Brand Archetype (Hình mẫu thương hiệu) được coi là hình mẫu tưởng tượng dựa trên 12 mong muốn và giá trị chính của con người, đại diện cho những đặc điểm và tính cách của thương hiệu. Ý tưởng đằng sau việc tạo ra nguyên mẫu này là xây dựng câu chuyện về thương hiệu và tạo kết nối cảm xúc với đối tượng khách hàng mục tiêu.
Nguồn gốc của Brand Archetype bắt nguồn từ công việc nghiên cứu của Carl Jung - nhà tâm lý học người Thụy Sĩ. Tại đây, khái niệm Archetype (Hình mẫu) được dùng để mô tả các hình mẫu tư duy tiêu biểu xuất hiện trong tâm trí con người. Các hình mẫu này được coi là những mô hình cốt lõi tồn tại trong tiềm thức và ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Từ đó, Brand Archetype được áp dụng để xây dựng một hình ảnh cụ thể trong mắt người tiêu dùng, tạo dựng liên kết với khách hàng, đồng thời giúp họ luôn nhớ đến thương hiệu một cách nhất quán và dễ dàng hơn.
The Innocent là hình mẫu thể hiện hạnh phúc, lòng tốt, sự lạc quan, an toàn, sự lãng mạn và tuổi trẻ. Theo đuổi hình mẫu The Innocent sẽ mang đến thông điệp về những mặt tích cực trong cuộc sống, tạo cảm giác tươi mới và sự tận hưởng cho người xem. Coca Cola chính là một trong những đại diện tiêu biểu của The Innocent.
Lựa chọn sắc đỏ làm màu chủ đạo cùng với thanh âm đầy sảng khoái khi thưởng thức, thương hiệu đồ uống này đã dễ dàng chinh phục giới trẻ, thống lĩnh thị trường nước ngọt có ga trên toàn cầu. Nhắc đến Coca Cola, hiển nhiên người dùng sẽ nhớ đến những bữa ăn đầy ắp niềm vui và sự hào hứng - đó chính là hình ảnh nổi bật nhất của The Innocent.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Dove, Nintendo Wii
Đúng như tên gọi, The Sage mở ra một vùng trời kiến thức và trí tuệ, từ đó sánh vai cùng khách hàng như một nhà cố vấn thực thụ. Các thương hiệu mang hình mẫu này thường nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng, nhất là khi họ mang đến những trải nghiệm về mặt kiến thức đầy thông thái mà không phải thương hiệu nào cũng có được.
Nhìn vào Google, hiển nhiên ai cũng sử dụng trang web này để tra cứu thông tin, đó chính là The Sage. Người dùng tin tưởng vào lượng kiến thức khổng lồ mà Google dễ dàng mang đến sau một vài giây tìm kiếm, đồng thời là vô vàn những tiện ích đi kèm khác tiện lợi và đồng bộ. Tương tự, các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc giáo dục cũng lựa chọn The Sage là hình mẫu thương hiệu hướng đến.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: BBC, TED, Wikipedia
Mang đến những trải nghiệm đầy hào hứng và hồi hộp là những gì The Explorer hướng đến. Chính vì thế, The Explorer là một hình mẫu thích hợp đối với các thương hiệu trong ngành hàng du lịch, thể thao mạo hiểm hoặc những thương hiệu có mong muốn khai phá, dẫn đầu một ngách nhất định nào đó.
The North Face là một trong những ví dụ nổi bật nhất của The Explorer. Là một thương hiệu thời trang thể thao, nhắc đến The North Face - người dùng sẽ ngay lập tức nghĩ đến những ngọn núi cao chót vót cần được chinh phục, những chuyến đi trekking dài hơi mang tính phiêu lưu và trải nghiệm. Chính những định hướng này đã giúp The North Face trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu dành cho dân du lịch mỗi khi nghĩ đến các sản phẩm thể thao.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Jeep, Red Bull, Patagonia
Dễ hiểu hơn, The Outlaw chính là những kẻ nổi loạn với phương châm “Quy tắc sinh ra là để phá vỡ”. Bạn có từng ấn tượng với những thiết kế đầy độc đáo của nhà Diesel? Có từng không ngừng cảm thán trước những phá cách về mặt thời trang mà thương hiệu này tạo ra? Đó chính là một The Outlaw điển hình mà rất nhiều thương hiệu mong muốn được tiên phong. Với hình mẫu này, các thương hiệu sẽ xây dựng hình ảnh có phần cá tính và cá nhân hơn, thường khác biệt với các quy tắc thông thường, từ đó gây ấn tượng với khách hàng bằng chính bản sắc của mình.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Virgin, Harley-Davidson
The Magician là hình mẫu dành cho các thương hiệu mong muốn tạo ra điều gì đó đặc biệt và biến giấc mơ thành hiện thực, giống như phép màu trong những câu chuyện cổ tích. Và Disney chính là một trong những cái tên tiêu biểu theo đuổi hình mẫu này. Tạo ra câu chuyện và nhân vật của riêng mình trong thế giới đầy sắc màu, biến những điều không tưởng trở thành có thể, xây dựng lên hệ giá trị lâu dài của riêng mình - đó là những gì Disney đã tạo ra cùng với hình mẫu The Magician. Đây cũng là sự lựa chọn hoàn hảo cho các ngành hàng liên quan đến giải trí và trẻ em, cùng với dịch vụ làm đẹp.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Dyson
Với sứ mệnh mang đến những điều tốt đẹp hơn, The Hero là hình mẫu tích cực truyền cảm hứng đến khách hàng, nhiệt huyết và đầy dũng cảm. Hình mẫu này sẽ khuyến khích người dùng vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống, xây dựng nguồn động lực và mang đến khát vọng chiến thắng. Nike và slogan “Just do it” chính là một ví dụ điển hình cho hình mẫu này. Luôn mang đến những câu chuyện “vượt khó” đầy nghị lực và quả cảm, Nike đã thành công xây dựng hình ảnh mạnh mẽ và năng động, phù hợp với chính sứ mệnh mà The Hero hướng đến.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Adidas, BMW
Tạo ra những cảm xúc thân mật, truyền cảm hứng về tình yêu, sự lãng mạn và những đam mê nồng cháy, The Lover chính là hình mẫu được nhiều thương hiệu thời trang yêu thích. Cùng với đó, The Lover lựa chọn gắn kết với khách hàng thông qua cảm xúc và sự đồng điệu trong tâm hồn - giống như cách các cặp đôi chạm đến nhau trong tình yêu.
Nhắc đến The Lover phải nhắc đến Victoria’s Secret - một trong những thương hiệu thời trang nội y có sức ảnh hưởng nhiều năm qua. Không phản cảm hay phô trương, Victoria’s Secret tinh tế chạm đến vẻ đẹp của người phụ nữ qua bộ trang phục, khéo léo khoe trọn đường cong đầy quyến rũ của phái đẹp, từ đó chạm đến những cảm xúc thuần túy nhất của con người.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Chanel, Haagen Dazs
Chú hề là một trong những biểu tượng của màu sắc và sự vui vẻ, đó cũng chính là hình mẫu của The Jester. Hình mẫu này sẽ tập trung vào việc tạo ra niềm vui cho khách hàng, mang đến sự thoải mái và óc sáng tạo hài hước, dễ dàng tiếp cận đến đa dạng người dùng. Những viên kẹo socola của nhà M&M’s chính là The Jester điển hình. Đầy màu sắc cùng với hình ảnh mặt cười vui vẻ, M&M’s đã thành công tạo dựng hình mẫu thân thiện, dễ gần, cùng với đó là loạt những câu chuyện hài hước xung quanh những viên kẹo nhỏ, chinh phục mọi khách hàng dù là khó tính nhất.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Old Spice, Ben & Jerry’s
The Everyman hay còn được biết đến với tên gọi The Regular Guy là hình mẫu hướng đến thương hiệu gần gũi, chân thành, dễ dàng mang đến sự đồng cảm với khách hàng. Hãy nhìn vào IKEA - một thương hiệu đồ nội thất/văn phòng có tiếng. Theo đuổi sự tối giản và tiện dụng, IKEA đã trở thành sự lựa chọn cho khách hàng trên toàn cầu khi muốn mua đồ nội thất trong gia đình, phù hợp với mọi phong cách và văn hoá. Sự linh hoạt này của IKEA chính là thành công của hình mẫu The Everyman - bình thường nhưng không tầm thường!
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Walmart, Wendy, eBay
The Caregiver thường được biết đến là hình mẫu của các tổ chức phi chính phủ, hoạt động từ thiện hoặc những thương hiệu dành cho gia đình. Hướng đến sự chăm sóc, bảo vệ và nâng niu, The Caregiver mang đến cảm giác ấm áp, tấm lòng nhân ái và yêu thương đến với người dùng. Dễ nhận thấy nhất chính là thương hiệu Johnson & Johnson dành cho trẻ nhỏ. Mang đến cảm giác êm dịu và an toàn cho da em bé, nhắc đến Johnson & Johnson là nhắc đến The Caregiver điển hình, mang lại cảm giác tựa như người mẹ trong gia đình.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Campbell’s Soup, UNICEF
Nhắc đến The Ruler là nhắc đến những thương hiệu lớn với tổ chức và cách sắp xếp vững mạnh. Đó cũng chính là lý do vì sao The Ruler thường là hình mẫu thương hiệu được các ông lớn trên toàn thế giới hướng đến, đặc biệt là các hãng xe sang và thương hiệu tỷ đô. Microsoft chính là một trong những The Ruler phổ biến mà ai cũng biết đến. Là một trong những tổ chức hàng đầu về công nghệ, Microsoft mang đến cảm giác của sự kiểm soát, trách nhiệm và có tổ chức. Chính những đặc điểm này cũng giúp Microsoft dẫn đầu thị trường trong nhiều thập kỷ qua mà chưa từng có dấu hiệu bị lung lay.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Mercedes-Benz, Rolex
The Creator có lẽ là hình mẫu quen thuộc nhất hiện nay, nhất là khi nền kinh tế sáng tạo ngày càng lên ngôi. Hướng đến mục tiêu lâu dài đi kèm là trí tưởng tượng cùng khả năng sáng tạo ấn tượng, The Creator sẽ giúp thương hiệu đến gần hơn tới các bạn trẻ, dễ dàng tạo ra sự bứt phá hiện nay. Apple chính là một trong những cái tên The Creator nổi bật nhất nhiều thập kỷ qua. Không ngừng tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời đi bền với thế giới của riêng mình, Apple đã mang đến những điều không tưởng, trở thành ông lớn trong ngành điện thoại khiến ai cũng phải kính nể.
Một số thương hiệu khác cùng hình mẫu: Adobe, Meta, Lego
Lựa chọn Brand Archetype cho thương hiệu rõ ràng là điều vô cùng quan trọng. Bởi, không chỉ mang đến hình ảnh cùng giá trị cốt lõi xuyên suốt, các hình mẫu còn tạo ra liên kết giữa khách hàng và thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ bền vững thông qua những điểm chạm chung. Hiểu được Brand Archetype chính là bước tiên quyết để hiểu được tệp khách hàng mục tiêu cũng như chính những insight mà thương hiệu tạo ra.