Nếu để được chọn ra một từ lóng tiêu biểu của GenZ, cà khịa có lẽ sẽ đứng số 1. Cà khịa không hề mang ý nghĩa tiêu cực, hiểu đơn giản, đó là hành động mỉa mai một cách sâu lắng, nhẹ nhàng với đối phương hoặc một chủ thể. Hành động này có nhiều mục đích nhưng quan trọng là phải vui. Vì thế, không khó để bạn có thể nhìn thấy từ lóng “cà khịa” được các bạn trẻ sử dụng khi tụ tập, hội họp. “Cà khịa” đâu đó chính là cách mà các bạn trẻ kết nối với nhau nhiều hơn.
Hẳn bạn sẽ không thể không biết đến 1977 Vlog - nhóm bạn trẻ nổi lên như một hiện tượng vào năm 2019 với hàng loạt những video parody về văn học Việt Nam, họ chính là “cha đẻ” của từ lóng “toang” - được sử dụng gần như trên mọi mặt trận bởi cộng đồng mạng. Xuất hiện ngay ở đâu video Chị Dậu Parody - Kỷ Nguyên Hắc Ám, toang đã ngay lập tức được cộng đồng vay mượn, sử dụng để nói những việc bị hỏng rồi, việc này đổ bể rồi, chết rồi…, nôm na là để diễn tả 1 biến cố nào đó trong cuộc sống. Dù sự việc lớn hay nhỏ, toang vẫn được dùng như một cách nói quá, nói cách điệu cho câu chuyện trở nên ý nghĩa và sinh động hơn. Đặc biệt, trong năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid - 19 cũng được diễn tả một cách hài hước và giảm nhẹ, thay vì “năm nay hỏng rồi” thì câu “năm nay toang rồi” sẽ thú vị và đỡ tiêu cực đi khá nhiều.
Từ năm 2019, tất cả những lý do cho mọi chuyện đều được gom lại bởi ba chữ “nhà bao việc”. Đây là câu nói xuất phát từ lời thoại của nhân vật Thịnh Ngựa (Đỗ Duy Nam đóng) trong phim "Mê Cung" (VTV3). Khi bị thẩm vấn, nhân vật Thịnh Ngựa trả lời một cách ngô nghê rằng "nhà em còn bao việc". Ngay lập tức, câu nói này đã được các bạn trẻ yêu thích và sử dụng rộng rãi. Điểm mấu chốt chính là thái độ rửng rưng, có thể coi là cool ngầu trong ngữ điệu đã khiến các bạn trẻ GenZ - những người có cá tính mạnh, đôi khi là bất cần cảm thấy phù hợp và coi đây là lý do cho mọi việc để “khỏi phải giải thích nhiều”.
Xuất phát từ việc makeup (trang điểm) theo phong cách Hàn Quốc, sương sương là từ lóng đặc biệt được sử dụng bởi các bạn nữ để chỉ những việc thực tế là mất công nhưng được diễn tả nhẹ nhàng. Ví dụ, dù có đang trang điểm thật kỹ, các cô gái vẫn nói rằng “hôm nay chỉ make up sương sương vậy thôi”, với một ngữ điệu vui vẻ và thậm chí là hơi cà khịa. Từ đó, sương sương được cộng đồng mạng yêu thích, tận dụng trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn là makeup (trang điểm). Ví dụ, Tết năm nay chỉ mua bán sương sương vậy thôi là đủ rồi (hàm ý là việc mua bán ít để tiết kiệm hơn).
Đây là động từ thường được sử dụng trong lĩnh vực thể thao và chơi game. Khoảng 2 năm trở lại đây, sự nổi lên của các streamer, game thủ nổi tiếng đã khiến cho từ lóng này trở nên thông dụng hơn bao giờ hết. Nôm na, gáy là một cách diễn đạt khác của việc khoe khoang, thích khẳng định của các bạn trẻ. Có 2 loại khái niệm là gáy sớm và gáy thường. Gáy sớm là từ dùng để cà khịa những ai có tính tự tin quá, khoe khoang, thậm chí là coi thường đối thủ. Ngược lại, gáy thường sẽ xuất hiện sau khi giành được chiến thắng hay thành tích nào đó, lúc đó thì chẳng cần phải hò mà dân tình cũng rủ nhau gáy rồi.
Chỉ là một hành động của gà trống mà cũng có thể sáng tạo ra nhiều những hình thái khác nhau như vậy đủ thấy sự sáng tạo không giới hạn của các bạn trẻ phải không?
Bắt nguồn từ sự việc trọng tài chính người Oman đã từ chối bàn thắng của ĐTQG Việt Nam trong trận đấu với ĐTQG Thái Lan (19/11/2019), cộng đồng mạng Việt Nam đã thể hiện sự phẫn nộ và chế ảnh HLV Park Hang Seo “giận tím người”. Từ đó, cụm từ “giận tím người” được dùng để chế thành rất nhiều hình meme, diễn tả trạng thái bực bội, tức giận mà không làm gì được đến mức tím người, tím mặt. Thực tế, đây là một cách diễn tả cơn giận đáng yêu, có chút hờn dỗi nhẹ cho đối phương hiểu của các bạn trẻ để làm câu chuyện thú vị hơn.
Tuesday là thứ ba, ngầm chỉ là người thứ ba trong các mối quan hệ. Đã qua rồi thời kỳ sử dụng những từ ngữ như “bồ nhí” để nói về nhân vật không mời mà đến này, các bạn trẻ GenZ đã tìm ra một cách gọi mang ngữ điệu sang chảnh, thanh lịch và đầy cà khịa là “Tuesday”. Nếu được chọn đâu là từ lóng thể hiện được rõ thái độ sống hiên ngang, cá tính của GenZ nhất thì có lẽ Tuesday sẽ là lựa chọn hàng đầu.
2020 là một năm thành công của cộng đồng Rap Việt nói chung và rapper Binz nói riêng khi câu nói của Binz trong chương trình Rap Việt - “ơ mây zing, gút chóp em” được cư dân mạng yêu thích và spam mỗi ngày.
Ơ mây zing, gút chóp em - “Amazing, good job em” (Tạm dịch: Thật tuyệt vời, làm tốt lắm em) là lời khen ngợi mà rapper Binz thường xuyên sử dụng trước mỗi màn trình diễn của các thí sinh Rap Việt. Câu nói của Binz đã toát lên sự chân thành, đáng yêu của một rapper tưởng chừng gai góc, vì vậy mà nó đã khơi dậy sự sáng tạo của cộng đồng mạng với hàng loạt các ảnh chế của Binz với câu nói mang thương hiệu cực ngầu. Từ nay, nếu muốn khen ai đó, thay vì “đẹp quá”, “giỏi quá”, hãy nói “Ơ mây zing, gút chóp em”.
Tiếp tục xuất phát từ chương trình Rap Việt, trong tập 13, màn trình diễn “Giàu vì bạn, sang vì vợ” của MCK đã không chỉ đốn tim các khán giả nữ, mà còn làm giàu vốn từ của những người đàn ông có vợ khi muốn thể hiện sự tôn trọng dành cho người phụ nữ của mình. Chữ "mái" ở đây có thể hiểu là cái nóc nhà, hoặc là nói mái (trống - mái, phái yếu), ý nói gia đình nào cũng có người phụ nữ làm trụ cột, đàn ông nếu muốn gia đình hạnh phúc nên tôn trọng và yêu thương vợ - mái nhà của mình. Câu nói tưởng chừng là bông đùa đơn giản nhưng đánh trúng tâm lý của cả 2 phái. Chị em phụ nữ thì luôn muốn chồng tôn trọng, còn cánh đàn ông có thể hợp thức hóa việc sợ vợ một cách hài hước, thậm chí còn có thể dùng rap để đỡ ngại với anh em.
Giả trân là một cụm từ chưa từng có trong từ điển tiếng Việt, thế nhưng chỉ nhờ một video TikTok, cụm từ này lại có tốc độ lan truyền chóng mặt, với ý nghĩa hàm chỉ sự không thật, "vừa nhìn là biết giả" nhưng vẫn cố tình làm như việc đó rất thật. Ngoài ra, "Giả trân" theo nghĩa bóng cũng có thể hiểu là nét sống giả tạo, người hay nói dối và tự dựng lên những câu chuyện không có thật để lừa người khác. Cụm từ này thậm chí còn nổi tiếng hơn nữa khi xuất hiện trong video quảng cáo của Huỳnh Lập và Cano Lê Nhân , trong đó, chị Cano "khen" Huỳnh Lập sửa mũi giả trân. Kể từ đó, rất nhiều cư dân mạng đã học tập và sử dụng cụm từ này như một cách bông đùa, mỉa mai nhẹ nhàng khi có sự việc “giả như thật” nào xảy ra.
Nếu ngày xưa, khi khen một ai đó giỏi ở một lĩnh vực nhất định, chúng ta thường nói “Bạn này giỏi đá bóng lắm”, thế nhưng bây giờ, hãy đổi thành “Người chơi hệ đá bóng” nhé.
Cụm từ “người chơi hệ” chỉ đơn giản là chỉ một điểm xuất chúng hoặc đặc điểm, cá tính nổi trội, không lẫn vào đâu được của ai đó. Cụm từ này có nguồn gốc ở cộng đồng game, nhưng mới thật sự nổi lên khi được sử dụng trong các bài rap phổ biến như Hà Nội Cypher. Cho đến thời điểm này, không khó để thấy được sự phổ biến của cụm “người chơi hệ” với minh chứng rõ rệt là 166 triệu kết quả tìm kiếm trong 0,22 giây trên Google.
Đây là cụm từ đại diện cho sự bùng nổ của TikTok. Vào khoảng giữa năm 2020, trên khắp các mạng xã hội đi đâu người ta cũng dễ dàng nghe thấy câu "Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé", đi kèm với đó là điệu nhảy cầm tay nhau. Sau đó, câu nói này được các cặp đôi hay bạn bè sử dụng triệt để, thể hiện sự vui vẻ, hào hứng khi được gặp nhau. Điều này cũng khá dễ hiểu khi thay vì để mạng xã hội làm khoảng cách giữa người với người xa hơn, thì nhờ những trào lưu có hoạt động xen kẽ như vậy, tất cả đều được nắm tay nhau và nhún nhảy. Hashtag #duataydaynao (đưa tay đây nào) đã thu hút hơn 1 tỷ lượt xem và 90.000 video hưởng ứng trên TikTok, là một kết quả không thể viên mãn hơn đúng không?
Hồi trước, khi muốn khen một ai đó xinh xắn, một món ăn nào rất ngon thì câu cửa miệng sẽ là “đẹp quá”, “xinh quá”, hay “ngon quá”. Thế nhưng, đã là 2020 rồi, tất cả chỉ cần tóm gọn ở 1 từ đó là “Mlem mlem” thôi nhé. Nếu là những người sinh năm 1990 trở về mà nếu không biết cụm từ này thì thật là đáng thiếu sót.
Mlem mlem có lẽ xuất phát từ 1 video về chú mèo con trên IMgur và Reddit vào năm 2015 với hành động lè lưỡi uống nước và tạo ra âm thanh đặc trưng nghe rất giống “Mlem mlem". Sau đó, nhiều người đã sử dụng từ “Mlem mlem” này để chỉ hành động dễ thương của các con vật khi uống nước hay liếm thức ăn. Cho đến nay, cụm từ này đã được sử dụng với nghĩa rộng hơn rất nhiều khi bao hàm cả việc khen ai đó xinh xắn, đáng yêu, hoặc cảm thán khi ăn được một món ngon.
Khoảng đầu năm 2020, cư dân mạng đã dậy sóng với 1 đoạn video ghi lại cuộc cãi vã giữa cặp đôi nam nữ. Cụ thể, nam thanh niên đã phát hiện ra bạn gái có người thứ ba. Để níu kéo bạn trai, cô gái đã ra sức giải thích. Nhưng cuối cùng, vì không còn đủ kiên nhẫn, nam chính đã bực tức quát lên để gọi bạn mình đang đứng chờ gần đó là "Hải, quay xe" với hàm ý kết thúc cuộc nói chuyện và ra về luôn.
Hoàn cảnh ra đời chỉ có vậy, nhưng câu nói “Hải quay xe” với ngữ điệu cực gắt, đã trở thành hot trend một cách nhanh chóng. Câu nói có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, với nhiều hàm ý hài hước hơn là quay đầu xe đúng nghĩa đen. Bỏ bớt tên riêng đi thì cụm từ “quay xe” sẽ mang nghĩa ẩn dụ, dùng để từ chối khéo khi ai đó không muốn làm việc gì hoặc khi bị nhờ vả.
Phiên bản đầy đủ của “Chiếc chiếu mới” chính là “Như là cái chiếu mới mua, anh chưa từng trải”. Có thể dễ dàng hiểu được đây là một câu nói chơi chữ, gán ghép nghĩa của từ "chưa trải" cho cái chiếu mới mua và trải đời. Cách nói này ám chỉ những thanh niên chưa có trải nghiệm, chưa trải sự đời, đôi khi nó còn có phần hơi mỉa mai, châm chọc. Ban đầu, cụm từ này được các streamer sử dụng, sau đó, cùng với sự nổi lên của cộng đồng streamer, cụm từ này cũng được tận dụng rộng rãi, cả với hàm ý mỉa mai lẫn trêu đùa. Nếu trong hội bạn có một đứa nào “ngố tàu” thì đích thị là một “chiếc chiếu mới” rồi.