Được ấp ủ trong suốt một thập kỷ, bộ phim là “đứa con tinh thần” mà đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có ý tưởng, tích lũy và xử lý kịch bản từ thời điểm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Đào, Phở và Piano là tác phẩm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng Công ty Cổ phần Phim truyện I thực hiện với kinh phí sản xuất lên đến 20 tỷ đồng. Phim đã từng nhận giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Đà Lạt vào tháng 11.2023.
Ban đầu, đạo diễn Phi Tiến Sơn nhắm tới một cái tên khác cho phim là Ngày tận hiến. Thế nhưng, Đào, Phở và Piano lại là “danh xưng” cuối cùng được lựa chọn để ra mắt công chúng. Với ba đối tượng chính tạo nên bộ phim đặt gọn gàng trong một cái tên đã tạo ra sự tò mò cho khán giả cũng như sự khác biệt đầy thu hút của một bom tấn điện ảnh lịch sử. Phim tái hiện bối cảnh cận Tết, người dân Thủ đô phải sơ tán lên chiến khu nên những cành đào phải vất vả lắm mới kiếm được. Phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội, và trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, trong một góc phố thường vang lên tiếng piano réo rắt.
Đào, Phở và Piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội với câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến - ngày 17/2/1947, khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đọc thêm: Trấn Thành "xông đất" phòng vé Việt cùng Mai: Ai cũng khao khát một tình yêu!
Được công chiếu tại Rạp chiếu phim Quốc gia, bộ phim không quảng bá rầm rộ nhưng lại gây sốt phòng vé và khiến trang web mua vé bị sập vì lượng truy cập quá tải. Đáng chú ý, sau những suất chiếu ngày 18/2, Đào, Phở và Piano đã “vượt mặt” phim Mai của Trấn Thành xét về tỷ lệ lấp đầy rạp. Trong khi đó, Mai được xem là tác phẩm điện ảnh trăm tỷ thành công nhất của Trấn Thành tính đến thời điểm hiện tại. Được biết, lượng vé của Đào, Phở và Piano trong ngày 19 - 20/2 đã được đặt hết ngay sau khi mở bán (tính riêng Trung tâm Chiếu phim quốc gia).
Thậm chí, ngày 18/2, từ khóa Đào, Phở và Piano lọt top 6 thịnh hành trên danh sách tìm kiếm của Google Trends. Đến sáng ngày 20/2, kênh Thông tin Chính phủ đã chính thức đưa ra tuyên bố “Khuyến khích các đơn vị tham gia phát hành phim Đào, Phở và Piano”. Chỉ sau 30 phút đăng tải, bài viết đã nhận về hơn 8.3K lượt tương tác, trong đó có hơn 600 bình luận và hơn 300 lượt chia sẻ. Hiện tại, đã có thêm cụm rạp Beta chính thức mở vé công chiếu phim Đào, Phở và Piano. Được biết, ngay sau khi có thông tin chính thức về việc chiếu phim phi lợi nhuận, hệ thống Beta đã "thất thủ" vì lượng truy cập quá cao.
Nguyên nhân khiến phim nổi lên như một hiện tượng, bắt nguồn từ những bài review của khán giả đã theo dõi phim. Đào, Phở và Piano đã thành công truyền tải những thông điệp sâu sắc và cảm xúc đặc biệt cho khán giả về một Hà Nội bi tráng, một thời đại dù khốc liệt trần trụi nhưng vẫn đẹp và lãng mạn. Hình ảnh của bộ phim xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội. Các bài đăng tải về bộ phim trên các kênh truyền thông lớn như Insight mất lòng, Đài Phát Thanh, Chuyện của Hà Nội,... thu hút lượng tương tác trung bình lên đến con số 15K lượt.
Phần âm nhạc của phim do nhạc sĩ Trọng Đài đảm nhận. Ông nổi tiếng với những bản nhạc phim gần gũi với cuộc sống đời thường và phản ánh những truân chuyên của kiếp người. Không phải tiếng piano, ca trù mới là điểm nhấn trong phần nhạc của Đào, Phở và Piano.
Bối cảnh được đầu tư cũng giúp phim đem lại hiệu ứng tốt. Trước đây, một số phim Việt về đề tài lịch sử, chiến tranh nhận không ít phản hồi kém tích cực vì bối cảnh sơ sài, thiếu thuyết phục. Mặc dù Đào, Phở và Piano vẫn còn nhiều thiếu sót trong chất lượng kỹ xảo nhưng so với một sản phẩm lịch sử của Việt Nam từ trước đến nay, Đào, Phở và Piano đã thể hiện được dấu hiệu khởi sắc rõ rệt khi bộ phim được bảo chứng bởi sự ủng hộ từ đông đảo công chúng.
Phim cũng quy tụ sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội như: NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu cùng những gương mặt đình đám như diễn viên quen thuộc của phim truyền hình giờ vàng VTV - Doãn Quốc Đam, nam ca sĩ sở hữu trong tay nhiều bản hit - Tuấn Hưng,...
Theo Box Office Vietnam, tính đến 22h ngày 18/2, phim chiếu 11 suất, bán được 1.455 vé. Như vậy, trung bình ở mỗi suất chiếu, phim thu hút khoảng 132 khán giả. Về phần Mai của Trấn Thành, cùng ngày, phim bán được 418.378 vé, trong tổng số 5.048 suất chiếu, trung bình mỗi suất có khoảng 82 - 83 khán giả. Như vậy, tỷ lệ lấp đầy phòng vé của phim của đạo diễn Phạm Tiến Sơn ấn tượng hơn so với Mai. Đào, Phở và Piano đang tiến vào top 10, được dự đoán sẽ ngày một thăng hạng.
Đọc thêm: #Backstage: Nhìn vào bức tranh thị trường điện ảnh Việt Nam
Có thể thấy, mặc dù luồng văn hóa quốc tế đang du nhập mạnh mẽ vào cộng đồng giới trẻ Việt Nam nhưng những giá trị và nội dung về văn hóa truyền thống vẫn được ưu ái. Thực tế cho thấy, cách tiếp cận mới và sự tác động của truyền thông đã khiến văn hóa, hay cụ thể hơn là lịch sử nước nhà ngày càng được chú ý. Nhà tù Hỏa Lò là một minh chứng điển hình. Kênh truyền thông của Nhà tù Hỏa Lò là một “cuộc cách mạng” trong công cuộc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử dân tộc nói chung. Không chỉ có Nhà tù Hỏa Lò, trên TikTok cũng có nhiều nhà sáng tạo nội dung thành công khi khai thác tuyến nội dung về văn học, lịch sử của nước nhà.
Đào, Phở và Piano đã thể hiện được sự quan tâm của một thế hệ trẻ yêu nước tới lịch sử quốc gia khi “cha đẻ” của tác phẩm này đã kết hợp thành công chất lãng mạn dựa trên tài liệu lịch sử. Hình thức truyền đạt, góc độ khai thác mới là công thức giúp các nội dung về văn hóa có cơ hội tiệm cận và gắn bó hơn với các thế hệ sau.
Bên cạnh đó, bộ phim điện ảnh lịch sử này chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà sản xuất, nhiều kênh truyền thông lớn thay đổi quan điểm về định hướng xây dựng nội dung của mình. Đây là một điểm sáng đáng chú ý cho ngành sáng tạo nội dung Việt Nam trong thời điểm mà cơn bão thông tin và sự nhiễu loạn nội dung đang là một vấn đề nhức nhối.