong 2 show với một cách kể y hệt. Theo tôi, cần phải đặt cho mình áp lực không chấp nhận những thứ lặp lại. Với sức ép đấy, ta sẽ chủ động đi tìm những điều mới mẻ hơn để thỏa mãn sự đa dạng mình theo đuổi.


Thứ hai, đó là phải luôn cố gắng duy trì bản thân. Mọi người khen tôi làm visual đẹp, tôi cũng vẫn đang ở trong khoảng sung sức sáng tạo. Nhưng tôi không muốn dừng lại và thấy thỏa mãn với chuyện đó. Kể cả bây giờ tôi có thể tốt hơn ai đó, nhưng với bản thân mình, tôi vẫn muốn phải tốt hơn nữa. Quan trọng là khi ta có cái khát khao và nỗ lực để hoàn thiện, chính nó sẽ là thứ dẫn lỗi cho tất cả chặng đường sau này.

emagazine image


Ý tưởng điên rồ thì có rồi, nhưng thật ra tôi chưa có cơ hội để thử. Ở vị trí của mình, tôi nghĩ sẽ cần phải thêm thật nhiều kinh nghiệm và tiếng nói, thì sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục nhãn hàng hay đơn vị tổ chức bỏ ra hàng trăm triệu để thực hiện những khoảnh khắc như vậy.


Nhưng nếu để kể về một tiết mục thăng hoa nhất, gần với tầm nhìn của tôi về công việc này nhất, là thứ tôi mong muốn được làm ở vị trí này nhất - thì chắc là màn trình diễn của G-Ducky trong “Tiền nhiều để làm gì” trên sân khấu VPBank. Đó là tiết mục tôi tìm được sự thăng hoa, với ý tưởng một con rối người bị đồng tiền chi phối và điều khiển. Tôi đưa mọi thứ vào không gian một gánh xiếc quái dị trình diễn trong một nhà hát, không hề liên quan đến ngân hàng hay các yếu tố branding. Sau khi brief cho nhãn hàng, một vài yếu tố đã được thay đổi để giảm bớt sự ma quái, nhưng mọi thứ còn lại về trang phục, về dàn dựng… đều khiến tôi hài lòng. Đó cũng là tiết mục tôi đã nói không khi khách hàng muốn đưa những visual đồng tiền rơi xuống hay viên kim cương xoay vòng. Một minh họa quá… cơ bản.


Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở lối tư duy của bản thân.


Hãy thẳng thắn để đối diện với sự thật rằng: Việt Nam là đất nước đi sau so với thế giới. Chúng ta mới đang ở giai đoạn khởi đầu thôi nhưng những tài nguyên để khai phá cũng đâu còn nhiều? Trước ta đã có hàng triệu những con người với cái đầu sáng tạo đỉnh cao. Ta đâu thể vĩ đại như các vĩ nhân đi trước? Hãy là người đi sau và thu nạp những gì tinh túy nhất mà mọi người đã làm, từ đó nhặt nhạnh những chất liệu và cảm hứng để sắp xếp chúng lại, điều chỉnh một cách hài hòa và phù hợp. Để nói rằng sáng tạo ra thứ hoàn toàn mới không thì tôi khá tin là… không. Nhưng phần còn lại, bản thân mỗi người có chấp nhận việc sao chép y hệt hay không? Hãy phân biệt rõ là “sao chép” hay “lấy cảm hứng”? Ý niệm đi tìm cảm hứng sẽ rất khác với một người cứ chăm chăm đi bắt chước.


Giống như việc tôi nói lấy một bài hát vốn đã có ý nghĩa, nhưng hiểu được cốt lõi và kể lại theo góc nhìn và ý niệm của mình - mới là điều quan trọng. Trong công việc sáng tạo tôi nghĩ cũng cần như vậy. Chất liệu hay cảm hứng, ta đều có thể thấy trên phim ảnh, âm nhạc. Mỗi thứ sẽ đều có một ngôn ngữ khác nhau, quan trọng là ta nhìn thấy và hiểu bản chất ngôn ngữ mình định sử dụng. Trong show diễn Lazada vừa rồi, ở set của chị Mỹ Tâm, tôi cho chị ngôi giữa những chiếc đèn bàn chớp nháy. Bạn có thể thấy những cảnh này rất quen thuộc trong phim hay trên Pinterest, nhưng để biến thành concept của mình, tôi cho những chiếc đèn nhấp nháy theo nhạc. Cùng một không gian mà bạn có thể thấy trên ảnh, áp dụng vào không gian trình diễn sân khấu, kể chuyện bằng ngôn ngữ của âm nhạc, của ánh sáng - nó sẽ không còn sự sao chép mà là một cảm hứng được nhào nặn thành cái riêng biệt.

emagazine image


Vâng, và trải nghiệm cũng là thứ mà ta phải tích lũy trong một thời gian dài thì mới tự tin nói là mình “chín”.


Chẳng hạn ngày xưa, có lần tôi làm tiết mục bài “Đóa hoa vô thường” của bác Trịnh Công Sơn, tôi làm một visual tranh vẽ rất đẹp với cô gái trong 4 không gian khác nhau. Nhưng nó chỉ… đẹp thôi. Nó không hề có chiều sâu. Tôi nghe đi nghe lại, tự chép lời bài hát ra và đọc từng từ để tìm ra những ẩn ý sâu xa trong đó. Tôi càng cố gắng đào thì càng gặp một bức tường quá lớn mà không cách nào vượt qua. Vậy là tôi chấp nhận rằng mức hiểu của mình chỉ đến lớp vỏ này thôi, và nếu cố gắng đi hỏi người khác thì đó cũng không phải là những trải nghiệm và sự phân tích mà tôi có. Sau này, khi đã trải nghiệm nhiều hơn, đầu óc và tư duy, nhận thức của tôi cao hơn, tôi sẽ quay lại và làm ra những thứ sâu sắc hơn.


Có thể sau này 10 năm nữa, tôi sẽ làm một “Đóa hoa vô thường” với phiên bản rất khác. Có thể sẽ chẳng còn bức tranh, chẳng còn gì cả mà chỉ có ca sĩ trên sân khấu và hát thôi, biết đâu đấy


Chắc là khi chương trình kết thúc, khi mọi cảm xúc dồn nén được bung tỏa, từ sự căng thẳng trong suốt thời gian tiền kỳ, rồi sự vất vả khi mọi người tập chương trình. Sự thăng hoa lúc đó không chỉ của ekip mà còn là cả nghệ sĩ và khán giả, tất cả hòa lại và tạo thành một thứ cảm xúc rất bùng nổ.


Với tôi, đó cũng là thứ trùng với ý niệm tôi muốn tạo ra, là kiểu đạo diễn mà tôi muốn mình trở thành. Niềm vui lớn nhất của tôi mỗi khi chương trình kết thúc, đó là được nhìn thấy mọi người xung quanh, những nghệ sĩ, những cộng sự đã cùng đồng hành với mình được mỉm cười hạnh phúc và nhẹ nhõm. Được nhìn thấy mọi người hân hoan bắt tay và dành cho nhau những chiếc ôm. Tôi không muốn câu chuyện đó là của riêng mình, tôi muốn để lại giá trị cho người khác. Tôi muốn mọi người hiểu rằng đây là thành công chung và ta đều có thể tự hào vì ai cũng đã chung tay góp phần vào sản phẩm này.

emagazine image


Thường xuyên chị à. Đó là cảm giác gần như sau tất cả mọi chương trình tôi đều có. Khi show thành công, mặc dù xung quanh mọi người rất vui nhưng tôi lại là người trầm lặng hơn. Đâu đó có sự hụt hẫng khi tất cả mọi thứ kết thúc và ta bắt đầu hồi tưởng lại toàn bộ quá trình.


Tôi nghĩ trạng thái đó đến từ việc tôi đã dồn hết cảm xúc và suy nghĩ về chương trình của mình. Khi kết thúc, tôi không biết cảm xúc thật sự là gì bởi xung quanh có quá nhiều thứ hỗn loạn. Tôi còn không biết nên chọn điều gì để bám vào? Tôi nên ôm niềm vui trong lòng hay nên hòa cùng với sự hân hoan của mọi người quanh mình?


Nhưng cảm xúc này cũng là một điều rất đặc biệt và tươi mới trong giai đoạn khởi đầu này. Tôi nghĩ, sau này khi dày dặn hơn thì sự trống rỗng này sẽ được nhường chỗ bởi cảm giác bình thản.


Như đã nói, nghề này không có đào tạo bài bản. Ở thị trường hiện tại, người ta sẽ đào tạo nhiều hơn về mặt tổ chức sự kiện thay vì sân khấu. Nhưng đào tạo chính quy lại… không áp dụng được nhiều ngoài thực tế. Vậy nên, dù hơi sáo rỗng nhưng cái lớn nhất mọi người cần vẫn là đam mê và quyết tâm đủ lớn. Bởi khi đã biết mục tiêu và nỗ lực vì nó, bằng mọi cách, ta sẽ tìm ra con đường thôi! Ta sẽ lăn ra ngoài tìm cơ hội, sẽ sẵn sàng bỏ thêm công sức, đánh mất sức khỏe và thời gian cho bản thân, chỉ để đánh đổi bài học và kinh nghiệm, vậy nên chỉ khi xác định đủ quyết tâm thì hãy tiếp tục con đường này.


Tôi cũng đã từng gặp những bạn trẻ tìm đến mình để theo học. Ban đầu tôi thấy rất ổn, giống mình ngay xưa và có tiềm năng cùng thái độ yêu thích. Nhưng khi vào thực tế, bạn lại không thể theo được vì nói rằng công việc này phải OT nhiều quá, bạn mất nhiều thời gian để nghỉ ngơi, để đọc sách… Cái đó không sai, nhưng để theo đuổi công việc này, bạn phải chấp nhận đánh đổi. Nếu muốn đi xa hơn thì không còn đường nào khác ngoài việc chấp nhận lăn xả và không có được những thứ mình muốn. Đó là lúc bạn phải tự hỏi: Do mình thích hình ảnh của công việc này, hay mình thích quá trình để làm công việc này? Vậy nên có những người đam mê và thực hiện được giấc mơ, nhưng có những người thì đam mê cũng chỉ là một ý niệm và dừng lại ở đó.

emagazine image


CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa